April 27, 2024, 6:37 pm

“NỮ” Tuần lễ Điện ảnh và Nữ giới hay “không nữ?”

Dù sự kiện đã qua nhưng với tâm thế của người thụ hưởng và cảm nhận, tôi không thể không nhắc lại. Cái tên “NỮ” Tuần lễ Điện ảnh và Nữ giới hay “không nữ?” gợi nhiều cảm xúc, kỳ vọng tích cực đã “kéo” khán giả đến rạp xem lại những tác phẩm điện ảnh độc đáo trong quá khứ của các nữ đạo diễn tại một liên hoan phim nhỏ. Đó là tâm ý đáng trân trọng của những người làm nên dự án phi lợi nhuận này từ tập thể giảng viên, sinh viên khoa Văn học trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Ngẫm lại, tôi cảm thấy mình may mắn khi được một người bạn mời đi xem bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", Đây là bộ phim đã trở thành hiện tượng cách đây 9 năm và là bộ phim tài liệu hiếm hoi dược bán vé ở rạp tại thời điểm bấy giờ. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cũng là buổi chiếu cuối cùng trong liên hoan phim “NỮ” Tuần lễ Điện ảnh và Nữ giới hay “không nữ?”.

Tôi rất ấn tượng với niềm hân hoan của cô Khánh Vân – Phó khoa Văn học chia sẻ sau khi bộ phim kết thúc: “Ước mơ của tôi là cùng các trò của mình thực hiện một liên hoan phim. Rồi tôi đã lãng quên và không còn nhớ tới điều đó, bởi công việc bộn bề mỗi ngày. Nhưng chính các bạn sinh viên trong Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh của khoa đã biến ước mơ của tôi thành hiện thực.

Tôi vô cùng tự hào!

Tôi mong muốn dự án này sẽ được hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc trong tương lai”.

Cô Khánh Vân – Phó khoa Văn học trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP. HCM

Khán giả hôm đó còn có cơ hội nghe đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chia sẻ về những trải nghiệm đầy cảm xúc trong quá trình làm phim. Đó là những câu chuyện buồn vui, những khó khăn, trở ngại trên hành trình rong ruổi, ăn ở cùng gánh hát lô tô để thực hiện 70 giờ quay trong 13 tháng. Chỉ bằng chiếc điện thoại, không có ê kíp, không có máy quay chuyên dụng, không có người làm âm thanh hay ánh sáng, sự nỗ lực và lòng kiên trì của cô gái 25 tuổi lúc đó, thực sự đáng khâm phục!

Qua, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” người xem cảm được sâu sắc sự cơ cực, bần hàn của những người chuyển giới nữ trong gánh hát rong. Họ sống vất vưởng, phiêu bạt nay đây, mai đó kiếm sống và mang khát vọng được xã hội công nhận, tôn trọng. Cuộc sống vốn luôn đầy bất ngờ, chị Bích Phụng – nhân vật chính đã để lại những xót xa, tủi nhục và rời bỏ thế giới này trước khi bộ phim công chiếu.

Đây là một dự án đầy nhân văn. Nó không chỉ tạo ra không gian giao lưu nghệ thuật, gắn kết tâm hồn, mà còn làm phong phú đời sống văn hóa, bồi đắp niềm tự hào cho khoa Văn học nói riêng và trường Đại học KHXH & NV nói chung. Đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh vấn đề về giới đang được tích hợp đưa vào môn học trong môi trường giáo dục hiện nay.

Cô Khánh Vân đầy nhiệt huyết khi trao đổi về hành trình thực hiện dự án này cùng Văn nghệ Trẻ.

- Với tư cách là Phó khoa Văn học, cô giáo có thể chia sẻ ý tưởng thực hiện dự án “NỮ” Tuần lễ Điện ảnh để tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong nghệ thuật. Còn Nữ giới hay “không nữ?” lại tập trung vào thách thức, định kiến về giới để mở ra cơ hội thảo luận và góc nhìn tích cực?

Với vai trò của mình, chúng tôi tổ chức cuộc Liên hoan với nhiều mục tiêu, trong đó có 3 mục tiêu quan trọng nhất:

Thứ nhất, chúng tôi muốn hướng đến người nữ trong hành trình sáng tạo. Phụ nữ đã có đóng góp nhiều trong các hoạt động của xã hội, trong đó có hoạt động văn hóa nghệ thuật. Hình ảnh, vai trò, giá trị cũng như những đặc trưng riêng biệt của phụ nữ vẫn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác những tác phẩm nghệ thuật của đạo diễn nữ để hiểu rõ hơn hành trình sáng tạo của họ cũng như những giá trị văn hóa, xã hội và nghệ thuật mà họ truyền tải bằng góc nhìn, bằng ngôn ngữ của mình, góp phần tạo nên lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Thứ hai, hướng tới bình đẳng giới nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10. Chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, về các vấn đề của phụ nữ, về mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới cũng như những vấn đề của người nữ đồng tính. Từ đó, chúng tôi mong rằng tuần phim có thể mang lại những cái nhìn rộng mở hơn, khoáng đạt và nhân văn hơn về phụ nữ cũng như về nhiều vấn đề liên quan đến giới tính.

Thứ ba, gắn với tên gọi của tuần phim ở dạng câu hỏi: "Nữ hay không nữ?", ban tổ chức mong muốn tạo ra một không gian để mọi người cùng nhìn về, cùng suy tư về sự phân biệt có tính nhị nguyên luận vốn phân chia một cách rạch ròi, đối lập giữa người nam và ngươi nữ. 

- Các tiêu chí đặc biệt nào được áp dụng khi chọn lựa bộ phim của các nữ đạo diễn để chiếu lại, thưa cô?

Tiêu chí lựa chọn đầu tiên là tuần phim hướng đến tác phẩm của những đạo diễn nữ. Thứ hai, về mặt nội dung, phim có đề cập đến vấn đề về phụ nữ, vấn đề giới tính trong các thời ký trước đây và trong giai đoạn đương đại, gây ra sự tác động đến nhận thức giới ở công chúng. Tiêu chí thứ ba là tiêu chí về hình thức. Chúng tôi chọn công chiếu những bộ phim có giá trị nghệ thuật, được biểu đạt bằng ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng, mới mẻ, thậm chí có tính đột phá. Chẳng hạn, bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” không chỉ truyền tải cái nhìn mới mẻ về người đồng tính hoạt động trong đoàn lô tô mà đồng thời còn mang lại phong cách làm phim tài liệu theo trường phái Varan mới mẻ độc đáo, nhất là vào năm 2014, khi phong cách này còn khá mới lạ ở Việt Nam. Thứ tư, khi tổ chức công chiếu những bộ phim này, chúng tôi nỗ lực để làm sao có thể đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét, khán giả có thể xem và thưởng thức cái vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của bộ phim từ ngôn ngữ điện ảnh nguyên bản của bộ phim. Cuối cùng, trong các buổi chiếu, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc chiếu phim mà sẽ tổ chức trao đổi học thuật với các nhà làm phim, đặc biệt là với đạo diễn, cùng các nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh và giới. Đây là một trong những giá trị quan trọng tạo nên điểm nhấn của tuần phim. Nhờ cuộc đối thoại giữa nhà làm phim, nhà phê bình và khán giả, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về bộ phim và tạo ra một môi trường tương tác trực tiếp, đa chiều và hiệu quả.

- Xin cô cho biết bao nhiêu bộ phim được chọn và bộ phim nào đã để lại nhiều cảm xúc nhất, tâm đắc nhất với những người thực hiện?

Trong tuần lễ phim này, chúng tôi công chiếu 7 bộ phim. Mỗi bộ phim, với chúng tôi, đều có hơi thở, sức sống, giá trị riêng nên chúng tôi đều trân quý. Mở đầu bằng bộ phim tài liệu "Đi tìm Phong" của đạo diễn Trần Phương Thảo. Khi dõi theo hành trình đi tìm bản dạng giới mà Phong khao khát, chúng ta sẽ thấu hiểu thế giới bên trong của người chuyển giới để vượt qua cái nhìn bên ngoài hời hợt, cái nhìn có tính định kiến về họ. " Mê Thảo - Thời vang bóng" của đạo diễn Việt Linh vừa gợi lên những vấn đề về xung đột giữa yếu tố văn minh với yếu tố truyền thống, giữa thực dân với thuộc địa đầu thế kỷ XX, vấn đề của một người đàn ông si mê, đau khổ, đắm chìm trong mất mát, vấn đề về văn hóa truyền thống gắn liền với nghệ thuật hát ca trù, vừa khiến chúng ta rung cảm trước tình yêu mãnh liệt nhưng luôn câm lặng của người nữ - một nhân vật nữ độc đáo mà Việt Linh đã sáng tạo nên khi cải biên tác phẩm Chùa đàn của Nguyễn Tuân. Một trong những điểm nhấn trong tuần lễ phim của chúng tôi là hai chùm phim ngắn. Đây là thể loại phim thú vị, nhiều thách thức vì người làm phim phải kể được câu chuyện trong khoảng thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn với ngôn ngữ điện ảnh súc tích, độc đáo nhưng khán giả ít có dịp tiếp xúc. Niềm vui lớn của chúng tôi trong tuần phim này là việc công chiếu bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu và tổ chức buổi giao lưu với đạo diễn Đoàn Minh Phượng. Kể từ lần ra rạp đầu tiên cách đây gần 9 năm, đây là một trong những lần hiếm hoi bộ phim này đến với khán giả màn ảnh rộng. Mở ra bằng hành trình đi tìm Phong, tuần phim kết thúc với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) và chúng tôi hi vọng những chuyến đi này sẽ được nối dài bằng hành trình của khán giả, hành trình hướng đến sự tự do, bình đẳng và giá trị nhân văn trên phương diện giới tính của con người.

- Trong quá trình thực hiện dự án, Ban tổ chức có gặp phải những khó khăn hay trở ngại nào?

Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc huy động kinh phí tổ chức tuần phim. Chúng tôi khá chật vật khi phải xoay trở các khoản kinh phí từ phí thuê rạp chiếu, chuyển đổi định dạng phim, phí tổ chức các buổi giao lưu,... May mắn là chúng tôi nhận được sự chung tay hỗ trợ từ những người có tâm huyết với điện ảnh: rạp Cine Star và Maga GS Lý Chính Thắng hỗ trợ chiếu miễn phí một số buổi, các nhà làm phim giúp chúng tôi chuyển phim nhựa thành file chiếu thâu đêm suốt sáng mà không nhận đồng thù lao nào, các diễn giả cũng sẵn lòng giúp chúng tôi vì tình yêu điện ảnh và khán giả đến rạp đã chung tay cùng chúng tôi bằng cách quyên góp cho các buổi chiếu.

Khó khăn lớn thứ hai của chúng tôi là việc chuyển đổi định dạng phim. Khi tổ chức tuần phim này, chúng tôi càng nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi toàn bộ tác phẩm phim nhựa có giá trị của Việt Nam từ xưa đến nay sang dạng kỹ thuật số chất lượng cao. 

- Cách thu hút khán giả quay lại rạp xem những bộ phim cũ, phải chăng bao gồm cả việc không bán vé hoặc có những lý do khác, thưa cô?

Đó là một trong những lý do chính, vì chúng tôi mong muốn hỗ trợ tối đa khán giả, nhất là khán giả trẻ, được tiếp cận với tác phẩm điện ảnh có chất lượng, để các bạn hiểu, yêu quý và trân trọng điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, khi các bạn tham dự những buổi talk show sau khi công chiếu phim thì sẽ mở rộng và nâng cao kiến thức điện ảnh cũng như nhận thức giới. Chúng tôi khao khát lan tỏa hai nguồn tri thức ấy càng rộng, càng sâu càng tốt. Lý do thứ hai là chúng tôi muốn làm điều gì đó có ích với cộng đồng bằng tinh thần cống hiến hết mình, nên chúng tôi nỗ lực để làm sao, mọi người đến với tuần phim không phải nghĩ gì về vé xem phim, bởi ai cũng có sẵn chiếc vé bằng tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật thứ 7.

- Dự án này đã mang lại cho khoa Văn học những thành tựu nổi bật gì sau khi kết thúc?

Tôi nghĩ thành tựu không chỉ dành cho Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh nói riêng, Khoa Văn học và Trường ĐH KHXH & NV nói chung mà còn là thành tựu của tất cả nhà làm phim, các học giả cũng như khán giả đã đồng hành cùng chúng tôi trong dự án này. Tuần phim mang lại cơ hội trải nghiệm các tác phẩm điện ảnh trong quá khứ ở Việt Nam, giúp chúng tôi khám phá những thành tựu, giá trị nghệ thuật của điện ảnh nước nhà và khiến cho các bạn trẻ thêm yêu điện ảnh Việt. Đồng thời, những thu hoạch từ các buổi tọa đàm giúp chúng tôi có thêm tri thức và khát vọng bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên tham gia tổ chức hoạt động trưởng thành hơn rất nhiều, có thêm các kỹ năng trong việc tổ chức liên hoan phim để sau này, chính các bạn sẽ là những nhân tố tham gia tích cực vào quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam.

- Có sự tham gia đặc biệt nào trong dự án từ cộng đồng sinh viên hoặc cán bộ giảng viên của khoa Văn học? 

Bạn Thẩm Nhu, sinh viên năm 4 và cũng là sinh viên xuất sắc của Khóa tham gia với vai trò người điều phối tọa đàm phim ngắn. Từ đó, sinh viên tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Bộ môn Nghệ thuật học và các giảng viên trong Khoa chúng tôi đồng hành chặt chẽ với sinh viên trong các khâu tổ chức, đồng thời, đảm nhiệm vai trò người điều phối và diễn giả của các buổi tọa đàm với mong muốn góp phần lan tỏa tri thức và tình yêu điện ảnh đến thế hệ trẻ và khán giả.

- Trong tương lai, khoa Văn học có tiếp tục thực hiện dự án này, hay có kế hoạch tổ chức thêm các sự kiện tương tự. Điều này  có mang đến những thay đổi gì đối với cộng đồng sinh viên của Khoa và người yêu điện ảnh?

Dự án sắp tới của chúng tôi là tuần phim về vấn đề chấn thương và chữa lành. Đây là một vấn đề không chỉ đáng quan tâm mà còn đáng báo động trong xã hội ngày nay, nhất là trạng thái trầm cảm, sự chấn thương mà giới trẻ đang phải chịu đựng ngày càng trở nên phổ biến do áp lực đời sống. Việc tiếp cận vấn đề này thông qua điện ảnh là một cách đối diện với nỗi đau được phơi trải trước mắt để tìm kiếm sự chữa lành và phục hồi về tinh thần. Ở Việt Nam và trên thế giới, có rất nhiều tác phẩm điện ảnh hay, ấn tượng về đề tài này. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức theo mô hình chiếu phim kết hợp với tọa đàm và hi vọng rằng tuần phim sắp tới sẽ nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng.

 

Khép lại “NỮ” Tuần lễ Điện ảnh và Nữ giới hay “không nữ?”, khán giả không chỉ chứng kiến những thành tựu nổi bật của giảng viên, sinh viên Khoa Văn học trường Đại học KHXH & NV, mà còn mở ra một chương mới cho Câu lạc bộ Điện ảnh và Sân khấu. Sự kiện này được coi là nền tảng để ghi nhận niềm hạnh phúc của những người tổ chức, đồng thời là cơ hội để khán giả tận hưởng nghệ thuật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tìm kiếm sự đồng lòng trong cộng đồng. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự đoàn kết, sáng tạo không giới hạn của các bạn sinh viên. Hy vọng trong kỳ liên hoan tiếp theo, ban tổ chức sẽ lại mang đến một góc nhìn mới về thực tại xã hội, tiếp tục làm phong phú hơn văn hóa điện ảnh của khoa Văn học nói riêng và trường KHXH & NV nói chung.

Minh Hằng


Có thể bạn quan tâm