April 29, 2024, 2:01 am

Những đoản khúc thơ*

Điều làm cho người đọc thích thơ Nguyên Hùng, trước hết có lẽ là do cách diễn đạt ngắn, kết thúc một cách đột ngột, bởi nghệ thuật “bẻ lái” của nhà thơ. Ba đoản khúc thơ sau đây là minh chứng cho điều vừa nói.

- Thiên hạ đua nhau lùng số đẹp/ Từ số xe số điện thoại số nhà/ Ta dễ tính gặp số nào cũng duyệt/ Nên trời đì bắt số... đào hoa (Số đào hoa).

- Móng Cái đây rồi, Móng Út đâu?/ Bàn chân tấy đỏ cố quên đau/ Trà Cổ một chiều bên biển vắng/ Tóc em xõa rối di địa đầu (Móng Cái).

- Đôi khi lỡ một chuyến đò/ Cả đời vô vọng ngóng chờ qua sông/ Đôi khi lỡ chạm gai hồng/ Giật mình chợt nhớ mình trồng phong lan” (Đôi khi).

Thơ Nguyên Hùng thường là những đoản khúc, đoản khúc thơ ra đời phát xuất từ một cảm xúc, một chiêm nghiệm, suy luận nào đó vụt hiện trong anh. Vì thế, lời thơ viết ra kiểu như những định nghĩa, triết luận về sự vật, sự việc, hiện tượng... trong đời sống. Những muộn phiền dù thoáng bóng mây/ Mà di chứng chẳng dễ gì xóa hết/ Có những lúc giả vờ đang Tết/ Nén cơn đau vùi khuất dưới tiếng cười... (Vờ Tết).

Khao khát thể hiện cái tôi nội cảm, Nguyên Hùng thường sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hóa... ý vị và kín đáo nhằm cụ thể hóa tâm hồn mình, biến cái trừu tượng thành cái có thể tri giác được.

- “Thuyền và bến”: Thuyền ra khơi nhớ bến nôn nao/ Chưa đầy cá đã vội về với bến/ Buông neo rồi chợt bồn chồn nhớ biển/ Gió mơn man mời gọi cánh buồm.

- “Chứng tích thời gian”: Nhón tay nhổ giúp em/ những sợi bạc ngang tàng/ Em đau nhẹ mà anh buốt nhức/ Tự lúc nào chúng mặc nhiên thường trực/ Đâu chỉ vô hồn/ làm chứng – tích - thời - gian...

- “Nhà thờ Đức Bà Paris và...”: 200 năm dựng xây/ 850 năm tồn tại/ Chỉ vài giờ bùng cháy/ Nhà thờ Đức Bà rúng động cả Paris// 5 năm trồng cây si/ 20 năm xây lâu đài mộng ước/ Chỉ một lần lỡ bước/ Lâu đài hóa mồ hoang.

.............

Cấu tứ thơ trong thơ Nguyên Hùng bắt nguồn từ sự biểu lộ tâm trạng. Và ở mỗi bài có những cái hay, cái sâu sắc riêng. Tứ thơ là một thành phần cơ bản của kết cấu hình tượng trong thơ, liên kết tất cả các chi tiết, hình ảnh trong bài thơ tạo thành một thể thống nhất. Thơ Nguyên Hùng thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng. Từ cảm xúc của tâm hồn là nỗi nhớ và sự cô đơn bủa vây, đã tạo ra tứ thơ thể hiện rõ sự thật chua chát ấy: Ngày của anh, em ở phương trời khác/ Anh ngậm ngùi ngồi uống hoàng hôn/ Ngày tẻ nhạt dù vang bao câu hát/ Đêm ồn ào không xua nổi cô đơn (Ngậm ngùi)…

Điều đặc biệt trong thơ Nguyên Hùng là nhà thơ thường lấy bản thân mình làm đối tượng để nhìn ra nhân thế: Mê mải phố để vầng trăng đi lạc/ Đến bạc đầu còn tiếc nuối ăn năn (Lơ đãng). Phải chăng đó cũng chính là nỗi day dứt, khắc khoải của nhiều người khi đã đi qua tuổi xế chiều của cuộc đời mà vẫn còn dang dở bởi nhiều việc chưa thành, chưa trọn...

Trong hành trình cuộc đời, trải qua những thăng trầm dâu bể, Nguyên Hùng nhận thấu nhiều điều. Lắng sau những âm thanh náo nhiệt của dòng đời hối hả, trước những ấm lạnh của cõi người, của lòng người; nhà thơ nghiệm ra rằng:

1. Đau nào hơn mất niềm tin/ Trăm ngàn lời hứa ném chìm ao sâu/ Cái liêm cái sỉ nát nhàu/ Dù là vua chúa còn đâu uy quyền?

2. Phút giây những tưởng hóa Tiên/ Ngờ đâu nhơ nhuốc vấy hoen ảnh thờ/ Xây nhiều năm, phá một giờ/ Chớ cuồng tham vọng mà mơ hại người. (Mất)

Để rồi có lúc tỏ ra hoài nghi trước một thực tế phũ phàng, đầy chua chát. Nhà thơ tự vấn, tự thoại bằng tất cả nỗi niềm sâu kín của lòng mình qua những lời thơ nghẹn ngào, quặn thắt. Thần xưa - bốn mặt đã nhiều/ Vẫn thua một lũ quái yêu thời này/ Thần canh nam bắc đông tây/ Quái xoay muôn mặt, vơ đầy túi tham/ Kẻ luồn lách để thăng quan/ Kẻ quen lừa phỉnh mỵ dân, tốt vờ/ Kẻ rình săn cuộc tình hờ/ Đều đeo mặt nạ vẽ tô tùy thời... (Bên tượng thần Bayon).

Yếu tố thời gian, không gian nghệ thuật cũng là một điểm sáng trong thơ Nguyên Hùng. Nhà thơ tạo dựng nó từ sự cảm thụ, ý thức, quan niệm của anh về những thứ đã, đang và sẽ xảy ra quanh mình. 

Đó cũng là điểm nhìn, cách nhìn của Nguyên Hùng trong sáng tạo nghệ thuật. Những đoản khúc: Gốc bàng di sản, Về thăm chiến trường xưa, Hương rừng, Đi lễ chùa, Xin chữ cụ Nguyễn Du, Đến Phong Nha, Đà Nẵng, Nụ cười Phan Rang, Trên đỉnh Phù Vân, Vạn Lý Trường Thành, Người Nhật, Móng Cái, Hà Tiên, Mèo Vạc, Tràng An, Bên tượng thần Bayon, Chuông gió, Bóng ngày, Thẻ nhớ, Sông nhớ, Chứng tích thời gian, Thuyền và biển, Đảo và sóng... thời gian và không gian luôn được nhà thơ nhắc đến. Trong cái nhìn về thời gian, không gian Nguyên Hùng bộc lộ nhiều trăn trở, day dứt. Đôi lúc, nhà thơ muốn quay về quá vãng để tìm sự an ủi, vỗ về.

  Đò qua sông mỗi người một ngả/ Anh ra đi ngược dòng sông nhớ/ Đâu bến đêm nào hai đứa thức canh thâu/ Không bức tường con/ che chắn nụ hôn đầu (Sông nhớ).

Lạc đâu đôi mắt ngày xưa/ Ta đi tìm mãi vẫn chưa thấy người/ Ước mơ theo cả cuộc đời/ Một lần thôi, gặp lại thời tóc xanh (Đôi mắt lạc).

Nguyên Hùng luôn khao khát chiếm lĩnh thời gian, không gian bằng cảm quan riêng trong cái nhìn phức hợp, đa chiều. Không gian, thời gian trong thơ anh đi từ cái thực của thế sự đến những mơ ước, hoài niệm nhưng bao giờ cũng thống nhất trong một chỉnh thể. Ở đó, người đọc nhận ra một thế giới nghệ thuật đa hình, đa dạng với nhiều cung bậc sắc thái tình cảm. Từ hình ảnh gốc bàng cổ thụ ở sân trại tù cũng gợi lên cho nhà thơ những giọt buồn xốn xang.

Sân trại tù mấy gốc bàng cổ thụ/ Là chứng nhân bao máu chảy đầu rơi/ Sau bức tường những hình hài bé nhỏ/ Mấy mươi năm không hề thấy mặt trời// Những gốc bàng nay thành cây di sản/ Tán sum suê che dịu vạn linh hồn/ Giữa biển xanh chưa một lần được tắm/ Để trong mơ cây hóa những cánh buồm (Gốc bàng di sản).

Hay sự so sánh, liên tưởng rất tài tình của Nguyên Hùng về Em và rượu; Em và trăng... Giống và khác trong tương đồng - đối lập, để rồi, nhận ra nỗi tái tê, đơn chiếc, nỗi thương nhớ đến khôn cùng.

Thơ Nguyên Hùng thường nói đến tương lai và hiện tại bằng cái nhìn hoài niệm, đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại - tương lai trong sự đan cài vào nhau. Ở đó, ta thấy ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cái tôi nhà thơ luôn hiện diện.

Khi ta uống rượu cùng trăng/ Ngoài kia người lính gồng căng hết mình// Khi ta ngồi viết thơ tình/ Ngoài kia biển cháy, thái bình lâm nguy! (Khi ta làm thơ).

Thơ Nguyên Hùng neo đậu trong tâm hồn người đọc là những bài thơ giàu ý tưởng, với những liên tưởng độc đáo, bất ngờ và những tứ thơ lạ. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc. Hình ảnh thơ mang tính biểu trưng cùng các biện pháp nghệ thuật được vận dụng một cách linh hoạt đã thể hiện bản sắc cá nhân, khám phá được chiều sâu nội cảm.

Biển đẹp nhường này, em trốn đi đâu?/ Gọi em đến khản tiếng còi tàu/ Phải em hóa sóng ngầm đáy biển/ Bất chợt xô anh đến bạc đầu? (Sóng ngầm).

Nhà thơ Nguyên Hùng mở ra lối viết và thưởng thức thơ kiểu đoản khúc. Đó cũng là cách để anh chuyển tải những thông điệp, ý nghĩ, suy tư của bản thân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất... 108 Đoản khúc thơ là 108 cung bậc cảm xúc bắt nguồn từ những gì nhà thơ quan sát, cảm nhận theo cách riêng mình trong đời sống. Mỗi cảm xúc của tâm hồn là cái cớ để Nguyên Hùng bộc lộ qua thơ. Những đoản khúc thơ đặc sánh, cô đọng cảm xúc, giàu ý tưởng và có sức ngân vang. Tuy vậy, vì viết nhanh, kiểu tốc ký nên có lúc không tuân thủ theo quy định, chuẩn mực nào. Đây vừa là thế mạnh nhưng cũng lại là hạn chế trong hành trình sáng tạo thi ca của anh…

 

nguyễn văn hòa

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm