May 2, 2024, 11:57 am

Nhớ xóm ba người hiền

Dường như là có một sự sắp đặt ngẫu nhiên nào đó, mà trong phạm vi chừng một cây số vuông, quanh trục đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, có tới ba văn nhân nổi tiếng từng cư ngụ. Đó là các nhà thơ: Hoài Vũ, Văn Lê, Quang Chuyền…

Đường Hoàng Hoa Thám nối từ Trường Chinh, chạy vào đến tận cổng ga sân bay trực thăng cũ. Đây là một con phố tuy không lớn, nhưng sầm uất, phần trên địa bàn phường 12, san sát các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh buôn bán tấp nập. Vượt qua ngõ chợ nhộn nhịp một quãng, nhìn bên mé phải, nhà số 42 vốn thuộc gia đình nhà thơ Quang Chuyền. Người con của làng Gốm, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tuổi Ất Dậu. Học xong trường sư phạm Khu tự trị Việt Bắc, thay vì làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng say mê nghiệp bút nghiên, nên Trần Quang Chuyền chuyển sang hoạt động văn nghệ, ông làm biên tập tờ Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Năm 1968, Quang Chuyền nhập ngũ, đảm trách công tác tuyên truyền, báo chí, văn hóa văn nghệ của Binh chủng Thông tin liên lạc. Khi tờ báo Thông tin ra đời, ông là Phó Tổng biên tập. Chặng cuối đời quân ngũ, Quang Chuyền giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Thông tin 596.

Nhà thơ Quang Chuyền đã xuất bản 20 tập thơ, có hơn chục bài được phổ nhạc. Mới nhất, là tập Quang Chuyền, thơ và đời với hơn 400 trang in (khổ 15 x 23), bìa cứng, mầu nhã, trình bầy đẹp, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, 2003. Đây là một tuyển thơ được dư luận bạn đọc chú ý. Nhà thơ từng nhận được nhiều giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương.

Một cuộc hội ngộ (Hàng ngồi, từ trái qua: Văn Lê, Hoài Vũ, Quang Chuyền…

Chặng đường thơ 60 năm in dấu những đoạn đời mà Quang Chuyền đã trải, để lại nhiều tình cảm về một thi nhân đôn hậu, chan chứa tình cảm, trân trọng cuộc sống, quý chuộng con người và bầu bạn. Bởi vậy, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều đã không quá lời khi cho rằng: “… Những câu thơ vang lên chứa một vẻ đẹp u huyền. Trong tuyển tập thơ này, những bài thơ lục bát của nhà thơ Quang Chuyền đã đặt ông vào những nhà thơ viết lục bát xuất sắc trong các nhà thơ đương đại. Các bài thơ lục bát của ông trong tuyển tập thơ là một cơn mơ đẹp đẽ, da diết về quê Sơn Đông của ông…”. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Thơ Quang Chuyền đằm thắm, trữ tình, anh viết nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả có lẽ là thơ lục bát…”.

Văn Lê (1949-2020), một người bạn văn chí thiết của Quang Chuyền, từng bộc bạch: “Có thể nói bằng cách lựa chọn thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc trong nghệ thuật truyền tải cảm xúc của mình cùng với các nhà thơ khác. Quang Chuyền đã đóng góp một tiếng nói riêng vào tiếng nói chung, nhằm đưa thể thơ lục bát cũ càng lên tầm cao mới, hiện đại và sang trọng…”.

Bằng lao động miệt mài và tài năng sáng tạo của mình, Quang Chuyền có nhiều đóng góp cho thể thơ lục bát truyền thống, để lại  lắng đọng và dư âm yêu mến trong lòng người đọc. Thơ bật lên cốt cách và tâm hồn sâu lắng của con người ông, hiền từ, thuần hậu, thủy chung như nhất. Một đời thơ khởi đi Từ nguồn trong trẻo, băng qua lửa đạn, lăn lộn cùng năm tháng gian lao, Quang Chuyền điềm tĩnh Theo sông và an lành Về biển.

*

Từ con đường mang tên “Hùm thiêng Yên Thế” dấn thêm quãng vài trăm thước, quẹo phải vào một ngõ nhỏ là thấy đường D52, nơi “dòng sông” lớn - nhà thơ Hoài Vũ buông neo tại số 21. Trong bộ ba người hiền, thì bậc huynh trưởng là nhà thơ Hoài Vũ, tên khai sinh Nguyễn Đình Vọng. Ông chào đời vào mùa thu năm Ất Hợi (1935), tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Mới 11 tuổi, cậu bé đã tham gia “Thiếu binh” (một dạng Thiếu sinh quân) thuộc Phòng quân nhu, Bộ tư lệnh Liên khu 5. Tập kết ra Bắc, ông tham gia xây dựng các tuyến đường sắt từ Hà Nội ngược lên phía Bắc, làm công nhân Nhà máy chè Phú Thọ; rồi làm thanh niên xung phong, trực tiếp lao động đắp đường, làm công trình thủy nông Bắc Hưng Hải… Vừa lao động, ông vừa say mê học tập văn hóa, ngoại ngữ. Bằng con đường tự học, Hoài Vũ lấy xong bằng tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông được tuyển vào Trường Tuyên huấn Trung ương (Trường Nguyễn Ái Quốc II) học về báo chí. Vì lẽ đó, năm 1963, Hoài Vũ được gọi tập trung luyện tập để vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam. Sau hơn 4 tháng trời gian nan, đoàn văn nghệ sĩ, gồm: Hoài Vũ, Hồng Sến, Kim Chi, Mai Lộc, Trần Đình Vân… về đến R, căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Có công lớn trong việc bồi dưỡng cán bộ văn nghệ, báo chí cho cách mạng miền Nam, khi Trung ương Cục mở trường báo chí, nhà thơ Hoài Vũ được phân công phụ trách. Như cánh chim bằng giữa đại ngàn, ông sôi nổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Là ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ủy viên thường trực Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Ông tổ chức nhiều trại sáng tác quy tụ lực lượng viết trẻ lúc bấy giờ từ nội đô ra như Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Lê Duy Hạnh…

Từ sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Hoài Vũ lần lượt giữ các cương vị: Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam); Phó giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn); Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh); Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng.

Tên tuổi của nhà thơ Hoài Vũ gắn liền với các tác phẩm Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Hoàng hôn lặng lẽ, Lời thì thầm của dòng sông… Dù sáng tác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thơ ông cũng đằm thắm, da diết, cháy bỏng tình yêu thiên nhiên và con người; thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh. Những vần thơ dung dị, chứa đựng vẻ đẹp nhân văn cao cả, có sức lay động tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ. Ông có hơn 30 bài thơ được các nhạc sĩ danh tiếng chắp cánh, thính giả cả nước rất mến mộ. Cùng với thơ, Hoài Vũ còn là một cây bút văn xuôi, với 7 tập truyện dày dặn. Đặc biệt, ông còn chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, như: Đèn lồng đỏ treo cao, Hoa trong tuyết… Thế nên, gọi ông là nhà thơ, nhà văn hay dịch giả xuất sắc đều chuẩn.

*

Vượt giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, gần xệu, nhưng đã qua địa bàn phường khác rồi. Cùng một trục đường, nhưng bên này, phường 13 chủ yếu là các công sở, trường học và một số đơn vị quân đội, thuộc vành đai sân bay Tân Sơn Nhất. Rẽ trái vào Nguyễn Hiến Lê, sẽ gặp con đường nhỏ xanh mát bóng cây, mang tên nhạc sĩ Văn Chung. Nhà của Văn Lê ở đường này, số 28. Thế nên, không lạ khi một thời tại xóm ba nhà, các thi nhân Hoài Vũ, Quang Chuyền, Văn Lê thường hay gặp gỡ với anh em trẻ bên ly bia Sài Gòn, cùng đĩa mồi đơn giản, vậy mà vui, mà đầm ấm. Bản thân tôi cũng từng may mắn được hầu chuyện các bậc đàn anh khả kính vài bận trong cái quán nhỏ bình dân bên đường.

Tuổi Kỷ Sửu (1949), Văn Lê đích thực là một người tài hoa. Nhưng không biết có phải do cầm tinh ông Trâu, mà cuộc đời anh ba chìm bảy nổi? Sinh trưởng ở một làng quê thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, như bao tráng đinh thời tao loạn, 17 tuổi, chàng Lê Chí Thụy nhập ngũ. Dẫu chưa kịp bước chân đến cổng trường đại học, nhưng với sự thông minh nhanh nhậy hiếm có, vào chiến trường, chàng trai trẻ thuộc biên chế Cục chính trị B2. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, tháng 10/1974, Văn Lê trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Đất nước hòa bình, tháng 11-1976, anh là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng và Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Chung lưng đấu cật với nhà thơ Hoài Vũ, giúp tờ báo Văn nghệ Giải phóng ăn nên làm ra, có lượng phát hành kỷ lục, nhưng thói đời… khiến cả hai anh em cùng phải chịu tiếng bấc tiếng chì, thậm chí bị vu cáo, đến khổ.

Cuối năm 1977, Văn Lê tái ngũ. Anh “xuất ngoại” làm phóng viên tại Mặt trận 479, tây bắc Campuchia. Sau mấy năm bầm trầy, gian nan, Văn Lê xuất ngũ. Từ năm 1982, anh về Hãng phim Giải phóng, làm biên tập, đạo diễn phim tài liệu. Là một nhà làm phim tài liệu cứng cựa, với lối đi riêng, Văn Lê ghi nhiều thành công ở mảng này. Anh còn viết kịch bản phim truyện, đặc sắc nhất là phim Long Thành cầm giả ca.

Gia tài văn chương của Văn Lê khá đồ sộ, hơn 30 tác phẩm với nhiều thể loại. Trong số 14 tiểu thuyết, nhiều tựa đình đám được tái bản 3-4 lần, có cuốn được dịch sang tiếng Hàn Quốc (in năm 2001, tái bản 2019). Văn Lê đã nhận hàng chục giải thưởng danh giá, riêng tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được trao giải Nhì (không có giải Nhất) về đề tài Chiến tranh cách mạng và LLVT của Bộ Quốc phòng 5 năm (2004-2009); giải Nhất văn học Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (2007-2012). Tiểu thuyết Phượng Hoàng đoạt giải Nhất về đề tài Chiến tranh cách mạng và LLVT của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014).

Không chỉ là một nhà tiểu thuyết gạo cội, thơ của Văn Lê cũng tạo được nhiều dấu ấn sâu đậm. Với gần chục tập thơ đặc sắc, trong đó có các trường ca đáng chú ý: Câu chuyện của người lính binh nhì, Vé trở về. Ông nhận giải A cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ (1975-1976); giải B thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1984. Trường ca Những cánh đồng dưới lửa, đoạt giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng, 1999. Ngoài ra, Văn Lê còn nhận Giải thưởng văn học sông Mê kông, 2006.

*

Cả ba hiền nhân này có điểm chung là giàu có về thành tựu văn học, nhưng luôn bình dị và hết mực khiêm nhường, chưa khi nào thấy các ông cao đàm khoát luận, hay đao to búa lớn lên mặt với bất kỳ ai, mà cũng chẳng hề ganh tỵ, đòi hỏi gì cho riêng mình… Trung thực sống, lặng lẽ viết, tránh xa mọi thứ ồn ào, màu mè, họ không nỡ “làm đau một chiếc lá trên cành”, mà thường chỉ nhỏ nhẹ trao gửi. Ánh mắt và nụ cười Hoài Vũ, Quang Chuyền, Văn Lê, khiến cho người đối thoại cảm thấy tin yêu hơn cuộc đời này.

Vậy mà giờ đây, xóm ba nhà thưa vắng dần. Năm 2018, gia đình nhà thơ Quang Chuyền chuyển đến một vị trí mới, thoáng đãng, mát mẻ và yên tĩnh trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, Tân Bình, xa hơn. Một ngày đầu tháng 9-2020, giới cầm bút ở thành phố và rộng ra cả nước, bàng hoàng nhận tin nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê từ giã cõi đời. Anh vừa bước qua tuổi 71 được vài tháng, để lại bao niềm thương tiếc, xót xa. Theo lời nhà thơ Hoài Vũ thuật lại, thì chỉ vài ngày trước đó, khi hai anh em đôi hồi với nhau, bỗng dưng Văn Lê buột miệng, rằng em phải ráng tranh thủ viết cho xong cuốn tiểu thuyết mới này, chứ e là không kịp. Như là một linh cảm về sự giã biệt.

Mùa xuân đến, chao ơi nhớ cảnh, nhớ người…

Nguyễn Minh Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm