May 2, 2024, 6:48 pm

"Phụ nữ tân văn" và các thể nghiệm văn chương - xã hội của báo chí Việt Nam những thập niên đầu thế kỉ XX

 

TRẦN VĂN TRỌNG
 

1. Vài nét về báo Phụ nữ tân văn (1929 - 1935)

Trước năm 1930, ở Việt Nam có rất ít báo quốc ngữ dành riêng cho nữ giới, mặc dù lúc này tư tưởng canh tân đang phát triển mạnh và vấn đề phụ nữ đã được bàn luận đến nhiều trong xã hội. Đến năm 1918, lần đầu tiên tại Nam Bộ, Việt Nam mới xuất hiện tờ báo dành riêng cho phụ nữ, đó là tờ Nữ giới chung do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - con gái của Nguyễn Đình Chiểu - làm chủ bút. Tuy nhiên tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng thì phải đình bản. Kể từ đó cho đến đầu năm 1929, khi báo Phụ nữ tân văn ra đời tại Sài Gòn, Việt Nam mới lại có một tờ báo riêng dành cho phụ nữ, mở đầu cho một giai đoạn phát triển của dòng báo phụ nữ trong làng báo giới Việt Nam giai đoạn từ 1930 đến 1945.

Phụ nữ tân văn là một tuần báo, số 1 ra mắt tại Sài Gòn vào thứ năm ngày 2/5/1929, và đình bản theo nghị định ngày 20/12/1935 vì tội mạ lị ông Bùi Quang Chiêu về việc ông dính líu mật thiết với nhóm thực dân cá mập Homberg. Tờ báo này không chỉ bàn luận về các vấn đề của phụ nữ, mà nhìn rộng hơn, đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước... Trong gần 6 năm tồn tại (1929 - 1935), Phụ nữ tân văn đã đề xuất nhiều phong trào vận động nữ quyền và giải phóng phụ nữ, khởi xướng phong trào Thơ mới, tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuếch trương các phong trào xã hội, giúp đỡ cho phụ nữ, học sinh và những người nghèo trong xã hội…

Phụ nữ tân văn có cách trình bày gọn gàng, ngoài bìa có hình ba cô gái Trung - Nam - Bắc với câu: Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam. Ngay trong số đầu tiên, Phụ nữ tân văn đã nêu lên mục đích của tờ báo là đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ, vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ tân văn có những mục thường xuyên như sau: 1. Thời sự; 2. Vấn đề giải phóng phụ nữ; 3. Phụ nữ và gia đình (gia chánh); 4. Vệ sinh, khoa học; 5. Đoản thiên tiểu thuyết; 6. Tiểu thuyết; 7. Ngồi lê đôi mách; 8. Nhi đồng.

Phụ trách là Nguyễn Đức Nhuận nhũ danh Cao Thị Khanh, chủ bút là Đào Trinh Nhất. Phụ nữ tân văn là một sự phối hợp giữa các nhà văn ba miền. Báo quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng trên cả nước như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ, Cao Văn Chánh, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Trần Quang Nghiệp, Thiếu Sơn, Vân Đài… nên phần văn chương được đánh giá khá cao.

Phụ nữ tân văn trong 6 năm tồn tại đã cho xuất bản được 273 số đánh số và 2 số Xuân 1932, 1933 không đánh số. Với số lượng như vậy, có thể khái quát nên diện mạo từ đó chỉ ra một số đóng góp nổi bật của báo Phụ nữ tân văn so với báo chí đương thời.

2. Đấu tranh cho nữ quyền

Về vấn đề này trước Phụ nữ tân văn cũng đã có báo lên tiếng, nhưng với Phụ nữ tân văn, đây là chủ đề lớn, thu hút được nhiều cây bút chuyên và không chuyên. Ngay từ số đầu tiên, Phụ nữ tân văn đã đăng bài xã luận “Chương trình của bổn báo” nhằm làm rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Thế thì ngày hôm nay đây, tức là ngày chị em ta từ trong trướng gấm phòng thêu, đánh trống phất cờ ra để phấn đấu cho đoàn thể mình, và phấn đấu cho cả quốc gia xã hội vậy.”(1) Đấu tranh cho nữ quyền, nhưng khác với các cuộc đấu tranh nữ quyền trên thế giới, Phụ nữ tân văn không đòi bình quyền, cũng không đòi tham chánh. Đối với “bình quyền”, Phụ nữ tân văn quan niệm rằng đã là người thì ai cũng như ai, “Tôi không phân biệt nam nữ chi hết, ai cũng là người thì ai cũng như ai, cần chi phải cổ động phụ nữ chủ nghĩa?”(2) Đấu tranh cho nữ quyền, Phụ nữ tân văn kêu gọi phụ nữ phải học rộng, có thế mới giải phóng mình khỏi những ách áp bức, xóa được thói nam tôn nữ ti. Từ những bài xã luận, xã thuyết, ban biên tập bắt tay vào vận động thành lập các trường nữ học dạy bằng chữ quốc ngữ bên cạnh việc dạy tiếng Pháp, biên soạn sách học và phát miễn phí cho phụ nữ, hoặc là bán thật rẻ. Liên tiếp trên các số 33, 34, 35, Phụ nữ tân văn đặt ra vấn đề phổ thông tri thức cho phụ nữ. Trên Phụ nữ tân văn số 33 có viết: “Chị em ta ngày nay, càng nhận biết cái chức trách của mình ở gia đình và ở xã hội là quan hệ bao nhiêu, càng muốn giải phóng cho mình bao nhiêu, thì càng cần phải có phổ thông tri thức mới được.” Còn ở số 34: “Chúng tôi muốn hô hào mở một trường học dạy phổ thông tri thức cho chị em bằng chữ quốc ngữ.” Số 35 đề nghị mở “Phụ nữ khuyến học viện” tại Sài Gòn, mục đích là giúp cho phụ nữ về mặt phổ thông tri thức. Trên Phụ nữ tân văn số 42, Đạm Phương nữ sử giải thích “Vì sao phụ nữ cần phải có học thức rộng?” Phụ nữ tân văn số 118 bàn về việc lập “Phụ nữ ấn thơ quán”, tức là nhà in và nhà xuất bản riêng của phụ nữ, nhằm in sách tốt cho phụ nữ đọc. Trên số 127 kêu gọi: “Khi chưa có Phụ nữ ấn thơ quán phải có Phụ nữ tùng thơ.” Đến số 130, Phụ nữ tân văn lại nhắc tới việc thành lập “Nữ lưu học hội”, nhằm giúp cho chị em phụ nữ có chỗ học để tìm thêm tri thức. Có thể nói Nữ lưu thơ quán Gò Công ở Nam Bộ, Nữ học hội của Trung Bộ đều ra đời trên cơ sở các chủ trương của Phụ nữ tân văn.

Ngoài ra, Phụ nữ tân văn cũng kêu gọi chị em muốn giải phóng mình khỏi những bó buộc, muốn tự chủ phải chủ động về kinh tế. Bởi một trong những nguyên nhân làm cho người đàn bà bị áp chế là không biết tự lập về kinh tế: “Xưa nay chị em ta ở trong xã hội mà bị đàn ông khinh rẻ và áp bưc, là chỉ vì chị em ta không biết tự lập lấy thân, mà sanh ra như là một thứ cây leo, cả đời chỉ ăn bám. Đàn ông, họ cho rằng cái thân chị em mình, miếng ăn manh áo, phải nhờ họ làm ra, sống nhờ thác gởi, đều ở trong tay họ, thành ra họ mới có thể xem thường xem khinh mình được.”

3. Những hoạt động xã hội

Bên cạnh phong trào đấu tranh nữ quyền, Phụ nữ tân văn còn có các hoạt động xã hội rất sôi nổi. Ngay từ những ngày đầu, Phụ nữ tân văn “phất cờ bác ái”, ra lời trung cáo với đồng bào, xin đồng bào hưởng ứng việc lập học bổng cho học sinh nghèo được du học, nhằm đào tạo nhân tài giúp dân, giúp nước. Kết quả là hai học sinh Nguyễn Hiếu và Lê Văn Hai được lãnh học bổng Việt Nam sang Pháp du học. Ngay bản thân vợ chồng chủ báo cũng bỏ tiền ra để giúp đỡ những du học sinh Việt Nam ở Pháp. Phụ nữ tân văn, số 112 (ngày 10/12/1931) kêu gọi “Chị em nên vô Hội Dục Anh”, mà mục đích là giúp đỡ con trẻ nhà nghèo: “Chúng nó cô thân cô thế, không ai săn sóc chăm nom, thì ta phải săn sóc chăm nom. Chúng nó gặp cha mẹ nghèo nàn, cả ngày lo làm ăn vất vả, không nuôi nấng được chúng nó, thì ta phải nuôi nấng. Vì đó mà có Hội Dục Anh của phụ nữ Việt Nam lập ra, mà bữa nay bổn báo giới thiệu cùng chị em và hô hào chị em, nên đem lòng góp sức vào công việc từ thiện nầy cho đông cho mạnh vậy.” Phụ nữ tân văn đã cùng với các nữ lưu trí thức như bà Nguyễn Trung Thu, bà Trịnh Đình Thảo, bà Nguyễn Văn Nhã, bà Nguyễn Háo Ca, bà Cao Thị Cường… vận động được Chính phủ cho phép lập ra ở Nam Kì Hội Dục Anh của phụ nữ Việt Nam (Nghị định chuẩn y ngày 7/11/1931). Trước cảnh đói khổ của dân ta ngày càng nhiều, Phụ nữ tân văn đứng ra tổ chức những bữa cơm miễn phí cho người thiếu hụt…

