April 29, 2024, 6:35 am

Phác họa bức tranh toàn cảnh văn học mạng Việt Nam

 

Internet-một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại cuối thế kỷ 20 đã tác động và làm thay đổi theo hướng tích cực đời sống của hầu hết mọi người trên hành tinh. Bên cạnh cuộc sống thực, văn chương thực, con người có cuộc sống “ảo”, văn chương “ảo” (văn học mạng). Văn chương “ảo” có những đặc trưng, tính chất gì, lợi hại của nó ra sao...

Những điều đó được giải đáp thỏa đáng, cụ thể, hấp dẫn trong một công trình khoa học “Văn học mạng Việt Nam-xu hướng sáng tạo và tiếp nhận" do nhóm tác giả PGS, TS Trần Khánh Thành (chủ biên); PGS, TS Lê Trà My và TS Trần Ngọc Hiếu thực hiện năm 2021, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành. Công trình có ý nghĩa như một bức tranh toàn cảnh giúp người đọc hình dung rõ ràng hơn về văn học mạng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. 

Văn học mạng gắn liền và chịu sự quy định của internet, do vậy, hướng triển khai của công trình bắt đầu từ vấn đề nền móng internet (những đột phá công nghệ, vai trò kết nối...) để nghiên cứu ngôi nhà văn học mạng với các cấu trúc, hình thái, đặc trưng, tính chất... Đây là công trình toàn diện, hệ thống, bao quát nhất về văn học mạng ở nước ta hiện nay. Phần “Dẫn luận” trình bày những vấn đề chung về sự ra đời, tính chất, xu hướng ngôn ngữ, tiếp nhận... Lần đầu tiên những tính chất đặc thù của văn học mạng được khái quát với tính tổng hợp, tính kết nối, tính tự do, tính đại chúng và tinh thần dân chủ. Đó có thể coi là những ưu việt làm thay đổi quan hệ giao tiếp giữa tác giả và độc giả, tăng cường nhu cầu phô diễn cái tôi, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, tạo điều kiện những thể nghiệm, tìm tòi mới... Đồng thời, những hạn chế cũng thẳng thắn được đưa ra để khắc phục, như tính chất phụ thuộc công nghệ, sự lưu giữ không bền, sự xuất hiện của “rác” văn chương phi nghệ thuật, tính chất phản giáo dục

Đóng góp nổi bật của công trình ở phương diện ngôn ngữ là tìm ra đặc trưng “xu hướng carnival hóa”, tức tạo ra một “đời sống thứ hai” được “giả trang hóa” từ các "nick name" (biệt danh) đến các "avatar" (hình ảnh đại diện), đến ngôn ngữ bình dân suồng sã gắn liền với tiếng cười xóa bỏ các khoảng cách... Phần “Dẫn luận” như là điểm tựa lý thuyết để phần hai “Văn học mạng Việt Nam hai thập niên đầu thế kỷ 21” triển khai sâu vào các thể loại cụ thể: Thơ mạng Việt ngữ, truyện, tản văn, phê bình. Do đặc thù nên các thể loại văn học mạng so với văn học truyền thống có sự khác biệt lớn. Chỉ xét riêng ở thể loại thơ, công trình chứng minh và phân tích thuyết phục những đặc điểm: Sự bùng nổ các khuynh hướng thể nghiệm; sự nối dòng từ chủ nghĩa hậu hiện đại; ý thức phái tính trỗi mạnh...

Coi đối tượng nghiên cứu như là cả một “nền văn học”, công trình giải đáp thỏa đáng các bình diện đời sống, sáng tác, công chúng, tiếp nhận-phê bình nhưng không bị “ngợp” trước một “khối” tư liệu khổng lồ mà quan tâm đi sâu những nét cơ bản rồi khái quát thành các luận điểm khoa học có sở cứ. Phần “Phụ lục” phác thảo về bức tranh văn học mạng Trung Quốc có nhiều nét tương đồng, gần gũi và “Bảng tra thuật ngữ” để bạn đọc tìm tòi, đối chiếu.

Nhìn rộng ra trên thế giới, hầu hết quốc gia đều coi và chấp nhận văn học mạng như là một sản phẩm tất yếu của các cuộc cách mạng công nghệ và sự hội nhập toàn cầu hóa. Nó là phương tiện giao tiếp, là món ăn tinh thần nhiều cái hay nhưng cũng lắm cái dở nên cần có những ứng xử thận trọng, tỉnh táo... Từ cái nhìn ấy soi vào công trình “ Văn học mạng Việt Nam - xu hướng sáng tạo và tiếp nhận” sẽ thấy đây là một đóng góp tích cực, hiệu quả, cần thiết cho văn học Việt Nam hiện nay.

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm