April 27, 2024, 6:50 pm

NHÀ VĂN BERNARD WERBER: Văn chương sẽ luôn ở đó, bên con người

Bernard Werber - tác giả của bộ ba tiểu thuyết KiếnNgày của kiến, Cách mạng kiến - có chuyến giao lưu với độc giả Việt Nam ở cả ba miền (từ 16 đến 22/3). Trong cuộc trò chuyện với bạn đọc tại Hà Nội, nhà văn cho biết ông viết về loài kiến thực ra là để suy ngẫm về thân phận con người, một góc nhìn khác đối với những vấn đề mà con người đang phải đối mặt.

Theo Bernard Werber, tiểu thuyết không chỉ kể một câu chuyện mà làm người đọc suy nghĩ, thậm chí tìm cách thay đổi thế giới. Với ông, ý nghĩa của công việc viết văn là để mở ra các cánh cửa khác cho bạn đọc, những trải nghiệm rất khác mà nếu con người không đủ khiêm nhường để hiểu vị trí thực sự của mình trong thế giới này bên cạnh muôn loài thì không thể nào bước tới được.

Cho rằng một nhà văn giỏi là một nhà văn có nhiều trải nghiệm để chia sẻ với độc giả, Bernard Werber có lời khuyên các nhà văn phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều và gặp gỡ độc giả của mình. Sau đó là kỷ luật viết hằng ngày. Như ông, mỗi ngày đều ngồi viết 4-5 tiếng, khoảng từ 8h đến 12h30.

Nhà văn Bernard Werber giao lưu với độc giả tại Hà Nội. Ảnh: P.B

Ông đúc kết kinh nghiệm cá nhân, để thành công thì một nhà văn cần tài năng, lao động, lòng kiên trì và không thể thiếu may mắn. Về lòng nhẫn nại, ông cho biết ông từng gửi bản thảo Kiến trong 6 năm đều bị các nhà xuất bản từ chối. Nhưng khi ra mắt bạn đọc thì nó lại rất thành công. Lời khuyên của ông cho những người viết văn trẻ là hãy nghe trái tim, tiếng nói bên trong mình và kiên trì với nó, với điều kiện công việc viết văn phải mang lại cho mình niềm vui. Còn nếu công việc ấy khiến ta khổ sở thì hãy từ bỏ vì đó chắc chắn không phải là thứ mà ta có thể làm giỏi nhất.

Trước mối “đe dọa” của Chat GPT với nghề văn, Bernard Werber nói trí tuệ nhân tạo (AI) không bao giờ có thể thay thế được những nhà văn giàu sức sáng tạo. Còn những người chỉ sao chép thì rất nên e ngại AI.

Ông trò chuyện với Văn nghệ:

- Ông nói xã hội loài người như “xã hội” loài kiến, 1/3 không lao động và 1/3 có lao động nhưng vụng về, gây trở ngại, chỉ 1/3 lao động thực sự hiệu quả để sửa chữa những sai lầm của 1/3 lao động vụng về, để vận hành toàn bộ xã hội. Ông nghĩ gì về một xã hội như vậy và nhà văn có sứ mệnh gì trong một xã hội như vậy?

- Đây chỉ là một nhận định cá nhân. Xã hội của chúng ta vẫn đang hoạt động rất tốt theo “công thức” đó. Tôi nghĩ không thể thay đổi hiện thực đó và không nhất thiết phải thay đổi. Từ xưa tới nay xã hội loài người đã luôn như vậy. Có những người thuộc nhóm không làm việc và nhóm làm việc chưa tốt, trong một số trường hợp họ có thể thay đổi, và trong một số tình huống họ có thể có vai trò nhất định. Chỉ 1/3 người làm việc tuy là một con số nhỏ, nhưng xã hội Việt Nam hay Pháp đều vận hành theo cách này. Ngày xưa và bây giờ vẫn vậy. “Công thức” ấy tưởng vô lý và bất bình đẳng nhưng thực ra việc phân ra ba nhóm như vậy lại tạo một thế cân bằng lý tưởng cho xã hội.

- Ông nói rất quan tâm tới triết lý của phương Đông và có thể thấy rõ trong tác phẩm của ông. Tư tưởng phương Đông đã đến với ông như thế nào?

- Tôi đã gặp tư tưởng phương Đông khi đọc sách, khi thiền. Tôi rất quan tâm đến đạo Phật, đạo Lão và thiền. Tôi đi du lịch rất nhiều ở Hàn Quốc và ở đây tôi gặp nhiều nhà hiền triết theo đạo Phật. Tôi đọc nhiều sách và xem nhiều phim về miền Viễn Đông.

Khi tôi học trung học, thầy giáo triết học của tôi đã hỏi tại sao trong bài tập tôi nói về triết học phương Đông. Tôi trả lời rằng triết học phương Tây có mọi thứ, nhưng triết học phương Đông có những cái mà tôi không tìm được ở triết học phương Tây. Đó là những thực hành về cơ thể: tư thế, cách thở, sự tập trung, những giá trị tinh thần, những gợi mở về tâm thức. Lúc ấy tôi 16 tuổi. Triết học phương Tây nặng kiến thức, với não bộ nhiều hơn. Triết học phương Đông thì hướng con người đến tâm linh. Hai nền tư tưởng triết học này bổ sung cho nhau.

- Ông có thể chia sẻ về thể loại văn chương “triết lý viễn tưởng” của riêng ông?

- Tôi tin cái nhìn của khoa học viễn tưởng rất rộng. Thế kỷ 18-19 con người nghĩ rằng máy móc có thể cứu vớt được loài người. Người ta tưởng tượng ra những máy móc giúp con người có thể đi được dưới nước, đi trong lòng đất… Và rồi con người đã có tất cả những máy móc đó. Nhưng Thế chiến I vẫn xảy ra vào năm 1914 và sau đó là Thế chiến II. Máy móc không cứu vớt được con người, ngược lại nó còn gây thảm họa. Lỗi không phải ở máy móc, công nghệ, mà ở cách con người sử dụng máy móc, công nghệ ấy.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ sử dụng tất cả máy móc thế nào để có thể có một thế giới tốt hơn. Vấn đề này được giải đáp bằng triết lý viễn tưởng chứ không phải khoa học viễn tưởng. Khi tôi viết sách, tôi muốn chúng ta cần biết với nhau rằng chúng ta mạnh mẽ hơn những gì chúng ta nghĩ. Sức mạnh nội tại giúp ta quyết định làm điều tốt hay điều xấu, hoàn toàn do chúng ta quyết định, không phải chúa trời, các vị thần hay các chính trị gia.

- Vậy triết học có vai trò gì trong văn chương và nhà văn có phải là một nhà tư tưởng không, theo ông?

- Đối với tôi triết học và văn chương đều là một. Sau mỗi cuốn sách văn chương đều có một hình thức tư duy nào đấy, ít nhiều đều mang tính triết học. Thể loại văn học “triết học viễn tưởng” chính là một dạng triết học hư cấu, nó đặt ra những câu hỏi mới.

Nhưng tôi không nhận tôi là một nhà tư tưởng theo nghĩa chính trị của từ này. Nhà văn là người đặt ra những vấn đề mới nhưng cũng không nhất thiết phải đưa ra được những xác tín cho những vấn đề, không nhất thiết phải trả lời được các câu hỏi. Nhà văn thì không nên liên can tới chính trị. Đó là quan điểm của tôi.

- Ông đã đọc tác giả Việt Nam chưa?

- Tôi đã đọc nhiều về Việt Nam nhưng chủ yếu là của tác giả người Pháp hoặc Mỹ. Tôi đã khám phá về Việt Nam qua phim Trời và đất của Oliver Stone. Nhưng tôi chưa đọc tác giả Việt Nam nào. Không có nhiều tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp.

- Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, người ta có xu hướng ít đọc đi, đặc biệt là các văn bản dài, như văn chương, ông có nghĩ văn chương vẫn sẽ còn ở đó, bên con người?

- Văn chương vẫn luôn ở đó, bên con người, bầu bạn với con người, mở ra những ý tưởng, những thế giới khác, hay mang đến một giải pháp cho vấn đề nào đó của độc giả.

Đúng là ngày càng ít người chịu đọc nhiều, đọc dài, nhưng ở Pháp nhiều thư viện vẫn đang được xây dựng. Nhà xuất bản của tôi vẫn ngày càng bán được nhiều sách. Công nghệ số vẫn chưa quá chiếm lĩnh. Trong số những cuốn sách của tôi đã được bán thì tỉ lệ sách điện tử chỉ chiếm khoảng 1%. Văn chương và sách giấy vẫn sẽ ở đó với chúng ta.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phương Bối thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 12/2024

Bernard Werber bắt đầu viết truyện ngắn và kịch từ năm 16 tuổi; truyện ngắn đầu tiên ông đã viết từ năm 8 tuổi, về một con bọ chét. Trước khi là nhà văn, ông là một nhà báo khoa học, hay viết các phóng sự về các loài vật. Năm 30 tuổi ông gặt hái thành công vang dội với tiểu thuyết đầu tay Kiến.

Ông đưa ra một thể loại văn chương mới mà ông gọi là triết lý viễn tưởng, pha trộn giữa khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh.

Sách của ông đã được dịch ra 37 thứ tiếng, đặc biệt được yêu thích tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, sách của ông đã được Nhã Nam phát hành bộ ba Kiến - Ngày của kiến - Cách mạng kiến, và Chiếc hộp Pandora.


Có thể bạn quan tâm