May 5, 2024, 5:21 pm

Nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình

Nếu những tình khúc của Trịnh Công Sơn là những bản tình ca muôn thuở thì dòng nhạc phản chiến của người nhạc sĩ này là những khúc “phản - tình - ca” về một giai đoạn đớn đau của một dân tộc trong 21 năm dài chiến tranh và chia cắt Bắc - Nam (1954-1975).

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn chính là tiếng kêu thân phận của con người, đặc biệt là của tuổi trẻ miền Nam trong đạn bom tao loạn. Nhưng điều đáng quý của Trịnh ở dòng nhạc này, chính bởi nó không phải chỉ là tiếng kêu đau thương của một cá nhân mà là nỗi đau chung của cả một dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ miền Nam thời ấy. Từ sự cảm nhận đến xót xa nỗi đau chia cắt đất nước, sức tàn phá, hủy diệt của chiến tranh vẫn cháy bỏng khát vọng hòa bình cùng niềm tin về một ngày thống nhất giang sơn.


Nỗi đau chiến tranh, chia cắt

Đó là nỗi đau của hơn 20 năm trời thân thể Việt Nam bị cắt rời Trung - Nam - Bắc, mà vĩ tuyến 17 giữa khúc ruột miền Trung như một vết dao chém ngang bờ cõi, chém ngang lòng người thành giới tuyến Bắc - Nam để rồi phải “thờ ơ” nhau và “ngồi nhớ thương nhau” suốt tháng năm dài xa cách: Huế - Sài Gòn - Hà Nội, quê hương ơi xa vẫn còn xa. Huế - Sài Gòn - Hà Nội, bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ. Việt Nam ơi! Còn bao lâu! Những con người ngồi nhớ thương nhau… Suốt quãng đường cắt chia, ly loạn ấy, tiếng khóc than làm buốt nhói đến tận cùng trái tim người: Huế - Sài Gòn - Hà Nội, 20 năm tiếng khóc lầm than. Huế - Sài Gòn - Hà Nội, trong ta đau trái tim Việt Nam (Huế - Sài Gòn - Hà Nội).

Tiếng ru con ngọt ngào đêm đêm của Mẹ Việt Nam được thay bằng hàng tràng tiếng “đại bác ru đêm”: Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng, từng vùng thịt xương có mẹ có em (Đại bác ru đêm). Không chỉ có thịt xương người già và con trẻ ở những làng quê, mà cả những phố phường cũng hiện lên hàng hàng bia mộ: Cùng ghi nhớ. Những phố phường kia đã lên mộ bia. Dân ta chết trong ngẩn ngơ (Quê hương đau nặng). Sau lời mẹ ru thường là giấc ngủ của con thơ, còn kết quả của lời ru bằng những tràng đại bác kia là xác con, xác mẹ cùng ngập ngụa những xác người: Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này. Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai  (Bài ca dành cho những xác người).

Hơn 20 năm ấy, người dân miền Nam sống trong lo sợ, cuộc sống không thấy bóng dáng màu xanh mà hàng ngày phủ trắng những khăn tang: Từng mái gia đình, nay chỉ thấy khăn tang đi về. Đêm đêm là lo sợ (Lời ru đêm). Nát cửa, tan nhà, người già nằm co ro trên ghế đá công viên; cuộc sống thường ngày bị xô lệch, ghế đá cũng không còn nằm bình yên trong những công viên mà bị kéo ra giữa đường phố vắng, trẻ con rách rưới, “lõa lồ khóc tuổi thơ đi”: Ghế đá công viên dời ra đường phố. Người già co ro chiều thiu thiu ngủ. Người già co ro buồn nghe tiếng nổ. Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi (Người già em bé). Khắp cả miền Nam vang lên những tiếng kinh cầu của mẹ. Tiếng kinh cầu dội vào những “tường trắng im lìm”. Cầu kinh và chờ đợi! Chờ đợi thanh bình, nhưng đợi đến “tóc trắng như bông”, vẫn chỉ nghe tiếng bom rung bốn phía nhà mình: Đêm mẹ ngồi cầu kinh, tường trắng im lìm… Ngày tháng ưu phiền, tóc mẹ trắng như bông. Đêm chờ, bom rung từng liếp cửa (Lời ru đêm).

Trước âm mưu chiến tranh, chia cắt của kẻ thù và bè lũ tay sai, trong vòng nô lệ ấy, có nỗi đau nào cho bằng nỗi đau khi thanh niên miền Nam phải nhận vũ khí của ngoại xâm để bắn vào những người anh em cùng màu da, tiếng nói, đẩy “giấc mơ thanh bình” ngày một thêm xa: Bao nhiêu năm còn nô lệ. Anh em ta nhận vũ khí. Quê ta bãi hoang chiến trường diệt nhau như thú. Trôi bao nhiêu dòng máu đỏ. Bao yêu thương lùi trong quá khứ. Ôi giấc mơ thanh bình còn quá xa (Quê hương đau nặng). Cả miền Nam là một ngục tù mà chính người Việt lại là tù nhân suốt ngày nằm trong ngục tối, vọng nhớ chính nước non mình: Một ngục tù nuôi da vàng. Người Việt nằm nhớ nước non (Ngày dài trên quê hương).

Trong những tháng năm đau khổ ấy, Trịnh Công Sơn nhận ra và thốt lên rằng, tất cả thanh niên ba miền Bắc - Trung - Nam đang đứng hai đầu cuộc chiến đều là “người tình” của những người con gái Việt: Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu bao nhiêu người tình. Người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền. Một ngày đạn bom giết em, người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần (Tôi đã mất). Dường như tất cả mộ bia của những người mất đi trong cuộc chiến tranh dù Bắc hay Nam cũng đều là những mộ bia của những “người tình” mình đã mất: Bao năm lửa khói nung khô trái tim yêu người. Mộ bia quanh đây chôn theo những cuộc tình tôi (Tôi đã mất). Cuộc sống ở miền Nam những năm tháng ấy ngột ngạt đến tưởng chừng như không còn muốn sống, đến nỗi phải nhờ người khác sống giúp cái kiếp sống cúi đầu nô lệ, bất lực cho chính mình: Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi. Còn thấy gì ngoài bom lửa đạn, anh chị này sao vui mừng làm người cúi xin (Hãy sống giùm tôi). Vì đó là cuộc sống chi dành “cho thù hận, cho bạo cường, cho tham vọng” của những kẻ cướp nước và bán nước: thịt da này dành cho thù hận, cho bạo cường, cho tham vọng của một lũ điên (Hãy sống giùm tôi). Cho nên, chống chiến tranh, nuôi khát vọng hòa bình, thống nhất Bắc Nam, nhưng trong tuyệt vọng, đôi lúc Trịnh Công Sơn đành bất lực để chỉ còn biết thốt lên những nỗi đớn đau xé ruột tan lòng. Nỗi đau được Trịnh nâng lên thành những biểu tượng lặp đi lặp lại: xác chết, mồ hoang, mộ bia… khắp các dòng lời của nhạc.

Đau thương, tất nhiên sẽ dẫn đến căm thù và hành động. Cho dù chỉ là hành động phản chiến, nhưng vì hiểu rõ cội nguồn văn hóa, đứng trên sức mạnh truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, trong hơn 20 năm ấy, Trịnh vẫn nuôi giữ trong lòng mình trọn vẹn một niềm tin về một ngày hòa bình, thống nhất.

Niềm tin thống nhất và khát vọng hòa bình

Là một trí thức yêu nước trong vùng đô thị bị tạm chiếm ở miền Nam, đứng trước nạn ngoại xâm cùng sự suy đồi của các giá trị văn hóa truyền thống, Trịnh Công Sơn không chỉ than thở về nỗi đau mà còn bày tỏ lòng căm thù, sự phẫn nộ cùng  hành động cụ thể: sáng tác dòng nhạc phản chiến, nêu cao lòng tự hào dân tộc, cổ vũ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, Phật tử tại các đô thị miền Nam bị tạm chiếm. Ngay cả lúc tưởng chừng như tuyệt vọng “hãy sống giùm tôi”, anh vẫn dành riêng quả tim mình đốt lửa hận thù và cổ vũ những người dấn thân tranh đấu: Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi, quả tim này dành cho lửa hồng, cho hòa bình, cho con người còn chờ đấu tranh. Từ trong đêm tối vẫn khao khát hòa bình để hi vọng có “một ngày tay ấm trong tay”: Ai có nghe ai có nghe tiếng nói người Việt Nam. Chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối. Chờ mong một ngày tay ấm trong tay (Hãy sống giùm tôi).

Khởi xuất từ niềm tin, ta không ngạc nhiên khi thấy trong nhạc phản chiến của Trịnh, tâm trạng chờ đợi thống nhất, hòa bình được lặp đi lặp lại nhiều lần ở tên những bài hát (Hãy cố chờ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Đợi có một ngày...). Mặt khác, anh nhắc mọi người sống trong vòng nô lệ đừng chờ đợi vào những điều mà kẻ thù hứa hẹn. Đó là những điều mị dân về lòng từ bi, bác ái của kẻ xâm lược và bọn tay sai, đừng tin vào sự đoái thương của những con “kên kên” chuyên xé xác người: Đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá. Đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề. Đợi con kên kên bên cành nhỏ lệ. Đợi có tiếng cười trong nỗi lo. Mà hãy tin rằng quê hương sẽ lớn lên trong đau thương, “có một ngày”, “máu anh em” sẽ nở nụ hồng, mầm xanh hi vọng sẽ nhú lên và nước non không còn ngăn cách: Đợi từ đau thương quê hương sẽ lớn. Đợi máu anh em chớm những nụ hồng. Đợi cây lên xanh trên rừng hoạn nạn. Đợi thấy những đường không cách ngăn (Đợi có một ngày). Cả ba miền Bắc - Trung - Nam đoàn kết lại: Bắc - Nam - Trung ơi, đoàn kết một miền. Xóa biên thùy mở rộng đường thêm, dựng nước bình yên. Và tin tưởng nhất định sẽ có ngày Bắc - Nam thống nhất: Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa, ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa. Bàn tay thân ái, lòng không biên giới. Anh em ơi lắng nghe tình nhau. Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu. Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu. Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao… Bắc - Nam - Trung ơi tình nghĩa mặn nồng. Bước ra ngoài một lần diệt vong dựng mái nhà chung (Huế - Sài Gòn - Hà Nội). “Hãy nhìn lại” lịch sử dân tộc để thấy rằng dù kẻ thù có âm mưu chia cắt thì tình nghĩa Bắc - Nam “vẫn cứ ngọt ngào”: Hãy nhìn lại, từ Nam Quan cho đến Cà Mau. Hãy nhìn lại, tình anh em vẫn cứ ngọt ngào (Hãy nhìn lại). Lúc đó sẽ: Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay… Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam (Nối vòng tay lớn).

Trịnh Công Sơn rất tỉnh táo đưa ra những cảnh báo, giúp những người lính cộng hòa nhìn rõ bạn, thù: Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa. Hãy nhìn lại, tìm đâu ra những nét mặt thù. Anh còn nhắc những người lính ấy đừng bắn giết anh em, tranh giành phần thắng, vì dù thắng hay bại vẫn chỉ có gương mặt chính quê hương mình “tan nát từng giờ”: Hãy nhìn lại, được hay thua những thắng bại kia. Hãy nhìn lại, mặt quê hương tan nát từng giờ (Hãy nhìn lại). Trịnh động viên mọi người cố giữ vững niềm tin, nêu cao lòng yêu nước, vượt qua lao tù, hướng đến con đường đi đúng để đón “bình minh lên” và ngày “hòa Bình trổ bông” trên đất nước: Chị hãy nói với em thơ yêu đất này, dù nghèo kém khó khăn. Mẹ hát lớn cho tan hoang những lao tù, dù đời đã héo hon. Đường sẽ đến ta thấy rồi, có vạn lời hò reo mênh mông. Bình minh ơi hãy lên nhanh, bao nhiêu năm đứng chờ, Hoà Bình sẽ trổ bông (Hãy cố chờ).

Hòa bình sẽ đến với chính chúng ta nếu chính thanh niên khắp miền Nam dấn thân vào những cuộc xuống đường, giăng cao biểu ngữ, quyết phá ngục tù, giành lấy mọi quyền, chối từ chém giết, kêu gọi hòa bình: Chính chúng ta phải nói hòa bình. Khi đất này địa ngục dựng lên. Chính chúng ta dành lấy mọi quyền. Quyết chối từ chém giết anh em. Em đã thấy các anh lên đường. Những tay trần làm cơn bão lớn. Cùng đứng bên nhau. Triệu bước nôn nao. Biểu ngữ giăng cao. Ta hãy nói hãy kêu tung trời. Ta phải đến khắp nơi ta đòi. Ruộng cần bàn tay. Nhà cần người xây. Vũ khí xếp lại (Chính chúng ta phải nói).

Trên cơ sở đó, anh tin tưởng vào một ngày mai, đất nước sẽ hát vang những bài đồng dao hòa bình sau chinh chiến: Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường (Tôi sẽ đi thăm). Đó là những ước mơ khá cụ thể để ngày mai sẽ đến qua những đêm dài tăm tối, và cả nước Việt sẽ xuất hiện những “đêm no lành”, “đêm thanh bình” trong một tương lai không còn xa nữa: Đêm thôi dài, cho mai này, người Việt hái lúa ngoài đồng chín. Đêm no lành, đêm thanh bình người Việt thấy tương lai rất gần. Đêm vui mừng, đêm tưng bừng, người Việt hát cuối làng đầu phố. Đêm xa lạ, đêm chói lòa, người Việt sống như chưa bao giờ (Đêm bây giờ, đêm mai này).

Khi “trời im tiếng súng”, nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ “khóc bên nhau” trong đêm đoàn viên, sum họp: Đêm mai nầy, trời im tiếng súng. Cho mẹ hát ca dao trên đồng. Đêm mai nầy hỏa châu hết sáng. Cho mẹ thấy tương lai đàn con. Đêm huy hoàng trời mưa trút xuống. Ôi từ đó nghe như thiên đàng. Đêm mai nầy phố xá thênh thang. Quê hương đầy bóng dáng anh em. Đêm yên lành trong mắt trong tim. Khóc bên nhau bằng đêm vui mừng (Đêm bây giờ, đêm mai này). Lúc ấy, thù hận sẽ biến tan, tiếng cười sẽ rộn vang sau những tháng năm đau thương, tan nát: Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội. Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn. Nhưng em và tôi cùng nói tiếng Việt Nam. Lòng ta ơi hãy biến tan thù hận. Đón nghe tiếng cười trên đất nước nát tan (Chưa mất niềm tin). Hòa bình về “đồng ruộng lại xanh”, “thuyền ghe xuôi ngược”, Hoà bình đến đâу cho dân ta về vui với cánh đồng (Ngày mai đây bình yên). Và bầu trời hòa bình rợp bóng chim câu: Từng ngày bóng tối lan tràn qua đây bao nhiêu năm mệt nhoài. Một chiều bỗng có tin vui đưa về mọi người hòa bình đến đây rồi. Mẹ già khoác áo ra đường bay theo bóng chim câu rợp trời (Ngày về).

Trong bài Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trên Văn Nghệ Huế ngày 01/4/2015, Bửu Chỉ đã viết: “Phản chiến ở đây là bày tỏ thái độ của mình không tán thành chiến tranh, và sự không tán thành này có nghĩa là một sự đồng cảm, chia sẻ với những con người đang phải gánh chịu những nỗi mất mát, đau thương trong chiến tranh. Đồng cảm mà không đứng ở ngoài, đứng ở một bên; mà đứng ở cái thế chung cùng một số phận, một định mệnh. Sơn không nhân danh một “Isme” nào cả; cũng như không chủ trương chống lại một “Isme” nào cả. Hoặc có chăng là anh nhân danh cái gọi là “humanisme”, xu hướng nhân bản”.

Gọi nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là tiếng ca của nỗi đau thân phận con người trong chiến tranh và bản thân ông được mệnh danh là “Nhạc sĩ của hòa bình” là vì như thế!

Mai Bá Ấn

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm