May 10, 2024, 6:38 pm

Niềm tin và Đức tin

Tôi thường cố gắng tránh lên mạng xã hội, bởi mỗi lần lò dò bật máy tính lại thấy hoa mày chóng mặt. Có lẽ không ở quốc gia nào mà những nghề cao quý như giáo viên, bác sĩ, công an, tu sĩ… lại bị lôi ra rủa xả nhiều như ở xứ mình. Và sau mỗi trận “bão mạng” thì lại thấy thầy chả ra thầy, trò chả ra trò, phụ huynh chả ra phụ huynh, bác sĩ chả ra bác sĩ, bệnh nhân chả ra bệnh nhân… Tất cả ứng xử với nhau như luật rừng. Thế rồi cư dân mạng tự mở phiên tòa bằng cách chửi bới; mỗi người góp vô một tập hợp từ cay nghiệt, độc địa, nguyền rủa, tục tĩu… Chiêm ngưỡng cách hành xử của các “quan tòa” và “công tố viên” ấy - trong đó có rất nhiều trí thức - thấy cũng thiếu nhân văn chẳng kém gì kẻ “tội đồ” đang bị ném đá giữa các diễn đàn.

Những người khách quan hơn thì tìm cắt nghĩa về sự loạn trào, suy đồi của xã hội, rồi quy lỗi cho giáo dục. Thực ra nguyên nhân cũng đơn giản lắm. Để nhận diện những nguyên nhân ấy, tôi xin kể mấy câu chuyện của chính mình:

Tôi có thói quen hay chu du tùy hứng một mình. Kiểu như đi Đông Hà mà thấy vui thì sang tiếp Lào; hoặc đi họp ở Kuala Lumpur, hứng chí lại mua vé đi thêm Ấn Độ… Mẹ tôi vì thế hay lo, nhất là cái việc tôi thường một mình đi cùng tài xế trên những chặng đường hoang vắng hoặc ở xứ người...

Một lần nọ vào khách sạn ở Châu Đốc, sau khi chọn được một phòng ưng ý, tôi mới nhìn thấy trước cổng khách sạn có chục bác xe ôm, bác nào cũng đen đúa, băm bổ kinh khiếp như nhau. Thấy tôi xuất hiện, họ đồng loạt lao ra chào mời. Tôi thuê bừa một tài xế xe ôm. Anh ta chở tôi đi sâu vào rừng tràm Trà Sư, rồi lên Núi Cấm, rong ruổi qua bao đường đất dễ đến trăm cây số. Mới đầu thỏa thuận lịch trình, thù lao như thế. Đến khi biết gần đó có cửa khẩu Campuchia, tôi bảo anh ta chở tiếp ra biên giới lúc trời đã chạng vạng chiều, rồi tối nhọ mặt người mới thất thểu về đến khách sạn. Gã tài xế trông mặt mũi bặm trợn là thế nhưng suốt chuyến đi 10 tiếng đồng hồ ứng xử rất nền nã. Thứ nhất là mặc cả qua loa rồi về sau phát sinh thêm mấy điểm nữa thì anh ta bảo muốn trả bao nhiêu thì trả. Thứ hai là kiên nhẫn chờ đợi vài tiếng đồng hồ và tấp ngang tấp dọc theo ý muốn rất tức thời của khách. Thứ ba là không bình luận và dò hỏi bất cứ thông tin cá nhân nào, đặc biệt là điều mà ai cũng ngứa miệng muốn hỏi “Ủa sao chị lại đi từ Hà Nội đến biên giới Tây Nam một mình, bạn bè chị đâu, chồng con chị đâu?”. Thứ nữa là không về hùa nói xấu bất cứ ai mỗi khi khách hàng buột miệng đưa ra lời bình luận… Mãi đến chặng cuối từ biên giới về, anh ta mới tiết lộ là mình theo đạo Cao Đài, ngày nào cũng ngồi cầu nguyện. Anh ta bảo bảo: “Em có cái CD nghe giảng đạo thích lắm, cứ chiều chiều chạy xe ôm về là em lên sân thượng bật đĩa lên nghe”. Anh ta đang kỳ ăn chay, sẽ phải nhịn ăn trong 10 ngày, nên tôi mời gì anh cũng nhất định không. Suốt 30 cây số còn lại, tôi phải nghe anh ta “giảng đạo”, chủ yếu là những lý thuyết mà đạo nào cũng có về thiện ác, nhân quả… rồi kiếp trước, kiếp sau… Anh ta nói rằng: “Nhiều lúc em thấy sao mình cực quá mà nhiều người sung sướng quá vậy? Thầy giảng giải là vì kiếp trước họ sống tốt nên kiếp này được hưởng”… Những lời “giảng đạo” của anh ta ngây thơ và giản đơn, nhưng có sao đâu, vì anh ta tin vào điều đó để sống tốt, để không đố kỵ, không tham sân si… Và tôi là người đang được hưởng cái tốt đẹp và nhã nhặn mà tôn giáo của anh đem lại.

Tôi cũng đi công việc các tỉnh nhiều, nên thường thuê luôn một anh tài xế, đi lâu thành quen. Cũng là thuê bừa cả thôi, thế mà nhiều lần gặp được những tài xế thật yên tâm, tin cậy. Một lần, tôi gặp được một tài xế trên cả tuyệt vời. Thứ nhất là đi chậm như cụ rùa, thứ hai là không tham, thứ ba là luôn vui lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh một cách vui vẻ, thứ tư là cực kỳ ít lời. Lần ấy đi xa, toàn đường rừng rú nên tôi sử dụng chiếc ghế xe Innova của gã ngủ tì tì. Thức dậy thì thấy đã gần về tới nhà. Thanh toán tiền vui vẻ và vui vẻ hẹn anh ta mai “cuốc” tiếp. Và đến chuyến thứ hai thì tôi được biết anh ta cũng sùng đạo, là đạo Phật. Mỗi lần đến bữa, mời anh ngồi cùng bàn, toàn mâm cao cỗ đầy ê hề nhưng anh ta chỉ ăn đậu phụ. Sau nhiều chuyến đi gặp được những tài xế tương tự như thế, tôi thật yên tâm mỗi khi “vớ” được những tài xế ăn chay.

Hồi đầu tôi về Đường Lâm ở Hà Tây (cũ), thấy nhà nào cũng đua nhau làm dịch vụ, là phục vụ bữa trưa cho khách, ai nấy đều nhiệt tình chào mời. Sau tôi vào bừa nhà bác Thể, rồi chục lần sau đều vào nhà bác ấy, vì bác tốt bụng, chân thật và ứng xử nền nã. Chuyện tiền bạc và dịch vụ thì song phẳng, minh bạch. Nhìn ảnh Đức Mẹ trên tường mới biết bác theo đạo Thiên Chúa. Đôi lúc vãn khách, đang vui bác kể hết chuyện nọ tới chuyện kia, cả chuyện có bận đi chơi xa, tất cả bạn bè hôm ấy được tự do nên rủ rê bác “vui chơi” một đêm, nhưng bác từ chối. Lúc kể lại bác vẫn còn tỏ thái độ không hài lòng, rằng “Tôi thấy cứ thế nào ấy, nên tôi về trước”. Ừ người theo đạo họ thế! Nhiều lần đi thăm thú chiêm ngưỡng các nhà thờ nổi tiếng đây đó, thấy trẻ con xứ đạo cứ liên tục “con chào cô!” với kẻ lạ là tôi, mới ngạc nhiên quá chừng. Thời buổi bây giờ, những phép ứng xử bình thường như thế thật hiếm, thật… bất thường quá!

Những người không hề quen biết tôi gặp trên đường đi và đường đời ấy, chẳng được học cao hiểu rộng gì hết, cũng không cao sang hay quyền cao chức trọng, nhưng họ nhân cách, tinh tế, nhã nhặn và nền nã. Thứ văn hóa tích lũy từ sự giáo dục chẳng phải trên ghế nhà trường, mà từ tinh thần giáo lý của những tôn giáo mà họ tôn sùng thành tâm. Còn với vô số người học lắm hiểu nhiều, người sang, người đẹp… nhưng ứng xử như luật rừng… thì tôi dám chắc phần lớn họ trong tờ khai lý lịch, đều đánh dấu “KHÔNG” vào phần tôn giáo; trong khi họ vẫn coi những vái lấy vái để nơi chùa chiền, đền miếu… để cầu tài, cầu lộc chính là tôn giáo. Chẳng oan uổng chút nào khi ông bác sĩ kiêm nhà thám hiểm và nhiếp ảnh gia người Pháp là Hocquard, trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1892, đã gọi họ là những người “thờ ơ với tôn giáo nhưng rất mê tín”.

Tôn giáo chỉ đơn giản là hướng con người vào việc ứng xử nhã nhặn để đừng làm nhau tổn thương. Mà không theo tôn giáo nào thì người ta có thể tiếp thu những điều tinh tế ấy từ lời răn dạy của người lớn trong gia đình. Tiếc thay bây giờ, dường như điều người ta dạy trẻ con nhiều nhất, mong muốn ở trẻ nhiều nhất là phải học thật giỏi bằng mọi giá, học nhồi học nhét sao cũng được, miễn là học giỏi. Học giỏi để sau này có một chỗ đứng trong xã hội, có thật nhiều tiền cho bố mẹ được mở mày mở mặt. Đi chùa người ta cũng chẳng bao giờ cầu thiên hạ thái bình (mặc dù thiên hạ có thái bình thì mình và gia đạo mới bình yên được), mà chỉ cầu tài cầu lộc cho mình mà thôi.

Khi người ta không lấy thiện làm trọng mà chỉ lấy tài làm chính, thì trách sao những đứa trẻ rất có giáo dục ấy lớn lên chả bắt trẻ bé uống nước giẻ lau bảng, hoặc văng tục với người đang học chữ mình? Và vì sao mà trên mạng người ta rùng rùng quăng vào mặt nhau những thứ bẩn hơn cả giẻ lau bảng để thanh trừng miệng lẫn nhau? Tôi lại nhớ một câu của đạo diễn tài danh - NSND Trần Văn Thủy, rằng: “Hãy quên đi những vấn đề tài năng, GDP hay là kinh tế… Cái mà chúng ta đang thiếu nhất ở đây là nhân cách”. Còn nhà văn - phê bình Bùi Việt Thắng thì nói rằng: “Chưa cần đến thông minh hay tài giỏi, chỉ cần mỗi người trong chúng ta đều tử tế thôi thì đất nước này cũng đã khác lắm rồi!”.

Và tôi cũng “ngộ” ra là tại sao ở các nước giàu có, văn minh, khoa học-kỹ thuật phát triển… mà đa số dân chúng của họ vẫn theo đạo, quan chức của họ vẫn “tạ ơn Thượng đế” trên các diễn đàn chính trị, nguyên thủ của họ vẫn thường đi lễ cầu nguyện mỗi dịp cuối tuần… Có danh ngôn rằng “Mất tiền bạc dù nhiều cũng là ít, mất danh dự dù ít cũng là nhiều, mất niềm tin là mất tất cả!”. Cao hơn Niềm Tin là Đức Tin. Một quốc gia mà thiếu Niềm Tin và Đức Tin thì dẫu GDP có cao bằng giời, lòng dân vẫn bất an, xã hội vẫn bất ổn!

Nguồn Văn nghệ số 43/2022


Có thể bạn quan tâm