May 1, 2024, 9:00 pm

Nhạc sỹ Xuân Cửu và tiếng hát Sao Mai

Nhạc sỹ Xuân Cửu quê ở Nghi Lộc Nghệ An. Cũng như bao thanh niên cùng thời, Xuân Cửu tham gia Quân đội. Tháng 4/1962, sau khi tốt nghiệp trường sỹ quan Pháo binh Sơn Tây, ông là một trong những cán bộ đầu được điều về thành lập Đoàn Tam Giang trên Đất Tổ Hùng Vương, bảo vệ thành phố Công nghiệp Việt Trì, trực tiếp chỉ hủy chỉ huy đơn vị pháo cao xạ đối mặt với giặc Mỹ những ngày đánh phá ác liệt ở miền Bắc năm 1966.

Ông cũng là cán bộ quân đội được đào tạo bài bản qua các trường sỹ quan cao cấp, như sỹ quan pháo binh, sỹ quan đặc công và âm nhạc quân đội. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Xuân Cửu là nhạc sỹ sáng tác và đạo diễn tài năng do năng khiếu bẩm sinh và được hun đắp từ những ngày là lính. Ông theo học trường Nghệ thuật quân đội từ năm 1972, từng thực tập tại Bungary.

Từ Quân đội chuyển về Cục đo đạc bản đồ nhà nước – trực thuộc Phủ Thủ tướng, đến tháng 6 năm 1976 do được đào tạo âm nhạc cơ bản, nên từ văn phòng chính phủ, ông về xây dựng Đài truyền hình Việt Nam với chức danh Nhạc sỹ sáng tác – Biên tập và đạo diễn Âm nhạc của ban Văn Nghệ, giữ chức Phó bí thư Đảng ủy Các cơ quan Trung Ương…. Thời đó truyền hình chủ yếu là trực tiếp trong phòng thu, ông đã xây dựng những chương âm nhạc theo cách mới. Chính nơi đây Xuân Cửu có đất vùng vẫy trong sự nghiệp đạo diễn và có cảm hứng sáng tác những ca khúc, bản nhạc hay.

Nhạc sỹ Xuân Cửu

Với những đóng góp của minh, Xuân Cửu đã trở thành hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam từ năm 1978, được Hội nhạc sỹ Thủ Đô bầu là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ từ 1995. Khi đến tuổi nghỉ hưu Ông lập hãng phim riêng của mình, tiếp tục lao vào lĩnh vực khó khăn đòi hỏi đầu tư nghiêm túc với những sản phẩm chất lượng phục vụ công chúng.

Sức làm việc của Xuân Cửu rất lớn, tài sản qua nửa thế kỷ lao động miệt mài vô cùng đồ sộ. Là cán bộ quân sự, chỉ huy chiến đấu, nhưng lại ham thích nghệ thuật nên ông có nhiều tác phẩm phục vụ phong trào và địa phương. Tác phẩm đầu tay Tam Giang Hành Khúc được ra đời sau 2 ngày đơn vị dành chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ đến nay đã trên 50 năm. Hàng trăm tác phẩm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được các ca sỹ hàng đầu thể hiện và phát sóng trên Đài Truyền hình và đài tiếng nói Việt Nam… Trái tim âm nhạc của ông luôn gắn với những đề tài cách mạng và tình yêu quê hương đất nước, nhiều ca khúc có sức vang xa, phổ cập sâu rộng, nhiều tác phẩm được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng: Đêm Côn SơnLời ru tháng 5 giải nhì Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Đà Lạt Bốn Mùa, Chuyện tình Thác Trắng, Bức tranh Biên thùy giải nhì Hội Nhạc sỹ Việt Nam... Đặc biệt ca khúc Nha Trang Biển Nhớ do Xuân Cửu sáng tác đã chinh phục trái tim người yêu nhạc trở thành bài hát đi cùng năm tháng, với giai điệu ngọt ngào lay động:

Anh đã thấy từ mái tóc em mang hình dáng của biển song

Và anh đã thấy từ ánh mắt em xanh màu xanh của biển xanh

Nha Trang ơi! Tình yêu trong ta ngập tràn"

*

Sang thế kỷ 21 Nhạc sỹ Xuân Cửu ít viết ca khúc. Ông chuyên tâm vào sáng tác Hợp xướng, Giao hưởng Ballette – Thính phòng. Một đề tài mà nhạc sỹ say mê viết là Huyền thoại, những lễ hội lớn của đất nước. Với những kịch bản hoành tráng, phong cách dân gian phù hợp với Hợp xướng và dàn nhạc Giao hưởng lớn. Đây là mảng âm nhạc bác học đang bị thời gian và kinh tế thị trường lấn át đã dược Xuân Cửu và một số ít nhạc sỹ có trình độ khởi động lại. Những tác phẩm thể loại này được ra đời hết sức nghiêm túc, chất lượng đi vào cuộc sống như các bản Giao hưởng: Thần Hạc; Chuyện tình Đam San; Mùa gió; Hùng Vương dựng nước

Xuân Cửu cũng còn có nhiều Hợp xướng với dàn nhạc Giao hưởng: Vang vọng ngàn năm (2 chương); Dung Quất thời kỳ mới; Hoa ban điệu xòe – Điện Biên ngày mới (2 chương); Thái Nguyên – Thủ đô gió ngàn (2 chương)… Một số tác phẩm do nhạc sỹ tổ chức dàn dựng và biểu diễn với hàng trăm nghệ sỹ để lại dư âm lớn trong người thưởng thức loại hình vốn xa lạ với phần lớn người Việt như: Phúc Yên – Khúc tráng ca; Đất Tổ - nơi cội nguồn; Vĩnh Phúc ngày mới… Ông đã hoàn thành 100 bản Giao hưởng, một gia tài âm nhạc lớn để lại cho nhiều thế hệ người Việt, là một trong số ít nhạc sỹ Việt Nam hiện đại tận giờ còn tiếp tục viết giao hưởng. Điều nổi bật trong các sáng tác của ông là dấu ấn của âm hưởng dân gian hiện đại. Có thể nói ông là người mở đầu và luôn trung thành với phong cách đó. Tình yêu quê hương đất nước với những gian nan đau khổ của dân tộc tạo nên sự nghiệp âm nhạc và những tác phẩm của ông đã phản ánh phục vụ lại cuộc sống.

*

Là những đạo diễn đầu tiên trên truyền hình, Xuân Cửu cũng dành tất cả tâm huyết của mình cho truyền hình Việt Nam. Nghề đạo diễn các chương trình truyền hình chuyên môn khá đa dạng: talkshow, gameshow, phim phóng sự, tài liệu, tường thuật trực tiếp, biểu diễn nghệ thuật,... Ông là đạo diễn phim ca nhạc đầu tiên của Việt Nam. Hồi ấy kỹ thuật lên sóng của các chương trình ca nhạc đơn điệu, sơ khai. Ông đề xuất ý tưởng và thực hiện đạo diễn ở những bài hát đầu tiên trên sóng truyền hình. Cũng trong thời gian này, Chương trình Liên hoan phim Truyền hình hàng năm được tổ chức và trở thành sân chơi cao cấp đối với các nhà làm phim. Trong sân chơi này Xuân Cửu cũng phát huy khả năng đạo diễn tài hoa kết hợp với sáng tạo trong âm nhạc và thế mạnh của kỹ xảo truyền hình để tạo ra loạt phim, mở ra phương pháp truyền tải cảm thụ mới trong sân chơi âm nhạc. Chính con đường Liên hoan truyền hình mang lại cho Xuân Cửu 7 Huy chương Vàng về phim truyện Ca nhạc...

*

Tháng 4/1997 Ban văn nghệ đài truyền hình Việt Nam giao Xuân Cửu viết đề án Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc. Ông là người xây dựng bảo vệ, tổ chức thực hiện và trực tiếp là Tổng đạo diễn. Nhận thấy các giọng hát mới, tài năng âm nhạc không có điều kiện đến với công chúng, nếu cứ xếp hàng sẽ tàn trước khi đến lượt. Để khắc phục đồng thời tạo ra sân chơi mới của truyền hình, ông đã đưa ra phương án liên hoan hiện đại. Mục đích vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của đài, tạo sân chơi mới và đào tạo các nghệ sỹ biểu diễn ca nhạc đảm bảo yêu cầu nghệ thuật và xã hội hóa. Liên hoan được tổ chức 2 năm một lần với vòng thi sơ khảo khu vực và trung khảo do đài truyền hình tổ chức. Nội dung chủ yếu dòng nhạc dân gian, nhạc nhẹ và thính phòng cổ điển.

Liên hoan đầu mở màn 31/10/1997 tại Trung tâm triển lãm Giang Võ Hà Nội do Xuân Cửu Tổng đạo diễn, Lại Văn Sâm MC, mở ra một sân chơi có sức hút mạnh liệt… Sau 2 lần mang tên Liên hoan tiếng hát truyền hình, năm 2011 đổi tên là Tiếng hát Sao Mai. Đến nay đã qua 8 lần tổ chức, Xuân Cửu là Tổng đạo diễn liên tục từ liên hoan đầu đến liên hoan thứ 5. Năm 2005 Xuân Cửu về hưu giao cho người khác tiếp tục thực hiện chương trình đến nay.

Tiếng hát Sao Mai của Đài truyền hình Việt Nam là chương trình được cả nước tham gia và duy trì tận đến giờ. Đây là cuộc thi ca nhạc được phát trực tiếp trên sóng có quy mô lớn và danh giá của Đài Truyền hình Việt Nam. Giải Sao Mai được tổ chức thường niên vào các năm lẻ, vòng chung kết toàn quốc là sự hợp nhất thí sinh xuất sắc khu vực về các dòng nhạc. Rất nhiều ca sỹ trẻ thành danh từ chương trình này như Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Ka Sim... Sao Mai không chỉ trong nước, còn là cửa mở hội nhập. Những năm gần đây, thấy sức sống mạnh mẽ nên có thêm chương trình Sao Mai Điểm Hẹn vào giữa hai kỳ liên hoan Sao Mai…

Tiếng Hát Sao Mai là một chương trình thuần việt, có sức sống mãnh liệt. Ngày ấy chưa có bản quyền cho người viết kịch bản và đạo diễn chương trình, nhưng cách triển khai công việc ngày ấy, ngoài phần chuyên môn như viết kịch bản và đạo diễn, bao giờ cũng thêm lãnh đạo, hành chính lo hậu cần… do những người có nghề thực hiện… Tuy nhiên với Sao Mai, tất cả những việc đó đều do Xuân Cửu trực tiếp thực hiện, nên có thể nói chương trình này chính là “con đẻ” của nhạc sỹ Xuân Cửu… Nền kinh tế thị trường làm cho âm nhạc đơn giản nhưng sẽ phát triển theo hướng hiện đại mang phong cách Việt. Qua thời gian, chương trình Sao Mai nói riêng và các tác phẩm âm nhạc của Xuân Cửu sẽ sống cùng năm tháng. Ông là một trong số ít những nhạc sỹ ghi tên mình trong mảng âm nhạc bác học tại Việt Nam.

Xuân Trứ - Thanh Vân

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm