May 5, 2024, 11:32 pm

Ra mắt 3 tập thơ của cố nhà thơ Trần Quang Quý

 

Tới dự buổi lễ ra mắt sách có Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội – nhà thơ Trần Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch Hội – nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội – nhà văn Nguyễn Trí Huân, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn hữu, đồng đội, đồng hương, người thân trong gia đình của cố nhà thơ Trần Quang Quý…

 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu. Ảnh Hoàng Văn Năm

 

Phát biểu tại buổi Lễ, nhà thơ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Tôi biết nhà thơ Trần Quang Quý từ khi ông 30 tuổi, cùng tham gia CLB thơ Thanh Xuân, chúng tôi cùng đi xe đạp, bus tới sinh hoạt tại CLB thơ ấy. Tôi nhớ Trần Quang Quý luôn trăn trở, khao khát, thậm chí bị dày vò bởi thơ ca. Đôi khi vợ ông, nhà văn Y Mùi còn trách yêu rằng ông ấy chẳng quan tâm đến gì khác ngoài thơ. Khi tôi nói chuyện với ông, thì câu chuyện chẳng mấy chốc xoay quanh chủ đề thơ ca, sáng tạo. Ông đã ba lần được giải thưởng của Hội Nhà văn, được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông ra đi để lại một hồ sơ thi ca với những văn bản đẹp nhất. Ông cũng khởi xướng trường phái thơ Namkau mà sau đó nhiều nhà thơ coi như một phương tiện để chuyển tải tâm hồn mình tới công chúng. Ông cũng thể hiện tinh thần sống của người Việt Nam qua một giai đoạn lịch sử, trong dòng chảy thời gian. Ông đã xác lập được căn cước thi ca cho chính mình trong dòng chảy thi ca lịch sử, nồng nàn và tràn trề khát khao…”

Nhà thơ Vũ Quần Phương, thuộc lớp nhà thơ đi trước cũng có những nhận định quan trọng về nhà thơ Trần Quang Quý: “Nhà thơ Trần Quang Quý thuộc lớp nhà thơ phát sinh sau ngày đất nước giải phóng, nhưng là thế hệ dám nhập cuộc, dấn thân sâu sắc. Ông can đảm sáng tạo và dám làm những việc mà tôi không dám làm. Ví dụ tôi chỉ dám làm nhà thơ với những người có đọc thơ. Còn Quý dám làm nhà thơ cả với những người chưa đọc thơ. Ông tạo nên công chúng mới cho chính mình, không chỉ sáng tạo mà còn đào tạo. Quý học tiếng Anh rất nhanh và cũng dấn thân dịch thơ, ông có thể trở thành dịch giả nếu như ông không mất quá sớm. Ông can đảm đi vào thế trận mới và tạo đội ngũ cho mình. Điều đó là hợp thời thế, bởi không chỉ các nhà khoa học nay cần tạo đội ngũ, dựng doanh nghiệp, mà ngay cả các nhà thơ cũng cần tạo đội ngũ, cộng đồng thơ ca, không chờ đợi các tổ chức hay Nhà nước làm giúp cho mình… Văn chương cũng như khoa học ngày nay là sự dấn thân và sáng tạo mạnh mẽ, dám chấp nhận thất bại.”

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu. Ảnh Hoàng Văn Năm

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Nhà thơ Trần Quang Quý từ khi mới viết những bài thơ đầu tiên về quê hương, về cha mẹ năm 1984, đã rất giàu cảm xúc và phát tín hiệu về tài năng tỏa sáng sau này. Cùng với nhà thơ Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, cây bút Trần Quang Quý đã đoạt giải thơ báo Văn Nghệ, trở thành những cái tên được khẳng định, tiêu biểu trong lớp nhà thơ thành công thời kỳ sau chống Mỹ. Quý là người chịu học, sung sức, viết nhiều, ghi dấu ấn sâu sắc.”

 

Đại biểu tham dự buổi lễ chụp hình lưu niệm. Ảnh Thanh Bình

 

Nhà lý luận phê bình Văn Giá nhận xét: “Thơ Namkau do cố nhà thơ Trần Quang Quý khởi xướng đã tạo ảnh hưởng và thu hút nhiều người làm thơ tham gia. Ông là người luôn có ý thức cách tân và đạt được thành công nhất định. Thơ ông thuộc hai thể loại: Thơ giãi bày tình cảm và thơ chiêm nghiệm về nhân thế. Ông thực sự là hình tượng vững chãi trong thơ ca hiện đại.”

KIỀU BÍCH HẬU

Nguồn Van.vn


Có thể bạn quan tâm