May 3, 2024, 10:28 am

"Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ" trong Bản hòa âm đất nước

Sáng ngày 24/ 2, tại Hoàng thành Thăng Long Hà Hội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm thơ "Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 và cũng là lần thứ 2 Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm về Thơ với những chủ đề riêng. Cũng trong năm nay, theo đề nghị của Hội Nhà văn Hàn Quốc, đoàn 10 nhà văn Hàn Quốc do ông Ahn Kwang- suk nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Hàn Quốc dẫn đầu đã sang thăm và tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.

 

Tọa đàm Thơ "Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ"

 

Về phía khách mời có, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương; PGS.TSTrần Khánh  Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương.

Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn  Nguyễn Bình Phương, đồng Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội VHNT Hà Nội cùng các nhà văn, nhà thơ trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam, các Ban chuyên ngành, đại diện các Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, Hải Phòng... tham dự.

 

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ( thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ đoàn nhà thơ Hàn Quốc tại tọa đàm Thơ "Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ"

 

Tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Nhắc đến nhà thơ là nhắc đến diện mạo tâm hồn của nhà thơ ấy qua tác phẩm của họ. Và toàn bộ những diện mạo của những sáng tác ấy chính là bản sắc của nhà thơ. Thông thường, một bài thơ là sự hội tụ của sự thăng hoa cảm xúc ngôn ngữ, nhịp điệu và đôi khi thêm chút gia vị là cái may mắn trời cho. Sự kỳ khu trong hình thành một bài thơ đã là như vậy, còn sự hình thành một nhà thơ thì rất công phu. Và sự khởi đầu ấy chính là quá trình trui rèn để từ bản lĩnh, đi đến tận cùng bản sắc. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng chỉ ra rằng, với một nhà thơ chưa chắc có bản lĩnh đã có được bản sắc giữa bể thi ca vốn được coi là điểm mê dụ nhất của loại hình văn học. Chưa kể trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI), trong một phạm vi hẹp, nhiều cuộc thi trên thế giới đã trao giải thưởng cho tác phẩm có sử dụng AI.

Chính vì vậy, tại tòa đàm này, BTC kỳ vọng, với những góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều, các nhà thơ sẽ đưa ra được những ý kiến, và những kiến giải có giá trị về vấn đề bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ hiện nay

Đặt câu hỏi và trả lời cho câu hỏi, bản lĩnh nhà thơ là gì, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối. Chính nhờ bản lĩnh, tất nhiên là còn nhờ ở tài năng, mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập.

Trong khi nhà thơ nhà thơ Khuất Bình Nguyên đi chuyên sâu vào kỹ thuật làm thơ, để làm nổi bật bản lĩnh nhà thơ, thì ở góc độ nhà văn trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng không dễ để lọc ra gương mặt và bản lĩnh nhà thơ trong bình diện sáng tác văn học hiện nay. Đặc biệt bản lĩnh của nhà thơ kiên định trước những khen chê của báo chí và mạng xã hội. Theo anh nhà thơ không chỉ có sự tự tin mà còn là sự can đảm tự loại bỏ những cái cũ để tiếp nhận cái mới.

Khai thác khía cạnh xã hội trong tác động đến ngòi bút của nhà thơ, nhà Lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Kim Ngọc đã đặt ra vấn đề bản lĩnh xã hội của nhà thơ. Thực ra  bản sắc nhà thơ chính là sự hội tụ của bản lĩnh nghệ thuật, bản lĩnh xã hội. Nhà văn cần có  bản lĩnh xã hội, phải sống và dám đương đầu với đời sống để có được tác phẩm.

Tiếp cận bản sắc và bản lĩnh nhà thơ từ góc nhìn của một nhà thơ miền núi, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ khẳng định, vấn đề cốt yếu nhất, theo tôi, không phải là mối lo thơ DTTS đang mất đi băn sắc văn hóa trong sáng tác của mình, mà là vấn đề, các nhà thơ DTTS sẽ mất đi bản lĩnh, một thứ bản lĩnh có thể giúp cho mỗi nhà thơ DTTS có được bản sắc riêng của mình; bản lĩnh để họ có thể đủ tự tin theo đuổi đến cùng những đam mê, kiên trì đến cùng trên con đường mình đã chọn, trong hành trình tự bộc lộ mình và luôn biết làm mới mình. Cái mà mỗi nhà thơ DTTS cần là cá tính sáng tạo, là tâm thức của nhà thơ trước những vấn đề của xã hội, của cuộc sống, chứ không phải là lối viết “giăng màn quá khứ” để bảo lưu cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng có bản lĩnh mới có bản sắc, người làm thơ không có bản sắc thì chỉ là người làm thơ chứ chưa phải là nhà thơ. Bản sắc phải do rèn luyện mới có và có bản sắc là có tất cả. Bản sắc chính là sự kết tinh, việc gia tăng bản lĩnh, đào sâu tìm tòi tìm ra bản săc cá nhân là con đường tất yếu để nhà văn tự khẳng định mình

Nhà thơ Mai Quỳnh Nam đặt vấn đề bản năng trong sáng tác. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nếu không có năng khiếu thì không thể trở thành một người làm nghệ thuât... Cũng tại tọa đàm nhiều trao đổi xung quanh chủ đề " Từ  bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ"của các nhà thơ tham dự tọa đàm đã diễn ra hết sức sôi nổi và kéo dài trong hơn 2 giờ đồng hồ.

Thay mặt BTC, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã đúc kết lại kết quả của cuộc tọa đàm. Theo nhà phê bình, tọa đàm đã giải quyết được những nội dung đặt ra trước đó. Đó là bàn đến hai lĩnh vực then chốt của sáng tạo thi ca là bản lĩnh và bản sắc. Bản sắc cá nhân có ba cấp độ: cá nhân, cộng đồng và xã hội. Cả ba cái này phải được đúc kết lại trong căn cước của người cầm bút. Đặc biệt trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo tham dự vào sáng tác. Dù siêu việt đến đâu, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ không thể thay thế được sự thổn thức, viết bằng máu huyết của nhà thơ...  Đó chính là bản lĩnh, bản sắc của người cầm bút

PV


Có thể bạn quan tâm