April 29, 2024, 2:00 am

Nỗi đau của chàng Werther, tiểu thuyết mở đầu cho văn học lãng mạn

 

Là một trong những trào lưu văn hóa văn học có tầm ảnh hưởng quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển văn học toàn thế giới, chủ nghĩa lãng mạn đã vinh danh những tên tuổi vĩ đại của các nền văn học Anh, Pháp, Đức, Nga…: G.Byron, P.Shelley, Chateaubriand, Lamartine, Vigny, V.Hugo, Novalis, Hoffman, Zhukovsky, Pushkin…

Nhưng trước khi chủ nghĩa lãng mạn chính thức xuất hiện với vai trò lịch sử của nó thì trong văn học thế giới đã có những tên tuổi được coi là “người tiên phong”, và có những tác phẩm được coi là “tác phẩm mở đường”. Nói đến “người tiên phong” và “tác phẩm mở đường” của chủ nghĩa lãng mạn thế giới không thể không nhắc đến thiên tài vĩ đại người Đức Johann Wolfrang Von Goethe và tiểu thuyết nổi tiếng của ông - Nỗi đau của chàng Werther.

Goethe (1749 - 1832) là ngôi sao sáng trong nền văn học Đức. Ông sống và sáng tác trải dài qua hai thế kỉ XVIII, XIX với nhiều biến động trong đời sống chính trị và tư tưởng, xã hội. Sinh thời, khi còn trẻ, Goethe được biết đến là một trong những thành viên của phong trào “Bão táp và Xung kích”. Đây là một trào lưu văn học ra đời khi phong trào Ánh sáng ở Đức đang lên cao. Trào lưu văn học này tuy không phải là một tổ chức chính trị hay phong trào cách mạng nhưng những sáng tác của các tác gia của nó lại mang đậm tinh thần đấu tranh: đấu tranh cho quyền lợi của những tầng lớp nhân dân bị áp bức, đấu tranh chống lại chế độ xã hội hiện hành, biểu lộ thái độ bất bình đối với hoàn cảnh nước Đức đương thời… Dù mang đậm dấu ấn và tinh thần đấu tranh, sáng tác của các tác giả trong trào lưu “Bão táp và Xung kích” vẫn chưa thật sự tìm ra được con đường đúng đắn cho một sự đổi thay của văn học, văn hóa và rộng hơn là xã hội Đức. Các nhà văn thời kì này vẫn miệt mài trên con đường định hình, xây dựng và hoàn thiện nền văn học dân tộc Đức. Tham gia trào lưu văn học này khi mới chập chững bước vào nghiệp viết, sớm nhận thấy những điểm tích cực và hạn chế của nó, Goethe đã kế thừa những giá trị tư tưởng tốt đẹp để không ngừng sáng tạo. Sau “Bão táp và Xung kích” của thời kì Ánh sáng, văn học Đức bước vào giai đoạn cổ điển chủ nghĩa, chậm hơn gần một thế kỉ so với chủ nghĩa cổ điển Pháp và tính chất “cổ điển” của hai nền văn học cũng rất khác nhau. Như vậy, có thể nói, Goethe là “cầu nối” của hai giai đoạn văn học kế tiếp nhau và có bước chuyển rất ngắn ngủi trong nền văn học Đức: giai đoạn văn học Ánh sáng và giai đoạn chủ nghĩa cổ điển. Và một điều hiển nhiên, những sáng tác của nhà văn vĩ đại cũng mang trong nó những đặc trưng tinh thần và nghệ thuật của cả hai giai đoạn văn học này: vừa lí trí lại vừa tình cảm; tranh đấu nhưng cũng không ít bế tắc, bất lực, bi quan; đau đáu bung phá và giải phóng nhưng vẫn chưa đủ sức mạnh để thoát li hoàn toàn những ràng buộc của luân lí, giáo huấn, quy chế của xã hội cũ… Nỗi đau của chàng Werther - sáng tác được Goethe hoàn thành khi nhà văn còn rất trẻ, 25 tuổi - đã gửi gắm trọn vẹn những tâm tư ấy.

Nỗi đau của chàng Werther được xuất bản năm 1774, ngay khi ra mắt công chúng đã tạo nên một cơn sốt trên khắp nước Đức, sau đó là châu Âu. Năm 1782, Goethe tái bản tác phẩm lần 1 và có sửa chữa.

Nỗi đau của chàng Werther, nhìn từ bề mặt cốt truyện, có thể được coi như là một câu chuyện tình tay ba giữa chàng thanh niên Werther với cô gái quý tộc Lothéa xinh đẹp, đôn hậu và Albert - hôn phu của nàng, cũng là bạn của Werther. Là một thanh niên trí thức có tài, Werther chán ghét cuộc sống xa hoa trưởng giả với công việc phục vụ tầng lớp quý tộc, chàng tìm đến với thị trấn Warheimu xinh đẹp và yên tĩnh để được tận hưởng cuộc sống phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên và những người dân quê chất phác, thật thà. Tình yêu của chàng cũng nảy nở từ bối cảnh thiên nhiên thanh bình và tấm lòng giản dị, chân thành của những người dân nơi đây. Tuy nhiên, cảm kích và ngưỡng mộ tình yêu chung thủy mà Lothéa dành cho Albert, Werther quyết tâm rời xa miền đất hứa, nơi có người chàng ngày đêm yêu dấu để trở về quê hương, không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của bạn mình. Thế nhưng, công việc và cuộc sống nơi quê hương không làm chàng nguôi ngoai nỗi nhớ người yêu. Werther đã quay về với Lothéa dù chỉ được nhìn ngắm nàng. Lần trở về này, trái ngược với suy nghĩ của Werther, đã đem lại cho chàng nhiều hơn những đau khổ, suy tư, bế tắc, tuyệt vọng. Lothéa đã yên bề gia thất với vị hôn phu, sự xuất hiện của chàng đã ít nhiều làm xáo trộn cuộc sống của họ. Thêm nữa, mối tình với Lothéa trong lòng chàng không những không chịu ngủ yên mà trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Cả Lothéa và Albert đều e ngại sự xuất hiện của Werther trong gia đình họ, dù người yêu của chàng - Lothéa - rất thấu hiểu tình cảm và con người chàng. Cả hai luôn dừng lại ở những hành động rất đúng mực của những người bạn với nhau. Tuy nhiên, trong một lần không làm chủ được bản thân, Werther đã ôm hôn Lothéa say đắm. Hành động này khiến Lothéa đau khổ, giống như việc nàng đã phản bội chồng, nàng không muốn gặp lại Werther nữa. Những lời nói của Lothéa giống như lưỡi dao cứa đứt niềm hi vọng mong manh trong tâm hồn vốn chất chứa đầy nỗi buồn, sự cô đơn và bế tắc của Werther. Werther day dứt và quyết định kết thúc cuộc đời bằng súng lục trong tuyệt vọng. Trớ trêu thay, người trao súng lục cho chàng lại chính là người chàng yêu dấu Lothéa và khẩu súng ấy là của Albert - người bạn của chàng. Werther ra đi khi trên bàn vẫn để mở cuốn sách đọc dang dở: Emilia Galotti của Lessing.

Nỗi đau của chàng Werther được viết dưới hình thức những bức thư, đặc sản của văn học phương Tây thế kỉ XVIII, cũng là thể loại ưa chuộng của chủ nghĩa tình cảm. Vì được viết bằng những bức thư nên mọi tâm tư tình cảm, mọi tâm sự của nhân vật chính được kể lại một cách chân thực, kể cả những chuyện thầm kín nhất. Trong Nỗi đau của chàng Werther, nhân vật chính tự giãi bày, tự giải phóng cảm xúc và bộc lộ chúng không hề giấu giếm. Đối tượng nhận thư là Vinhem đã được ẩn đi, chúng ta không biết Vinhem nghĩ gì, cảm thấy như thế nào và bày tỏ thái độ gì trong tác phẩm. Những lá thư ở đây giống như những dòng nhật kí. Những cảm xúc của Werther về tình yêu, về thiên nhiên, về công việc, về tình bạn… tất cả hiện lên một cách rõ ràng. Thế giới nội tâm của con người, như thế, đã trở thành trung tâm của tác phẩm văn học. Đây có thể nói là một điểm mới mẻ trong hành trình đổi mới của văn học Đức nói riêng và văn học thế giới nói chung.

Werther, nhân vật chính trong Nỗi đau của chàng Werther, tuy sống trong thế giới của bạn bè, của công việc, của tình yêu nhưng luôn cảm thấy cô đơn. Werther cô đơn khi sống trong thị trấn xinh đẹp với những người dân hồn hậu xung quanh, cô đơn cả khi lúc nào cũng có người mẹ, có những đứa trẻ yêu thương chào đón, cô đơn cả khi đã gặp được Lothéa, đã tìm thấy ở nàng một tấc lòng tri âm tri kỉ, thậm chí cô đơn ngay cả khi luôn có một người để chia sẻ mọi tâm tư trong cuộc sống - Vinhem.

Vào một buổi trưa hè đứng bóng, khi mới bước chân đến thị trấn, Werther bị ngợp trong “cái cảm giác cô tịch”. Cảm giác ấy còn xâm chiến lòng chàng trong những ngày đầu tiên ở nơi này: “Tôi đã làm quen với đủ mọi hạng người, nhưng vẫn chưa tìm được bạn tâm tình.” Những người dân quê hồn hậu yêu quý chàng, đến nỗi chàng “cảm thấy đau lòng” khi chỉ được đi cùng họ một đoạn đường ngắn ngủi, nhưng chỉ khi “trở lại với chính trái tim mình” Werther mới “tìm được ở đó cả một thế giới”. Niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống nơi đây chỉ thực sự được Werther cảm nhận khi gặp Lothéa. Chính Werther đã thốt lên khi viết trong thư cho Vinhem: “Nàng đã bắt giam trọn vẹn tâm hồn tôi.” Tình cảm sâu nặng với Lothéa đã đem lại ánh sáng của cuộc sống thực sự cho Werther, nhưng cũng chính tình cảm sâu nặng ấy khiến chàng khốn khổ khi nhận ra đó chỉ là thứ tình cảm vô vọng. Khi Albert trở về thì “tất cả khép lại trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, nơi mọi cơn ớn lạnh rùng mình của nỗi cô đơn đang chờn vờn vây quanh”, Werther thổ lộ: “Quãng đời trái tim tôi cô đơn bỗng sống lại trong tôi.” Sự cô đơn, nỗi buồn không được thấu hiểu, tình yêu tuyệt vọng khiến Werther dần dần “xung đột” với Albert, với cả Lothéa - người chàng yêu dấu. Quyết vượt thoát nỗi đau chốn quê người, Werther đã lên đường trở về quê hương, tránh xa sự giày vò của tâm hồn. Nhưng ở đây Werther lại vướng vào một vòng quay của những rắc rối khác, với những con người nhàm chán và đáng ghét đến mức chàng xa lạ với hầu như tất cả mọi người. Những kẻ quý tộc thượng lưu dốt nát, hợm hĩnh không chấp nhận Werther. Thậm chí, trong một buổi dạ hội ở nhà bá tước C - người hết mực quý trọng Werther, chàng đã bị xã hội thượng lưu hùa nhau làm nhục chỉ bởi xuất thân của chàng. Werther xung đột với tất cả mọi người, chàng ôm ấp trong lòng khát vọng đổi thay nhưng “ở đây, sự đê tiện vàng son và nỗi buồn vô vị cùng ngự trị trong đám người vô liêm sỉ sống bên nhau” khiến chàng lại càng rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực, chàng tự tách mình ra khỏi xã hội và lại trở về với những tình cảm mãnh liệt nhưng tuyệt vọng với Lothéa, với sự ngự trị của nỗi cô đơn: “Lothéa thân yêu! Tôi viết cho em đây, viết cho em trong căn phòng một quán trọ chật hẹp ở miền quê, nơi tôi náu mình lúc xấu trời. Từ ngày tôi phiêu bạt tới đây, lang thang miền D… buồn tẻ và sống giữa những con người xa lạ, vâng, rất xa lạ đối với cõi lòng tôi, chẳng có giây phút nào, chẳng có khoảnh khắc nào mà trái tim tôi không thôi thúc, giục giã tôi cầm bút viết cho em; và giờ đây, sống trong túp lều này, trong nỗi cô đơn và bốn bề vây hãm, trong lúc gió tuyết lồng lộn quất vào ô cửa sổ phòng tôi, thì ý nghĩ đầu tiên của tôi, đó là em!” Lothéa chính là niềm cứu rỗi cho Werther khi chàng gặp phải những chuyện khó chịu với những kẻ quý tộc đáng ghét nơi đây. Một lần nữa, Werther muốn đoạn tuyệt với mảnh đất này để đạt tới “tự do đời đời”. Chàng xin từ chức, đi thăm lại những nơi in đậm kỉ niệm với mình, và trên hết là trở về bên Lothéa, dù nàng và Albert đã nên duyên vợ chồng. Như vậy, xung đột của Werther là xung đột với môi trường xung quanh. Cụ thể hơn, là xung đột mang tính bi kịch giữa cá nhân tư sản muốn được tự do phát triển tài năng và chế độ phong kiến bảo thủ, thối nát. Xung đột ấy, thậm chí, còn được chứa đựng trong chính mối quan hệ giữa Werther và Lothéa.

Rõ ràng, đọc tác phẩm, chúng ta thấy Lothéa cũng có tình cảm với Werther. Chính Lothéa có lần bày tỏ tình cảm của mình, và cũng có lần không làm chủ được cảm xúc với Werther. Thế nhưng, người phụ nữ phong kiến ngoan đạo trong nàng đã kiềm chế con người giàu xúc cảm ở nàng. Nàng không dám sống thật với tình yêu, dù rất đau khổ. Như thế, cũng chính xã hội phong kiến với những luật tục hà khắc đã ngăn cản Werther đến với Lothéa, đã khoét sâu thêm nỗi đau, sự cô đơn và bi kịch của Werther.

Chấp nhận được gặp gỡ người yêu dù biết người ấy không thuộc về mình, Werther ngoài mặt thì vui vẻ, sung sướng nhưng trong lòng thì đau đớn khôn nguôi. Chàng luôn sống trong sự dằn vặt, nỗi trống trải, sự giằng xé và sự bất lực. Chàng viết cho Vinhem: “Hàng trăm lần tôi đã đứng chơi vơi, toan nhảy lên ôm riết lấy cổ nàng! Chỉ có Chúa cao minh mới hiểu thấu lòng tôi: đau đớn thay cho một con người, được nhìn thấy biết bao nhiêu yêu kiều và diễm lệ chao lượn trước mắt mình, nhưng không dám đưa tay nắm bắt.” Giờ đây, trong lòng Werther là sự giằng xé của hai lựa chọn - sống mà đau đớn và chết mà được giải thoát: “Xin có Chúa chứng giám! Đã biết bao lần tôi lên giường với ước muốn, thậm chí với hi vọng là đừng bao giờ thức dậy nữa! Nhưng sáng ra tôi mở mắt, tôi lại thấy mặt trời, và tôi thật khổ sở!” Cuộc sống với những nỗi đau khổ trong tình yêu đã biến một anh chàng Werther vui tươi, say mê cuồng nhiệt trở thành một người bí ẩn, âu sầu, hay triết lí về cái chết và sự bất lực của con người. Bị cuốn theo những sự việc ngẫu nhiên gặp trên đường: một anh lục sự phát điên vì yêu mà không được đền đáp, một gia nhân vì yêu mà giết kẻ đã cướp mất người yêu của mình… tâm trạng của Werther càng tồi tệ hơn. Chàng đã tự ghi lại những vận động bí ẩn tối tăm của tâm hồn mình trong những dòng thư gửi cho Vinhem: “Ôi, con người là gì đây, nếu chẳng phải là vị thần nửa mùa được tán dương! Chính vào lúc cùng quẫn nhất, chẳng phải con người đã thiếu mất những sức mạnh của thiên thần? Và khi sướng vui hồn chắp cánh bay lên, lúc khổ đau con người chìm mãi xuống, nhưng con người đâu có được giữ lại ở tột cùng hạnh phúc hay tột cùng khổ đau, mà bị lôi về với cái thực tại lạnh lùng và tù hãm… chẳng phải thế hay sao trong lúc con người khát khao được tan vào thinh không, vào mênh mông vô tận?” Chọn chấm dứt nỗi đau, chọn sự giải thoát khỏi nỗi cô đơn, Werther đã tự bắn vào đầu mình. Cái chết của Werther là minh chứng cho hành động vượt thoát khỏi mọi giới hạn con người thời đại “Bão táp và Xung kích”. Hành động của Werther không đơn thuần là hành động chống lại số phận, đó còn là hành động biểu lộ sự phản kháng gay gắt và tiêu cực của con người trước hoàn cảnh xã hội đầy rẫy những bất công, những áp bức, những đè nén và những luật tục vô lí kìm hãm tự do của con người. Không thỏa mãn trong tình yêu, Werther tìm niềm vui trong công việc, trong cuộc sống xã hội, nhưng xã hội thượng lưu lại khinh bỉ chàng, coi chàng là đứa con ghẻ, dù chàng có tài năng, có phẩm hạnh trên cả những kẻ được gọi là tinh hoa của xã hội ấy. Chính sự bế tắc trong khát vọng cá nhân đã dần dần đẩy Werther cách xa loài người. Sự xung đột của một người có trí tuệ, có tài hoa, có nhân cách, có ý thức trách nhiệm cao cả với toàn xã hội tù túng khi ấy đã biến Werther thành một kẻ cô đơn cùng cực và mạnh mẽ cùng cực. Có thể thấy, Werther đã vượt lên trên những nhân vật của nền văn học Đức để tự “đấu tranh” và định đoạt số phận của mình. Không phải ngẫu nhiên, cuốn tiểu thuyết Emilia Galotti để mở trên bàn làm việc lại là hình ảnh khép lại Nỗi đau của chàng Werther. Trong Emilia Galotti, cả hai nhân vật chính Appiani và Emilia đều không dám đấu tranh để tự bảo vệ mình và tình yêu của mình khỏi tên bạo chúa phong kiến khét tiếng Gongzago. Cha của Emilia vì muốn bảo vệ trinh tiết cho con đã tự tay đâm chết con gái. Cũng là cái chết khép lại bi kịch nhưng nhân vật chính của Goethe đã được nâng lên một tầm cao hơn hẳn. Werther ý thức được tình cảnh của mình, chàng đấu tranh với nó, chỉ đến khi không thể vượt thoát hoàn cảnh và xã hội, chàng đành tự hành động. Hình ảnh Werther của Goethe đã làm dậy lên một làn sóng mạnh mẽ ở nước Đức và trên thế giới khi ấy. Chưa có nhân vật nào cô đơn và lại ý thức sâu sắc về nỗi cô đơn ấy và có những giằng xé nội tâm gay gắt như Werther, chưa có nhân vật nào dám hành động quyết liệt như Werther để bảo vệ mình, bảo vệ người mình yêu và bảo vệ chính tình yêu thiêng liêng của hai người. Trong tác phẩm, những dòng suối tâm trạng của Werther đã đưa chàng xa rời những nhân vật lí trí của văn học cổ điển thế kỉ XVII. Werther “người” hơn, đáng thương hơn, và cũng gần với con người thực tế hơn những nhân vật văn học gồng mình lên, hay “khổ vì trí tuệ” trong hài kịch của Molière… Cách hành xử của Werther, xét từ góc độ nghệ thuật, là cách hành xử vượt mọi giới hạn cao nhất của ý thức con người. Hay nói cách khác, đó là một hành động “khác người”, là “chiến công phi thường” của con người dám sống, dám ước mơ, dám đấu tranh và dám hành động. Sau này, đó là cách hành xử thường thấy của các nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn. Cũng bởi lẽ đó, Nỗi đau của chàng Werther của Goethe được đánh giá là “tác phẩm báo trước” và Goethe được coi là người báo trước của văn học lãng mạn Đức nói riêng và văn học lãng mạn thế giới nói chung.

Sau Nỗi đau của chàng Werther - tác phẩm xuất sắc nhất của phong trào “Bão táp và Xung kích”, văn học Đức vùng lên thoát khỏi “sự cùng khổ” kéo dài nhiều thế kỉ. Những văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đã dám đứng lên đấu tranh chống lại xã hội. Có người đi theo con đường tìm về với văn học dân gian, tìm về với những yếu tố thần tiên kì ảo cổ xưa của dân tộc để lẩn tránh hiện thực; có người lại quay vào ảo mộng hay lang thang nhàn tản để lánh xa thế tục. Những con người tìm vào ảo mộng và xa rời thực tế thường là những “người thừa” hay “nhân vật sầu muộn”. Ở họ, các tác giả chú trọng khắc họa nội tâm chứ không miêu tả con người xã hội. Đặc biệt, những dòng miêu tả nội tâm nhân vật luôn song hành với những trang viết miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên cũng đã chính thức trở thành nhân vật chính của tác phẩm văn học. Nhìn vào những đặc điểm ấy của văn học lãng mạn Đức, rõ ràng, Nỗi đau của chàng Werther chính là “tác phẩm khai sáng”.

ĐỖ THỊ HƯỜNG

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm