May 2, 2024, 7:03 pm

Nông thôn mới nhìn từ "Mùa rươi"

Mùa rươi là cuốn tiểu thuyết thứ năm của Phạm Quang Long, cũng khá bề thế vạm vỡ như 4 cuốn trước đó, được xuất bản đều đặn trong khoảng 6-7 năm gần đây: Lạc giữa cõi người (NXB Hội Nhà Văn, 2016); Bạn bè một thuở (NXB Lao Động, 2017); Cuộc cờ (NXB Hà Nội, 2018); Chuyện làng (NXB Công an Nhân dân, 2020); Mùa rươi (NXB Văn Học, 2022).

Trong đó, tiểu thuyết Bạn bè một thuở là tác phẩm đầu tư “đặt hàng” của Bộ Quốc phòng và tiểu thuyết Chuyện làng đã được Giải thưởng chính thức Cuộc thi sáng tác đề tài Vì an ninh Tổ quốc do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức 2 năm 2019-2020.

Trong 5 cuốn tiểu thuyết kể trên, thì có 2 cuốn viết về đề tài nông thôn, đó là Chuyện làng và Mùa rươi. Người đọc dễ dàng nhận ra 2 tác phẩm đều viết về cùng một ngôi làng và cũng có thể nói Mùa rươi là phần 2 của Chuyện làng. Thật vậy, Chuyện làng là những câu chuyện của một ngôi làng Bắc bộ những năm 1945-1975. Dĩ nhiên, Chuyện làng có không khí Cách mạng tháng Tám 1945, có những năm đánh Tây, có cải cách ruộng đất, có phong trào hợp tác hóa, có những nỗ lực và hi sinh của hậu phương lớn miền Bắc vì tiền tuyến lớn miền Nam… Trong ngôi làng ấy cũng có những anh nông dân khôn vặt láu cá, có những cán bộ dấm dúi chấm mút ăn vụng, có những xã viên “chân trong chân ngoài” v.v… Những người nông dân ấy của Chuyện làng tiếp tục hiện diện trong Mùa rươi, đồng hành cùng công cuộc chấn hưng “tam nông” trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước những năm đầu thế kỷ XXI…

Tất nhiên, cái ngôi làng “bé tí” trong Mùa rươi, cùng những người nông dân của làng, đã khác xa cái thời Chuyện làng vài chục năm trước đó. Tất cả những hủ tục và mỹ tục của làng trong Mùa rươi đều chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Cái xấu thì cộng hưởng công phá; cái đẹp thì phai nhạt lụi tàn; nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn… Làng bắt đầu thay đổi từ chuyện lấp ao bán đất làm nhà, mọc lên cái “phố Tấn” xanh đỏ nhấp nháy, xập xình karaoke… Ngày xưa dân ngụ cư thì lép vế khép nép, nay có tiền thì vênh vang kệch cỡm. Ngày xưa “đầu đường, xó chợ’ là mạt hạng thì nay đó là những “tấc đất tấc vàng”. Rồi nữa: Ngày xưa cán bộ tham lam chỉ “chấm mút” tí công điểm hoặc bớt xén nông sản lúc ăn chia, nay thì ăn từ đấu thầu dự án, từ dồn điền đổi thửa, từ những công ty cánh hẩu “sân sau”…

Mùa rươi cũng đặt ra rất nhiều vấn đề thời sự của nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay; từ chuyện “đầu ra” cho nông sản thông qua câu chuyện trồng đinh lăng toan chuyện làm ăn lớn, rốt cuộc chỉ được mấy hũ rượu ngâm nhâm nhi; đến trình độ canh tác của nông dân thời sản xuất hàng hóa, thông qua chuyện nuôi rươi cũng đồng ấy, nước ấy nhưng nhà thì trúng lớn, nhà thì trắng tay… Đặc biệt là những cái được và những cái mất từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới. Hãy nghe tâm tư của một nhân vật tích cực trong tiểu thuyết: “Xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu… thì đúng rồi. Nhưng cái nào đúng, cái nào sai, sai đúng đến đâu… các ông đã nghĩ kỹ cả chưa? Chỉ riêng cái làng tôi đây sau mấy chục năm thay đổi theo chỉ thị của các ông cũng chẳng còn ra cái làng nữa… Còn những chuyện khác thì coi trọng đồng tiền quá nên làm hỏng nhiều thứ quá. Tệ nhất là tình làng nghĩa xóm bây giờ… Hiện đại hóa mà làm hỏng con người thì tôi chả mong hiện đại hóa làm gì?” (tr.303).

Đọc Mùa rươi, thấy rõ nỗi niềm trăn trở đầy trách nhiệm của tác giả trước những vấn nạn của xã hội và quốc nạn của đất nước. Từ những ấu trĩ cực đoạn đến những dốt nát và trục lợi trong việc đập phá đình chùa trước đây và xây mới hiện nay, đến những xuống cấp của đạo đức xã hội và sự vô cảm của con người trong đời sống “hiện đại”. Đặc biệt là sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đã có người làng phải thốt lên: “Đảng của Cụ Hồ là Đảng cộng sản thật. Các cụ ấy vào Đảng là để hi sinh cả tính mạng cho dân cho nước. Còn bây giờ ở quê tôi, người ta vào Đảng là để hưởng thụ chứ không ai chịu hi sinh gì cả” (tr.297). Tác giả mượn lời của một nhân vật là “cộng sản ngoài Đảng” để chỉ ra một sự thật trong nhiều tổ chức Đảng hiện nay: “Trong Đảng nói là dân chủ, nói hết, phê bình và tự phê bình để giúp nhau tiến bộ… Phê bình đúng còn khó nghe nữa là phê bình chưa đúng. Có người miệng nói phê bình để giúp nhau tiến bộ, nhưng có khi phê lại là để vùi dập, có khi khen nhau lại là khen cho chết hẳn” (tr.163). Còn nói về vấn đề “tam nông” thì: “Nhà nước còn nợ nông dân nhiều lắm. Cái gì cũng dựa vào nông dân, nhưng nông dân thì thiệt nhất, con cái nông dân khổ nhất, nông thôn ít được chú ý nhất. Hàng hóa nông dân làm ra nuôi cả xã hội, nhưng xã hội chả coi người nông dân ra gì. Hàng hóa bán cho nông dân thì đắt, mua hàng của nông dân thì rẻ, ruộng đất của nông dân cứ lấy vô tội vạ, ông nào thích thì ra một cái quyết định thu hồi, mà đền bù thì chả được là bao…” (tr 303). Hoặc như những nhận xét của ông Đỉnh về lớp cán bộ hiện nay ở làng Hà Đồng của ông: “Ngày xưa cán bộ ít được học hành, họ cũng có những lúc sai nhưng họ gần dân hơn, không nói một đằng làm một nẻo. Sao giờ cán bộ được học nhiều hơn, nhưng làm ăn thì chán thế. Lại lắm trò lưu manh hơn…” (tr.299).

Tiểu thuyết Mùa rươi có một thế thống nhân vật khá phong phú và đa dạng, làm nên một xã hội thu nhỏ đủ các giai tầng, đủ loại đối tượng… để tác giả triển khai những ý tưởng nghệ thuật của mình. Cùng là những người lính trở về từ chiến trường, có người vẫn giữ được phẩm chất của người chiến sĩ như ông Đỉnh, ông Thủy; nhưng có người bị cuốn hút vào dòng xoáy của tiền và quyền như ông Tân. Cùng đi xuất khẩu lao động trở về, có kẻ thì rởm đời, hơm hĩnh, trọc phú và ma mãnh như tay Hẹn; nhưng có người thì chí thú làm ăn từ đồng vốn gom góp được ở xứ người để làm giàu và đóng góp cho cộng đồng như ông Tiến. Có những nhân vật chỉ xuất hiện đôi lần trong những hoàn cảnh cụ thể nhưng đủ khơi lên niềm hi vọng vào những cán bộ chân chính như anh Tâm. Có những nhân vật trẻ người nhưng không non dạ như Hiên, như Thao… khiến cho người đọc yên lòng tin tưởng vào thế hệ tương lai của làng, hiểu rộng ra là tương lai của đất nước. Ấn tượng nhất là nhân vật lão Hoản và ông Đỉnh trưởng thôn. Lão Hoản là một gã thô lỗ, tục tằn, khôn vặt, “đòn xóc 2 đầu” nhưng lại có tài thượng thặng chế biến các món ăn dân dã. Lão là nhân vật không thể thiếu của bất kỳ làng quê Việt nào dẫu ở thời đại nào. Sự hấp dẫn của những món ăn do lão chế biến chính là “chất quê” cố hữu của lão, là hồn cốt của làng quê, là tàn dư không thể đoạn tuyệt của “nhà quê”. Đặc biệt thú vị là nhân vật ông Đỉnh, một cựu chiến binh từng chỉ huy cả đại đội công binh ở chiến trường, từng hơn chục năm có chân trong chi ủy của làng; nhưng cũng ở làng, ông từng bị “án oan” phải ra khỏi Đảng; khi oan khuất được sáng tỏ thì vì tự ái mà ông tự nguyện làm “người cộng sản ngoài Đảng ở cái làng này”. Ông vẫn được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn vì ông còn “làm việc cho dân, cho làng, vẫn bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống cái sai, cái xấu…” (tr.297). Ông Thủy cũng là một cán bộ tích cực của xã nhận xét về ông Đỉnh: “Chả bài vở lý luận gì nhưng ông này nắm chuyện của làng như trong lòng bàn tay, từ ruộng đất đến con người… Lúc nào trông Đỉnh cũng ung dung, nhưng té ra ông ấy tính toán được, lại tính giỏi” (tr.60). Đến như Chủ tịch huyện chỉ mới gặp và nói chuyện với Đỉnh một lúc cũng phải công nhận: “Đúng là ông nông dân này vừa hiểu biết, vừa dám nói ra những cái mình nghĩ một cách rành rẽ và công bằng. Cũng có bực bội nhưng không cực đoan…” (tr 296).

Văn xuôi Việt Nam trước tới nay đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài nông thôn, nhưng viết về “nông thôn mới” thời hội nhập và phát triển, với những cái được và mất, vui và buồn… trong mối quan hệ hữu cơ với nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội như tiểu thuyết Mùa rươi thì còn khá hiếm. Điều đáng nói là giá trị của tác phẩm không chỉ ở tính thời sự, mà trước hết và trên hết là ở chủ đề tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Thiết nghĩ, đây là một tiểu thuyết đáng đọc, không chỉ đối với công chúng của văn chương.

Mai Nam Thắng

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm