May 4, 2024, 4:42 am

Những khó khăn trong sản xuất phim hoạt hình lịch sử Việt Nam

Với một đất nước có truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang như Việt Nam, đề tài lịch sử luôn chiếm một vị trí trang trọng và là lợi thế để các nhà làm phim hoạt hình lịch sử khai thác. Tuy nhiên, thực tế, số lượng phim hoạt hình lịch sử ra đời trong một năm còn khá khiêm tốn, khó khăn đến từ khâu kịch bản, chi phí sản xuất tới phát hành.

Yêu cầu đặt ra đối với kịch bản hoạt hình lịch sử

Theo chia sẻ của một công ty sản xuất phim hoạt hình tư nhân, điều quan trọng nhất để công ty quyết định đưa vào sản xuất một bộ phim hoạt hình lịch sử đến từ kịch bản. Kịch bản phải hay, hấp dẫn, độc đáo mới thuyết phục được ban giám đốc đầu tư kinh phí. Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, viết kịch bản lịch sử rất khó, đặc biệt là viết cho hoạt hình. Khai thác đề tài lịch sử, trước hết, cần phải có sự nghiên cứu, tìm tòi từ nhiều nguồn tư liệu, mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhà biên kịch cần am hiểu lịch sử để có thể chọn được câu chuyện và nhân vật lịch sử phù hợp để khai thác. Với kịch bản hoạt hình, ngoài việc có nhân vật thú vị, có câu chuyện hay để khai thác còn phải có các yếu tố phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ hoạt hình để đảm bảo tính hấp dẫn, tránh cách kể chuyện khô khan, minh họa lịch sử. Ngoài việc viết được kịch bản phim hấp dẫn, người viết còn còn phải tính toán đến khâu thể hiện sao cho phù hợp với thể loại phim (2D, 3D hay Cắt giấy) và thời lượng phim, chi phí sản xuất…

Hình ảnh trong phim Tiếng cồng núi Nưa. Ảnh: HHVN

Bên cạnh đó, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà còn cho biết, khi viết cho thiếu nhi, khai thác đề tài lịch sử có nhiều yêu cầu mà nhà biên kịch cần xác định. Thứ nhất, phải quán triệt tinh thần, ta đang làm một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật nên cần có những cách tiếp cận, có góc nhìn phù hợp với đối tượng khán giả. Người viết cần tôn trọng, không làm sai lệch khiến các em hiểu sai về lịch sử nhưng cũng không quá nệ thực, biến bộ phim thành tư liệu hay bài giảng lịch sử khiến các bạn nhỏ thấy nhàm chán. Thứ hai, cần phải tính đến yếu tố xã hội, sự thay đổi về nhận thức, quan niệm của thời đại với từng vấn đề của lịch sử. Bởi vậy, người viết cần có cái nhìn tỉnh táo, tinh tế để có thể khai thác các vấn đề lịch sử một cách thấu đáo, phù hợp nhận thức của lứa tuổi, khiến các em hiểu được đúng tinh thần của lịch sử là rất khó. “Với riêng kịch bản hoạt hình, chúng tôi càng cần lựa chọn các đề tài nội dung phù hợp, thể hiện câu chuyện hay, hấp dẫn nhưng vẫn giữ được tinh thần của lịch sử. Cá nhân tôi, chỉ khai thác những cái hay, cái đẹp của lịch sử để tạo cho các em tình yêu với lịch sử. Từ tình yêu lịch sử qua phim hoạt hình các em sẽ thấy say mê với lịch sử và sẽ đọc, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử từ các nguồn khác”, nhà biên kịch này nói.

Đại diện Hãng phim Hoạt hình Việt Nam - đơn vị làm phim của nhà nước vẫn hàng năm cho ra mắt các bộ phim hoạt hình lịch sử cho biết, nguồn kịch bản được chuẩn bị trước khi bắt tay vào sản xuất khoảng vài năm. Các kịch bản lịch sử này được tuyển chọn từ các trại sáng tác kịch bản, nguồn cộng tác viên và từ chính các nhà biên kịch đang làm việc tại hãng. Dù hoạt hình lịch sử có những yêu cầu khắt khe về việc tôn trọng lịch sử và đảm bảo tính nghệ thuật nhưng cho tới hiện tại, hãng vẫn đang sở hữu nguồn kịch bản đủ dùng trong vài năm. Đặc biệt, các bộ phim hoạt hình lịch sử do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất đều là các tác phẩm đặt hàng của nhà nước. Trung bình, mỗi năm, hãng sản xuất 16-20 phim hoạt hình với nhiều thể loại như lịch sử, đồng dao, đồng thoại… mỗi phim có thời lượng 10 phút. Tùy vào định mức, số lượng phim hoạt hình lịch sử nhiều hơn hoặc ít đi. Năm 2023, hãng có 3 phim 30 phút. Năm 2022, hãng có 1 phim. Năm 2021, hãng có 3 phim 30 phút. Ngoài chỉ tiêu đặt hàng hằng năm, năm 2024-2025, hãng còn có 8 bộ phim lịch sử đặt hàng từ các nguồn khác. Như vậy, số lượng phim hoạt hình lịch sử sản xuất mỗi năm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thường không vượt quá 50% số lượng phim ra đời. Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam còn có các đơn vị sản xuất tư nhân cùng tham gia vào sản xuất phim hoạt hình lịch sử như Công ty Cổ phần Dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý (Dee Dee Animation Studio) có series phim Trưng Vương 7 tập về các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, Yêu Kiều (lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du); Công ty TNHH Truyền thông Colory (Colory Animation Studio) với Con rồng cháu tiên, Tản Viên Phong Châu...

Thúc đẩy các công ty hoạt hình tư nhân cùng tham gia sản xuất

Dù vậy, số lượng phim hoạt hình lịch sử được ra đời trong một năm còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của thể loại này mang lại tới khán giả và các nhà sản xuất. Bởi trong một cuộc thăm dò ý kiến khán giả trong đợt phát hành phim có sự phối hợp giữa Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim quốc gia chiếu miễn phí phim hoạt hình vào năm 2022, 90% khán giả đến xem phim bày tỏ sự yêu thích và có nguyện vọng được tiếp tục xem phim hoạt hình Việt Nam tại rạp, trong đó mong muốn có nhiều phim về đề tài lịch sử. Nhưng chiếm sóng trên truyền hình VTVcab hiện nay lại là các bộ phim hoạt hình nước ngoài với các kênh như Kids, Cartoon network, CartoonTo chiếu 24/24. Phim hoạt hình Việt Nam hoàn toàn lép vế ngay tại sân nhà.

Lý do của việc này có nhiều, song chủ yếu đến từ nguồn kinh phí để sản xuất một bộ phim hoạt hình lịch sử khá tốn kém. Một bộ phim có thời lượng 10 phút cần tới 30-40 người thực hiện ròng rã trong suốt 8 tháng. Trong khi đó, phim hoạt hình lịch sử thường có thời lượng dài, đến 20-30 phút. Do vậy, chi phí vận hành bộ máy sản xuất tốn kém hơn. Với các hãng phim tư nhân, nếu không tìm được nguồn kinh phí đủ mạnh, rất khó có kế hoạch sản xuất một bộ phim hoạt hình lịch sử. Còn với Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nguồn kinh phí hoàn toàn đến từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, đều đặn hằng năm, hãng vẫn có kế hoạch sản xuất phim hoạt hình lịch sử.

Tuy nhiên, về đầu ra cho sản phẩm lại có sự khác biệt đáng kể giữa phim hoạt hình lịch sử do công ty tư nhân sản xuất và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện. Trong khi, các công ty tư nhân đều lựa chọn đưa tác phẩm hoạt hình lịch sử lên nền tảng số như YouTube, các trang web xem phim trực tuyến… thì Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đều bàn giao cho Bộ VHTTDL quản lý. Hãng chỉ đóng vai trò là đơn vị sản xuất. Còn khâu ra rạp, phát hành ở đâu, vào thời gian nào do Cục Điện ảnh quyết định đối với các bộ phim đặt hàng của Bộ VHTTDL. Còn với các phim do một đơn vị khác đặt hàng sẽ do đơn vị đó quyết định thời gian và địa điểm ra mắt khán giả. Sở dĩ có sự khác nhau là do nguồn kinh phí đầu tư có sự khác nhau nên lựa chọn ra rạp hay phát hành trên nền tảng số là sự lựa chọn của mỗi bên. Bởi phim phát hành trên nền tảng số không cần cấp phép, xuất hiện khá dễ dàng trên nền tảng số. Hơn nữa, do thói quen xem phim của người Việt có sự thay đổi từ sau đại dịch Covid-19 nên phát hành phim trên nền tảng số mang lại sự thuận lợi với người thưởng thức. Đặc biệt, doanh thu từ xem phim trực tuyến không hề thua kém phim ra rạp.

Chính vì thế, vấn đề của phim hoạt hình lịch sử Việt Nam là làm sao thúc đẩy sự tham gia của các công ty tư nhân. Để có điều này, chính sách của Nhà nước cần có ưu đãi đối với các công ty hoạt hình tư nhân. Đồng thời, Luật Điện ảnh cũng cần nghiên cứu sửa đổi để sát với tình hình thực tế sản xuất và phát hành phim hiện nay, đặc biệt với các bộ phim đặt hàng của nhà nước, tránh để lãng phí nguồn lực và chất xám của ê kíp làm phim.

Quỳnh Chi

Nguồn Văn nghệ số 16/2025


Có thể bạn quan tâm