April 28, 2024, 10:44 am

Nửa đời buộc nắng cho thơ

Hơn 40 năm làm thơ, với hàng chục tập thơ là khoảng thời gian không phải là ngắn; Huy Trụ đã gặt hái được nhiều thành công. Bạn đọc biết đến thơ anh với nhiều cung bậc cảm xúc. Mới đây Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập thơ Buồn vui con chữ gần như là tập hợp, đúc kết cả một đời sáng tác thi ca đặc sắc nhất của anh.

Huy Trụ viết nhiều, tìm tòi cách biểu đạt phong phú ở tất cả thể loại thơ, nhưng đặc sắc nhất vẫn là thơ lục bát. Trong tập thơ này độ phủ sóng của thể thơ lục bát vẫn là rộng khắp. Đối tượng xao động nhiều nhất trong sáng tác của Huy Trụ là nhân vật “em” với nhiều cung bậc trữ tình. Bởi thế mà anh luôn nói được cái riêng chung để người đọc thấy có một phần mình trong đó. Nhiều câu thơ gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Anh xác tín nỗi ưu tư ấy bằng niềm yêu rất mảnh liệt; đó là niềm yêu được chạm tận đáy đời sống lứa đôi: “Mới hay dẫu chỉ một ngày/ Không em, nửa trái đất này chung chiêng” (Một ngày). Và Huy Trụ đã đi hết mình với phức điệu của cảm xúc ấy: “Mới hay còn chút tơ lòng/ Vẫn dăng mắc, vẫm thầm mong đợi người” (Tơ lòng).

Nỗi niềm trong thơ còn đan bện trong tầng sâu, ẩn mật của tư duy triết luận đã làm bệ phóng nghệ thuật thơ anh: bay bổng, lãng mạn mà chắt lọc, suy tư; giản dị, đời thường mà cảm động sâu sắc: “Tóc em thả suốt dọc đường/ Để anh toàn nhặt nỗi buồn vu vơ/ Nỗi buồn đứt nối câu thơ/ Nuôi anh sống với gió mưa một đời”.

Ngay trang thơ đầu tiên, ta bắt gặp 6 câu thơ ẩn chứa triết lý, suy ngẫm: “Sợ gì ghế thấp… ghế cao/ Khi nằm xuống cỏ… ghế nào cũng xanh/ Sông đau cuộn thác… dâng ghềnh/ Người đau… con mắt coi khinh cả trời!..”.

Thơ Huy Trụ mượt mà bay bổng, nhưng khi viết về địa danh “Sông Mã xanh” thì biến tấu, thay đổi, làm mới, biến chúng thành của riêng mình: “Chiều nay Sông mã rất xanh/ Con sông vốn rất hiền lành như ai…/ Bể dâu mấy thuở lở bồi/ Đời sông chẳng khác đời người lênh đênh”. Anh tìm chữ giống như tìm vàng, dày công đãi cát và khi đã gặp, nó làm cho câu thơ găm vào trí nhớ người đọc: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lã… rót tràn mời nhau/ Để đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết… chắc đâu đã thành” (Gửi bạn làm thơ).

Chủ đề đa dạng, thơ Huy Trụ luôn có sự vận động con chữ tạo hình mới lạ. Đó là hình ảnh với sắc màu có chiều sâu gây ấn tượng. Có lúc trải hồn quê bên dòng sông hiền hòa, là con đê cỏ, là bánh đúc, bánh đa… Người đọc bị cuốn hút theo cảm xúc khi tác giả “vẽ” nơi lưu giữ hồn làng như bảo tàng thơ vậy: “Làng là bánh đúc, bánh đa/ Là con đê cỏ vắt qua cánh đồng/ Làng là một quả táo chua/ Thương cho Thị Kính quét chùa, chịu oan”. Bởi vậy, ai nấy đều tìm thấy quê mình ở một góc bức tranh ấy. Quê hương: nơi dòng sông hiền hòa xanh trong ấy, nhiều phen vật vã gồng mình trong giông bão: “Chả bao giờ sông thầm lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng nổi chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào” (Sông Mã).

Trong không gian thơ luôn hướng nội với ánh diện đa chiều. Phần thơ thế sự thấm đẫm chất nhân sinh. Tôi bị ám ảnh với những câu thơ trong bài Về với Xứ Thanh: “Một lần về với Xứ Thanh/ Nghe sông Mã khúc độc hành “Huầy dô”/ Rừng gió cuộn, biển sóng xô/ Một đời dân, mấy đời vua mới thành”. Tính tượng trưng của Huy Trụ mỗi lúc một rõ rệt. Chính vì thế thơ anh luôn có một sắc diện riêng. “Ghế quyền chức, bả hư danh/ Hiền tài hun đúc soi mình vượt lên…/ Bạc tiền loáng ánh phù vân/ Bao nhiêu mặt đất níu chân mặt người” (Về với Xứ Thanh).

Đúng là “Đụng” vào thể thơ lục bát, nhà thơ như cá gặp nước, chim trên trời. Khi viết về tình yêu trai gái, nhà thơ tôn vinh người phụ nữ: “Không có em biển đẹp để làm gì/ Biển sẽ chết vì cô đơn lặng lẽ/ Không có em biển đẹp cũng thế/ Trước nõn nà con sóng vỗ ngu ngơ”.

Lẽ thường nếu “không dang dở, dở dang”…, sự trọn vẹn, viên mãn sẽ giết chết tình yêu. Có chút thiếu thiếu, chút trống vắng, chút khổ đau mới làm nên giá trị của tình yêu. Chỉ thế thôi, mà đọc lên thấy man mác buồn. Không buồn sao được, bởi vì: “Còn em cứ… dửng dừng dưng/ Như trong trời đất chưa từng… có tôi/ Tóc chi như suối của trời/ Cái đuôi mắt buộc “chết” người như không!” (Bông hồng có gai).

Mặc dù cảm xúc đắm đuối, mơ mộng, si tình là thế, nhưng ẩn bên trong dòng chảy ấy là chiều sâu của suy nghiệm, trí tuệ. Các chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước là dòng chảy xuyên suốt trong thơ anh. Đấy cũng là hương vị chung của thơ Huy Trụ. Từ những những mạch nguồn ấy, cha mẹ, quê hương luôn là niềm thi hứng lớn lao cho anh. Trong không gian nghệ thuật của Huy Trụ còn là ẩn dụ suy tư và chiêm nghiệm, cảm xúc thơ dâng đầy từ bản thể nhưng có giá trị triết mỹ về nghệ thuật cao. Quan trọng hơn, từ đó gợi lên vẻ đẹp về niềm tin mà thi ca mang đến cho con người; nhà thơ xác tín: “Cái danh đâu chỉ mà chơi/ Càng không thể để tiếng cười điêu toa…/ Chả chi cũng gọi là nhà/ Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng” (Ngôi chùa).

Trở lại đề tài Sông Mã; Có lẽ trong tất cả các nhà thơ viết về sông Mã, Huy Trụ là người mang trong mình niềm trắc ẩn thầm kín sâu xa nhất. Và đáng chú ý nhất là sự bay bổng và đầy mê đắm trong thơ Huy Trụ về nhân tình thế thái và tình yêu; được thoát ra từ một hồn thơ đa cảm mà rất đỗi tinh tế, vì thế, Sông Mã đã khắc họa một cái tôi trữ tình đậm chất Huy Trụ, một tình yêu với quê hương đất nước. Cái tôi ấy trong bài thơ nhận được nhiều sự đồng cảm dâng trào, sẻ chia của bạn đọc. Trong những cung bậc nhân thế ấy, ta thực sự trân trọng một tài hoa, một tâm hồn như nhà thơ Huy Trụ. Và anh nổi tiếng một thời về bài thơ Sông Mã, của Xứ Thanh: “Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc/ Người trên bờ cũng ướt đẫm mồ hôi…/ Chả bao giờ sông bình lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên, lơ đễnh gác con sào…”. Không dừng lại ở đó, Huy Trụ đúc kết và nâng lên chiều sâu triết luận: “Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển../ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến/ Khúc sông sâu, bồi lở thường tình…/ Riêng một điều em nhận ở đất Thanh/ Cái giàu có ẩn trong từng con sóng/ Nên dòng sông trước khi ra biển rộng/ Hắt lên tay người, bão lũ với phù sa”. Có thể nói, đây là bài thơ mang cảm hứng ngợi ca quê hương, đất nước, là sự khắc nghiệt của dòng sông, cũng như giá trị văn hóa rất riêng của người Thanh Hóa với nhiều chiêm cảm đời thường và dự cảm trước hiện thực của cuộc sống ... Do đó, khi bài thơ vừa mới ra đời nó đã tạo được tiếng vang lớn. Phải công nhận rằng sức lôi cuốn của bài thơ cho đến tận bây giờ đọc lại vẫn dạt dào xúc cảm.

Sau thành công vang dội của bài thơ trên, Huy Trụ định nghĩa về thơ: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lã rót tràn mời nhau/ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Đó là sự nghiêm túc, trách nhiệm và ý thức xác lập cá tính, giọng điệu mà bất kỳ người viết nào cũng phải học hỏi. Cái tôi triết luận này không ngừng tái tạo, kiếm tìm những khoảnh khắc thăng hoa…

Mặt khác, chất triết lí thơ anh được cài cắm chủ yếu trên cái nền của hiện thực tinh thần, hiện thực cảm xúc, dẫu không đi sâu vào miền hư ảo, tâm linh, nhưng luôn mê hoặc người đọc, bởi những giây phút cuộn sóng, quẫy đạp của nỗi lòng. Tôi đã sửng sốt với những câu thơ táo bạo, thú vị này của anh “Anh nấp vườn em rung trái cấm/ Đào mai tròn mắt đợi giao thừa/ Nâng chén đất trời nghiêng ngã múa/ Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa”(Vườn em).

Huy Trụ là thi sĩ si tình, luôn soi rọi ngóc ngách tâm hồn, những dáng hình của người đẹp: “Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Thịt da nào sánh với thịt da em”… Khi thì viết: “Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông”. Những câu thơ cứ đan xen những hình ảnh giữa ảo và thực thể hiện được một khúc ca buồn man mác, rung ngân như một bản thánh ca của tình yêu diệu vợi.

Trên một bình diện khác, Huy Trụ đã bước vào thi đàn bằng một tâm hồn đa sầu, đa cảm, và cái tôi ấy đã theo thi nhân trong chặng đường sáng tác thơ ca, khi cái tôi trong sáng, đắm say để rồi, cứ thế ngân lên, bừng sáng thanh âm thành thực của con tim: “Nữa đời buộc nắng cho thơ/ Buộc trăng cho gió, buộc đò cho sông/ Buộc hương cho những cánh đồng/ Buộc em cho sợi tơ lòng ngổn ngang” (Gom nhặt mà yêu).

Nhìn chung, tập thơ Buồn vui con chữ, Huy Trụ không quá đỗi ồn ào với những trải nghiệm mới mẻ của thi ca. Sự sáng tạo của anh nằm ở sự tự nhiên của cảm xúc, sự thôi thúc của cõi lòng. Mê đắm trong nguồn nội cảm ấy nên thơ anh da diết, cháy bỏng, gần gũi, bình dị, đời thường. Mỗi bài thơ là một lát cắt, tâm trạng, suy tư. Những câu thơ cất lên từ tiếng lòng chân thành khiến mọi thứ xung quanh hay một khoảnh khắc đều có thể thành thơ. Đó cũng là mạch nguồn chảy dài suốt chăng đường thi ca mà Huy Trụ tôn thờ…

Triều Nguyệt

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm