May 2, 2024, 1:02 pm

Quê tôi luôn chọn tiếng cười...

Như thường lệ, khoảng thời gian buổi tối, tôi thường dành khoảng một giờ để đi bộ. Làng tôi có nhiều nhóm đi bộ như thế, vào mờ sớm hoặc buổi tối. Ở nông thôn bây giờ có rất nhiều những con đường sạch đẹp.

Chúng tôi thường chọn những con đường đê, đường bao bờ sông, đường nội đồng... hoặc đường trong các khu dân cư để đi. Đường làng ngõ xóm bây giờ rộng rãi, hoa lá nở đầy hai bên lối đi, không gian bình yên trong trẻo… Nếu trời yên gió, chúng tôi sẽ chọn đi con đường sát với bờ sông để cảm nhận được hơi thở của sông, của mặt nước phả lên. Đường bờ sông trải dài qua bốn khu dân cư của xã trong đó, khu dân cư số 9 và10 được gọi bằng tên riêng là làng Hữu Hà, khu 12 gọi là Kinh Châu... Phải mất khá nhiều lần đi dọc con đường bờ sông, tiếp xúc với rất đông người dân Hữu Hà, tôi mới nhận ra một điều khá là thú vị: Hóa ra, hai làng Hữu Hà và Kinh Châu, trước kia thuộc xã Kinh Kệ của huyện Lâm Thao. Năm 1954, xã Mê Linh của huyện Tam Nông đã sáp nhập hai làng đó vào để tiện quản lý. Năm 1964 thì xã Mê Linh đổi tên thành Hương Nộn...

Minh hoạ: Lê Trí Dũng

Người ta kể rằng: Khi làng Hữu Bổ (xã Kinh Kệ, Lâm Thao) dân đông đúc lên, phát hiện ra vùng đất bồi bên phía hữu ngạn sông Hồng rộng rãi thưa người, nên một bộ phận lớn cư dân đã vượt sông sang lập làng, sinh sống. Và hai làng đó giữ lại một phần tên địa danh gốc là Hữu Bổ - Kinh Kệ. Dù Hữu Hà - Kinh Châu giờ đây là một phần quan trọng của Hương Nộn (Tam Nông) trên bản đồ hành chính, nhưng ở khía cạnh văn hóa, họ vẫn đậm chất Hữu Bổ - Kinh Kệ, cái nôi của điệu hát trống quân nổi tiếng ở tỉnh Phú Thọ. Tính cách phóng khoáng, đời sống tinh thần sôi nổi, yêu văn nghệ của họ cũng khác với phần còn lại của Hương Nộn. Hạ Nậu là làng tôi đang sống, giáp với Hữu Hà, chỉ cách một mặt đê lớn. Một cô bảo: Thời đi học, nhóm học sinh Hữu Hà hay chế giễu học sinh Hạ Nậu bằng câu ca “Hữu Hà ăn cá bỏ xương, Hạ Nậu nhặt được kho tương ăn dần”. Câu ca ấy thể hiện hết cái sự khác biệt của những làng trong đê và ngoài đê. Tất nhiên đó là chuyện ngày xưa...

Những đêm hè đầy gió, chúng tôi đi trên đê, chân nhún nhảy theo tiếng nhạc sôi động từ những chiếc loa kéo được chị em các tổ liên gia ngoài Hữu Hà kéo ra đường ngõ và nhà văn hóa để múa hát dân ca, dân vũ. Tôi hỏi cô đi cùng: Sắp có sự kiện gì chăng? Cô bảo: Làng Hữu Hà chuẩn bị đón Bằng công nhận Khu dân cư văn hóa mới. Thảo nào nhà nhà trang hoàng lộng lẫy, người người hớn hở hát múa, ngõ ngõ hoa nở ngát thơm... Hóa ra, bao năm nay, họ chuẩn bị cho cái sự này…

Những ngày cuối tuần, trên đê đầy trẻ em và người già. Bọn trẻ con làng ngoài đê khá là mau miệng. Chúng cứ ríu ran “con chào các bà ạ”… Mỗi lần chào lại bọn trẻ, tôi lại thấy mình trẻ ra một chút. Một hôm, tôi hỏi cô đi cùng: Cô có thấy lạ không, hôm nay, các điểm văn hóa mình đi qua, đều không thấy nhảy dân vũ nữa mà đều hát múa những bài về non nước, thánh thần? Một cô giải đáp ngay: Đúng rồi, hôm nọ khao làng văn hóa thì họ nhảy thế, chứ nay sắp tới khánh thành miếu Hữu Hà, thì múa hát phải nội dung khác chứ! Tôi hỏi miếu thờ ai hả cô? Cô đáp là cái này thì cô không rõ, chỉ biết là miếu này có từ lâu rồi, thiêng lắm! Thế là lượt quay về, tôi đề nghị đi qua ngõ miếu để còn mục sở thị. Đúng là miếu rất to, đối diện ngay Nhà văn hóa khu 9 đang gấp rút tiến độ để khai trương. Một cô gái tầm đôi mươi khá xinh xắn thấy chúng tôi dừng lâu ngắm nghía thì lễ phép hỏi: Các bà, các cô ở xa về thăm làng phải không ạ? Tôi mau miệng: Không, cô ở trong Hạ Nậu thôi, thấy bảo sắp khai trương miếu làng thì ra ngắm. Cô gái cười. Dạ, cháu tưởng các cô bên sông sang. Mai các cô ra sớm nhé. Bảy giờ tối là bắt đầu chương trình giao lưu văn nghệ các khu rồi ạ!

Chúng tôi khấp khởi bảo nhau tối hôm sau phải đi sớm hơn. 19h30’ chúng tôi mới có mặt ở khu miếu Hữu Hà. Người đông như thể dân cả xã tụ về đây để chứng kiến sự kiện này. Trên sân khấu đang là tiết mục múa tập thể, thấy bảo đã là tiết mục thứ năm rồi. Có ba mươi tiết mục cả thảy, được bốc thăm thứ tự biểu diễn. Tôi nghĩ: Tình yêu văn nghệ không ở đâu mạnh mẽ sôi động và tha thiết như vùng đất tôi đang sống. Nhu cầu hát múa, giao lưu văn nghệ và đầu tư cho văn nghệ là cực lớn. Đội văn nghệ các khu dân cư giao lưu với nhau trong rất nhiều dịp quan trọng. Tính từ hội Xuân đầu năm đến hội chùa làng 12 tháng Giêng, đến kỷ niệm ngày thành lập Đảng, đến Quốc tế Phụ nữ, đến ngày thành lập Đoàn thanh niên. Rồi thì mừng Ngày giải phóng miền Nam, rồi sinh nhật Bác Hồ, Quốc tế Thiếu nhi. Rồi tới trại hè, các giải thể thao thiếu niên nhi đồng, Trung thu, Quốc khánh, Phụ nữ Việt Nam, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tết Dương lịch... Và ở quê tôi, các sự kiện văn hóa - chính trị, có lẽ chưa bao giờ phải thuê MC hay ca sĩ, diễn viên về biểu diễn cả. Ngoài các đội văn nghệ ra, khu nào cũng có thêm các đội bóng đá, đội kéo co, đội bóng chuyền, đội bơi chải...

Hội phụ nữ khu tôi có hơn trăm hội viên. Các khu khác cũng thế. Ngày thường, tôi đã không thể nhớ hết mặt các chị ấy. Thì đêm hội, trên sân khấu, ánh đèn lung linh, váy áo lộng lẫy, điểm trang kỹ càng, tôi càng không nhận ra các chị các em. Ai cũng xinh đẹp, hớn hở tươi vui. Có những vở diễn được dựng với kịch bản công phu kỹ lưỡng và chăm chút hình ảnh đến ngạc nhiên. Số người tham dự một tiết mục lên tới năm chục người mà vẫn thấy vừa vặn. Thành phần thì đủ các độ tuổi, từ các cháu mầm non đến các bậc U80. Có những gia đình, cả mẹ chồng - con dâu, mẹ vợ - con rể và các cháu nội-ngoại, trai - gái... đều tham dự. Có những ngõ liên gia, cả đại gia đình là diễn viên. Ban ngày, họ tất bật với ruộng đồng, sông nước, trong nhà máy, xí nghiệp, trên bục giảng, ngoài chợ... nhưng đêm đến, trên sân khấu, họ như lột xác thành những diễn viên chuyên nghiệp khiến khán giả xúc động từ khi họ mới bước ra chào...

Tôi cứ bị những tiết mục văn nghệ và những tràng pháo tay cuốn đi mê mải và từ bao giờ, tôi thấy mình cũng là một phần của cái văn hóa giao lưu ấy. Các đại diện chính quyền, đoàn thể thì có mặt sớm trên hàng ghế đại biểu. Các vị còn chuẩn bị hoa để tặng cho những tiết mục xuất sắc. Rồi thì Chủ tịch xã lên sân khấu hát tình ca. Phó chủ tịch xã mặc quân phục tham gia tiết mục múa tập thể... Dẫu biết cuộc sống xã hội ngày nay còn nhiều gian nan, niềm tin đôi lúc cũng lung lay. Thế nhưng, người dân quê tôi luôn chọn tiếng cười, luôn chọn “giao lưu văn nghệ” để đoàn kết gắn bó và lan tỏa sang nhau những điều đẹp đẽ.

Tản văn của Tống Ngọc Hân

Nguồn Văn nghệ số 4/2024


Có thể bạn quan tâm