April 29, 2024, 5:39 am

Quả hôm nay và hạt của ngày mai

Khép lại năm 2023, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã chốt danh mục giải thưởng, tặng thưởng.

Giải Cống hiến được trao cho hai tác giả đã có những đóng góp xuất sắc cho văn học: nhà thơ Hải Như (1923-2017) và nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011). Giải thưởng Văn học dành cho nhà văn Hoàng Lại Giang với tác phẩm Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo (NXB Chính trị quốc gia). Giải thưởng Văn học thiếu nhi thuộc về tác giả Trung Dũng KQĐ với tập thơ Sài Gòn sót mấy con ve (NXB Kim Đồng). Giải thưởng Văn học trẻ được trao cho tác giả Huỳnh Trọng Khang với tác phẩm Bể trăng côi (NXB Trẻ). Giải thưởng Văn học dịch gọi tên dịch giả J.B (Huỳnh Hữu Phước) với tác phẩm Con gái (NXB Phụ nữ). Hội cũng đã trao Tặng thưởng cho hai tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi (NXB Đà Nẵng) của Thu Trân, Mưa lẻ (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) của Thạch Cương; hai tập thơ Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch (NXB Hội Nhà văn) của Lương Minh Cừ và Thơ mười năm (NXB Hội Nhà văn) của Hoàng Đình Quang, hai tập lí luận phê bình: Đọc thơ bạn (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) của Trần Bảo Định và Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam Bộ (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) của Nguyễn Công Lý.     

               

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT (trái) và nhà văn Bích Ngân, chủ tịch Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh trao Giải thưởng văn học 2023 cho nhà văn Hoàng Lại Giang với bộ truyện ký Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo

 

Sự lựa chọn, vinh danh nào cũng khó toàn vẹn, khó chiều được tất cả sở thích, tình cảm của số đông. Những tác phẩm trên đây cũng không là ngoại lệ. Mục đích và chủ tâm của những người “đãi cát tìm vàng” không ngoài việc chọn được những tác phẩm đại diện cho bức tranh chung của văn học Thành phố trong một năm hoạt động hiệu quả, đa dạng, tạo được nhiều dấu ấn xã hội, qua đó khơi lên niềm tin và trách nhiệm của văn nhân, của công chúng vào con người và hành trình đi tới của đất nước. Điều này cũng là minh chứng cho sự làm việc nghiêm túc, công tâm của các nhà thơ, nhà văn trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố, các Hội đồng chuyên môn…

Trước khi đúc kết những chấm sáng của văn học Thành phố năm 2023, có lẽ cũng cần sơ lược vài nét một số gương mặt vào giải. Hải Như khiến chúng ta quý trọng bởi một đời văn lặng lẽ, thủy chung với quan niệm sáng tác cũ xưa mà luôn luôn mới mẻ, hữu dụng: thơ ca phải có ích cho đời. Thơ của ông đã mang lại những dáng nét riêng cho Thành phố Hải Phòng “lam lũ nhưng sống có chiều sâu”. Là người thành công khi viết về đề tài lãnh tụ, suy nghiệm của tác giả là bài học quý về đặc trưng văn học, về trách nhiệm người viết: “Đừng dệt nhé chuyện thần kì về Bác/ Chữ thần kì, Bác riêng tặng nhân dân”. Với Đỗ Nam Cao, sự thủy chung vô vị lợi với nghiệp chữ dẫu đời riêng còn quá nhiều bất như ý là minh chứng sống động rằng thơ vẫn luôn là trụ đỡ, giúp chữa lành những sang chấn tinh thần của con người giữa trùng vây thế cuộc. Thơ cũng là sợi dây mong manh mà bền chặt níu giữ truyền thống, phục sinh kí ức để con người an hạnh sống, không rơi vào bi kịch lạc trôi quá khứ, để thấy thế giới tinh thần của mình giàu có, thi vị hơn.

Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo là một truyện kí nhân vật được Hoàng Lại Giang dành nhiều tâm huyết tìm kiếm tư liệu và phương pháp thể hiện. Ba tập, tổng cộng 1000 trang, đã phác họa con đường cách mạng từ cậu bé Phan Văn Hòa gieo neo “được lớn lên nhờ bầu sữa của nhiều bà mẹ trong xóm” đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thành công lớn nhất của cuốn sách là đã bình thường hóa một nhân vật lịch sử phi thường bằng câu chữ dung dị, cách kể chuyện lớp lang, cuốn hút của thể loại phi hư cấu. Tác phẩm giúp công chúng quý trọng, cảm phục sự hòa kết giữa hai phẩm tính bình thường và phi thường trong chân dung một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Sài Gòn sót mấy con ve, bằng cái nhìn xanh non con trẻ, tác giả cho người đọc một hạnh phúc bình thường mà không dễ có khi sống giữa ồn ào, xô bồ phố thị: hạnh phúc được sống gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe những thay đổi vi tế của đất trời. Đâu chỉ tiếng ve, còn bao thanh âm kì diệu của Sài thành đang mời gọi nghệ sĩ thấu cảm để thơ nhạc cất lời. Khúc nhạc ve - hay điệu hồn trong trẻo của mỗi con người - chỉ có thể ngân vang một khi ta biết sống toàn tâm toàn tình với “cõi tạm” của mình.

Fille, tiểu thuyết của nhà văn Pháp Camilie Laurens, được dịch giả trẻ J.B (Huỳnh Hữu Phước) chuyển sang Việt ngữ với nhan đề khá bình dị: Con gái. Tác phẩm sinh động hóa hành - trình-người của giới nữ với cái nhìn trân trọng và thấu cảm. Là nam giới, lại chưa nhiều trải nghiệm, nhưng người dịch đã chuyển ngữ khá thành công nội dung, nghệ thuật của nguyên tác bằng văn phong mượt mà, dễ hiểu và dễ cảm. Giải thưởng này là động lực lớn để các bạn trẻ vượt qua ngại ngần, khắc chế nỗi sợ khi đứng trước cánh cửa văn học bởi tình yêu chân thành, mãnh liệt với văn chương sẽ sớm có quả ngọt, sẽ mang lại những nguồn sống quý để tự khẳng định mình. Bể trăng côi của Huỳnh Trọng Khang ám ảnh bởi cái lạnh, cái côi cút của vầng trăng, của thánh nhân truy tầm chân lí ở một thuở vời xa, của thế nhân hoang mang, rúng động giữa dịch bệnh kinh hoàng. Vượt qua hành trình kết nối ảo - thực, quá khứ và hiện tại, truyện giúp người đọc tự tìm được dược liệu chữa lành nỗi đau, mất mát: đó là năng lượng của tình yêu thương, của niềm tin vào thiện lương con người.

Các tác phẩm được trao tặng thưởng năm 2023 là một sự cân nhắc, khó xử của Hội đồng. Khách quan mà nói, đại diện của những hạng mục này cũng có khoảng cách không quá xa trong tương quan với các sáng tác được giải thưởng, cả về nội dung phản ánh lẫn hình thức thể hiện. Nhưng biết làm sao được bởi quy luật bó đũa chọn cột cờ. Đây cũng là một tín hiệu vui cho sự khởi sắc của văn học Thành phố chúng ta.

Người đi tìm bóng núi của Thu Trân mang lại cho người đọc khoái cảm của sự tỉnh thức trên mê lộ truy tìm lời giải về số phận, về hạnh phúc trần thế. Lối viết giả chương hồi vừa truyền thống vừa tân kì đưa chúng ta qua 13 bờ mê bến thực để rồi bừng ngộ: chính sự tri túc, năng lực tự điều chỉnh sẽ giúp con người an hạnh sống, thay đổi được phận số bởi “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Thơ mười năm của Hoàng Đình Quang làm chúng ta rưng rưng bởi tấm lòng của thi nhân “neo đời nhau một chữ tình”: nghĩa nặng tình sâu của người chồng dành cho người vợ tào khang giờ đã âm dương cách biệt; nỗi thương lo cho đàn con mất mẹ của người cha lóng ngóng, vụng về; nỗi hoang hoải của người đàn ông cô độc qua bao chiều lẻ bóng,… Bằng cái buồn chân thật, tập thơ khiến chúng ta xích lại gần hơn trong tình thương yêu, sự đồng cảm với bao người “đứt gánh giữa đoạn đường/ cặm cụi gánh phần cập kênh còn lại”. Hai tập lí luận phê bình của Trần Bảo Định và Nguyễn Công Lý cũng mỗi bên một vẻ. Nếu Trần Bảo Định thu hút bạn đọc bởi cái tình dành cho bạn thơ tâm giao, tri kỉ, lối viết bình dị, nhiều cảm xúc thì Nguyễn Công Lý lại tạo ấn tượng qua cách chọn mẫu tinh tế, cách triển khai, lập luận sáng tỏ, giàu tính sư phạm, khoa học.

Những quả ngọt của mùa chữ 2023 là minh chứng cho sự đồng hành, kết nối thế hệ người cầm bút - một nét đẹp trong truyền thống văn chương ở Thành phố mang tên Bác. Văn học Thành phố năm nay có đủ giải thưởng lẫn tặng thưởng, không thiếu các hạng mục, loại thể, chú trọng cả đối tượng sáng tác lẫn tiếp nhận,… Bên cạnh người trẻ giàu đam mê, dấn thân cùng nghiệp viết là những cây cao bóng cả của làng văn vẫn còn nhiều đắm đuối với văn chương. Cùng với những đề tài, nhân vật giàu tính thời sự, những đề tài giàu truyền thống, nhiều thành tựu vẫn không ngừng được làm mới bằng suy cảm, lối viết của con người hôm nay. Người đi xa để quà thương trong chữ, trang văn còn mãi bởi nhân cách mãi còn, để trong mỗi chuyển vận của văn học miền đất này đều có sự gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại. Đó là nét đẹp của sự chân thành, ân nghĩa, là cốt lõi của bản sắc một vùng văn hóa. Bằng cách ấy, văn học đã tích cực góp phần sinh động hóa, phong phú hóa đời sống tinh thần của người dân Thành phố, chung sức với công cuộc đổi mới văn hóa, văn nghệ của cả nước theo hướng hiện đại và nhân bản.

Một năm với không ít biến động, cả trong thực tiễn đời sống lẫn tâm trạng nhân sinh, trong sự nỗ lực thay đổi để thích ứng, văn học Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ những phẩm tính bất biến: lòng tin yêu cuộc sống, con người; sự vẹn tình với đời, với thơ văn. Viết là nhu cầu tự thân, là cách sống, cách thể hiện bản thân của nghệ sĩ trước cõi đời, cõi người. Văn chương Thành phố hôm qua và hôm nay đã tích cực chung sức xoa dịu những vết thương tinh thần, đem mát lành cho mầm sống hồi sinh, thêm niềm tin, nghị lực để bạn đọc vượt qua trầm luân, nghịch cảnh, làm đầy và đẹp thêm, ý nghĩa thêm cho thời gian sống của mỗi con người. Đây là những tín hiệu lạc quan, những hạt mầm hi vọng về sự chuyển mình của văn học Thành phố mang tên Bác, trực tiếp góp phần tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học  một vùng đất năng động, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa.

Bùi Thanh Truyền

Nguồn Văn nghệ số 4/2024


Có thể bạn quan tâm