April 28, 2024, 10:26 am

Nhà không người. Truyện ngắn của Đinh Phương

Vào ngày giỗ lần thứ sáu của mẹ, sau khi ăn uống, dọn dẹp xong bố nói sẽ chuyển nhà. “Bố định chuyển đi đâu?” Tôi hỏi. Bố không nói, im lặng nhìn vào khoảng sau bát hương, nơi vợ tôi dọn đồ cúng xuống còn sót bát chè.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn 

Mấy năm học đại học cộng thêm bằng ấy thời gian đi làm khiến cách sống của tôi có nhiều thay đổi, khó hòa nhập được với cuộc sống ngày trước. Tôi tự tách mình ra khỏi những gì quen thuộc nhất. Khi về, tôi khó chịu với món xương khoai sọ mẹ nấu vì cho thêm lá sương sông. Ở thành phố tôi sống người ta không cho sương sông lẫn ngổ mà cho hành lá. Khó chịu với các câu chuyện loanh quanh mãi cũng chỉ có ngày xưa. Ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia, phải tiết kiệm, khổ lắm, có sướng như bây giờ cái gì cũng sẵn. Mỗi thời mỗi khác chứ. Con người có phải lúc nào cũng kéo giật lịch sử lại để khổ sở đâu. Khó chịu khi bố lên thăm tôi trên trường đi dép tổ ong trắng đã ngả sang màu vàng ệch. Trong lúc cố thích nghi với phố thì đồng thời phải gằn lên phủ nhận tách mình ra khỏi quê. Phải đặt tất cả trong tương quan so sánh, lúc nào phố cũng thắng. Mẹ nhận ra điều ấy đầu tiên khi bà vẫn còn khỏe mạnh. “Không đâu bằng nơi mình sinh ra, lớn lên con ạ”. Tôi vâng để đấy, không tin, nơi nào cuộc sống đầy đủ tiện nghi, hiện đại thì là sướng chứ. Trong mắt tôi sống ở quê buồn, là thiếu thốn đủ bề, đi đâu cũng bị soi mói. Ở phố người ta văn minh, nhà ai biết chuyện nhà đấy, đi lại ăn uống đều nhỏ nhẹ, từ tốn. Chẳng như ở quê ăn cỗ cũng mang phần về, đi tán gái cũng phải ngó trước ngó sau không thì bị xuống mương mò ốc.

Để con lấy xuống”. Tôi đẩy người đứng dậy lấy bát chè đỗ xanh xuống. Bát chè lạnh toát trong tay. Cái lạnh khiến tôi rờn rợn. Bức tranh truyền thần của mẹ do bố vẽ nhìn xoáy lấy tôi như giận dữ. Đã bao nhiêu lần tôi bảo với bố thay ảnh thờ cho mẹ đi mà bố không nghe. Lần tôi giận dữ nhất bảo nếu bố không thay ảnh thờ thì con không về nhà nữa bố cũng chỉ ậm ừ, rồi lần sau về bức tranh vẫn đấy. Kiên nhẫn, lì lợm nhìn ra phía ngoài sau màn khói trắng bảng lảng khuấy lên.

Trong album ảnh gia đình, mẹ thật đẹp, mái tóc đen dài, cười mỉm, một tay nắm hờ vạt áo dài, chỉ cần mang ra hiệu nhờ thợ ảnh phóng lên là xong. Thế mà ngay đêm mẹ mất bố ngồi từ nửa đêm đến sáng vẽ cho xong bức tranh. Bố vẽ mẹ như khi mẹ chết, da trắng bệch, nhăn nheo, mắt nhắm hờ, trán lơ thơ vài cọng tóc rủ. Tôi cùng vợ ở phòng bên không biết gì cho đến khi bố vẽ xong, sang gõ cửa phòng nói vỏn vẹn một câu: “Bà ấy đi rồi”. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, lần đầu tiên mất đi người thân trong đời là một nỗi đau thật khó diễn tả.

Mẹ tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối, bác sĩ nói nên đưa về nhà chăm sóc, nếu tâm trạng tốt có thể sống thêm được vài ba tháng. Vài ba tháng là khoảng thời gian vô hạn định. Với một người sắp bỏ cõi trần này đi thì thời gian còn quan trọng gì. Bố tôi nói cho mẹ tôi biết bệnh tình của mình để bà yên tâm đón nhận. Tôi không trách bố về việc này, nhìn thấy, đối diện với nỗi đau bao giờ cũng tốt hơn đối mặt với giả dối. Người ta chẳng bao giờ chiến thắng được giả dối. Và cũng thường thua thiệt trước nỗi đau. Tháng đầu tiên khi về nhà mẹ cố gắng sinh hoạt bình thường. Buổi sáng, thức dậy từ năm giờ, chải tóc, nhặt tóc rụng để vào trong hộp giấy màu đỏ. Xong ra tưới mấy chậu cây cảnh trước nhà, ăn sáng và xem thời sự, dự báo thời tiết trên ti vi. “Trời đất gì cứ nắng mãi thôi”. Mẹ làm như cái khoảng thời gian trước và sau quãng bị bệnh của mình vô tận lắm. Khi mặt trời rót nắng phủ kín sân mẹ tắt ti vi, nằm trên ghế cạnh cửa sổ đọc sách, quạt bật số bé nhất quay phe phẩy. Mẹ kẹp tóc bạc vào trong mỗi trang sách để đánh dấu trang.

97; 135; 178; 244; 316; 412;…

Sau này khi mẹ mất, giở bất cứ cuốn nào trong tủ sách tôi cũng thấy tóc mẹ. Mẹ đánh dấu buồn vui các phận người bằng tóc bạc. Nhưng sao nhiều thế? Cuốn nào cũng có tóc bạc cả. “Hay bố con mình nhặt hết tóc bạc ra”. Đã có lần tôi bảo với bố thế khi tìm cuốn truyện thiếu nhi để đọc hàng đêm cho đứa con trai bốn tuổi của mình. “Có nhặt hết được không?”. Bố thở dài rồi lại chìm vào cõi lặng, tôi linh cảm bố đang cố giấu hay xóa đi điều gì đó mỏng manh lắm. Hộp giấy màu đỏ mẹ vẫn đựng tóc ngày xưa nay nằm chỏng chơ trong tủ, bên trong là lớp bụi mỏng, và sợi tóc trắng dài mắc vào kẽ sâu.

*

Mọi chuyện tưởng bâng quơ, xong đâu để đấy, nhưng một ngày bố nhắn qua vợ tôi bảo tôi về ngay dọn nhà để bố chuyển đi. “Sao bố không gọi luôn cho anh có phải tiện không mà phải gọi qua em?”. Chợt nhận ra lâu rồi tôi không gọi về cho bố. Bố có thi thoảng gọi lên, lần thì tôi nghe nói được dăm ba câu rất gượng hỏi thăm sức khỏe, lần thì không nghe vì đang uống rượu, nhủ lúc tỉnh gọi lại rồi chẳng gọi. “Em không biết. Chắc cụ sợ gì đấy. Mà có khi lẫn rồi”. Bố lẫn? Tôi chẳng tin. Lần gần nhất về giỗ mẹ bố còn kể vanh vách chuyện ngày xưa tôi đánh nhau ghè vỡ đầu thằng Tiến hàng xóm phải đi xin lỗi thế nào. Vết xám to bằng bàn tay trên tường kia là do tôi tức bố mà cầm chén nước chè ném lên. Phiếu bé ngoan đầu tiên tôi được nhận từ hồi đi học mẫu giáo bố vẫn giữ, kể về nó như chiến công đầu tiên tôi lập được trong đời. Cô Vân dạy mẫu giáo tôi có chồng học cùng bố ngày xưa. Tôi thích ăn cơm chực nhà cô nhiều bữa bố đến đón khóc không về. Đấy, thế thì bố lẫn ở chỗ nào chứ.

Hay bố muốn đi bước nữa?”. Tôi rụt rè hỏi, chuyện trai gái bao giờ cũng là điều khó nói trước mặt vợ. Mặt vợ tôi đổi sắc, chắc đang liên tưởng bố nào con đấy. “Thì cứ về xem”. Giọng nặng trịch pha chút cáu bẳn. Câu nói lược mất chủ ngữ của vợ khiến tôi nhoi nhói nửa thấy mình có lỗi, nửa thì tức giận vu vơ vì chuyện chẳng đâu vào đâu. Giá mà tôi suy đoán sự việc theo hướng khác đi thì tốt cho tôi, lẫn vợ.

Mà bố định chuyển đi đâu?

Trên chuyến xe về nhà tôi cứ loay hoay tìm đáp án, muốn chợp mắt một chút cũng không được. Bên cạnh vợ hồn nhiên dựa vào vai gà gật ngủ. “Không máu không sót”. Tôi lẩm bẩm, ẩy vai ra, vợ giật mình, lờ mờ mở mắt rồi lại dựa vào.

Đã mấy lần tôi bảo bố bán nhà hoặc cứ khóa để đấy chuyển lên ở với vợ chồng tôi trên phố nhưng bố không nghe. “Đi thế mộ mẹ mày ai chăm nom cỏ giả. Cả nhà đây nữa, đành lòng mà đi được chắc.” Bố lưỡng lự lẩn tránh. “Mộ mẹ, nhà cửa để con nhờ mấy anh chị con bác Tiến thỉnh thoảng qua lại, quét tước là được chứ có sao đâu. Bố cứ cả nghĩ quá”. Tôi cả quyết. “Thế khi về tao thành người lạ à”. Bố nổi cáu, tay đang cầm chén chè nóng run run. Nước sánh ra qua các nếp nhăn bàn tay nhỏ tong tong xuống đất. Khói bảng lảng ve vẩn tỏa lên. Khuôn mặt bố đanh lại, giọt nước mắt đùng đục lăn xuống từ khóe mắt. “Con xin lỗi bố.” Tôi còn biết nói gì hơn nữa đây. Bố đặt chén nước xuống, mệt mỏi bước vào buồng. Từ đằng sau lưng bố gập chúi về trước. Lâu rồi tôi không nhìn bố từ đằng sau. Trên bàn thờ mắt mẹ nhìn xoắn lấy tôi buồn bã. Tôi đứng dậy thắp hương, vái ba vái. “Mẹ ơi! Con biết làm thế nào để tốt cho bố đây?”. Mẹ vẫn nhìn không trả lời. Trong buồng tiếng thở nặng nhọc của bố bắt đầu hắt vẳng ra.

Vậy mà tại sao bố lại đột ngột đòi chuyển nhà. Khỏi nơi bố mẹ đã mất mấy chục năm gầy dựng làm ăn, tích cóp mới có được. Tôi không hiểu nổi. Hay tại tôi chưa đủ kinh nghiệm sống để hiểu được những tầng sâu nhất của tình cảm con người. Nếu sau này, giả dụ, vợ tôi đi trước thì tôi có cư xử như bố bây giờ? Có chuyển đến một nơi nào đó xa lạ để bắt đầu lại mọi thứ. Xây lại các kí ức từ đầu? Có chung đụng với người đàn bà nào khác với người đã ở với mình mấy chục năm, lo từng miếng ăn, giấc ngủ, khi ốm khi đau? Có...

Anh ơi! Đến nơi chưa?

Giật mình, tiếng gọi của vợ kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ đang ào ào cuộn đến.“Gì?”. “Này, làm gì mà như người mất hồn thế?”. “Lo cho bố”. “Chắc không sao đâu”. Tôi lo cho bố hay tôi lo chính tôi sau này? Cuộc đời con người là các lặp lại u tối. Người đầu gối tay ấp với mình cũng chưa chắc đã hiểu các suy nghĩ của mình. Mình nghĩ gì chỉ mình mình biết. Đến lời nói ra cũng chưa chắc đã thật muốn nói thế. Tôi thở dài, dựa vào thành ghế thiếp đi lúc nào không biết.

*

Nhà nằm nấp trong ngõ dài không đèn đóm. Vợ đi sau, bật đèn điện thoại soi đường, càng vào sâu trong ngõ càng bấu chặt tay tôi. Ngõ sao thành dài quá. Bao nhiêu năm sống cùng bố mẹ nơi thị trấn chưa bao giờ tôi thấy đường về nhà lại dài, xa, vắng lặng nhường này. Có cố căng tai ra nghe cũng chỉ nghe thấy tiếng bước chân của mình lạo xạo miết xuống nền đá dăm. “Bố ơi! Bố! ”. Tôi gọi to lên khi đứng trước cổng. Đợi mãi, trong nhà không có tiếng trả lời hay tiếng động nào vọng ra. “Hay bố làm sao rồi?”. Vợ tôi đứng sau rụt rè nói. Cây cối xung quanh không gió đột nhiên lao xao.“Phủi phui cái mồm. Soi đèn đây”. Tôi gắt, thò tay vào mở cửa, cửa khóa trong. “Bố ơi! Bố!”. Có nỗi lo sợ len lỏi khuấy từ kí ức quấy ra. Tôi không được gặp mẹ giờ phút lâm chung. Giờ còn bố, lẽ nào. “Bố ơi! Bố ơi!”.

Lúc tôi đang định nhảy tường vào thì bác Bắc hàng xóm lịch kịch mở cổng, soi đèn bước vào. “Toan đấy phải không cháu? Mà tối quá, bọn trẻ con xóm này nghịch hơn quỷ sứ, cứ thấy đèn sáng là đáp bằng vỡ mới thôi”. Hồi bé không có đèn sáng thì chúng tôi thi nhau ném quả chín, đủ đủ, bàng, ổi... bằng rụng mới thôi. “Vâng, cháu đây. Bác có thấy bố cháu đâu không?”. “Chắc ông ấy cùng tổ quy sang xóm bên đọc kinh cầu siêu cho bà Tốn rồi. Nay ông ấy gọi nhưng bác đau đầu không đi được. Sang bác mà ngồi. Mà vợ mày cũng về kia phỏng?”. “Vâng, vợ cháu cũng về, thấy bố cháu nhắn về dọn nhà để bố cháu chuyển đi”.

Bố tôi đi theo tổ quy đọc kinh từ bao giờ sao tôi không biết? Ngày xưa, lúc mẹ còn sống đến ngày giỗ tết bố cũng chỉ thắp hương chứ có cầu khấn gì đâu. Đi chùa chiền, miếu mạo, cúng khấn thì tuyệt nhiên không. “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Báu bở gì mấy cái dị đoan”. Mỗi lần thấy mẹ tôi lần tràng hạt, lầm rầm đọc kinh Bát Nhã, kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà... bố tôi thường nói thế. Giọng điệu không gay gắt, cấm đoán, nhưng cứng rắn, cho tôi hiểu rằng bố không thích hay lệ thuộc vào tôn giáo. Vậy mà nay lại vào tổ quy, đi đọc kinh cầu siêu nữa thì thật không hiểu.

Mẹ mất có mấy năm mà quan hệ, gắn bó giữa tôi với bố đã có vết rạn. Ban đầu li ti nhưng do điều kiện xa cách cứ loang rộng dần. Tôi không biết bố nghĩ gì, làm gì, bố đi đâu, bạn bè của bố gồm những ai. Năm vài ba lần ghé qua nhà xong vội vàng đi ngay. Nhiều khi hai bố con chẳng kịp ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu, kể cho bố nghe chuyện vợ con, sinh hoạt trên phố. Nhiều lần bố trách lúc chuẩn bị đi “Về thế mày về làm gì?”. Rồi thì ngoài vườn có buồng chuối, quả bòng, quả ổi nào cũng gói ghém từ bao giờ bắt mang đi. Có lần ngồi cả buổi lấy lá dứa dại để tết cào cào, tết đồng hồ gửi cho cháu nội. Vừa tết vừa nói “Hè mày cho cháu về với tao. Tao nhớ nó quá!”. “Nhưng cháu còn nhỏ lắm”. “”. “Lớn rồi con cho về. Hay bố lên chơi luôn với cháu”. Bố nhìn tôi như đứa trẻ con to đầu không hơn không kém. Con tôi nhỏ mãi trong mắt tôi. Cũng như tôi nhỏ mãi trong mắt bố. Tôi hồn nhiên nói điều cho là đúng, nhưng biết đâu điều đó làm bố buồn.

Rồi đến lúc nhận ra vì có bố ở quê tôi phải về, rằng buộc trách nhiệm nhiều hơn là yêu thương. Tôi còn một gia đình nơi thành phố, một con trai bốn tuổi sắp vào lớp chồi, một kế hoạch xây nhà vào sang năm khi được tuổi, một công việc ổn định cho vợ, một đứa con nữa vào năm khỉ vàng... Vậy thì làm sao mà tôi có thể toàn tâm toàn ý yêu thương bố như hồi tôi vẫn còn ở nhà, hồi chưa lập gia đình. Tôi không cố biện minh cho mình. Thỉnh thoảng, đọc một vài dòng chia sẻ, trích dẫn của bạn bè trên Blog, Facebook về tình cảm gia đình, bố mẹ cũng chợt thấy chạnh buồn, muốn lao về ngay mà ôm lấy bố. Nhưng rồi cuộc sống xô bồ lại cuốn đi. Cảm xúc vừa đẩy lên đã tắt ngấm. Bởi một cuộc nhậu, bởi đám cưới, bởi sinh nhật, bởi lên nhà mới của sếp trưởng, bởi con ốm, bởi bố vợ đi cấp cứu vì xuất huyết dạ dày... Muôn ngàn cái bởi, cho đến khi choàng nhận ra đã sắp Tết rồi, sắp giỗ mẹ rồi, sắp nghỉ 30/4, 1/5, mùng 2/9 rồi mà chưa có kế hoạch đi đâu. Về nhà ngoại thì thôi nhà nội, cứ thế mà chia ra. Tôi phải lo cho gia đình của mình, đồng thời biến mất ở gia đình mà tôi đã từng là thành viên không thể thiếu. Biết là cái nợ. Rồi con tôi cũng thế.

*

Bác Bắc hàng xóm ra vườn lấy rau cải đắng vào nấu mỳ cho hai vợ chồng ăn. Săn sóc, chăm hỏi như người thân đi xa về. Tôi hỏi thằng Thái, con Thanh nhà bác có hay về? Bác bảo năm được vài lần. Tôi cũng như ông bên nhà chứ khác gì. Ốm nặng may chăng chúng nó ở nhà với mình được lâu, còn khỏe thì cứ vò võ hết ra lại vào. Ừ, khác gì, người già nơi thị trấn này có khác gì nhau đâu. Con lớn rồi thoát li đi học, đi làm, lấy vợ gả chồng. Có mấy người quay lại mảnh đất chôn rau cắt rốn để sinh cơ lập nghiệp. Chỉ còn những cái bóng lờ mờ leo lét trong những căn nhà cũ. Sống mãi với hoài niệm, với các câu chuyện cũ về con cái. Làm gì còn câu chuyện nào khác nữa để nhớ, để kể cho nhau nghe. Mỗi mùa lá qua là mỗi mùa bóng rụng, cái một, cái một. Không thì cực chẳng đã cũng phải chuyển lên phố ở với con rồi chết ở phố. Nhà cửa lại được bán đi cho người trẻ ở nơi khác đến. Người trẻ lại sinh con đẻ cái, con cái lại đi, lại già, lại bán. Xóm có hơn mười nhà giờ chỉ còn non nửa là nhà cũ từ xưa còn lại là người nơi khác đến. Giờ thì tôi không muốn về nhà nữa mà muốn chạy trốn. Gặp bố tôi sẽ nói gì? Sẽ đối mặt với kí ức về mẹ thế nào? Sẽ bàn với bố về ngày mai này của hai bố con ra sao? Bố chuyển nhà để đi đâu?

Đêm mẹ đi bố không muốn cho vợ chồng tôi gặp chắc cũng vì sợ mẹ sẽ dặn chúng tôi ở lại phải chăm sóc bố. Thế thì nặng nề quá cho vợ chồng tôi, cho cả bố nữa. Không có lời trăn trối làm sợi dây buộc hai bố con thì dễ dàng hơn cho đoạn sống tiếp sau. Cho cái việc đoạn tuyệt quê hương tôi đã chuẩn bị từ trước.

Tôi đột nhiên nghĩ thế, mọi thứ trở nên sáng tỏ. Việc chuyển nhà đi lần này để cắt dứt khoát một quãng sống có mẹ và tôi tham dự vào. Bố phải sống cuộc sống của bố, tôi phải sống cuộc sống của tôi. Ai có cuộc sống của người ấy. Dù có muốn can thiệp vào cũng không được. Chỉ thương bố thôi. Nhớ cách đây gần chục năm bố còn lai tôi trên chiếc xe đạp mi ni cũ ra đường quốc lộ bắt xe lên trường. Sương xuống mù mịt, cái lạnh tháng ba của rét nàng Bân thấm đẫm trong từng hơi thở. “Bố để con lai cho?”. “Mày có quen đường đâu”. Bố lập bập lên xe, bảo tôi ngồi lên. Con đường chỉ hơn hai cây số nhưng khúc khuỷu, nhiều khúc cua. Bố rướn người đạp, xe chầm chậm lăn, giăng giăng trắng của sương hòa lẫn với ánh đèn điện mù mờ đây đó. Nhiều đoạn loạng choạng đường đá tôi phải chống chân xuống, phụ đẩy xe đi. “Mày làm gì đó?”. “Bố để con lai cho”. “Không. Có đoạn đường ăn thua gì”. Bố lại gồng lên, tôi ngồi sau, sáu lăm cân, cộng thêm cả rau cỏ, thịt thà mang lên trường chứ đâu còn là sáu cân như hồi bố lai tôi đi ăn cỗ, rồi say đánh rơi tôi trên đường lúc nào không hay. Về nhà mẹ hỏi con đâu, cuống cuồng quay lại tìm. Đoạn đường sáng sớm đó xa đến lạ lùng, tiếng bố thở, phản lưng to bè, mùi thuốc lào, cái lạnh xung quanh, cánh đồng lúa mới gặt chơ vơ gốc rạ, đống gạch đá ngổn ngang, hàng cây mới trồng... trôi chậm chạp như thước phim quay chậm. Nỗi xúc động mơ hồ đông cứng. Hai chấm nhỏ nhoi đi mãi về phía cuối đường cho đến khi bị bóng đêm nuốt chửng...

Sao bố lâu về thế anh?”. Vợ tôi vào ngả lưng nói chuyện với bác Bắc trong buồng bước ra hỏi. “Lúc nãy em gọi điện về cho mẹ. Cu Tũn nhà mình nay ngoan, ăn xong, xem phim hoạt hình rồi ngủ, không quấy”. “Ừ, bảo mẹ quàng ấm cổ cho cháu không đêm lại ho”. “Em bảo rồi. Hay đi tìm bố xem. Em cứ thấy lo lo. Bác Bắc bảo bố dạo này theo tổ quy đi suốt. Hết chùa dưới Quảng Ninh lại đi Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định... Có đợt đi đến nửa tháng mới về”. “Thì bố ở nhà buồn quá chứ sao”. “Hay bảo bố lên ở với mình”. “Bố có chịu? Biết đâu tìm?”. Tôi biết bố không chịu. Cánh cửa giữa tôi và bố đã vĩnh viễn khép lại từ ngày mẹ mất. Trong buồng bác Bắc trở mình. Tôi suỵt cho vợ nói bé thôi, nhưng tôi biết chính mình mới là người nói to.

*

Gần mười rưỡi thì bố về, tiếng cổng sắt lịch kịch kéo tôi và vợ ra khỏi sự đờ đẫn mệt mỏi của nửa ngày đi xe. Bác Bắc không ngủ, thức dậy mở cổng. Bố dắt xe đạp vào sân dựng ở gốc cây cau, hai chúng tôi vào theo. Điện trong nhà bật sáng, mùi ẩm mốc của đồ đạc cũ lâu không được lau chùi bốc lên. Bỏ hết túi tắm lên ghế tôi ra bể mờ vòi rửa mặt. Nước tanh tanh, xúc miệng vội nhổ ra ngay. Trong nhà vẳng ra tiếng của vợ. “Bố ăn gì con nấu”. “Bố ăn rồi”. “Nay có việc gì mà bố về muộn thế?”. “Các cụ ở tổ quy tập trung ở nhà bà Mến gói bánh chưng chay mai mang lên chùa công đức”. “Mai là ngày gì ạ?”. “Mùng tám hàng tháng trên chùa có đi tu một ngày, thọ bát quan trai giới, một ngày đi tu bằng cả một năm, chỉ ăn bữa sáng và trưa, không ăn phi thời, đến sáng hôm sau thì xả”. “Thọ bát quan trai gồm gì hả bố?”. “Là không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói hai lời, uống rượu. Mà con và thằng Toan quy y Tam bảo chưa? Nếu chưa mai lên chùa quy y. Cả cu Tũn nữa, nếu rảnh thì mùng tám đưa nó về đây rồi lên chùa quy y luôn”. “Vâng”. Vợ tôi lí nhí đáp, lịch kịch dọn dẹp lại đồ đạc trong bếp. Bố tôi dắt xe vào nhà ngang rồi lên nhà đun nước, pha chè.

Lúc tôi vào chè đã pha xong, bố rót một chén đẩy lại phía tôi. Khói bảng lảng hòa lẫn bóng bố in chùm xuống góc bàn. Trong bộ quần áo nâu bố thật lạ lẫm so với hình ảnh bộ pijama kẻ sọc vẫn mặc ngày xưa. Mắt bố sáng lên niềm tin khó khác định, nó không còn là ánh mắt bình thản các lẽ của người chiến sĩ cách mạng từng kinh qua hết sống chết nơi thành cổ Quảng Trị năm bảy hai đến Cao Ba Lanh năm bảy chín. Ánh mắt của các bức kí họa mà bố đã tặng lại cho bảo tàng tỉnh dù có tay sưu tập người Pháp hỏi mua hai triệu một bức.

Bố không hút thuốc lào?”. “Đức Phật dạy chúng sinh không được tham, sân, si. Phải buông xả, cái gì buông được thì buông. Không được quá chìm đắm vào dục vọng. Không được thực sự thích một cái gì. Các thói quen, lệ thuộc cũng phải bỏ”. “Bố bỏ thuốc lào lâu chưa?”. Tôi muốn câu chuyện đi vào trung tâm, vào hỏi và trả lời đơn thuần. “Mọi đau khổ của kiếp này đều do nghiệp của kiếp trước để lại. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Phải tu ân, tích đức. Làm lành tránh dữ. Có bệnh tật, khó khăn cũng là do oan gia trái chủ mà ra. Phải cầu siêu cho người ta được siêu thoát thì mình mới bớt khổ. Kiếp này khổ rồi phải làm điều tốt cho kiếp sau được thanh thản”. “Kiếp sau?”. Chưa ai nhìn thấy kiếp sau hình thù tròn méo thế nào. Tôi xin chỉ sống trọn vẹn ở kiếp này. Sống cho hết một kiếp cũng đã đủ mệt mỏi. Tôi không tìn gì ngoài cuộc sống đang diễn ra ngoài kia và sự bận rộn, lo toan mình đang có. “Đúng, kiếp sau, rồi lên được Niết bàn sẽ không còn luân hồi sinh tử nữa. Chúng ta sống ở kiếp này là chuẩn bị cho kiếp sau con ạ”. “Bố định chuyển nhà?”. “Bố nhờ cô Miến trên chùa về soi đất cho nhà mình thấy có hai oan gia trái chủ. Cô ấy tu chứng được thiên nhãn thông có thể nhìn thấu cả hai cõi. May nhờ bà Lan quen từ trước mới nhờ được. Một ở góc tường bên trái giáp với nhà bà Bắc, chỗ cây ổi. Một ở trong nhà này, chắc là mẹ con. Giờ bố tính bán ngôi nhà này đi, dành một ít tiền để làm công đức cho hai oan gia trái chủ được siêu thoát. Số tiền còn lại mua một căn nhà bé vừa đủ ở thôi, chẳng cần vườn tược làm gì cả. Thêm thắt cho vợ chồng mày sang năm xây nhà nữa”. “Mẹ?”. Tôi không tin, mẹ đã chuẩn bị chu đáo, chấp nhận hết cho cái chết của mình. Bỗng đâu lại thành oan gia trái chủ đi oán bố con tôi được. Những điều bố vừa nói tôi có đọc, có nghe đâu đó, chỉ không ngờ bố lại học thuộc lòng thế.

Đức tin từ khi nào trở thành cứu cánh cho cuộc sống tẻ nhạt đến mù quáng. Bố đang lấp lửng ở cõi khác. Tôi ở cõi trần tục này. Nhưng chính tôi là người tung bố lên cõi thần tiên kia. Cũng như thằng Thái, con Thanh đẩy bác Bắc về phía tiên phật, thánh thần.

Chết nào có hết. Cõi đang sống này là cõi tạm thôi. Mấy đêm nay tao thấy mẹ mày về, khổ lắm. Mặc quần áo rách rưới, cứ nhác thấy bóng người là chạy. Tao đuổi theo mãi mà không được. Giá ngày xưa thì đã mời thấy cúng đến cúng, đốt vàng mã, ngựa voi, nhà cửa cho bà ấy rồi. Nhưng sau này đi quy y tam bảo sư thầy bảo không được đốt vàng mã. Có thì phải làm công đức. Mà sư thầy tốt lắm, có làm công đức thì mình cũng phải làm ở nơi có bậc chân tu tu hành. Giờ thật giả lẫn lộn. Đợt này sư thầy đang quy hoạch xây tòa chính điện đủ cho cả trăm người đến tu tập. Chưa xây mà đã có người đến nhận công đức toàn bộ quạt điện rồi. Nhà mình cũng gọi là có một li một lai. Của để dành đấy con ạ, chẳng đi đâu mà mất

Bố hăng say chìm đắm trong đức tin của mình, mắt tôi nhòa đi, tai bùng nhùng phân tích đúng sai. Công đức... Chân tu... Li lai... Của để dành... Mập mờ trong đó hình ảnh mẹ những buổi sáng thức dậy tưới cây, xem ti vi, đọc sách. Mẹ bị ai truy đuổi? Mẹ về cõi tiên phật rồi mà. Mẹ hiền lành cả đời, chẳng nói nặng, đối xử ác độc với ai bao giờ. Thế mà nỡ nào có kẻ độc ác ở cõi khác truy đuổi mẹ, chẳng để mẹ yên. Chết nào có hết, vậy đến bao giờ mới hết? Sống kiếp này chuẩn bị cho kiếp sau. Vòng nhân sinh luấn quấn, quẩn quanh mãi. Cứ ăn mãi mình, ăn hết lại đầu thai thành một mình khác, ở thời mạt pháp này.

*

Sáng hôm sau vợ tôi dậy sớm nấu cơm, xào thịt, nướng cá chỉ vàng để hai bố con ngồi nhâm nhi. Bố ăn cơm với rau chấm xì dầu, lùa vội hai lưng, quệt đũa đứng dậy. Giờ bố ăn chay trường. “Làm phiền đến người khác cũng làm mất đi công đức của mình. Ăn chay người bố thấy khỏe mạnh, minh mẫn hơn. Các con cứ ăn cơm, bố lên nhà tranh thủ đọc biến kinh Địa tạng để tí đi chùa cùng các bà trong xóm”. Tôi buông đũa đứng dậy. Vợ tôi cũng không ăn, bữa cơm dọn đi gần như nguyên xi lúc dọn lên. Trên nhà tiếng chuông mõ văng vẳng hòa cùng tiếng đọc nhanh, đều. Mùi hương trầm vấn vít bủa xuống.

*

Không đợi bố. Đến trưa vợ chồng tôi lếch thếch kéo nhau đi. Trước khi đi theo ý quyết của bố tôi lấy vôi kẻ hai chữ bán nhà lên bức tường trước nhà. Lúc nào bán xong bố sẽ gọi vợ chồng tôi về. Còn đống sách, tôi mang ra giữa sân, chất đống, châm lửa đốt. Lửa bắt vào giấy bùng bùng cháy. Tóc bạc theo gió thổi bứng lên trời tan thành tro bụi. Mắt cay sè. Trong nhà bát hương tự hóa. Bức tranh trên bàn thờ bố vẽ cũng bắt lửa cháy theo. Lửa đỏ gắt. Thu lại trong mắt tôi là ánh mắt mẹ buồn bã. Tiễn tôi là hai chữ bán nhà do chính tay tôi viết. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết bố chuyển đi đâu?

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm