April 29, 2024, 3:52 am

Nhà thơ cần có bản lĩnh, sự kiên định, một thái độ rõ ràng với con đường mình lựa chọn

Mỗi nhà thơ gửi thông điệp tình yêu vào tác phẩm theo cách của mình, đó là quan niệm của nhà thơ Trần Anh Thái. Và khi tình yêu ấy xuyên suốt dòng ký ức làm nên những tác phẩm được độc giả đón nhận, thì đó chính là bản lĩnh làm nên bản sắc của nhà thơ Trần Anh Thái. Bên lề cuộc tọa đàm của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 “Từ bản lĩnh đến bản sắc”, Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Thái - Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam - để góp phần nhận diện bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ Việt Nam hiện nay. Bản sắc nhà thơ góp phần tạo nên bản sắc một nền thơ.

Nhà thơ Trần Anh Thái

Thưa nhà thơ Trần Anh Thái, có một thực tế không chỉ giới trẻ mà nhiều bạn đọc hiện nay không quan tâm đến thơ, thay vào đó, họ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và những hoạt động văn hóa nghệ thuật khác. Vậy lý do vì sao Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) lại chọn nội dung tọa đàm về thơ “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ?”. Và tôi nhớ không nhầm, năm 2023, Hội Nhà văn cũng đã tổ chức tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, là người trong cuộc, ông đánh giá thế nào về kết quả của cuộc tọa đàm nói trên và tương tự, ông kỳ vọng gì về tọa đàm của năm nay?

Câu hỏi của bạn đã phần nào trả lời cho lý do HNV chọn chủ đề của tọa đàm thơ năm nay: “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Bởi vì, nếu thực tế giới trẻ và nhiều bạn đọc hiện nay không còn quan tâm đến thơ như nhiều người nhận định, với người cầm bút, cuộc tọa đàm lần này càng có ý nghĩa, càng cần có bản lĩnh, sự kiên định, một thái độ rõ ràng với con đường mình lựa chọn. Bản lĩnh suy cho cùng là một khái niệm về lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, can đảm dám đương đầu với mọi thách thức trên con đường đi của mình. Nó còn cần một khả năng chịu đựng, đứng vững trước mọi áp lực do cuộc sống đặt ra; đương nhiên gồm cả khả năng dám đối đầu với thất bại, một thái độ sống dứt khoát, không khuất phục. Đối với nhà thơ, nhà văn, những tố chất nói trên định hướng con đường sáng tạo của họ. Nó cần có, nếu không nói rằng, nó là yếu tố quyết định cho sự thành bại của nhà thơ, nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.

Mặt khác nhà thơ, nhà văn không chỉ cần bản lĩnh vượt qua mọi thách thức trên con đường sáng tạo nhọc nhằn, chông gai; những áp lực, áp đặt có chủ ý và không chủ ý đến từ nhiều phía, mà còn cần sự tự tin, tính quyết đoán, không sợ hãi để theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Nó cũng thể hiện tính cách và phẩm chất của người cầm bút. Bản lĩnh của nhà thơ không phải sinh ra đã có. Nó là quá trình tự nhận thức, tự rèn luyện trong cõi sống và cõi viết của nhà văn, nhà thơ. Thiếu bản lĩnh nhà thơ luôn sống trong âu lo sợ hãi, không tự tin, nhanh chán nản, dễ bỏ cuộc. Không tâm huyết, không dám sống hết mình, thiếu khao khát sáng tạo, đồng nghĩa với việc khó viết ra những tác phẩm có giá trị. Không ai hoàn hảo, nhưng chịu khó rèn luyện, có ý chí, nhà văn, nhà thơ sẽ mạnh mẽ vươn lên, theo đuổi ước mơ của mình. Vì lẽ đó, tôi hy vọng cuộc tọa đàm thơ năm nay sẽ mang lại nhiều cảm hứng, nhiều điều lý thú cho những ai đam mê sáng tạo, khát khao sống và viết, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Để có được bản lĩnh của người cầm bút, và tạo ra được bản sắc riêng trong sáng tạo, người làm thơ cần phải có những phẩm chất gì và cần phải làm gì?

Có bản lĩnh, nhà thơ mới có được bản sắc trong sáng tạo nghệ thuật. Một người viết không có bản sắc đồng nghĩa với việc anh ta không có cá tính, không có gì riêng mình, sẽ mờ nhạt, nhòa lẫn vào dàn đồng ca. Nói đến bản sắc cũng để nói đến con người cá nhân của chính nhà thơ, cái riêng vốn có của nhà thơ, phẩm chất bắt buộc phải có của một nghệ sĩ chân chính. Bản sắc của mỗi nhà thơ góp phần làm nên bản sắc của một nền thơ, cũng góp phần làm nên bản sắc dân tộc bao gồm cả những giá trị, quan niệm, tập quán, truyền thống, ngôn ngữ nghệ thuật… Bản sắc cũng là kết quả của quá trình lịch sử, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, mối quan hệ qua lại giữa con người với con người và môi trường sống. Nó đồng thời là tập hợp của những giá trị cốt lõi, tư tưởng và phong cách độc đáo của dân tộc. Thật ra bản sắc cũng không phải là thứ bất biến mà nó luôn trong quá trình bồi đắp, xây dựng và hoàn thiện, dựa trên một nền tảng cốt lõi cố định. Nhà thơ, nhà văn tâm huyết và tài năng là những người hiểu sâu sắc về bản sắc dân tộc mình, viết ra những tác phẩm vừa làm nổi bật văn hóa dân tộc, vừa tôn vinh niềm tự hào dân tộc, vừa tạo ra bản sắc mới, đồng thời giao lưu tiếp thu, biến tinh hoa của các nền văn hóa khác hòa vào nền văn hóa dân tộc, làm cho nền văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, mới mẻ hơn.

Để làm được điều này, không có cách nào khác, người viết phải là người có phẩm chất kiên định với con đường nghệ thuật của mình, tìm ra hướng đi và mục tiêu thỏa mãn khao khát sáng tạo. Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, dám đương đầu với mọi thách thức, dám hy sinh, chấp nhận cô đơn, thiệt thòi để vươn lên. Dám đổi mới, chống lại cái cũ, cái sáo mòn và không sợ hãi. Lại nữa, sẵn sàng đối diện với mọi áp lực từ nhiều phía, nhất là những áp lực phi nghệ thuật. Nhà thơ chân chính, ngoài những phẩm chất nói trên, còn không ngừng rèn luyện, tự học tập, am hiểu sâu sắc nền văn hóa dân tộc. Trong đó đầu tiên và trước hết chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hồn cốt dân tộc. Một tác phẩm văn chương có giá trị là tác phẩm có thứ ngôn ngữ độc đáo, đủ khả năng cất lên tiếng nói khác biệt, mới mẻ, phô diễn hết vẻ đẹp của văn hóa và tinh thần dân tộc mình trước nhân loại. Vì thế, với người viết phải coi chữ viết ra như máu “Những câu thơ máu chữ sinh thành”, và thêm nữa là sự tận hiến, công phu trong lao động chữ nghĩa, đòi hỏi bắt buộc để cho ra đời những tác phẩm giá trị, tự tin bước ra thế giới…

Thời gian vừa qua, có một số nhà văn, nhà thơ mở lớp dạy viết văn, làm thơ. Trong khi sáng tác văn học phụ thuộc vào khả năng của mỗi người và chẳng thể qua một lớp “đào tạo”. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?

Đây là câu hỏi tôi được nghe ở nhiều nơi. Và biết rằng, đang có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thực tế hoạt động văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, không giống với bất cứ công việc nào khác. Đó là nghề của sáng tạo và cảm xúc. Danh họa kiệt xuất người Trung Quốc Tề Bạch Thạch từng nói: Nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống với cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời. Nghệ thuật là câu chuyện vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường… Bản chất của nghệ thuật là vậy nên tôi không hình dung ra các nhà văn, nhà thơ mở lớp dạy viết văn, làm thơ họ dạy những gì? Muốn dạy làm nghề văn, người dạy phải có bằng cấp chuyên môn, có sở trường về sư phạm, được học hành hệ thông bài bản chứ không phải ai cũng đứng ra tổ chức lớp dạy viết văn, làm thơ… Theo tôi, nếu các nhà văn, nhà thơ nào có đủ các yếu tố trên, việc mở lớp dạy làm nghề văn cũng không đáng phàn nàn. Vì đây là mối quan hệ xã hội, có nhu cầu học sẽ có nhu cầu dạy. Pháp luật không ngăn cấm công việc này.

Đương nhiên văn chương là câu chuyện khó, không phải ai viết văn, làm thơ cũng có thể tùy tiện mở lớp dạy viết văn, làm thơ. Tôi có đi một số địa phương khi được họ mời, nhưng đến đó cũng chỉ nói chuyện về thơ chứ không dám dạy dỗ gì. Tôi cũng có nghe một số nhà văn, nhà thơ mở lớp dạy văn cho các em học sinh phổ thông cùng tuổi với con mình. Mục đích muốn truyền cảm hứng yêu văn chương cho học sinh. Cũng có người muốn giúp người yêu văn chương thích viết văn nhưng lại không được học hành bài bản, không biết cách dựng thành câu chuyện. Vì vậy họ mở lớp với hy vọng trang bị thêm kiến thức viết văn… Cá nhân tôi thấy đây là công việc bình thường, cũng không phương hại đến mức phải chấn chỉnh.

Phóng viên: Vâng! Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Phạm Hà (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 9/2024


Có thể bạn quan tâm