May 3, 2024, 5:21 pm

Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa

Thời gian làm việc ở báo Hà Nội mới, vào thập niên 90 tôi có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với nhà thơ Vương Trọng.

Gần đây lại có dịp đi dự trại sáng tác cùng ông ở Vũng Tàu tôi càng có cảm giác thân thiết với những ký ức đã qua. Đúng như câu thơ Vương Trọng đã viết: “Vuốt đầu tóc rụng bàn tay/ Biết không gần nữa những ngày trẻ trung/ Biết xa những buổi chờ mong/ Mà sao kỷ niệm vẫn không chịu già”.

Nhà thơ Vương Trọng

Đi hết truyện Kiều bằng hai chân đất!

Nhà thơ Vương Trọng bao giờ cũng ân cần nhỏ nhẹ trong mọi câu chuyện nhưng đôi khi lại thể hiện nét hóm hỉnh và gây bất ngờ cho mọi người. Thơ ông cũng vậy, luôn sâu sắc và tinh tế trong ý tứ và tạo ấn tượng với bạn đọc cùng những đồng cảm gần gũi. Không ít câu chuyện thơ gắn với ông trở thành những giai thoại thú vị trong làng văn học. Ngay chuyện từ khi học lớp 6, Vương Trọng thuộc vanh vách 3254 câu thơ Truyện Kiều đã là điều kỳ lạ. Nếu nói cậu bé Trọng làng Đông Bích (Trung Sơn - Đô Lương - Nghệ An) hồi đó là một thần đồng cũng chẳng ngoa. Bởi lẽ trí nhớ siêu phàm của con người cũng là tài năng thiên bẩm. Gia đình nhà thơ có những chi tiết liên quan với một số nhân vật trong Kiều cũng là điều khá bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến cái tên Vương Trọng (Vương Đình Trọng). Có thể là chuyện vô tình do cha mẹ đặt tên nhưng họ là cái gốc trùng với dòng dõi cô Kiều (Vương Thúy Kiều). Tên ông lại trùng với nhân vật Kim Trọng, người tình của Thúy Kiều. Còn vợ ông là Vân khớp với tên Thúy Vân, em gái cô Kiều. Sau này nhà thơ còn đặt tên con trai là Vương Liêu Dương để ghi nhớ quê của Kim Trọng ở Liêu Dương. Sự gắn bó ấy phải nói nhà thơ yêu “Đoạn trường tân thanh” đến mức nào.

Lại hay chuyện có lần nhà thơ Vương Trọng hóm hỉnh đố mọi người tìm ra câu thơ mà thi hào Nguyễn Du mô tả cảnh đi “máy bay” trong thời Kiều ra sao. Mọi người đần mặt chịu chết thì ngay lập tức ông đọc: “Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Ai nấy đều ngớ ra rồi cười khoái trí. Sau đó ông còn đố họ tìm được câu thơ vẽ ra hình ảnh Kiều có “thai”. Bạn bè đều bó tay còn Vương Trọng thủng thẳng đọc: “Thất kinh nàng chửa biết mình sao đây?”. Mọi người cười bò ra cảm phục sát đất luôn. Ấy là chưa kể nhà thơ còn soạn thảo công trình chọn ra những cặp câu thơ lục bát hay nhất trong Truyện Kiều. Đồng thời Vương Trọng một thời phụ trách những cuộc thi tìm hiểu Kiều qua những “Show” trò chơi như “Đố Kiều” và “Lẩy Kiều” trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông trở thành nhà “Kiều học” nổi tiếng với một số công trình biên khảo độc đáo về Kiều.

Nhà thơ Vương Trọng cho biết bao đời nay người đọc đều nhận biết thi hào Nguyễn Du có trái tim lớn khi chia sẻ với nỗi đau của những số phận bất hạnh phải gánh chịu. Câu chuyện qua bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du (1982) của ông cũng là một giai thoại có thật bởi hồn thơ âm vang. Khi thấy ngôi mộ của danh nhân Nguyễn Du sơ sài và hoang vu lạnh lẽo, nhà thơ đã “Cắn môi tay nắm bàn tay của mình”. Sau đó ông bày tỏ nỗi lòng: “Không cành để gọi tiếng chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời/ Không vầng cỏ ấm tay người/ Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu/ Thanh minh trong những câu Kiều/ Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân”. Chính vì hiệu ứng xã hội của bài thơ, sau đó người ta đã cho xây một ngôi mộ và dựng tượng cho thi hào Nguyễn Du một cách khang trang và bề thế như hiện nay.

Nhờ thơ san sẻ bớt niềm đau

Nhà thơ Vương Trọng là một thi sĩ đa tài. Ông theo học ngành toán học (tốt nghiệp đại học Tổng hợp năm 1966). Trở thành chiến sĩ quân báo và sau đó ông còn đi dạy toán luyện thi tại trường Văn hóa Quân đội mấy năm. Nhưng tình yêu thơ ca bắt nguồn từ Truyện Kiều đã nhập vào tâm hồn ông tạo nên sự thôi thúc sáng tạo. Thơ đã chọn ông như một định mệnh. Nhất là sau khi đoạt giải thơ báo Văn nghệ năm 1969 (ở tuổi 26), Vương Trọng càng tha thiết gắn bó với sự nghiệp văn chương. Tới năm 1972, ông xin đi học lớp bồi dưỡng viết văn (Hội Nhà văn Việt Nam) rồi được điều về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội (1976). Cuối cùng ông dấn thân trong hồn thơ bao la của Nguyễn Du như một sứ mệnh của trái tim. Cũng từ đây người đọc luôn cùng ông chia sẻ qua những cảm xúc sâu sắc về danh nhân Nguyễn Du. Đó là những bài thơ ông đã viết sau thi phẩm Bên mộ Nguyễn Du như Trong nhà bảo tàng Nguyễn DuPhác thảo Tiên Điền, Đạm Tiên; hay như Trăng trong KiềuTóc tiên trên mộ cụ Nguyễn DuMô típ Thúy Vân; Và đặc biệt bức chân dung qua tứ tuyệt Nguyễn Du ông khắc họa: “Tóc bạc cảm thương người phận mỏng/ Lưng gày trĩu nặng nỗi bể dâu/ Ngực yếu, trái tim thì quá nặng/ Nhờ thơ san sẻ bớt niềm đau”.

Tứ thơ này đã thể hiện tâm hồn Vương Trọng và hành trình sáng tác  của ông theo đúng với nguyên tắc đã đề ra. Đó là sự chia sẻ yêu thương cuộc đời và những thân phận cô đơn. Về thi pháp đã sớm hình thành từ những bài thơ đầu tiên của ông: “Nông, sâu là ý, tứ/ Trong, đục ấy ngôn từ” (Nghĩ về thơ). Chính vì lẽ đó những bài thơ của Vương Trọng luôn dồn tụ những hoàn cảnh éo le và mảnh đời khuất lấp. Người đọc luôn xúc động với những hình tượng lắng đọng đầy ắp cảm xúc như: Với đứa con ngoài giá thúHai chị emKhóc giữa chiêm bao; hoặc như Chị dâuSợi tóc hai màuMẹ ngồi sưởi nắngGánh củi... Người đọc luôn nhớ đến các bài viết về chiến tranh của ông đã gây xúc động mạnh mẽ. Có thể kể đến các bài: Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông BồnMưa đêmLỗi hẹn bằng lăng tím; hoặc Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc...

Ngoài những tứ thơ nặng trĩu tâm can nhà thơ Vương Trọng đã thể hiện dấu ấn trong sáng về ngôn ngữ thi ca cùng những liên tưởng phong phú. Bạn đọc luôn tìm được những câu thơ hay và ấn tượng trong thơ ông. Những câu thơ tạo hình trở thành tứ thơ độc lập rất gợi mở. Tôi thật yêu nhưng câu thơ của ông như: “Thôi nhắc chi những năm dài trống trải/ Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu/ Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải/ Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!” (Với đứa con ngoài giá thú). Hay khi nhà thơ viết trong bài Sợi tóc hai mầu có nhiều câu thơ độc đáo, và tôi đã thuộc: “Một nửa ánh ngày, một nửa đêm thâu/ Một phía dầm mưa, một đầu hửng nắng/ Không, sợi tóc nửa chiều, nửa sáng/ Trưa - cuộc - đời ta vừa mới đi qua”. Khó có ai viết được sự vận động thời gian vừa ảo vừa đẫm sắc màu trần ai như thế. Ngôn ngữ thơ Vương Trọng rất sinh động qua những hình ảnh được khắc họa đậm nét và lắng đọng qua mỗi tứ thơ tối giản. Đó là những bức tranh toát lên thần thái khi nhà thơ vẽ chân dung những văn nghệ sĩ. Với nét phác họa Tào Mạt thật sắc sảo: “Tóc rễ tre cắt ngắn, chẳng đường ngôi/ Mỗi sợi - một lời nói thẳng/ Như ớt chỉ thiên chĩa ngược lên trời”. Mảng thơ tứ tuyệt về chân dung và hoa trái của Vương Trọng trở thành “đặc sản” trong thơ ông. 

Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Ngoài sự sẻ chia với những nỗi buồn vui thế sự nhân gian, Vương Trọng còn ghi dấu ấn sâu sắc qua những bài thơ viết về chiến sĩ và Bác Hồ. Với những đề tài ngỡ như rất khô khan nhưng ông vẫn tìm ra những tứ thơ giải mã được hình tượng người lính đẹp một cách dung dị và không kém phần lãng mạn: “Đảo chìm không đất cho cây mọc/ Lấy đâu hoa nở đón xuân về/ Lính đảo lặn mò từng vỏ ốc/ Nhuộm màu kết lại đóa hoa quê” (Hoa đảo chìm). Bạn đọc ắt hẳn không thể quên những câu thơ day dứt tâm can: “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang” (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc).

Bài thơ được phổ biến sâu rộng và gây chấn động trong lòng bạn đọc. Hàng triệu người đã hướng về Đồng Lộc. Những hàng cây bồ kết đã mọc lên. Bài thơ của Vương Trọng được khắc trên bia đá bên những bức tượng của các nữ chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây. Những lời ca từ linh hồn các cô gái luôn vang lên trong không gian: “Thương chúng tôi, các bạn ơi đừng khóc/ Về bón chăm cho lúa được mùa hơn”. Đó là sự hóa thân kỳ diệu mà Vương Trọng đã ấp ủ bao năm qua với sự tích lũy từ nghệ thuật truyện Kiều. Hiện ông đã xuất bản 30 đầu sách, trong đó có 16 tập thơ và trường ca. Nhà thơ Vương Trọng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với các tác phẩm: Về thôi nàng Vọng PhuĐảo chìmNgoảnh lại và Mèo đi câu (2007). Đây là những tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp thi ca của Vương Trọng.  

Vương Tâm

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm