April 27, 2024, 3:40 pm

NHÀ NGHIÊN CỨU KHƯƠNG VIỆT HÀ: Văn học Nhật đang hồi sinh và nở rộ tại Việt Nam

Từng có nhiều năm nghiên cứu về văn học Nhật, nhà nghiên cứu phê bình Khương Việt Hà cho rằng, thời điểm hiện tại, văn học Nhật không chỉ được bạn đọc trẻ Việt Nam đón nhận mà cả những độc giả thuộc thế hệ 6X, 7X… cũng có những mối quan tâm sâu sắc, do có nét tương đồng là các nước đồng văn, chung mạch nguồn Á Đông. Dưới đây là cuộc hỏi đáp ngắn giữa phóng viên báo Văn nghệ với nhà nghiên cứu Khương Việt Hà, về sự tiếp nhận văn học Nhật tại Việt Nam hiện nay.

Nhà nghiên cứu phê bình Khương Việt Hà

- Ông đánh giá thế nào về sự tiếp nhận của độc giả Việt Nam đối với văn học du kí Nhật Bản trong thời gian gần đây? Những yếu tố nào trong văn học du kí Nhật Bản làm cho độc giả Việt Nam cảm thấy thú vị và gần gũi, thưa ông?

- Văn chương du kí Nhật Bản trong truyền thống là các kikōbun (kỉ hành văn), dạng thức ghi chép nhằm tái hiện cảm xúc của người đi khi khám phá những vùng đất lạ, những con đường hay danh thắng mới. Hình thức thể loại khá phong phú, do sự mờ nhòe thể loại thời tiền hiện đại và chưa được khu biệt rạch ròi như hiện nay nên có thể kể đến các tác phẩm dạng monogatari (truyện), nikki (nhật kí), ki (kí), shōshi/zōshi (thảo tử), kusa (thảo), kobumi (tiểu văn), đặc biệt là các kikō (kỉ hành, tức nhật kí hành trình), phát triển đậm đặc tính chất trữ tình qua sự kết hợp các tiết đoạn văn xuôi ngắn và thơ.

Tại Việt Nam, nhìn tổng thể thì các tác phẩm dạng này chưa được dịch, giới thiệu nhiều, nên nói văn học Nhật Bản nói chung, du kí Nhật Bản nói riêng cho độc giả Việt Nam cảm thấy thú vị và gần gũi thì thực sự chưa hẳn chính xác. Có lẽ trên bề nổi lớp độc giả trẻ có sự tiếp nhận nồng nhiệt và dễ dàng các sáng tác đại chúng văn học thời kì hiện đại, nhưng ngay cả đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều người chưa thể tiếp cận văn học Nhật Bản. Họ không hiểu, chưa hiểu, khó hiểu với các thể tài, chủ đề vốn xuyên suốt trong sáng tác của nhiều nhà văn Nhật, như tính dục, sự chết, cái đẹp…, nhiều trong số đó được đẩy đến mức cực đoan.

Gần 10 năm về trước, trong 5 ngày 5-9/10/2015, GS. Kuramoto Kazuhiro thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản quốc tế (Nichibunken), với chuỗi bài giảng 10 buổi “Sự ra đời của các chuyến đi qua văn học du kí thời Heian-Edo” thuộc Hội thảo tập huấn quốc tế “Những vấn đề lịch sử-văn hóa Nhật Bản” lần thứ 3 đợt II, được Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, đã dẫn giải 10 du kí lừng danh được viết nên từ các chuyến công cán thời Heian (794-1185), Kamakura (1185-1603) và Edo (1603-1868) trải gần 10 thế kỉ ở Nhật, cho thấy một quan niệm về viễn du trong những quan niệm đa dạng nhất có thể của người Nhật. Đáng tiếc tại Việt Nam mới chỉ được tiếp cận Truyện kể Ise qua bản dịch của Nguyễn Nam Trân, và một vài tập haibun (văn xuôi của haiku hay văn xuôi viết theo tinh thần haiku) của nhà thơ lừng danh Matsuo Basho, trong đó có cuốn Lối lên miền Oku (Oku no Hosomichi, 1689) do Vĩnh Sính giới thiệu từ 1999.

Trong bối cảnh loại hình sáng tác văn học du kí đang chứng kiến sự hồi sinh và nở rộ tại Việt Nam, những thành tựu văn học du kí cổ điển Nhật Bản được giới thiệu phần nào vẫy gọi các nhà nghiên cứu, độc giả người Việt tìm hiểu, tham khảo và đối sánh. Một điều khá thú vị là có nhiều tác giả người Việt công tác, tham quan, du học tại Nhật Bản cũng đã thực hiện các du kí Nhật Bản, gần đây nhất có thể kể đến Nguyễn Chí Linh với Bốn mùa trên xứ Phù Tang (du kí Nhật Bản, 2018), Lam Anh với Quen lạ xứ người (du kí Nhật Bản, 2019) hay cây viết trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh với Đến Nhật Bản học về cuộc đời (2019), Nguyễn Phương Dung với Giấc mơ Nhật: Đi để vấp ngã, đi để trưởng thành (2023)… gồm những trải nghiệm thực tế của các tác giả, giúp người Việt có cái nhìn khái quát về con người, văn hoá và xã hội Nhật Bản.

- Đứng ở góc độ nghiên cứu, theo ông, giữa văn hóa và truyền thống của Việt Nam - Nhật Bản có gì giống và khác nhau? Làm thế nào để người làm công tác dịch thuật cũng như sáng tác có thể tận dụng sự đa dạng này làm giàu nội dung tác phẩm của mình, thưa ông?

- Tôi vẫn thường nhấn mạnh điều khác biệt, và cái làm nên bản sắc Nhật Bản, khác Việt Nam hay Triều Tiên, khơi nguồn ở phương diện địa - chiến lược, địa - văn hóa: bên đại lục Á, Nhật Bản là một quốc đảo (có tương đồng gì chăng với bên đại lục Âu, vương quốc Liên hiệp Anh là một quốc đảo?), trong khi Việt Nam và Triều Tiên là bán đảo. Suốt chiều dài lịch sử tới tận thời hiện đại Nhật Bản hầu như không từng bị xâm lược và đô hộ, và họ mở cửa để tiếp thu, học hỏi văn minh ngoại quốc, hay đóng cửa hướng vào giải quyết những vấn đề nội bộ và kiến tạo bản sắc dân tộc, là hoàn toàn chủ động.

Điều khác biệt của văn hóa Nhật Bản, nếu có thể so sánh với Việt Nam và chỉ dùng một từ duy nhất thì Nhật Bản thiên về “duy mĩ” còn Việt Nam thiên về “duy tình”.

Nhưng dù có thế nào, trên tổng thể chúng ta nhận thấy Việt - Nhật - Hàn vẫn được coi là các nước đồng văn, chung mạch nguồn Á Đông.

Nếu trong mọi thời đại văn học luôn đứng ở trung tâm của nền văn hóa, thì giao lưu văn hóa giữa các dân tộc luôn không thể tách rời nỗ lực giới thiệu tinh hoa văn học các dân tộc.

Từ ngày Việt Nam có tiếp xúc văn học với Nhật Bản đầu thế kỉ XX, một cách tản mạn nhưng dụng công, văn học Nhật Bản từng bước được dịch, giới thiệu và nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng phải đến giai đoạn từ sau Đổi mới 1986 đến hết thập niên thứ 2 của thế kỉ XXI, thành tựu dịch thuật và giới thiệu nền văn học quốc đảo này mới có những đột phá mạnh. Tôi nhận thấy ở đây manh nha một va chạm chấn động giữa văn học dân tộc và văn học thế giới ở Việt Nam lần thứ 4 (ba lần trước đó có thể kể đến là sự tiếp xúc văn học Việt Nam với văn học Trung Quốc, văn học phương Tây và văn học Nga). Không nhiều nền văn học thế giới khác làm được tại Việt Nam, dù đã có không ít tác phẩm hiện diện trong tủ sách dịch thuật tinh hoa văn học thế giới tại Việt Nam từ rất sớm.

- Câu hỏi xin đi sâu vào phần bếp núc, ông nghĩ sao về vai trò của dịch giả trong việc chuyển giao tốt nhất những ý niệm và cảm xúc từ văn hóa Nhật Bản sang ngôn ngữ và tâm trạng của độc giả Việt Nam?

- Dịch thuật luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng bắc cầu giao lưu văn hóa, văn học. Văn học Nhật Bản vào Việt Nam thông qua nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc; một số ít trong những năm trước 1975 tại miền Nam Việt Nam được chuyển dịch từ nguyên bản tiếng Nhật. “Dịch là diệt”, việc tiếp cận văn học từ tác phẩm dịch là một hạn chế, tác phẩm dịch qua ngôn ngữ thứ ba lại càng khó tránh khỏi sự rơi rụng ngữ nghĩa do quá trình chuyển dịch đến hai lần. Nhưng trong bối cảnh khi chưa nhiều người giỏi tiếng Nhật thì đây là giải pháp khả thủ nhất, và thiếu sót này có thể được bổ túc bằng việc so sánh, đối chiếu các bản dịch. Nhiều tác phẩm nổi tiếng trong văn học Nhật Bản đã xuất hiện tại Việt Nam với những bản dịch khác nhau, đáp ứng lựa chọn của độc giả (đơn cử Xứ tuyết của Kawabata Yasunari từng đến với độc giả Việt tới 4 bản dịch khác nhau của Chu Việt, Giang Hà Vị, Ngô Văn Phú và Vũ Đình Bình, và gần đây lại được Lam Anh dịch lại với một phong cách mới). Hay các bản dịch các bài tanka, haiku cũng được dịch trên tinh thần cố gắng sử dụng lượng từ tối giản, có hiệp vần…

Cho đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Nam Trân, Lam Anh, Phạm Phương, Uyên Thiểm, An Nhiên, Chu Thu Phương, Nhật Chiêu, Vĩnh Sính… là những gương mặt nổi bật và quen thuộc của mảng văn học dịch. Họ đã và đang góp phần đưa văn học Nhật đến gần hơn với độc giả yêu văn chương Việt Nam hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm