April 28, 2024, 6:16 pm

Những ngôi sao vỡ

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

1.

Chồng tôi bảo đi đặt cọc mua nhà, Nam nhắn thiếu tiền nó cho vay, nhà này mặt phố chính. Hào - chồng tôi - với Nam là bạn thân. Nam học kiến trúc về sở Xây Dựng. Hào học bác sĩ, về trung tâm y tế huyện Tây Phong. Bố Nam, là Giám đốc sở Xây Dựng hứa giúp Hào chuyển ra bệnh viện tỉnh. Hào và tôi làm đám cưới sau hai tháng quen nhau, sau chín năm có hai con gái, đang ở nhà ngoại. Hào mừng lắm, vì anh từng sợ tôi không thể sinh con.

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

Chúng tôi sống ở thị trấn, cách thành phố hơn chục cây, mười phút một chuyến buýt, ra nhà nội khi nào cũng được. Có bằng y sĩ nhưng tôi làm kinh doanh. Bán buôn là lộc giữa giời rơi ai nấy được, nhưng nhà mặt phố thì làm gì cũng ra tiền.

Tôi tìm phố Cù Chính Lan, nhà số 34. Tôi muốn nhìn thấy ngôi nhà sẽ mua. Bây giờ phố đặt tên, nhà cửa đánh số, hồi tôi ở không có. Đập vào mắt là cánh cửa gỗ sơn nâu, tôi choáng váng, mắt tối sầm, trái tim đột ngột nở phồng ra đau thắt, trong đầu rối ren có ngàn ngôi sao rối rít bay lượn. Tôi lùi lại, tựa người vào gốc cây xà cừ.

2

Ba tiếng đồng hồ, tôi nấp sau gốc cây xà cừ bên này đường ngóng sang ngôi nhà có cánh cửa màu nâu, lát lại hé mở cho từng người lách vào và đóng sập luôn. Khi đến, ai cũng mang nét mặt âu lo, cáu kỉnh. Khoảng ba mươi phút sau, họ sẽ ra khỏi ngôi nhà với vẻ mặt nhợt nhạt và yếu đuối nhưng thong thả như vừa trút gánh nặng. Bên gốc cây xà cừ, có bác xe ôm nhanh chóng chở họ mất hút vào dòng người tấp nập trên phố.

 Ngôi nhà hai tầng, mái bằng, quét vôi màu vàng nổi bật trên dãy phố chỉ có nhà lợp ngói xen lẫn mái gianh lúp xúp, rẻo đất ba mét bên cạnh có cây trứng gà còi cọc mang vẻ u ám lạnh lẽo

Tôi đợi cánh cửa mầu nâu mở ra, để gặp bà chủ nhà xin việc làm. Vừa tốt nghiệp y sỹ, tôi không muốn về quê. Mẹ bảo về quê, làm hết tám tiếng nhà nước xong đi đỡ đẻ với tắm bé sơ sinh kiếm khối tiền. Ở quê tôi, đàn bà đẻ con ở nhà có bà Đỡ phụ giúp. Các bà Đỡ nhiều tuổi, áo xắn tay quần vo quá gối, đang làm vườn có người gọi là rửa tay thả ống quần xuống đi ngay. Hầu hết trẻ con trong vùng ra đời trên tay bà Đỡ, trong đó có tôi. Mẹ kể, vừa lôi tôi ra bà Đỡ vừa nói tràng hoa quấn cổ là bướng lắm.

Tôi còn trẻ. Tôi muốn mặc áo blu trắng, đứng trong phòng mổ sạch sẽ, đôi tay đi găng trắng muốt ra đón lấy đứa trẻ hồng hào mũm mĩm như trên phim Hàn Quốc. Đứa bạn học bảo tôi đến nhờ bà chủ nhà này, bà ấy tuy có quyền chức nhưng xởi lởi và tốt bụng, nên tôi đầy hy vọng.

Người đàn bà to béo mở hé cánh cửa. Tôi chào lễ phép và rón rén bước vào. Phòng khách mờ tối bởi bóng điện vàng xuộm. Một người đàn ông có khuôn mặt hơi mỏng, dài thượt, da trắng nhợt, kiểu người cớm nắng mềm ẽo như một tiếng thở dài đang ngồi co trên ghế, im lìm, hai ống chân gầy như ống nứa thò ra trong ống quần pzama kẻ sọc màu xanh nhạt, lưng tôm dài ngoẵng như cọng dọc mùng héo. Nước trà màu vàng nhạt trong cái chén để trước mặt, ông ta hơi cúi xuống. Tôi chào ông ta. Có lẽ ông ta chỉ hơi nhấc cái rèm mi, còn cái đầu tóc cắt cao gọn ghẽ có quá nửa sợi bạc thì không hề có dấu hiệu ngúc ngắc hay động đậy. Ông ta như thể là cái xác ngồi đấy. Tôi khẽ rùng mình.

Tôi vốn tin vào cảm giác của lần gặp đầu tiên sẽ mang dự cảm về điều tốt hoặc xấu. Song nhìn người đàn ông ngồi trong gian phòng khách, tôi cảm giác như bị rơi tõm vào một vùng hỗn loạn, tri giác bị dắt vào một chốn mờ ảo. Bóng tối và tia sáng trắng đan xen nhằng nhịt như cái mạng nhện. Cái bóng điện tỏa quầng sáng vàng quạch, có nhiều ngôi sao màu đen, màu trắng bay qua bay lại rối rít trong mắt tôi. Cảnh đó diễn ra trong mấy giây, tôi nghĩ bị hoa mắt.

Bà ấy to béo đẫy đà, bù lại có nụ cười tươi tắn. Đi qua bàn nước, bà ta nhìn chồng hỏi ân cần, muộn rồi đấy ông chưa ăn à? Người đàn ông lẩm bẩm như tự nói với mình, tôi chưa muốn ăn, làm sao mà nuốt nổi cái gì ở trong nhà này? Đến khí thở cũng không có, cái gì cũng ướp đẫm mùi máu, tanh ngòm như chuột chết, lộn mửa cả ra. Bà vợ cau mày, ánh lườm sắc như dao mổ, bà nói chỉ ngồi ăn thôi mà sao khó khăn thế? Ông chồng chăm chú nhìn vào chén trà nguội ngắt như thể đang tìm cái gì đó.

Bất ngờ, trong đầu tôi một âm thanh rành rọt vang lên: “C.C!” Chùm âm thanh văng ra, va đập mạnh trong đầu như chiếc cốc thủy tinh đập vào đá vụn vỡ thành ngàn mảnh li ti sắc nhọn xuyên thẳng vào trí não khiến tôi choáng váng. Tôi cố trấn tĩnh nghe xem biết đâu âm thanh phát ra từ chỗ ông ấy? Không, khuôn mặt tái nhợt và mỏng của ông ta lạnh băng như tượng sáp.

Chúng tôi đi vào hành lang, bên phải là cầu thang lên tầng hai, hẹp và tối. Đang bước thì tôi xém ngã chúi vì chân thụt xuống một bậc dốc thoải xuống dưới. Vì cái lưng to béo của người đàn bà che lấp, nên tôi không nhìn thấy gì.

Bước qua khuôn cửa sáu mươi xăng ti mét, vén tấm rèm che có bông hoa to màu thẫm đỏ, tôi đứng trong phòng phẫu thuật, có lẽ nó được cải tạo từ phòng bếp. Căn phòng rộng hơn một mét rưỡi, sâu vào hơn hai mét, cái bàn đẻ bằng i nốc chiếm hết diện tích, nó bóng loáng chừng như con kiến đậu cũng trượt ngã gãy chân. Bên cửa có cái bàn gỗ, bày bếp cồn, khay men xếp panh, kéo, lọ bông cồn, chai cồn, thìa, dao, mỏ vịt. Cái xoong nhỏ để bên cạnh, tủ đựng thuốc treo trên tường. Bà ấy dặn tôi, chỗ làm việc ở đây nhé.

Công việc của tôi là tiếp khách, vệ sinh phòng, chuẩn bị bông cồn, khử trùng dụng cụ. Bà ấy bảo tôi muốn làm tốt thì phải thực hành từ việc nhỏ nhất, trăm hay không bằng tay quen, lý thuyết khác xa với thực tế, phải quan sát kỹ mà tự học. Bất giác tôi đưa tay lên bưng lấy miệng, mùi tanh lờm lợm xộc lên tận óc. Tôi ngước mắt lên trần nhà, không dám nhìn vào cái xô nhựa màu đỏ để ở chân bàn. Bà ấy nhìn tôi, cái lườm sắc như dao mổ, hồi học cô lười thực tập bên viện lắm hả?

Tôi rụt rè, cháu trực viện nhiều nhưng chưa quen nhìn máu. Bà ấy nói, khoa Sản sạch sẽ nhất, người vào khoa Sản toàn là khỏe mạnh, nhìn máu me be bét nhưng là máu sạch. Ở viện khoa Ngoại bẩn nhất, máu mủ nhiễm trùng. Cái Huyền nhà này học xong bác sĩ đa khoa, tôi cho học chuyên khoa Sản. Tôi nói, học chuyên khoa tốn tiền lắm ạ. Bất chợt, bà ấy dịu dàng, ân cần chu đáo giống hệt mẹ tôi, làm ở đây cháu sẽ có tiền lương xứng đáng.

Dần dà, tôi quen thật. Tôi quen mùi máu gây gây, tanh ngòm như cá chết. Tôi quen chất lỏng có màu đỏ nhờn nhợt chảy ra cùng với các mẩu lầy nhầy được cắt, múc, cạo ra khỏi da thịt được gạt ra khay, đổ hắt vào chiếc xô nhựa. Tôi tự nhủ, đó là phần thân thể của người khỏe mạnh. Đợi khuya, tôi xách xô đầy ụ nước máu nhầy nhụa, đi theo hành lang dốc, qua căn bếp, xuống đầm nước giáp mé vườn.

Mảnh vườn nhỏ có cây nhãn già đứng trơ trọi, dền cơm, chua me, bông mã đề, bồ công anh, lá lốt bò ngoằn ngoèo trên đất. Tôi xách cái xô qua vườn, rất cẩn thận để nước không sánh ra chân. Tới bờ đầm, tôi đổ toẹt các thứ lầy nhầy ra, dìm cái xô xuống nước khua khoắng sạch sẽ trước khi mang về vòi nước chỗ hiên bếp rửa lại một lần nữa. Trời tối đen, nghe tiếng đớp nước lách chách, tôi biết bọn cá đang quẫy đuôi nhộn nhạo dồn về chỗ tôi đứng. Tôi biết hằng đêm chúng vẫn đợi tôi. Lúc đi chợ, nhìn con cá nhơn nhớt, đen bóng mà người bán bảo cá sạch đánh từ đầm lên là tôi muốn nôn mửa.

Tôi nhìn xuống mặt nước gợn sóng lao xao, thấy những ngôi sao trắng và đen bơi vun vút trong sóng, chen với những thứ lầy nhầy không ra hình thù gì mà máu me đã trộn lẫn lộn, nước ào vào trong chớp mắt xóa nhòa tăm tích. Lúc đổ cái xô, gió thổi ào ào hắt mùi tanh lên mũi, cái lạnh đột ngột luồn từ gan bàn chân chui lên hai vai khiến tôi rùng mình. Mỗi tối tôi ra đầm, gió ào ào thổi như sắp nổi bão dông.

Tôi nhắm nghiền mắt, nghe tiếng gió ầm ào chảy trên ngọn cây nhãn. Tôi nghĩ những ngôi sao bơi lội chán chê dưới nước sẽ bay lên đậu trên tán lá nhãn tối om rung gió xào xạc. Tôi sợ nếu mở mắt ra sẽ phải thương xót những cục máu đỏ bầm, tím tái như tiết đọng. Đôi khi là những đoạn, khúc bé mỏng như cái thìa nhựa ăn sữa chua, lổn nhổn trong xô. Theo kiến thức học trong trường, tám tuần tuổi đã dài bốn xăng ti mét. Mà những thứ trong xô thì toàn từ tám tuần trở lên, cá biệt có cái mười hai tuần, mười sáu tuần. À, mười sáu tuần thì cẳng chân biết khua khoắng, đạp loạn xạ, nhào lộn trong túi ối như là cá bơi. Mười sáu tuần trái tim đã biết đập hối hả, rộn rã, náo nức buồn vui; tai đã nghe được tiếng cười khúc khích của người đang mang nó. Đặc biệt, có lần hai bốn tuần, khi ra còn biết chớp mắt nhìn. Kiến thức khoa học nói bào thai ba tháng rưỡi mới có nhịp tim thai, tôi nghĩ trong quá trình nặn ra con người, bà mụ phải nặn ra trái tim trước nhất, để biết yêu ghét, giận hờn. Không có tim, sao gọi là con người?

Bà ấy khen tôi biết quan sát và học hỏi, tôi sẽ giỏi hơn vì có tuổi trẻ thông tuệ, minh mẫn và bàn tay khéo léo. Dạo này, tôi thạo việc, không nhìn tôi cũng biết bà ấy đang làm gì. Bà nói, dạng rộng chân, thả lỏng người, ai đã làm gì mà nhăn mặt? Ờ, thấy rồi đây, dài khoảng sáu căng ti mét, hoặc tám xăng ti mét. Nghĩa là ngón tay đưa vào tận trong cùng, gần như đưa cả nửa bàn tay vào, rồi đo kích cỡ cũng bằng ngón tay.

Còn khách hàng sẽ ưỡn cong người lên, hai tay bám chặt xuống bàn, thân dưới bất động, mồ hôi vã ra như tắm, mặt tái mét, mắt nhằm nghiền, cắn chặt môi rên khe khẽ. Tôi chưa thấy ai bị choáng ngất. Tôi nghĩ, chẳng biết sau này ngón tay tôi có được thuần thục lành nghề như ngón tay bà ấy không? Làm thế nào mà sục sạo vào tận trong cùng để đo được độ dài ngắn to nhỏ trong cái nơi chật chội tối tăm nhất ấy? Bà ấy nói đúng, thật là trăm hay không bằng tay quen.

Trong khi bà ấy khám cho bệnh nhân thì tôi khẩn trương đốt bếp cồn, đun nước luộc dụng cụ, lau khô bằng bông cồn, thắp ngọn đèn cồn đốt nóng mỏ vịt, dao, kéo, panh, thìa. Tôi khử trùng dụng cụ thật sạch sẽ, vô trùng tối đa cho khách hàng. Có lần tôi cũng bị khách hàng đến bắt đền, cả tuần chưa sạch máu, vẫn đau bên trong và rỉ nước vàng. Tôi không thể nói là tại khách hàng không giữ vệ sinh, để cho viêm nhiễm thối khẳn lên như mùi cá chết?

3.

Từ dạo có tôi, khi có khách hàng đặc biệt bà ấy mới chuẩn bị dụng cụ. Lần này thì bà ấy tự tay nhóm bếp cồn, bà luộc dụng cụ panh, kéo, dao, mỏ vịt, kim tiêm, nồi luộc sôi lên sùng sục phun hơi nước trắng xóa. Bà ấy cắm mắt vào cái nồi luộc dụng cụ, tay ngoáy lộn lên như đảo nồi xương hầm, đôi môi dày mím chặt, hai mép trễ xuống, nếp nhăn trên cổ xệ xuống như cái yếm trên cổ con bò. Tôi nghĩ bà ấy chả thiếu gì, tiền nhiều hơn cả lá nhãn rụng, chỉ cúi xuống nhặt tiền thôi, thật là tiền đè chết người. Thế mà để nhan sắc già nua xấu xí quá thể. Bà ấy chăm chú vào công việc, hơi nặng tay một tí, các thứ dao kéo va vào nhau loảng xoảng. Trong im lặng nghe rõ tiếng lá nhãn rụng đậu xuống bông hoa bồ công anh ở ngoài vườn. Cái âm thanh loảng xoảng ấy bay vào đậu một góc trong trí óc, bám chặt vào ký ức, không gì tẩy rửa được.

Bà ấy ra lệnh khô khan, dạng chân rộng ra! Cảm giác của tôi là nỗi tuyệt vọng ê chề. Thế là nó đã mở ra rộng ngoác như ngôi nhà mở toang hai cánh cửa. Lúc này, nó hoàn toàn khác với cái lúc kia. Vậy lúc kia là lúc nào? Đó là lúc bạn không kêu la được, vì bị tấn công bất ngờ từ đằng sau, hai cánh tay bị bẻ quặt tưởng đến gãy rời ra, rồi nhanh chóng bị trói nghiến lại bằng cuộn băng y tế. Khi mà bạn chỉ còn đôi chân giãy đạp cố sức vật lộn với ông ta cho đến mềm nhũn người ra. Khi mà bạn bị quật như trời giáng xuống cái góc tối nhất của căn phòng tối và ẩm thấp nhất trong ngôi nhà, không hiểu cái đầu hay cái gáy bị giáng xuống nền gạch, rồi ngất xỉu không biết gì nữa. Bạn tỉnh dậy được khi không hiểu có cái gì cứng như sắt thúc mạnh vào cửa mình. Cái cục sắt nóng bỏng cứng hơn sắt ấy thô bạo thúc đâm thọc vào tận trong, xé toạc thân thể ra làm hai mảnh, khi mà cái thân thể ấy nhũn như con cá bị xẻ phanh.

Bà ấy lạnh lùng nói, đến cô mà tôi cũng phải bảo dạng chân ra à, mà sao lúc ấy cô lại dạng ra được nhanh thế? Tôi tê cứng nhừ nhẫn trong nỗi đau thể xác, nên không nghĩ được đến nỗi đau tinh thần. Sau này nghĩ lại tôi biết lời nói ấy chính là sự sỉ nhục hả hê nhất mà bà ấy quăng vào mặt tôi. Hàng triệu tế bào nhạy cảm nhất của tôi đang nguy cơ rách toạc vì cái mỏ vịt tàn bạo thúc vào tận sâu trong cùng, cảm giác mỗi tế bào li ti cũng bị banh ngoác ra. Cái kéo và con dao, cái thìa cạo và cái muôi múc, cùng lúc chui qua cái cửa mở toang hoác mà mỏ vịt đang trấn giữ hai bên. Rồi cắt. Rồi cạo. Rồi cái xi lanh thúc vào hút thùn thụt. Đầy một cái xi lanh. Lại cắt, lại cạo, lại hút thùn thụt, lại đầy cái xi lanh thứ hai.

Lần này, bà ấy không thò ngón tay vào đo, cũng không nói sáu xăng ti mét, hay tám xăng ti mét, bà ấy cầm luôn cái mỏ vịt và đưa thẳng vào trong, thật sâu trong cùng. Cái thìa cạo sắc lẹm như cật nứa, cứa vào từng sợi tế bào như cắt ruột tôi vụn nát ra từng mảnh. Tôi biết, những khi bình thường hệ thần kinh của tôi căng lên như dây đàn sẵn sàng đón nhận nỗi đau, niềm vui, lo lắng. Tất thảy cái gì cũng khiến nó rung lên, nhạy cảm như tiếng đập cánh của con ong.

Còn lúc này, nó đang run lên bần bật, nó lẩy bẩy run rẩy, cong queo, vặn vẹo, nóng bỏng và giẫy giụa như bị hơ lên ngọn lửa, hàng triệu tế bào bật tung lên, gào thét vì cái đau thể xác đang bị cắt vụn. Thế mà tuyệt nhiên không có âm thanh nào được thoát ra từ đôi môi cắn chặt, tưởng như đứt. Lúc này cũng giống y như lúc ấy, khi mà miệng tôi bị bàn tay thô bạo lấy băng dính bịt chặt lại, tuyệt đối không có âm thanh nào được thoát ra ngoài. Tôi nhớ khi bà ấy hỏi, mồm cô đâu mà không biết gào lên mà gọi hàng xóm, thì lưỡi tôi liền tê cứng lại như bị tiêm thuốc tê.

Bà ấy bĩu môi, cô kể chuyện tiểu thuyết cho tôi nghe à? Ngôn tình chỉ có trong truyện thôi nhá, cô học đâu cái thói nứt mắt đã quyến rũ ông chủ hả? Cô nói đi, tại sao cô làm thế? Cô đừng có mà mang nước mắt cá sấu ra dọa tôi. Còn ông kia, tôi có tiếc hay cấm đoán gì ông đâu? Ông ra đường, bóc bánh trả tiền mệt nghỉ, cớ gì nhào vào nanh vuốt con yêu tinh con này? Đôi vai vừa hẹp vừa mỏng dính của ông ta rũ xuống, mái tóc muối nhiều hơn tiêu đẫm mồ hôi dính bết vào cái trán hói bóng. Trông ông ta héo rũ không khác gì một cọng dọc mùng phơi nắng. Có lẽ ông ta xấu hổ vì có cả cái Huyền vừa từ trường về. Tôi nghĩ cô ta được chứng kiến sự thật của bố mẹ mình cũng tốt, cho biết mặt tối cuộc đời đi, chứ đâu cứ vô tư như tiểu thư cành vàng lá ngọc, từ khi sinh ra chỉ biết học với tiêu tiền. 

Tôi không hiểu lúc kia, sức mạnh nào khiến con quỷ dữ trong ông ta nổi lên hung bạo như thế. Có lẽ vì ông ta như cọng mùng héo nên tôi không có ý đề phòng. Có lẽ ông ta suốt ngày cụp mặt xuống vì vợ không vừa ý nên tôi đâm thương hại. Từ khi có tôi, thì mỗi trưa tôi ra ngoài mua cơm, bưng về cho ông ấy ăn. Tôi chuẩn bị bát đĩa sạch sẽ, nhà cửa tuyệt nhiên không có mùi máu tanh tưởi vì tôi mang thuốc khử trùng từ bệnh viện về phun rất kỹ. Mỗi sáng, tôi đun đầy nước nóng trong phích, tôi pha sẵn ấm trà, ông ấy đi ăn sáng về là có trà nóng uống luôn. Có lần ông ấy khen tôi, pha trà ngon quá, ước gì phần đời còn lại ông ấy được uống trà nóng do tôi pha. Tôi cười nói, pha trà thì khó gì, cháu còn làm ở đây thì ngày nào cũng pha được trà cho ông.

Bà ấy rít lên riết róng, tao lạ gì mày, con nhà quê muốn ở lại thành phố. Mày muốn bằng cách này là không ổn rồi con ạ. Đúng là tôi không ổn thật. Tôi đau tưởng chết ngất đi được. Cái dao, cái kéo, cái thìa, cái xi lanh, cứ thay nhau luồn vào cạo sồn sột như thể lôi ruột tôi ra. Hai bả vai và cánh tay đau tê dại vì bám chặt xuống cái bàn i nốc lạnh ngăn ngắt, bây giờ tôi mới biết bàn đẻ bằng i nốc rất là lạnh.

Tuy vậy, cái bàn lạnh ngắt cũng không bằng cái giọng lạnh lẽo của bà ấy khi quăng cục tiền vào người tôi. Giọng khe khẽ rít qua kẽ răng, cô cầm lấy tiền và khôn ngoan thì liệu đường cuốn xéo cho tôi nhờ. Cô có cưới đến mười lần chồng thì cũng chả được số tiền dẫn cưới bằng này đâu. Tôi cũng nói cho cô biết, chớ dại viết đơn kiện cáo, chẳng có ai làm chứng cho cô đâu, chỉ có cô bị xấu hổ thôi, khôn hồn thì kín miệng mà còn lấy chồng. Sau này, mỗi khi nhớ lại những lời đó, toàn bộ thần kinh của tôi lại căng ra như cái dây chun hết độ đàn hồi và vật vã vì mất ngủ triền miên. Trong đêm, khi mọi người ngủ ngon thì tôi nằm đếm những tế bào thần kinh bị tổn thương nặng nề vì trầm cảm.

4.

Tất cả mọi người trong viện đều công nhận y sĩ Nguyễn Thị Hải là người nhanh nhẹn, đảm đang, thạo chuyên môn nhất khoa Sản. Những việc như chẩn đoán thai, nằm sấp hay nằm ngửa, có nhau cuốn cổ không, ca khó cần mổ ngay, bà xỏ găng tay và chỉ vài phút sau gây mê là đứa trẻ oa oa khóc trên tay. Y sĩ Hải là mẹ đỡ đầu hàng chục đứa trẻ trong thành phố này. Y sĩ Hải là người đến bệnh viện sớm nhất. Vừa thoáng thấy bà ở phòng hành chính kiểm tra bệnh án, đã lại nghe tiếng sang sảng bên phòng hậu phẫu hỏi han bệnh nhân, lát sau tìm đã thấy bảo bà Hải đang làm vệ sinh để vào ca mổ.

Việc làm sổ sách bệnh án, bà Hải vẫn kiểm tra riết róng và chặt chẽ, hầu như không xảy ra sai sót nào.  Bà Hải nổi tiếng vì dành toàn tâm toàn ý cho bệnh nhân, việc thanh toán chế độ lương bổng đãi ngộ cho anh chị em trong khoa đủ đầy và nhanh chóng nhất. Chục năm nay, bà Hải là Chủ nhiệm khoa Sản, được Ban Giám đốc tín nhiệm nhất.

Chủ nhiệm khoa Sản kiếm tiền từ “phòng khám Sản khoa & KHHGĐ”, khách hàng đến “kế hoạch hóa gia đình” đông nườm nượp. Bà Hải làm việc ở phòng khám riêng không ngơi tay, không cả có lúc ngừng uống cốc nước chanh. Thời ấy, bác sĩ sản khoa kiếm tiền rất dễ, khi mà nhà nước quy định mỗi nhà có hai con.

Bà Hải hứa giúp tôi được xuất biên chế bệnh viện. Vì bà Hải cần người phụ việc phòng khám, nên tôi nhận lời làm ngoài giờ như cách trả ơn, và có cơ hội nâng cao tay nghề. Hơn nữa, bà Hải trả lương cao gấp bốn lần lương tôi được lĩnh ở bệnh viện.

Trong cuộc họp, tôi cúi gằm mặt xuống nghe Chủ nhiệm khoa tuyên bố lạnh lùng: Với những sai sót đã xảy ra, ban lãnh đạo khoa đánh giá y sĩ Ngọc Diệp không coi trong y đức, không đủ tiêu chuẩn làm nghề, y sĩ Ngọc Diệp nhận kỷ luật thôi việc. Đầu tôi nóng bừng tê dại, như thể tôi phạm tội giết người.

Tôi đã mắc sai sót. Trong phiên trực tuần trước, một sản phụ đau bụng ba ngày, đến khi vỡ ối, tôi chưa kịp đưa sang phòng đẻ thì đứa trẻ rơi tọt ra nền đá hoa, rách vết da đầu khâu ba mũi kèm cánh tay bị sai khớp nhẹ. Gia đình sản phụ rất thông cảm cho rằng tôi còn trẻ, không đòi bồi thường, nhưng tôi đã bỏ ra tháng lương để trả viện phí. Tôi đi làm được một năm, đợt xét công chức tới, tôi được vào biên chế. Bà Hải nói đã đưa tên tôi vào danh sách, trực tiếp làm việc với phòng tổ chức, mọi việc sẽ nhanh thôi.

Lần này, ban lãnh đạo khoa Sản họp và quyết định rất nhanh để có được công bố trên đây trong cuộc họp toàn khoa. Biết chuyện, mẹ ra lôi thốc tôi về quê không cần giải thích. Đối với mẹ, chuyện gì đã qua là cho trôi đi, nhưng tôi biết mẹ không nguôi đau đớn. Có lần tôi nghe trộm mẹ nói với bác sĩ điều trị bệnh trầm cảm cho tôi rằng tôi chính là vết thương không liền miệng của mẹ, vết thương suốt đời rỉ máu.

5.

Chồng thuyết phục tôi rằng Nam sẽ giúp thương lượng để mua giá hời nhất. Bà chủ nhà là y sĩ sản khoa, là mẹ đỡ đầu hai con của Nam. Hôm rồi cô con gái bà ấy là bác sĩ, đứng ca mổ đẻ, thế nào mà bé trai 5 ky lô gam bị chết. Nhà ấy ba đời độc đinh, có hai con gái, cả dòng họ đã ăn mừng vì thêm thằng cu. Mẹ đứa bé bị kỷ luật thôi việc vì sinh con thứ ba. Bà chủ nhà không thiếu tiền, mà chỉ muốn chuyển vào Sài Gòn. Không muốn hàng xóm biết chuyện, bà ấy chỉ bán cho khách ở xa và sẽ làm thủ tục nhanh nhất. À, Nam vừa nhắn thêm họ chỉ bán ngôi nhà hai tầng, ông chủ nhà ở lại trên mảnh đất kế bên, Nam nhận vẽ thiết kế và xây nhà. Thế lại may, vừa số tiền mình có.

Tôi xây xẩm mặt mày, tim đập thình thịch như nhẩy ra khỏi lồng ngực, họng tắc nghẹn như có bàn tay chẹn cứng không thở được. Mắt tối đen, thân thể nhẹ bỗng rơi như bông hoa gạo xoay tròn trước gió, rơi hun hút xuống một cái phễu không có đáy, dưới ấy là khoảng không đen ngòm. Tôi mở mắt ra, chồng lo lắng hỏi dồn, em thấy trong người thế nào? Tôi bảo, em muốn ngủ.

Tôi ngủ làm sao, khi mí mắt trĩu xuống, còn dây thần kinh căng hết cả ra y như cái dây chun cũ hết độ co dãn. Tôi nghe chồng nói với mẹ, con cho Diệp uống thuốc rồi, bệnh cũ bột phát trở lại, ngủ giấc đẫy là khỏe.

Hồi bị trầm cảm, tôi không giấu gì bác sĩ điều trị. Tôi hiểu, bệnh này muốn chữa dứt điểm phải nói được ra những ẩn ức. Hai tháng điều trị tích cực, tôi mới dứt được các cơn choáng ngất. Bác sĩ mà mẹ tôi mời về điều trị cho tôi chính là chồng tôi bây giờ.

Tôi tự hỏi con người ta có số mệnh hay không? Tôi lơ mơ ngủ và nhìn thấy hàng trăm ngôi sao màu trắng màu đen đang bay rối rít, va đập vào cánh cửa gỗ màu nâu rồi tóe vỡ ra từng chùm tia sáng. Tôi chợt nghĩ, nếu tôi là một trong những ngôi sao thì đó chính là ngôi sao may mắn.

Truyện ngắn dự thi của Phan Mai Hương

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Có thể bạn quan tâm