May 3, 2024, 8:36 pm

Những con chữ “sẻ chia và kết nối”

 

                                       (Đọc tập truyên ký TRĂNG LU của Đinh Sỹ Minh   - NXB Hội Nhà Văn, quý I-2024)

 

Trong tác phẩm Đaghextan của tôi, nhà thơ Nga xuất sắc Raxun Gamzatop có nói đại ý: Tuổi trẻ sôi nổi hát bằng thơ, còn tuổi già thì chậm rãi nói bằng văn xuôi.

       Nhận xét trên đây hầu như đúng với đa số những người yêu văn chương thuộc mọi dân tộc, nhưng cũng có nhiều người không hoàn toàn đúng theo “qui trình” sáng tác ấy. Chẳng hạn như nhà thơ Đinh Sỹ Minh, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội: Tuổi trẻ lăn lộn mưu sinh khắp trong Nam ngoài Bắc, bao nhiêu nỗi niềm cảm hứng dồn nén mãi đến năm ngoài sáu mươi tuổi mới bung tỏa cả thơ và văn xuôi. Từ năm 2015 đến nay, lần lượt anh đã xuất bản 3 tập thơ và 2 tập truyện ký khá ấn tượng. Trong 3 tập thơ của anh (Thăm thẳm bóng làng – NXB Hội Nhà văn, 2015; Nhốt đam mê – NXB Hội Nhà văn, 2016; Phồn Sinh – NXB Hội Nhà văn, 2018), có tập sau khi xuất hiện đã tạo được ít nhiều dư luận tích cực trên báo chí và mạng xã hội. Riêng tập truyện ký Trăng vỡ (NXB Hội Nhà văn, 2021) được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết bài giới thiệu, với những nhận xét tinh tường và quý mến như thế này: “Tôi vẫn nhận ra tinh thần thi ca hiện diện theo nhiều cách, nhiều cung bậc trong văn xuôi của ông. Đó là độ rung trong mỗi câu văn và những chi tiết; đó là sự run rẩy trong những khoảng không gian của văn xuôi và người ta có thể cảm thấy hơi thở của niềm vui, của đau buồn, của sẻ chia, của thương nhớ… trong mỗi ngày ông đã sống”.

Nhà văn Đinh Sỹ Minh

       Chưa đầy 2 năm sau tập Trăng vỡ, cuối năm 2023 Đinh Sỹ Minh ra mắt tập truyện ký Trăng lu, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tập Trăng lu gồm 3 truyện ngắn và 8 truyện ký, vẫn tiếp tục “độ rung trong mỗi câu văn và những chi tiết” của tập Trăng vỡ. Đó là miền ký ức của tuổi thơ những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, những người thân yêu ở làng quê anh hân hoan đón chào cuộc sống mới dưới chế độ mới, nhưng cũng phải chịu bao khổ lụy bởi tinh thần cách mạng cực đoan, ấu trĩ, giáo điều của những người vừa “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những oan khiên, khổ lụy ấy vẫn đeo đẳng anh, người thân và nhiều dân làng trong những năm làng quê anh vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tàu bay Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đến là những thiếu thốn, chật vật trong thời kỳ “đêm trước” của công cuộc đổi mới; cùng đó là những bất cập, cứng nhắc, duy ý chí... trói buộc con người và xã hội. Đinh Sỹ Minh tâm sự: “Tất cả đều là cảm xúc có thật của tôi, của bạn bè tôi, hay những người mà tôi đã gặp đâu đó trên đường đời bươn chải...” (Lời đầu sách).

       Bởi là những ký ức máu thịt được neo giữ bằng cảm xúc chân thật, nên những trang viết của Đinh Sỹ Minh, dẫu là truyện ngắn hay truyện ký cũng đều bộn bề ngồn ngộn những chi tiết sống động. Chẳng hạn như những câu chuyện “cười ra nước mắt” trong truyện ngắn Chuyện ông Đắc: Chàng thanh niên Nguyễn Đắc là con cháu địa chủ, tìm mọi cách chạy chọt nhờ vả để được đi bộ đội, mong cải thiện lý lịch cho bản thân và con cháu. Vào chiến trường, Đắc chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, nhưng bị thương nặng phải ra quân. Về làng, đi “tỏ tình” với cô gái làng bên, lại mượn xe đạp và chiếc đài mang theo cho “oai”. Khốn nỗi, đến nhà người ta thì quên béng cách xoay vặn các núm điều khiển, loay hoay mở trúng đài địch oang oang, thế là bị “kết án” Việt gian thám báo. Bố là địa chủ thì con là Việt gian là logic quá rồi còn gì (!). Thật đúng là “tình ngay lý gian” kêu trời chẳng thấu. Hoặc như truyện ngắn Trăng lu gợi nên một không khí thật oi bức ngột ngạt. “Oi bức, ngột ngạt” không phải vì không gian truyện ngắn được xây dựng trong một khoang tàu chợ chật chội hôi hám những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mà vì tình cảnh ngăn sông cấm chợ, nạn trộm cắp khiến hành khách luôn nơm nớp lo âu. Nhưng “nơm nớp lo âu” hơn cả là thái độ hách dịch, vô cảm và ăn chặn trắng trợn của những người mang danh “thi hành công vụ” để trục lợi...

        Tục ngữ có câu chí lý: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”! “Miếng ngon” bao gồm cả những chuyện vui, điều tốt... dù tuyệt vời đến mấy thì cũng chỉ “nhớ lâu”, tức trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Nhưng “đòn đau”, bao gồm những bất hạnh, rủi ro, oan khiên... thì nhớ suốt đời, thậm chí “sống để dạ, chết mang theo”. Có lẽ vì thế mà trong tập Trăng lu, những hồi ức của Đinh Sỹ Minh chủ yếu là những chuyện buồn. Đó là những oái oăm, trắc trở, oan trái, thù ghét... mà anh và các nhân vật của anh phải chịu đựng. Điều đáng nói là với độ lùi hàng chục năm, nay Đinh Sỹ Minh kể lại những nỗi ấy với một thái độ khách quan, điềm tĩnh, phân biệt rõ những sai trái do cái xấu gây nên hoặc do những nôn nóng, ấu trĩ, cực đoan, thái quá... Tác giả mượn lời nhân vật Nguyễn Ngụ, để “nhận thức” về chế độ Cộng sản sau nhiều năm chạy trốn vào Nam và trở thành sĩ quan của quân đội Sài Gòn: “Cộng sản là ai? Là anh Linh, là chú Sáu Mẹt? Không! Ngụ chả bao giờ tin những người như họ lại là kẻ ác độc, cho dù họ cũng đã ít nhiều là nguyên nhân gây nên cái chết oan nghiệt cho cha Ngụ”. Tình yêu quê hương, tình cảm với những người thân thích đã níu kéo, thức tỉnh Ngụ, để cuối đời, ông Việt kiều Nguyễn Ngụ đã trở về nơi chôn rau cắt rốn, chung sống với những người Cộng sản (truyện ngắn Ngụ Đại).

        Bên cạnh những truyện ngắn được viết khá kỹ lưỡng và chắc tay, tập Trăng lu còn một mảng khá lớn những bút ký và tản văn, chứng tỏ một sở trường khác của Đinh Sỹ Minh trong thể loại “phi hư cấu”. Đó là những kỷ niệm đẹp, những người bạn tốt mà tác giả đã “cúi xuống, chui rúc trong các bụi cỏ nhân gian để vẽ lại những gương mặt thấm đẫm tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước...” (lời đầu sách). Đó là những người thân yêu gần gũi với tác giả, như: Anh nông dân một đời yêu Đảng trong truyện ký Giấc mơ của một cháu ngoan Bác Hồ; là một thầy đồ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong truyện ký Thầy đồ; là anh bạn vong niên, sống ân tình hào sảng, nhưng cuối đời lận đận trong truyện ký Tinh hoa quý tộc; là người nghệ sĩ vô danh nhưng tài hoa, là anh bạn “đại ca” có tấm lòng thơm thảo, là cậu bé bán bánh mì ở ga Hàng Cỏ có tấm lòng nghĩa hiệp v.v...

      Bạn đọc hồi hộp, thích thú với các nhân vật “phi hư cấu” trên đây và qua đó hiểu hơn tấm lòng và tính cách của Đinh Sỹ Minh. Được như thế là tác giả đã toại nguyện, bởi như anh tâm sự trong Lời đầu sách: “... tôi mong muốn mình sẽ được giãy bày, chia sẻ những gì luôn đau đáu giày vò trong lòng, để rồi từ đó có được sự đồng cảm của mọi người. Hi vọng từng con chữ do tôi viết ra sẽ kết nối thành một nhịp cầu giao tình giữa người viết và độc giả”.

       Chắc chắn là như thế, người văn Đinh Sỹ Minh ạ!

Mai Nam Thắng

 


Có thể bạn quan tâm