May 2, 2024, 11:20 pm

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

Ngày Thơ Việt Nam 2024 tại TPHCM được tổ chức với nhiều hoạt động thu hút không chỉ các nhà thơ, nhà văn mà còn cả công chúng yêu thích thơ ca đến tham dự. Năm nay những hoạt động diễn ra trọn trong hai ngày 23 và 24.2.2024 (tức là 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) và là lần đầu tiên hoạt động thường niên này của Hội Nhà văn TPHCM được đưa vào Chương trình Lễ hội của thành pố, trong danh sách Các ngày Lễ lớn TPHCM.

 

Nhà văn Bích Ngân phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại TP HCM

 

Tinh thần của “Thành phố này tôi đến tôi yêu”

 

Những hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam 2024 được diễn ra trong khuôn viên của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tại địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Năm nay một câu thơ của nhà thơ quá cố Hải Như được chọn là chủ đề cho Ngày Thơ Việt Nam 2024 tại TPHCM. Đó là câu thơ “Thành phố này tôi đến tôi yêu”,  trích trong bài thơ “Tôi đến tôi yêu”:

“…Thành phố này tôi đến tôi yêu

Bởi dễ hiểu được gặp mình trong đó

Thành phố bông bụt nhiều và cả bông sứ nữa

Thành phố của những tấm lòng sau trước đỏ như son…”

Năm nay Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM tập trung vào việc tôn vinh những bài thơ được phổ nhạc. Cụ thể là ở không gian Đường Thơ có thiết kế trưng bày 12 bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như các bài thơ “Điệu lý qua cầu” của Bế Kiến Quốc được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát “Ngẫu hứng Lý qua cầu” hay bài thơ “Đi trong hương tràm” của Hoài Vũ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc…

Trong ngày 23.2, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức hội thảo “Thơ – nhạc: tương sinh hay tương khắc”. Tham dự hội thảo có nhiều gương mặt nhạc sĩ và nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Hội thảo là cơ hội gặp gỡ giữa các nhà thơ và nhạc sĩ, lắng nghe những ý kiến của họ, nhằm khám phá mối quan hệ giữa hai loại hình nghệ thuật này để tạo ra những tác phẩm để đời. Đây là một trong sự kiện quan trọng trong chương trình chính của Ngày thơ Việt Nam 2024 tại TPHCM. Đáng chú ý là phát biểu của nhạc sĩ lão thành Phạm Minh Tuấn, tác giả của hơn 30 ca khúc phổ thơ nổi tiếng như: “Đất nước”, “Dấu chân phía trước”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”. Ông điểm qua về lịch sử phổ thơ thành nhạc trên thế giới, vốn có từ thế kỷ 17. Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, sự sáng tạo của nhà thơ phải là đầu tiên, rồi mới đến cảm xúc của nhạc sĩ để có những bài hát hay để lại cho đời. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng tâm sự rằng trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông rất hạnh phúc vì tìm được các bài thơ ưng ý, có nhiều tứ hay để phổ nhạc, coi đó là niềm cảm hứng sáng tạo. Đi sâu vào những vấn đề “bếp núc” của chuyện phổ thơ thành nhạc, nhà van Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nêu ra những băn khoăn: “Bài thơ có trước thì ghi tên nhà thơ trước hay tên nhạc sĩ? Hoặc, giới hạn sử dụng bao nhiêu câu chữ từ một bài thơ thì ghi chú "phỏng thơ", "trích thơ" hay "ý thơ" trong một ca khúc phổ thơ? Hoặc nhạc sĩ có được phép sửa văn bản gốc mà không cần tham khảo ý kiến nhà thơ không? Những vấn đề nêu trên thoạt nghe có vẻ chi li, nhưng chúng ta cũng nên tìm thấy tiếng nói chung để tránh hệ lụy "bằng mặt không bằng lòng" giữa nhà thơ và nhạc sĩ, trong thiện chí hợp tác hướng đến tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phụng sự cộng đồng". Nhiều ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, nhạc sĩ lão thành Trương Tuyết Mai, nhà văn Trầm Hương, PGS.TS. Bùi Thanh Truyền, nhà thơ Bùi Phan Thảo, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn… đều tập trung vào mối quan hệ giữa thơ và nhạc và đưa ra nhiều quan điểm gợi mở, các thông tin giá trị, phong phú.

Ngày Thơ vẫn tiếp nối truyền thống hàng năm là tôn vinh các tác giả trẻ. Một không gian mang tên “Hòa âm thành phố Trẻ” trưng bày hình ảnh, tổ chức giao lưu với một loạt tác giả trẻ như Minh Anh, Cao Việt Quỳnh, Huỳnh Trọng Khang, Huỳnh Hữu Phước… Trẻ nhất trong số đó là hai tác giả thuộc thế hệ Gen Z: Minh Anh sinhh năm 208 vừa mới đoạt giải A của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ song ngữ Việt – Anh “Một ngày từ bên trong” năm 2023 và Cao Việt Quỳnh sinh năm 2007.

Trong buổi chiều ngày 23.2, tiếp tục diễn ra hội thảo “Thơ cho tuổi thơ” là sân chơi dành cho thơ thiếu nhi với sự giao lưu giữa các tác giả viết cho tuổi thơ như Trần Quốc Toàn, Phương Huyền, Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương… và các em học sinh đến từ các trường THCS Võ Trường Toản quận 1, Tiểu học Khai Minh quận 1 và Tiểu học Nguyễn Thái Sơn quận 3. Ngoài việc nghe các nhà thơ tâm sự về chuyện làm thơ cho tuổi nhỏ, các em học sinh còn được vui chơi sôi nổi với các hoạt động như đố thơ, tập làm thơ…

Phong trào thơ ca quần chúng cũng được chú trọng với phương châm “chất lượng hơn là số lượng”, do vậy, năm nay các Câu lạc bộ thơ ca trong TPHCM tham dự với 12 câu lạc bộ, ít hơn mọi năm, với sự tuyển chọn, sàng lọc kỹ lưỡng từ Ban Tổ chức. Các Câu lạc bộ thơ ca địa phương ngoài những hoạt động giao lưu, tuyên truyền, biểu diễn xuyên suốt trong hai ngày 23 và 24.2, mà cao điểm là phần trình diễn được tổ chức vào buổi tối ngày 23.2, thì còn được chấm điểm toàn diện các hoạt động để xét trao giải. Giải đặc biệt đã thuộc về Câu lạc bộ Bạn hữu đường xa. Hai giải nhất thuộc về CLB Thơ ca Thành phố Thủ Đức và Hội thơ Sao Khuê. Các giải thưởng ngoài giấy khen còn có hiện kim.

Nhà thơ- Nhà Lý luận phê bình Lê Thiếu Nhơn phát biểu tại Ngày thơ 

 

Nhiều hoạt động hướng đến 50 năm Giải phóng Miền Nam

 

Buổi sáng ngày 24.2 là Lễ Khai mạc chính thức Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM. Đây là tâm điểm của chuỗi hoạt động diễn ra trong suốt hai ngày. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, thay mặt lãnh đạo TPHCM tới tham dự, đánh trống khai mạc Ngày Thơ và có lời phát biểu chúc mừng. Tham dự chương trình khai mạc còn có đại biểu lãnh đạo một số sở, ban ngành của TPHCM như KTS Nguyễn Trường Lưu, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM…và hơn 500 hội viên Hội Nhà văn TPHCM cùng với công chúng yêu thơ.

Phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhấn mạnh: “Hoạt động sáng tác văn học, trong đó thơ là một thế mạnh, của các nhà thơ hội viên cũng như phong trào thơ ca quần chúng ở TPHCM đang phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu. Thơ góp phần bồi đắp tâm hồn con người, bảo tồn sắc thái văn hóa đa dạng, thống nhất ở thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” mang thông điệp nhân văn sâu sắc, hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn, trọng tâm là kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất vào năm 2025…”

 

Các em học sinh tham gia vào trò chơi đố Thơ tại sân thơ Trẻ

 

Trong chương trình còn có sự trình diễn các bài thơ, các bài hát nổi tiếng, cùng với những hoạt động giao lưu ý nghĩa. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trình diễn ca khúc “Bài ca Đất phương Nam” (thơ Lê Giang, nhạc Lư Nhất Vũ) thu hút nhiều tràng vỗ tay nhiệt liệt. Nhiều ca khúc phổ thơ khác được trình bày như “Người mẹ Bàn Cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc Trần Long Ẩn, biên đạo múa Đoàn Lý), “Đi trong hương tram” (thơ Hoài Vũ, nhạc Thuận Yến), “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn), “Những ngày Sài Gòn” (thơ Lâm Xuân Thi, nhạc Nguyễn Ngọc Thiện). Phần giao lưu xúc động với nhà thơ lão thành Hoài Vũ, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, được công chúng chú ý theo dõi, nhất là khi nghe nhà thơ phát biểu về cảm xúc của bản thân khi mỗi lần nghe những ca khúc phổ thơ của ông vang lên. Xen kẽ chương trình là những tiết mục trình diễn đơn tấu, tam tấu thơ qua phần thể hiện của các nhà thơ Phạm Trung Tín với bài thơ “Dư đồ Tổ Quốc” của Bảo Định Giang, nhà thơ Trần Mai Hương với bài thơ “Tôi đến tôi yêu” của Hải Như và đặc biệt là tam tấu thơ ca kết hợp với phần trình diễn âm nhạc dân tộc của ba nhà thơ nữ Đào Phong Lan, Minh Đan và Ngô Thị Hạnh.

Sự đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều loại hình thơ, nhạc, múa, tạo hình… đã tạo cho Ngày Thơ Việt Nam 2024 tại TPHCM một bầu không khí vừa trang trọng, hiện đại, nhưng cũng rất truyền thống, gắn bó, sâu nặng nghĩa tình. Một trong những sự tôn vinh ý nghĩa là quảng bá thông tin về các nhà thơ TPHCM được truy tặng Giải Cống hiến và thông tin về các tác giả được giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2023.

Hoạt động bên lề thu hút sự quan tâm không kém của công chúng là họa sĩ Lê Sa Long vẽ ký họa chân dung cho những người đến tham dự Ngày Thơ Việt Nam. Họa sĩ Lê Sa Long được đông đảo công chúng cả nước biết đến qua nhiều thành tựu và giải thưởng hội họa và năm nay là năm thứ hai anh thực hiện công việc này tại Ngày Thơ.

Chương trình khai mạc với sự kết hợp nhuần nhuyễn, mềm mại giữa thơ – nhạc và nghệ thuật tạo hình, công nghệ thông tin…, tạo nên không gian vừa trang trọng, hiện đại, vừa sâu lắng, nồng ấm tình thân, tình nghệ sĩ. Các nhà thơ và công chúng yêu thơ được gặp gỡ, giao lưu với nhiều gương mặt thơ nổi tiếng, có đóng góp xuất sắc cho nền thi ca cách mạng.

Từ năm nay, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở thành một trong những hoạt động văn hóa kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thành phố và đất nước. Dịp này, Hội Nhà văn Thành phố triển khai công trình 50 năm văn học nghệ thuật, tập hợp những bài thơ hay được phổ nhạc, trở thành những tác phẩm nổi tiếng, sống  mãi với thời gian. Công trình sẽ hoàn thành cuối năm nay, thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Ngày Thơ, cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 cũng được chính thức phát động, đón nhận những bài thơ dự thi nói về sự phát triển, đổi thay, nói về tình đời, tình người của mảnh đất này.

 

Hà Thanh Vân


Có thể bạn quan tâm