Bên cạnh những việc làm tiến bộ trên, Phụ nữ tân văn còn có nhiều hoạt động xã hội khác, như tham gia tổ chức ban “Phụ nữ cứu tế” cứu trợ đồng bào nghèo đói. Năm 1932, tổ chức “Hội chợ phụ nữ” (nhằm hỗ trợ tài chính cho Hội Dục Anh) thành công rực rỡ…

Có thể nói, Phụ nữ tân văn là tờ báo đứng hàng đầu bấy giờ về những hoạt động xã hội.

4. Những tư tưởng canh tân đất nước

Phụ nữ tân văn là một trong những tờ báo ở Sài Gòn thời bấy giờ có tư tưởng chống đối nhà cầm quyền. Một đặc điểm nổi bật của Phụ nữ tân văn so với các tờ báo khác là tư tưởng canh tân mạnh mẽ như đề nghị bỏ lạy trong đám cưới, đưa ra những cải cách trong tang chế - cải cách như thế nào cho hai bên nam nữ không có bên nào trọng, bên nào khinh. (Bấy giờ trong việc tang chế, nữ không được bình đẳng với nam, ví dụ như, chồng chết thì vợ để tang ba năm, nhưng vợ chết thì chồng chỉ để tang một năm...)

Về giáo dục, Phụ nữ tân văn đưa ra những tư tưởng mới mẻ. Giáo dục Việt Nam bấy giờ gắn liền với Nho giáo, cha mẹ dạy con kiểu “thương cho roi cho vọt”, học thì học theo kiểu “tầm chương trích cú”... nên Phụ nữ tân văn kêu gọi bỏ cái lối học khoa cử và cha mẹ phải biết xoay nghề cho con, nghĩa là xem con có khiếu và ưa thích môn gì thì luyện sâu cho con môn ấy. Cha mẹ phải xem trọng nhân cách của con cái. “Người làm cha mẹ nên vì nước nhà, vì xã hội mà kính trọng cái nhân cách của con cái”, “Thấy nhiều người đối đãi với con mình tệ quá, giày đạp cái nhân cách chúng nó, chẳng kể ra chi. Như thế mà trông con cho nên người, thật là trái lẽ. Chính mình làm cha mẹ đã đè đầu nó xuống rồi, sao lại còn mong nó ngước mặt lên?”(3) Trong thời buổi bấy giờ, những tư tưởng canh tân của Phụ nữ tân văn là mới, tiến bộ và mang giá trị thời đại. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tờ báo được phát hành rộng rãi với số lượng lớn (khoảng trên dưới 1 vạn bản) khắp trong Nam ngoài Bắc.

5. Đánh dấu cho sự ra đời phong trào Thơ mới

Về lĩnh vực văn chương, có thể nói Phụ nữ tân văn ra đời tương đối muộn so với các tờ Công luận báo, Trung lập báo, Đông Pháp thời báo… khi mà tiểu thuyết, truyện ngắn đã hình thành và phát triển khá mạnh ở Nam Bộ từ trước đó khoảng hơn một thập kỉ. Tuy vậy, từ lâu các nhà nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp của Phụ nữ tân văn cho sự ra đời của phong trào Thơ mới (1932 - 1945). Nhắc đến đây không thể không nhắc đến hai gương mặt tiêu biểu trên Phụ nữ tân văn là Phan Khôi và Nguyễn Thị Kiêm (bút hiệu là Manh Manh nữ sĩ).

Ngày 10/3/1932, trên Phụ nữ tân văn số 122, “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” với bài Tình già của Phan Khôi. Nhiều cuộc tranh luận, bút chiến diễn ra trong cả nước. Phụ nữ tân văn đã đăng tải cả hai luồng ý kiến. Bài thơ Tình già khi ra đời ít được người đọc thích. Nhiều người cho rằng bài thơ dài dòng và không có nguyên tắc. Về hình thức, bài thơ không được gọn, nhưng về nội dung, ý tứ thì rõ ràng, dễ hiểu và thật thà. Chính Phan Khôi cũng nói đó là một lối thơ thử nghiệm, mục đích là đem những tâm tình trong lòng mình mà bày tỏ chứ chẳng theo một niêm luật nào cả. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Kiêm, đại diện phái ủng hộ, đã có buổi diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn tối ngày 26/7/1933 về lối thơ mới. Cô Kiêm phát biểu: “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất, thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác hơn lối xưa nên gọi là thơ mới.”(4) Sau đó trên số báo Xuân 1933, Phụ nữ tân văn đăng bài thơ Viếng phòng vắng của nữ sĩ Manh Manh. Lời thơ phóng túng, ý tưởng mạnh bạo, nhưng không kém phần tao nhã: Gió lọt phòng không/ Tại hơi dông/ Lạnh như đồng/ Ngồi mơ tưởng/ Ngày xưa phất phưởng/ Dấy động tơ lòng…/ Trải qua mấy trăng/ Hỡi nhện giăng/ Với rêu lan/ Tấm vách cũ/ Từ khi người chủ/ Một giấc lặng trang?/ Tan nát vóc xưa/ Dưới mồ mưa/ Sương phủ dập!…/ Đến hồn nàng/ Thôi cũng bặt đàng/ Biết sao được gặp!.../ Gió lọt phòng không/ Tạt hơi dông/ Lạnh như đồng/ Ngồi tơ tưởng/ Tình xưa phất phưởng/ Ấm dịu cả lòng...

Tiếp sau đó, Phụ nữ tân văn đăng nhiều bài thơ mới của nữ sĩ Manh Manh như Lá rụng, Hai cô thiếu nữ, Canh tàn… và nhiều bài thơ của Hồ Văn Hảo như Con nhà thất nghiệp, Tình thâm, Hương nồng… gây tiếng vang lớn trong làng thơ Việt Nam lúc bấy giờ. Công chúng Sài Gòn không chỉ được đọc thơ trên báo mà còn được nghe nhiều buổi diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm.

Phong trào Thơ mới do Phụ nữ tân văn phát động đã gây nên cuộc bút chiến sôi động và kéo dài trên các diễn đàn báo chí từ Nam chí Bắc trong nhiều năm liền mà trước đó chưa từng diễn ra. Thơ mới được khởi xướng ở Sài Gòn trên Phụ nữ tân văn, được các thi sĩ ở ba miền Bắc, Trung, Nam nhiệt tình hưởng ứng và sáng tác ra những bài thơ có tính nghệ thuật cao, dần thuyết phục các nhà thơ theo trường phái cũ. Sau những năm 1930, báo chí ở miền Bắc phát triển vượt trội hơn miền Nam, phong trào Thơ mới chuyển ra đất Bắc và gặt hái được nhiều thành tựu.

Trong 6 năm tồn tại (1929 -1935), mặc dù có những thăng trầm nhất định nhưng báo Phụ nữ tân văn đã đóng góp trên nhiều lĩnh vực như về nữ quyền, về lí tưởng xã hội, về Nho giáo, về giáo dục, “góp phần giác ngộ cho đồng bào thấy rõ số phận của mình mà kiên định lập trường dân tộc và cách mạng”(5)… Bốn đóng góp quan trọng nhất của tờ báo là đấu tranh nữ quyền, những hoạt động xã hội tích cực, những tư tưởng mới về giáo dục nhất là giáo dục phụ nữ và đánh dấu cho sự ra đời của phong trào Thơ mới - “một thời đại trong thi ca” (chữ dùng của Hoài Thanh). Chính vì lẽ đó, Phụ nữ tân văn từ chỗ là tờ báo địa phương (Nam Bộ) trở thành tờ báo của toàn quốc, được độc giả khắp ba miền hoan nghênh.

T.V.T

--------

1. Phụ nữ tân văn, số 1, ngày 2/5/1929, tr.6.

2. “Sự hoạt động của một số tân nữ lưu”, Phụ nữ tân văn, số 217, ngày 21/9/1933, tr.2.

3. “Cha mẹ cũng phải kính trọng nhân cách của con cái”, Phụ nữ tân văn, số 175, ngày 3/11/1932, tr.2.

4. “Bài diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về lối thơ mới”, Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.9.

5. Dẫn theo Lê Minh Quốc, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2009.

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm