April 28, 2024, 8:55 am

Nữ cảnh sát giao thông vào sách giáo khoa Cánh Diều


                                                                                                              
Trưa ngày 21/2/2023, vừa mở điện thoại ra, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nhờ tôi viết giúp một câu chuyện về hình ảnh người chiến sỹ công an với dung lượng 350 chữ (tiếng) để đưa vào chủ điểm Vì cuộc sống yên bình – Sách giáo khoa Tiếng Việt 5 bộ Cánh Diều (sẽ được sử dụng từ năm học 2024-2025).

 

 

 


Tôi vội gọi điện thoại hỏi Giáo sư Thuyết những yêu cầu cụ thể về bài mà ông vừa đề nghị tôi viết. Giáo sư vui vẻ giải thích, trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 của bộ sách Cánh Diều mà ông làm Tổng chủ biên, kiêm Chủ biên có 4 Chủ đề: Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung. Mỗi chủ đề gồm một số chủ điểm, tổng cộng sách có 15 chủ điểm: Trẻ em như búp trên cành; Bạn nam, bạn nữ; Có học mới hay; Có chí thì nên; Nghề nào cũng quý; Chung sức chung lòng; Có lý có tình; Vì cuộc sống yên bình; Cuộc sống muôn màu; Người công dân; Chủ nhân tương lai; Gương kiến quốc; Cánh chim hòa bình; Vươn tới trời cao, Sánh vai bè bạn. Ông muốn nhờ tôi viết cho một câu chuyện trong chủ điểm “Vì cuộc sống yên bình”, cụ thể là viết về những chiến sỹ công an đang ngày đêm giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân, trong đó, tôi có thể viết về người chiến sỹ công an phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; có thể viết về người công an khu vực luôn gần dân nhất; cũng có thể viết về những chiến sỹ cảnh sát giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên mỗi cung đường của đất nước...
Nghe Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gợi ý, tôi cám ơn ông, rồi lặng lẽ mở máy tính, quyết định viết về người nữ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở một ngã tư đường phố.
Điều khiến tôi quyết định viết về người nữ cảnh sát giao thông, hay nói một cách bao quát hơn, là về những chiến sỹ cảnh sát giao thông nói chung, lại chính là câu chuyện riêng  mà tôi vừa mới trải nghiệm, vào non trưa ngày 17 tháng 2 năm 2023, khi điều khiển xe từ Tuyên Quang về Hà Nội, cách thời điểm tôi viết bài viết ấy đúng 4 ngày, tức là đúng vào ngày 21/2 là ngày Truyền thống của lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam…
Sáng hôm 17/2/2023, sau khi làm việc xong tại Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi gồm ba người, tôi lái xe chở nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế rời thành phố Tuyên Quang xuôi Hà Nội. Đường đồi núi quanh co, lại hẹp, xe tôi cứ từ từ đi sau một chiếc xe con màu đỏ cũ kỹ, bám đầy bụi đường, tốc độ lúc nào cũng chỉ 45 km/h. Ngồi điều khiển xe ô tô sau những chiếc xe như thế bao giờ người lái xe cũng cảm thấy bức bối, khó chịu. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ, vì thế nhiều lần đã ra tín hiệu xin đường để vượt lên trên chiếc xe cũ kỹ mà không thành. Bỗng tôi nhìn lên phía trước xa kia, là một khoảng rộng của con đường, vắng teo, không một bóng người và xe đi ngược chiều. Tôi dấn chân ga, tăng tốc để vượt chiếc xe màu đỏ đã án ngữ trước xe tôi đến chừng hơn chục cây số. Khi vượt qua chiếc xe màu đỏ, tôi đưa mắt liếc nhìn vào công tơ mét và phát hiện ra mình đã điều khiển xe đến 65 km/h, tức là vượt tốc độ cho phép 15 km/h. Một cảm giác lo lắng, lạnh dọc sống lưng, khiến tôi vừa giảm tốc độ, vừa điều khiển xe về đúng phần đường của mình, và bâng quơ nói: “Anh đi quá tốc độ rồi, chắc sẽ bị phạt đấy!” Nhà thơ Phan Hoàng hỏi: “Vậy sao anh biết?” Còn  nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế thì nói giọng đùa cợt: “Nhà văn lớn, ai mà phạt!”  Chừng vài phút sau, khi xe tôi đi đến Trạm kiểm soát giao thông đường bộ thì được một cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe. Tôi giảm tốc độ, ra tín hiệu đưa xe vào lề đường rồi dừng lại. Người chiến sỹ cảnh sát trẻ mang quân hàm đại úy đến bên buồng lái, ra hiệu và tôi mở cửa xe bước xuống lề đường. Chiến sỹ cảnh sát giao thông đưa tay chào theo điều lệnh rồi bằng một chất giọng nhỏ nhẹ, nói: “Cháu chào bác, xe bác vượt quá tốc độ cho phép, mời bác vào trạm giải quyết”. Tôi cầm giấy tờ xe, bằng lái xe và căn cước công dân đi bên cạnh đồng chí cảnh sát, với thái độ nhận lỗi, nói: “Bác biết là bác sai, chỉ mong các cháu giải quyết nhanh để bác kịp về Hà Nội.” Chú cảnh sát giao thông ôn tồn: “Thưa bác, chúng cháu không nghĩ người điều khiển xe lại là người cao tuổi như bác. Bác cũng như bố cháu ở nhà… Nhưng chúng cháu đang làm nhiệm vụ, mong bác thông cảm và hợp tác. Khi chúng cháu đã bấm tốc độ, mọi dữ liệu đã được truyền về trung tâm, nếu bác quen ai trong ngành, có thể đề nghị Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh giải quyết, còn chúng cháu không có thẩm quyền, bác ạ.” Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế và nhà thơ Phan Hoàng trao đổi với nhau, định nhờ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh can thiệp; còn bản thân tôi, rút điện thoại, định gọi cho một người bạn trong ngành công an, nhờ xin không xử phạt. Tìm đước số điện thoại của người bạn, tôi bấm máy gọi, rồi trong khoảnh khắc, tôi tắt máy, hủy cuộc gọi cầu cứu, quay lại phía đồng chí đại úy, nói: “Không sao, bác sai, cháu tranh thủ lập biên bản xử phạt theo pháp luật. Bác chấp hành.” Nghe tôi nói, đồng chí đeo quân hàm trung tá, chắc là tổ trưởng tổ công tác, vui vẻ nói: “Cháu pha ấm trà mới, mời các bác vừa làm việc vừa uống trà.”
Cả ba chúng tôi vừa uống trà vừa làm việc với ba đồng chí cảnh sát giao thông; giữa người vi phạm Luật giao thông và những người đang thi hành công vụ chẳng hiểu vì sao lại vui vẻ và ân tình như những người bạn lâu ngày mới gặp lại. Người cảnh sát đeo quân hàm đại úy còn hướng dẫn tôi thật tỉ mỉ cách làm thủ tục nộp phạt trên Dịch vụ công qua điện thoại thông minh.
Bị xử phạt hành chính bằng tiền, bị tước giấy phép lái xe 60 ngày vì điều khiển phương tiện đi quá tốc độ cho phép, là một nỗi buồn sâu thẳm, nhưng lại tạo cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, biến thành cảm xúc thực sự tốt đẹp về trách nhiệm và sự hy sinh của những chiến sỹ cảnh sát giao thông ngày ngày đội mưa, dãi nắng vì sự bình yên cho mỗi cung đường, bảo vệ hạnh phúc cho mỗi người khi tham gia giao thông… Chính trong dòng cảm xúc ấy,tôi đã viết về họ khi được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “đặt hàng” , mà nhân vật tiêu biểu, nhân vật điển hình là một nữ cảnh sát giao thông ở ngã tư đường phố.
Sau gần một năm gửi bài, khi  cầm trên tay cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập một, bộ sách Cánh Diều,  được gặp lại bài viết có nhan đề ‘Sang đường” của mìn , lòng tôi thật vui, thật hạnh phúc, nhớ về một kỷ niệm không vui, lại vô tình tạo nên nguồn cảm xúc, để tôi viết thành công về  người nữ cảnh sát giao thông vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập một, bộ Cánh Diều đẹp đẽ và đáng trân trọng đến thế.
Tôi thật xúc động, vui sướng, vì đã vinh dự góp một câu chuyện nhỏ “Sang đường” vào chủ điểm “Vì cuộc sống yên bình”, một trong 15 chủ điểm  trong hai tập sách Tiếng Việt lớp 5 mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và tập thể tác giả đã thiết kế một cách đầy đủ, khoa học mà không phải bộ sách nào cũng làm được, giúp người dạy và người học tiếp cận đúng với yêu cầu của Chương trình giáo dục 2018. 

Đào Quốc Vịnh (Thuần Khang) 
                                                                       


Có thể bạn quan tâm