April 28, 2024, 7:04 pm

Nhà báo thời kinh tế thị trường và kỹ thuật số

Lịch sử báo chí Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với khá nhiều thăng trầm do tác động của các điều kiện lịch sử xã hội. Đối với những người được sinh ra từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước đã được chứng kiến một cuộc cách mạng lớn của báo chí, từ sứ mệnh “Báo chí không những là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể” đến thời báo chí phát triển nở rộ thời kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Đặc biệt cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã nhiều điều kiện tác nghiệp hiện đại, giúp nhà báo cập nhật thông tin nhanh, mở rộng không gian phản ánh nhưng nó cũng  tạo ra áp lực khá lớn cho những người làm báo.

Đã có một thời báo chí được coi như “Thánh phán”. Mọi điều in trên báo, nói trên đài là chân lý, nhà báo là những người mẫu mực. Người ta mặc nhiên khẳng định tính đúng đắn của mỗi chữ trên báo, mỗi lời trên đài với câu nói cửa miệng “đài đã nói thế, báo đã viết thế” để chứng tỏ điều muốn trình bày. Tin tưởng tuyệt đối cực đoan đến mức: đài dự báo thời tiết nắng nóng mà hôm ấy trời lại mưa giông thì người ta đổ cái tội ấy là trời không đúng chứ không phải đài báo sai. Kể cũng buồn cười nhưng đó là những chuyện rất thật.

Trong chiến tranh báo chí là một phương tiện thông tin có tính chất quyết định tác động đến việc toàn thể dân tộc dốc sức dốc lòng cho chiến thắng. Điều ấy đã được khẳng định. Đội ngũ các nhà báo ngày ấy nắm chắc các chủ trương của Đảng và nhà nước, bám sát chiến trường, lăn lộn với thực tế chiến đấu, lao động sản xuất kịp thời phản ánh những tin tức chiến sự, những tấm gương điển hình. Tuy vậy nó vẫn mang thông tin có tính tập thể cao, thông tin theo một chiều ghi nhận biểu dương là chính. Do tính chất như vậy nên có rất nhiều áp đặt, cường điệu thậm chí khoa trương thái quá. Nhiều nhà báo tác nghiệp chủ yếu là “sáng tác” dựa vào các báo cáo chứ chưa chắc đã đi thực tế chiến đấu cho nên bộc lộ những sai sót hết sức ấu trĩ. Rất may là do thông tin độc tôn một chiều (thời ấy chưa có chiều thông tin ngược mang tinh phản biện) nên mọi việc đều được chấp nhận dễ dàng, dẫu đôi khi hết sức ngô nghê xa rời thực tế.

Kể lại mấy điều trên để thấy ngày xưa báo chí độc quyền thông tin và người làm báo thoải mái “sáng tác” theo định hướng. Còn làm báo thời bây giờ thì sao? Khi xã hội chuyển sang “cơ chế thị trường có định hướng XHCN”, thì kinh tế thị trường vẫn là cái cốt lõi với bản chất là phát triển cạnh tranh và cạnh tranh để phát triển. Rõ ràng ưu thế nắm trước được xu thế, nắm trước được kế hoạch phát triển... không còn là thế mạnh của “báo chí quốc doanh” nữa. Các nhà báo “quốc doanh” không còn có thể cứ ngồi trong tháp ngà mà tưởng tượng ra đường đi và kết quả của kế hoạch chiến lược để hô hào như ngày xưa nữa. Thực tế cho thấy các kế hoach định hướng, chuẩn bị thực hiện dù kỹ lưỡng đến đâu đều có tiềm ẩn tỷ số thành công và thất bại đến 50%. Thậm chí đôi khi hết sức xót xa: báo chí đưa tin người tốt hôm trước thì mấy hôm sau đã có tin người ấy là tội đồ, việc tốt ngày hôm trước thì hôm sau thành việc lừa đảo hại dân hại nước. Tình trạng này làm cho nhà báo rất mất uy tín trước người đọc và dư luận. Nhiều báo phải rút bài, cải chính nhưng không thể làm vơi đi sự thiếu thiện cảm với các nhà báo thời “mở cửa, bung ra”. Thậm chí có nhà báo bị dư luận gán cho tội đồng loã với sai trái. Đó là nỗi khổ tâm, là sự vất vả của các nhà báo hôm nay.

Còn một điều nữa mà các nhà báo cũng hết sức trăn trở và người đọc cũng băn khoăn: Với số dân gần trăm triệu nhưng tỷ lệ đọc báo không nhiều, thì hơn 700 tờ báo in và tạp chí cùng mấy chục báo nói, báo hình nhưng cùng lên một nội dung, cùng nói một giọng, trong cùng một thời điểm… làm người ta dễ có cảm giác như nghe một dàn đồng ca một bè không hoà âm phối khí. Nhưng tạo riêng cho mình một giọng riêng, một cách thể hiện riêng thì không phải tờ báo nào cũng làm được và không phải nhà báo nào cũng có đủ dũng cảm để làm vì có rất nhiều hệ luỵ kéo theo.

Thực tế hiện nay báo chí đang phải cạnh tranh với thông tin kỹ thuật số. Nhưng liệu có thể làm được việc này không, khi các nền tảng công nghệ của thế giới với các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang ngày càng chiếm ưu thế trong định hình cách hoạt động của Internet? Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cấu trúc toàn bộ môi trường truyền thông trên toàn thế giới. Có lẽ không nên tính chuyện cạnh tranh mà phải đồng hành cùng nó thôi. Điều này đòi hỏi các nhà báo, các cơ quan báo chí muốn tồn tại phải phát triển tư duy công nghệ. Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi số, đưa khẩu hiệu “chuyển đổi số hay là chết” làm thành chương trình hành động cụ thể. Nếu trước đây chỉ quyển sổ và cái bút đã có thể tác nghiệp thì bây giờ cần đến các phương tiện hiện đại của kỹ thuật số để chuyển tải nội dung một cách phong phú sinh động. Gánh nặng tài chính và công nghệ buộc các nhà báo phải chia sẻ cùng với cơ quan chủ quản. Đối với những nhà báo mới vào nghề thì đây là thách thức không hề nhỏ.

Trong khi các nhà báo, các cơ quan báo chí của chúng ta vẫn phải đang chật vật với việc chuyển đổi số thì mạng xã hội đã kịp tạo ra hàng triệu nhà báo nghiệp dư của nền “báo chí công dân”. Một sự việc thường nhật đâu đó (ví dụ đánh chửi nhau, quan hệ bất chính…) hay một ý đồ mới manh nha chưa thành chủ trương mà bị rò rỉ, thì chỉ 5 phút sau đã lên mạng xã hội. Tin tức lan truyền theo cấp số nhân, chỉ vài giờ sau thì hàng chục triệu người đã nắm được thông tin. Tiếp theo là sự ồn ào của dư luận. Chưa kể đến việc các tin giả tràn lan, các tin trái với thuần phong mỹ tục dày đặc trên mạng xã hội gây không ít những phiền toái cho việc điều hành xã hội và trật tự an ninh trong cộng đồng. Trước thực trạng ấy, các nhà quản lý không thể việc gì cũng cấm và trên thực tế có ra lệnh cấm cũng không thực sự hiệu quả. Lúc ấy, các báo phải lên tiếng, nhà báo phải vào cuộc. Vấn đề lúc ấy đặt ra là nhà báo phải tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để đưa đến cho người đọc những thông tin trung thực, đồng thời phải biết phân tích thấu đáo hiện tượng vừa có tình có lý. Có như vậy mới tạo được lòng tin vững chắc trong nhân dân. Nhưng để làm được việc này đòi hỏi nhà báo phải vững vàng về lập trường, có lòng dũng cảm, tính trung thực, có tư duy nhạy bén và cách trình bày thuyết phục.

Thực tế trong hơn 700 tờ báo và tạp chí thì có khá nhiều tờ báo và tạp chí không được nhà nước bao cấp hoặc bao cấp một phần. Làm báo như thế nào để đảm bảo doanh thu, có thu nhập cho đội ngũ phóng viên biên tập viên là việc mà những người phụ trách các tờ báo luôn trăn trở. Vì vậy, các phóng viên phải vất vả tìm cho mình nguồn thông tin phong phú, tìm cách viết thuyết phục, tìm cách trình bày hấp dẫn. Và hơn nữa trong kinh tế thị trường thì giữa các báo trong hệ thống cũng có sự cạnh tranh lành mạnh với nhau. Đây là thách thức không hề nhỏ với người làm báo. Chỉ cần buông lỏng ý thức một chút hoặc sơ suất một chút là hệ luỵ khôn lường. Thực tế đã có những nhà báo phải chịu hình phạt của pháp luật vì những sai phạm nghề nghiệp. Những hiện tượng ấy đang làm xói mòn lòng tin của công chúng và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan báo chí trong hệ thống thông tin chính thống.

Trước những thách thức của thời kinh tế thị trường và kỹ thuật số, nhà báo phải kiên định vững vàng cho dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng người làm báo cũng phải biết tương tác với người đọc, lắng nghe phản biện và biết bày tỏ chính kiến trước những sự việc, hiện tượng cụ thể. Muốn vậy phải luôn linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề và có cách nhìn đa chiều khách quan. Mặt khác cũng nên lắng nghe ý kiến của quần chúng, dám phản ánh ý nguyện của quần chúng, có sự học hỏi những phân tích sắc sảo có tình có lý trên mạng xã hội. Đây cũng là một nhân tố tích cực giúp người làm báo nâng cao nghiệp vụ đồng thời có những phản biện chân thành, giúp lãnh đạo đề ra những quyết sách hợp lý để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Phấn đấu để đạt đến tầm nhà báo phải là nhà văn hoá trong đời sống xã hội hôm nay và trong tương lai.

Nhà văn Mai Tiến Nghị

Nguồn Văn nghệ số 24/2023


Có thể bạn quan tâm