April 29, 2024, 1:59 am

Những “tầm nhìn” thiếu… tầm nhìn!

Thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung, việc lập kế hoạch nhà nước là vô cùng quan trọng, thể hiện ý chí và quyết tâm của lãnh đạo đưa kinh tế đất nước phát triển theo từng giai đoạn. Song thực tiễn cho thấy những yếu kém của lối quản lý quan liêu bao cấp duy ý chí. Vì vậy Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đã chủ trương đổi mới tư duy quản lý xã hội và quản lý kinh tế. Có thể nói, trải qua gần 40 năm đổi mới, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy không còn cơ chế kinh tế tập trung, nhưng kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nên công tác kế hoạch hoá vẫn vô cùng quan trọng.

Để xây dựng kế hoạch cần có dự báo. Dự báo là dự đoán nhu cầu cũng như xu hướng trong tương lai để giúp các ngành kinh tế đưa ra những quy hoạch dài hạn chính xác hơn. Ngày nay người ta hay dùng thuật ngữ “tầm nhìn” thay cho động từ “dự báo”. Vâng, phải có “tầm nhìn” thì mới có quy hoạch, có quy hoạch thì mới có kế hoạch, có kế hoạch rồi mới có các biện pháp để thực hiện… Tuy nhiên, công tác quy hoạch ở nước ta còn rất nhiều bất cập và thiếu sót. Ngay như ở Thủ đô Hà Nội, mặc dù đã có những quy hoạch rất “công phu” và nhiều lần điều chỉnh, thế nhưng xây dựng vẫn lộn xộn, chắp vá, thậm chí xấu xí bộ mặt đô thị. Nhiều đô thị khác cũng không khá hơn: Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo, Phú Quốc… bị băm nát không thương tiếc. Quy hoạch của một số ngành công nghiệp cũng bị phá sản. Bản quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Điện tử Việt Nam được công bố những năm 80 thế kỷ trước, rất công phu và “khoa học”, nhưng nay đã bị “xếp xó”, vì ngày nay tất cả các công ty lắp ráp máy thu hình ở Việt Nam đã không còn sản xuất tivi nữa, vì thị trường tràn ngập tivi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Vì sao lại có những “tầm nhìn” thiếu… tầm nhìn như thế? Các Bản quy hoạch của chúng ta chưa đủ tốt hay việc triển khai thực hiện chúng không tốt. Tôi cho rằng tại cả hai!

Trước hết phải nói rằng thực tế có không ít người có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt quy hoạch, nhưng trình độ chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đội ngũ xây dựng quy hoạch ở nước ta vốn không thiếu các chuyên gia được đào tạo trong và ngoài nước, trong một số trường hợp còn có chuyên gia nước ngoài tham gia. Nhưng không ít trường hợp, người chủ trì chỉ đạo xây dựng quy hoạch và những người xem xét phê duyệt lại không phải là chuyên gia. Nhiều người còn nhớ khi xem xét quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước, một vị lãnh đạo đã phán đường Nguyễn Trãi nối Hà Nội và Hà Đông (cũ) rộng quá. Khi nhóm tác giả viện dẫn thực tế một số thành phố lớn trên thế giới, thì được nhắc nhở: “các đồng chí đừng bắt chước bọn tư bản”! Thế là chúng ta có con đường Nguyễn Trãi rất khó mở rộng sau này. Hoặc như Nhà máy Thủy điện Hoà Bình do Liên Xô giúp xây dựng. Phía Việt Nam yêu cầu phải đưa phần thân của nhà máy nằm ngầm trong lòng đất nhằm tránh bom nguyên tử. Việc này làm tăng giá thành và độ phức tạp của công trình. Người ta quên hay không biết một điều là chỉ cần ném bom phá đập nước cao 128 mét là nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã bị xóa sổ, kéo theo hơn 6 tỉnh hạ lưu ra biển chỉ trong một ngày. Còn không ít những ví dụ về sự ấu trĩ, thiếu kiến thức của người có quyền lực trong việc xây dựng quy hoạch. Một số kẻ xu thời đã khéo chiều ý cấp trên, kết quả là tạo ra những bản quy hoạch bất hợp lý, bất khả thi.

Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu nhất quán trong thực hiện quy hoạch. Hiện tượng này một phần là do tập thể tác giả quy hoạch chưa lường hết các khó khăn và thuận lợi trong 10-15 năm tới, những biến động trên trường quốc tế; một phần nữa là tính thiếu nghiêm túc bám sát quy hoạch trong các biện pháp triển khai thực hiện quy hoạch. Các quy hoạch bị điều chỉnh liên tục. Còn nhớ ngày 1/7/2007, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Công ty nhà nước) được hình thành từ sự hợp nhất của 2 Tổng Công ty nhà nước là Tổng công ty Thép và Tổng công ty Kim khí. Cùng năm đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn đến năm 2025. Ngày 21/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lại ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Rồi ngày 10/5/2022 Bộ Công Thương lại có báo cáo đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Giải thích về sự “bất nhất” trên đây, Bộ chủ quản cho rằng “cần có chính sách đặc thù để giúp phát triển hơn nữa ngành thép” (?). 

Nguyên nhân thứ ba là sự thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành có liên quan. Thực tế có tình trạng cứ ngành nào viết quy hoạch ngành nấy, ngành nào viết dự thảo luật liên quan đến ngành đó… nên không tránh khỏi chủ quan, lợi ích cục bộ, duy ý chí. Làm quy hoạch theo kiểu “bốc thuốc”. Ví dụ năm 1985 viết quy hoạch sản xuất máy thu hình đến năm 2000 thì dự báo dân số đến năm đó là 80 triệu người, mỗi gia đình 4 người là sẽ có 20 triệu hộ gia đình, mỗi hộ cần một cái máy thu hình, năm 1985 hiện có 1 triệu máy, vậy là cần sản xuất trong 15 năm tới mỗi năm 1,27 triệu máy. Từ đó đề xuất các biện pháp này nọ, đương nhiên là có đề nghị Nhà nước cấp kinh phí, ưu đãi chính sách. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị đặt trước những đòi hỏi quá khả năng đáp ứng. Kết quả là cái bánh ngân sách được chia nhỏ cho các ngành các địa phương, mỗi nơi một ít rồi chẳng nơi nào đủ kinh phí để thực hiện quy hoạch. 

Nguyên nhân thứ tư là nạn tham nhũng và lợi ích nhóm đã phá vỡ quy hoạch. Từ những năm 80 của thể kỷ trước đã lan truyền câu vè “Nghị quyết nó thuộc làu làu, nhưng nếu có màu nó mới thực thi”. Nghĩa là hễ có lợi ích, có phần trăm lại quả, có tiền để làm giàu, để chạy chức chạy quyền thì họ làm, không thì để đó chờ mấy năm nữa xin điều chỉnh quy hoạch! Lại lấy dẫn chứng như ngành Thép Việt Nam nhận thức được rằng để tránh phụ thuộc vào nước ngoài chúng ta cần chủ động khâu sản xuất gang, phôi thép, thép cán. Ngày 04/9/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 145/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Theo đó Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư ban đầu 3.843 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này đã tồn đọng, kéo dài gần 17 năm, chỉ là đống sắt vụn, gây lãng phí vô cùng lớn. Soi vào các dự án, tập đoàn lớn của nhà nước đều có tình trạng tương tự. Đầu tư thua lỗ, mất vốn, sử dụng đất sai mục đích, nhiều khoản nợ khó đòi... là những sai phạm trong quản lý tại 17 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Chẳng hạn Quy hoạch Điện VIII với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện đã được yêu cầu thực hiện từ năm 2019, nhưng sau gần 4 năm, đến ngày 15/5/2023, quy hoạch này mới được phê duyệt do một số lý do… “nhạy cảm” khác. (!) 

Nguyên nhân thứ năm là do sự đôn đốc kiểm tra, kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm chưa thấu đáo. Nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn nhưng bị làm méo nó trong quá trình thực hiện. Nhiều bộ ngành, địa phương làm theo ý mình, phục vụ lợi ích cục bộ hoặc lợi ích nhóm. Gây bức xúc xã hội nhiều nhất là các quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông vận tải. Thủ Thiêm là một điển hình phớt lờ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy hoạch từ thời Việt Nam Cộng hòa bị xẻ thịt làm khu dân cư, sân gôn… Những việc làm sai trái đó không sớm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Rất nhiều vụ án tham nhũng ở các tập đoàn “quả đấm thép” lẽ ra không có nếu công tác thanh tra kiểm tra được tiến hành nghiêm túc. 

Thử nêu 5 nguyên nhân theo thiển ý chủ quan, khiến công tác qui hoạch - dự báo ở ta còn nhiều bất cập. Thiết nghĩ, việc khắc phục những hạn chế/yếu kém/vấn nạn… ấy cũng là “những việc cần làm ngay” để những “tầm nhìn” đã và sắp công bố thực sự là những tầm nhìn chuẩn chỉnh, được xã hội tin tưởng ủng hộ, quyết tâm thực hiện thành công. Cùng đó là cần kíp có những nghiên cứu khoa học và đầy đủ hơn về cơ chế quản lý và công tác cán bộ. Khi những qui hoạch “tầm nhìn” được gắn với “trách nhiệm dài hạn” của những người chỉ đạo và phê duyệt, thì sẽ hạn chế được rất nhiều những “tầm nhìn” tùy tiện, viễn vông, duy ý chí… và rốt cuộc là phá sản mà không ai phải chịu trách nhiệm.

_______

* Nguyên Chuyên viên cao cấp, thư ký Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp Nặng.

Phan Chí Thắng*

Nguồn Văn nghệ số 28/2023


Có thể bạn quan tâm