May 11, 2024, 3:11 pm

Phá vỡ khuôn mẫu nam tính độc hại

Everything Everywhere All at Once (Mọi thứ ở mọi nơi tất cả cùng một lúc) khiến cả thế giới đổ xô chú ý, khi phá vỡ kỷ lục với 11 đề cử Oscar năm 2023 sẽ diễn ra trung tuần tháng 3 tới đây, cùng hàng loạt giải thưởng lớn được nhận trước đó.

Đây là một bộ phim đa tầng về ý nghĩa, mỗi tầng lớp lại thuộc một phạm trù xã hội hay triết học khác nhau. Như triết học hiện sinh và hư vô, hay tác động tiêu cực của hiệu ứng quá tải kích thích đến từ internet, hoặc sự xung đột giữa mẹ và con gái trong gia đình người Mỹ gốc Á,... Chỉ với thời lượng 2h20’, Everything Everywhere All at Once đã truyền tải thành công mọi vấn đề phức tạp nêu trên, khiến bộ phim làm nên một kì tích hiếm thấy. 

Luôn sau lưng người vợ trong gia đình, nhưng thực chất Waymond lại mang một nam tính đặc biệt

Phá vỡ “thước đo nam tính”

cố hữu của Hollywood

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Sau vài lần xem lại, tôi nhận thấy bộ phim còn làm được một điều quan trọng không kém: đó là phá vỡ khuôn mẫu tính nam độc hại hướng tới đàn ông nói chung và đàn ông châu Á nói riêng, đồng thời mở ra thêm cơ hội cho diễn viên châu Á tại Hollywood.

Trước hết cần nói đến “thước đo nam tính” được Hollywood đặt ra từ nhiều thập kỉ trước. Nếu xem qua các biểu tượng nhân vật nam kinh điển trong điện ảnh Mỹ như các đời James Bond, Rocky, Kẻ Hủy Diệt, Ethan Hunt, Patrick Bateman hay Tyler Durden, họ đều có đặc điểm chung là người da trắng, cơ thể cường tráng cùng với tâm lý khắc kỷ. Họ có sức mạnh thể chất lẫn tinh thần tự chủ. Góc độ nào đó, có thể tạm gọi đó là những “kẻ đầu đàn”… Hình mẫu đàn ông kể trên hướng người trẻ tới một lối sống lành mạnh và nghiêm khắc với bản thân để đạt được cơ thể và sự cuốn hút của quý ông. Đó là một điều tích cực, cho tới khi hóa thành tiêu cực. Sự tồn tại lâu đời và độ bao phủ rộng rãi của hình mẫu “kẻ đầu đàn” đã làm méo mó nhận thức của nhiều người trẻ, khiến họ nghiễm nhiên xem đó là thước đo tiêu chuẩn cho nam tính. Các hình mẫu nhân vật “chuẩn nam tính” trong các bộ phim hành động, siêu anh hùng của phương Tây trong đời sống bề bộn gấp gáp hiện đại dần trở thành một hình mẫu phi thực tế. Bởi các nam diễn viên vào vai anh hùng hành động trong phim đã dành nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để tập luyện cùng khoản tiền khổng lồ chi trả cho huấn luyện viên và thực phẩm chức năng. Trong khi đó phần lớn chúng ta chỉ là những con người bình thường phải dành 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày ngồi yên tại văn phòng với mức lương chỉ đủ chi trả cuộc sống thường nhật. Điều đó dần khiến nhiều khán giả nam trẻ tuổi lại chuyển sang tự ti ghét bỏ cơ thể mình, khi bị áp lực bởi tiêu chuẩn vô lý đó hàng ngày, từ trên mạng xã hội cho tới phim ảnh giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Đáng nói, khuôn mẫu đàn ông nam tính hoàn hảo này thường chỉ được áp dụng cho diễn viên các châu lục, trừ châu Á. Trong mắt các nhà làm phim Hollywood, nhân vật châu Á chỉ có thể mang ngoại hình không cuốn hút (lùn, thân hình không cân đối, phong cách thời trang ngớ ngẩn), hoặc dáng dấp của một kẻ mọt sách, lập dị. Điều này đã kéo dài hàng thập kỷ, ăn sâu vào tiềm thức khán giả. Quyết định phá vỡ định kiến dành cho người châu Á tại Hollywood, trong Everything Everywhere All at Once, bộ đôi đạo diễn Daniels đã thay đổi góc nhìn độc hại này với nhân vật Waymond: đó là ông không phải là một nhân vật nam chính châu Á điển hình vẫn thường thấy trong phim ảnh phương Tây.

Waymond Wang là người đàn ông trung niên gốc Trung sống tại Mỹ, tiệm giặt là của gia đình ông đang trên bờ vực sụp đổ, và mối quan hệ hôn nhân giữa ông và vợ (Evelyn) cũng như vậy. Nhiệm vụ chính thường ngày của ông hầu như xoanh quanh việc giao tiếp với khách hàng và nội trợ. Waymond là kiểu người hòa nhã, bị động, luôn nhún nhường và làm hài lòng người khác thay vì gây ra xung đột không đáng có. Nếu đưa kiểu người này vào thuyết phân loại vị trí trong đàn thì Waymond sẽ là “kẻ phục tùng”, đối lập với “kẻ đầu đàn”. Trong một bài phỏng vấn, bộ đôi đạo diễn Daniels cho biết họ muốn xây dựng nhân vật Waymond ban đầu theo kiểu đàn ông ngọt ngào yếu đuối, một kiểu nhân vật gây cười và bị xem nhẹ. Đối lập với Waymond gốc là Alpha Waymond – một phiên bản Waymond ở phần sau của phim mang những đặc điểm sẵn có của một nam chính phim hành động: giỏi võ thuật, quyết đoán, lạnh lùng.

Theo motif phát triển nhân vật của phần lớn các bộ phim giải trí hay siêu anh hùng, giai đoạn phát triển của nhân vật chính những bộ phim đó sẽ bắt đầu từ một người yếu đuối về thể chất hoặc tinh thần (như Waymond gốc) cho đến trưởng thành hơn ở cuối phim (với phiên bản Alpha Waymond). Nhưng điều đặc biệt, Everything Everywhere All at Once không phải là bộ phim đi theo nguyên tắc thông thường ấy, mà nó được tạo ra để phá bỏ chúng. Bởi đến cuối phim, phiên bản Waymond còn sống sót và góp phần cứu đa vũ trụ khỏi bị hủy diệt lại là phiên bản gốc từng bị xem là vô dụng ở đầu phim, chứ không phải phiên bản Alpha bạo lực và phi nhân tính.

Waymond gốc thực chất là một con người chủ động và mạnh mẽ hơn khán giả và Evelyn tưởng. Ông không hề nhu nhược và nhún nhường người khác, mà chỉ luôn chủ động hòa giải những mối xung đột tiềm tàng bằng cách giao tiếp và đưa ra thỏa hiệp làm hài lòng đối phương cho dù họ có xấu tính đến đâu. Waymond trong vũ trụ nơi ông trở thành một doanh nhân thành đạt đã rất thông thái khi cho rằng: “Khi anh chọn cách nhìn vào mặt tốt của mọi việc, anh không phải là một người ngây thơ. Đó là một điều cần thiết và khôn ngoan. Đó là cách anh sinh tồn”. Điều thú vị ở đây là cho dù Waymond-doanh nhân cũng có thể được xem là một “kẻ đầu đàn” nhờ vào sự giàu có và vẻ ngoài cuốn hút của một người thành công, nhưng phiên bản này của Waymond lại không hề mang đến cảm giác nam tính tiêu cực, kể cả khi ông bộc lộ những cảm xúc yếu mềm khi gặp lại mối tình cũ. Tình yêu là điểm yếu của Waymond-doanh nhân, và cũng chính là điểm yếu của mỗi chúng ta.

Sức mạnh của Waymond chính là tình yêu và lòng tử tế đối với nhân gian. Đó cũng là thứ sức mạnh giúp người vợ Evelyn đánh bại được bản chất hư vô cố hữu của cuộc sống. “Tôi biết mọi người đánh nhau vì sợ hãi và lạc lối. Tôi cũng lạc lối mà… Điều duy nhất mà tôi biết là chúng ta phải tử tế. Làm ơn, hãy làm người tử tế. Đặc biệt là khi ta không biết chuyện gì đang diễn ra”.

Trong một thế giới đầy nỗi đau thương và thù ghét, một thế giới nơi con người dần tin vào chủ nghĩa hư vô và nghi hoặc, bạo lực không thể giải quyết được gì ngoài tạo thêm sự căm hận. Lòng cảm thông và tình thương là vũ khí tối thượng. Mặc kệ thuyết hư vô có thì thầm với ta bất cứ điều gì đi chăng nữa, bản chất vô nghĩa cố hữu của cuộc đời này không có quyền quyết định rằng mọi công sức của ta đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn đều vô ích, thay vào đó, nó cho phép mỗi cá thể con người tự mình quyết định điều họ khao khát từ cuộc sống này. Điều này có nghĩa rằng ta được tự do theo đuổi thứ con tim ta hướng tới, và để lại cuộc đời này từng bản dạng độc nhất của mỗi người. Điểm chung duy nhất của ta là tình yêu, khả năng yêu và mưu cầu được yêu. Dù cho đối tượng để yêu là khác giới hay cùng giới, động vật hay thiên nhiên, v.v. Song, định mệnh duy nhất của loài người là ôm lấy nhau. Khủng hoảng hiện sinh đối đầu với tình yêu, đó chính là cốt lõi của Everything Everywhere All at Once.

Nam tính của lòng bao dung                                              

Trong podcast số 137 của kênh Feeling Asian Podcast, diễn viên Ke Huy Quan (thủ vai Waymond) khẳng định rằng nam tính không nên phụ thuộc vào độ to của bắp tay mà nên được thể hiện qua tấm lòng bao dung hay tình yêu của người đó dành cho người khác. Ke Huy Quan thực sự là một người đàn ông dễ mến ngoài đời và luôn tỏa ra một năng lượng tích cực cho bất kì ai. Waymond Wang, lẫn Ke Huy Quan, nên trở thành một hình mẫu đàn ông trưởng thành, một người cha mà những chàng trai trẻ nên hướng tới. Everything Everywhere All at Once đã trao cho ông một cơ hội trở lại với công việc diễn xuất tại Mỹ sau hơn 20 năm. Trước đó, Ke Huy Quan còn không nghĩ tới việc đi thử vai chính cho các bộ phim vì điều này là bất khả thi. Không chỉ những vai quan trọng, ông còn bị rớt những vai diễn không tên tuổi chỉ có 2-3 câu thoại, nếu may mắn thì nhân vật đó sẽ được xuất hiện trong 2-3 trang kịch bản. Thế nhưng Ke Huy Quan đã không bỏ cuộc mà vẫn cố gắng tìm cơ hội hiếm hoi cho những diễn viên da vàng, và cuối cùng ông đã thành công khi Everything Everywhere All at Once đã đem lại nhiều đề cử và giải thưởng cho ông, Dương Tử Quỳnh, Stephanie Hsu. Bộ phim này còn góp phần lớn trong việc phá vỡ kỷ lục với 11 đề cử Oscar năm 2023, trong đó có nhiều diễn viên châu Á được đề cử nhất.

Với thành công vang dội này, Ke Huy Quan mong muốn bộ phim truyền đạt được những thông điệp về tình yêu và lòng cảm thông tới cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Đảo Thái Bình Dương (AAPI), trong thời điểm nạn phân biệt chủng tộc da vàng càng nổi lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Hãng sản xuất phim A24 đã tạo điều kiện cho những phim về bản dạng châu Á tại Hollywood như Minari, The Farewell, After Yang Everything Everywhere All at Once… Màn đại thắng của một bộ phim như Everything Everywhere All at Once có được nhờ vào sự điên rồ và gan dạ của A24, điều mà không studio Hollywood nào khác dám làm, hoặc nếu làm thì cũng sẽ can thiệp vào quá trình sáng tạo của nhà làm phim. Thành công chung của Everything Everywhere All at Once và cá nhân diễn viên Ke Huy Quan là một câu chuyện cổ tích có hậu tại chiến trường điện ảnh khắc nghiệt Hollywood và họ hoàn toàn xứng đáng với điều đó.

Kinh Quốc

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Có thể bạn quan tâm