April 27, 2024, 2:20 pm

Nguyễn Quang Hà và bài thơ trước thời điểm Đổi mới 1986

Tôi có may mắn được gặp gỡ, trò chuyện nhiều với nhà văn Nguyễn Quang Hà như một người bạn văn chương vong niên và cũng như một người bác trong gia đình. Do đó, tôi được đọc bản thảo tập thơ sắp in của ông. Đa phần đều là những thi phẩm đã nổi tiếng trên văn đàn trong nhiều năm qua, được in nhiều nơi và nay được tổng hợp lại trong một hợp tuyển thi ca. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là, tư duy văn xuôi, vốn đã trở thành phong cách định hình của lối viết Nguyễn Quang Hà - thứ tạo ra một thứ căn cước nghệ thuật của riêng ông, đã không phương hại đến tư duy trữ tình trong thơ. Đây là một điểm khá hiếm trong làng văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Nguyễn Quang Hà không làm nhiều thơ, nói cách khác, chỉ là nhà thơ tay ngang nếu so với Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, hay thậm chí Hoàng Phủ Ngọc Tường - những bạn văn cùng thế hệ, sống cùng thời, song ông vẫn kịp để lại một di sản nhất định. Bài thơ làm tôi chú ý đặc biệt lại xuất phát từ kỉ niệm, kí ức cá nhân của riêng mình: Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985.  Sở dĩ tôi chú ý bài thơ này ngay từ đầu bởi nó được sáng tác đúng vào năm 1985, năm tôi sinh ra đời. Tôi muốn biết năm mình sinh ra đời đất nước đã trong hoàn cảnh nào, có biến cố gì xảy ra, những văn nghệ sĩ như Nguyễn Quang Hà đã sống và viết như thế nào ở thời điểm ấy. 1985 có thể nói là một thời điểm lịch sử quan trọng, bởi đất nước đứng ngay trước ngưỡng cửa Đổi mới. Nhưng Đổi mới vẫn chưa được bắt đầu, có nghĩa là nạn quan liêu bao cấp vẫn còn đó, tình trạng nghèo đói, bế quan tỏa cảng vẫn còn hiện diện. Đặc biệt năm 1985 còn xảy ra một biến cố mà sau này những người còn sống vẫn thường xuyên nhắc lại: cơn bão thuộc hàng khủng khiếp nhất Việt Nam nửa sau thế kỉ XX. Bố mẹ tôi từng kể lại rằng năm đấy  khi bão vào cây cối, nhà cửa ở Huế gãy đổ, tan hoang hết cả, ai nấy đều hoảng loạn, sợ hãi.

Bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 thể hiện đúng tính chất thời sự và trách nhiệm công dân của Nguyễn Quang Hà, luôn đồng hành cùng dân tộc và không bao giờ đứng ngoài các biến cố của lịch sử. Chỉ riêng Gio Hải, sự tàn phá của cơn bão đã rất khủng khiếp: Đang đêm sóng thần ập vào/ 148 ngôi nhà bị cuốn đi mất tích/ 2300 người lang thang/ Đi trên đất cũ làng xưa/ Chỉ thấy cát và cát.

Tình thế của nhân dân Gio Hải sau bão rất thê thảm: Gạo cứu trợ không có nồi nấu/ Áo rách không có kim may/ Bới đất đồi tìm nước ngọt/ Cầm hơi qua ngày. Những con số cụ thể trong thơ Nguyễn Quang Hà là một thủ pháp đặc biệt. Tôi còn nhớ, đại văn hào G.G.Márquez từng cho rằng, những con số cụ thể đưa vào trong văn học là một thủ pháp nghệ thuật. Nếu nói rất nhiều nhà cửa và đa số nhân dân đều bị ảnh hưởng, tàn phá trong cơn bão năm 1985 thì sẽ có người không mấy tin tưởng, hoặc sự đồng cảm dừng ở một mức độ “chung chung” nào đó. Nhưng khi thi sĩ miêu tả cụ thể có 148 ngôi nhà bị lũ cuốn và 2300 người trở thành vô gia cư, thì ai cũng đồng cảm, tin tưởng sâu sắc vào thông điệp tác phẩm văn học nói đến. Vì một điều giản đơn rằng, qua những con số này cho thấy mức độ cụ thể, chi tiết của thiên tai, quan trọng hơn, nó cho thấy nhà văn có đi trực tiếp đến hiện trường, chứ không phải đóng phòng văn… tưởng tượng. Vốn là một chiến sĩ xông pha trận mạc, lại từng là phóng viên chiến trường, nên Nguyễn Quang Hà luôn xông vào những điểm nóng nhân dân cần, bất kể trong thời bình hay thời chiến. Tính xung kích và tiên phong đã làm nên phẩm cách Nguyễn Quang Hà. Hãy đọc kĩ những vần thơ này, bạn đọc có thể tự cảm nhận được trái tim và tâm hồn của thi sĩ: Nhìn nhau, nhìn trời, nhìn đất/ Bần thần ngơ ngác đôi tay/ Tôi nhìn ra biển khơi xa/ Biển xanh biêng biếc/ Vẫn sóng bạc đầu/ Vẫn hải âu bay/ Như không hề có bão/ Như không hề có sóng thần chi hết cả/ Bỗng tôi giật mình/ Nhận ra/ Mặt biển đêm qua và mặt biển bây giờ/ Rõ ràng bão giông là có thật/ Biển xanh là có thật.

Bờ biển Gio Hải. Ảnh: Báo Quảng Trị

Tôi cứ mãi ám ảnh với những câu thơ này. Bài thơ hình như cố gửi một thông điệp nào đó đến với chúng ta. Cơn bão ngoài thực tại hình như báo hiệu một cơn bão lớn lao nào đó trong tâm hồn, trước thực trạng đất nước đang khủng hoảng, trì trệ trước thời điểm Đổi mới (1986). Số phận lầm than, đói kém, vô gia cư của người dân Gio Hải có phải là một ẩn dụ nào đó về số phận dân tộc Việt Nam dưới nạn quan liêu, cửa quyền trước Đổi mới? Bài thơ đã dự cảm về những sự thay đổi lớn lao sắp sửa diễn ra, tất yếu phải diễn ra, bởi đời sống nhân dân đã quá cực khổ. Nếu Đổi mới không diễn ra như câu chuyện lịch sử mà chúng ta đã biết, thì quả thật, “bão giông là có thật - biển xanh là có thật”. Dĩ nhiên, sẽ có những cách diễn giải khác nhau cho đoạn thơ này, khác hẳn cách “suy diễn” của tôi. Song cái hay của nghệ thuật thi ca đích thực là tạo ra những khoảng trống nhòe mờ, để người đọc được phép đồng sáng tạo theo cách mà mình muốn. Sức mạnh của thi ca nằm ở sự khuất chìm của những tầng ý nghĩa, của sự nhòe mờ của các thông điệp, của sự vẫy gọi đồng sáng tạo từ phía người tiếp nhận. Những hình tượng bão giông, biển xanh, sóng thần… trong thi phẩm này của Nguyễn Quang Hà, theo tôi, không nên chỉ nhìn đơn nghĩa và một chiều xuất phát từ một sự kiện lịch sử (thiên tai). Nó là bài thơ báo hiệu cho đêm trước Đổi mới, với những thay đổi lớn lao “long trời lở đất” sắp sửa được diễn ra. Nó cũng phản ánh trực diện đời sống nhân dân lầm than, và sự yếu kém của chính quyền cách mạng trong giai đoạn quan liêu bao cấp. Rõ ràng khi thiên tai xảy ra, chính quyền đã không ứng phó, cứu trợ đủ nhanh, đủ hiệu quả để giúp đỡ cho nhân dân. Hãy đọc kĩ lại đoạn thơ này thêm một lần nữa, và suy ngẫm sâu hơn: Gạo cứu trợ không có nồi nấu/ Áo rách không có kim may/ Bới đất đồi tìm nước ngọt/ Cầm hơi qua ngày.

Rõ ràng chính quyền Trung ương vẫn có gạo cứu trợ, vẫn có sự viện trợ, song chính quyền tại cơ sở đã không có một phương án hữu hiệu nào để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân. Với tôi, một tác phẩm văn học hay phải khái quát được bức tranh toàn cảnh của hiện thực, cái hiện thực hữu hình, trước mắt chỉ nên là điểm khởi đi, là nguyên cớ cho những hiện thực bề sâu, hiện thực tổng quan của thời đại và xã hội. Tôi tin rằng, thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 của Nguyễn Quang Hà có nhiều tầng ý nghĩa, và tôi cũng mong bạn đọc có thể tìm thêm những tầng ý nghĩa khác theo cách thông diễn của cá nhân mình, ngoài cách hiểu của cá nhân tôi.

Đoạn cuối của bài thơ cũng gợi ra trong tôi rất nhiều câu hỏi băn khoăn, nghi vấn: Ôi chẳng lẽ lại là có thậtChẳng lẽ lại là của chính đại dương?/ Thì raBiển cũngThay lòng.

Đây là một cái kết bỏ ngỏ, gợi ra nhiều suy ngẫm. Lời thơ thoạt nhiên như một câu trách móc đại dương về những thiên tai mà nó đã gây ra cho con người. Nhưng đại dương là một thực thể thiên nhiên vô tri, bản chất ngàn đời của nó là biến động và khó lường, không lẽ thi sĩ lại “ngây thơ” đi trách móc đại dương “thay lòng”? Bạn có thể nghĩ theo cách ấy, song với tôi, Nguyễn Quang Hà không nói đại dương như một nghĩa đen, mà là ẩn dụ về chính quyền trước Đổi mới. Sự quan liêu, bao cấp, cơ chế quản lí kinh tế lạc hậu trong một giai đoạn dài đã kéo lùi vị thế đất nước, làm kinh tế khủng hoảng, nhân dân đói khổ. Biển đã thay lòng phải chăng là sự tha hóa, sự đánh mất những phẩm chất cách mạng của không ít những cán bộ trong thời hòa bình, khi được nắm trong tay tư liệu sản xuất và của cải chung của nhân dân. Một thời kì bao cấp tem phiếu đầy đói khổ, mô hình hợp tác xã ở nông thôn đầy bất cập chính là sự thay lòng của biển? Nguyễn Quang Hà không nói thẳng điều ấy trong thơ, song ông cũng làm chúng ta phải thao thức trước sự thay lòng của biển với những từ cảm thán đầy ngạc nhiên lẫn xót xa: ôi chẳng lẽ, chẳng lẽ

Tôi cho rằng, cái kết đầy băn khoăn và hoang mang này của thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 càng chứng minh rằng, cơn bão cuồng nộ năm 1985 là có thật, song nó chỉ là cơn bão bề mặt cho những khổ đau và khát vọng đổi thay mà Nguyễn Quang Hà muốn thực sự nói đến. Những gì đã xảy ra sau khi bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 ra đời, chúng ta vẫn thường nói rằng, chuyện đó đã trở thành lịch sử. Những thành tựu mà ngày nay chúng ta đang thừa hưởng đều là những thành tựu rực rỡ từ thời kì Đổi mới. Hơn ba mươi bảy năm qua, đất nước từng bước thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được thay đổi một cách căn bản, tất cả những gì chúng ta đang có ngày hôm nay đã từng được Nguyễn Quang Hà suy ngẫm và dự báo trong bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985.

Chức năng dự báo của văn học trong trường hợp này đã được thể hiện đầy đủ, và nhà thơ như một cánh chim báo bão ngoài đại dương, đã tiên báo cho chúng ta những biến động lớn lao của lịch sử đất nước sắp sửa diễn ra. Tôi cho rằng, ở thời điểm này, đọc lại thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985, bản thân Nguyễn Quang Hà sẽ có nhiều mãn nguyện, bởi những khát vọng, những trăn trở của ông cách đây gần 40 năm đã được thực hiện chưa trọn vẹn, song đã được phần cơ bản nào đó.

Nguyễn Quang Hà là người hành trình qua chiến tranh đến hòa bình, sống và viết vắt qua hai thế kỉ, hẳn rằng nhà văn nhận ra được những khó khăn và chứng kiến được những đổi thay, mới mẻ ngày hôm nay của quê hương. Thiên tai, bão lũ vẫn còn đó hằng năm. Người dân vẫn chết và mất nhà cửa trong các cơn bão lũ, song hoạt động cứu trợ của chính quyền, hoạt động sơ tán, cảnh báo đã được thực hiện tốt, chưa kể các hoạt động thiện nguyện của nhân dân đã kịp thời giúp đỡ các nạn nhân của thiên tai. Chính vì vậy, những cơn bão sau này, dù cũng khủng khiếp không kém cơn bão năm 1985 nhưng Nguyễn Quang Hà không làm thơ về thiên tai nữa. Nhà văn đã có thể yên tâm để yêu trọn vẹn trong thơ, hoặc sống lại một cuộc đời thanh niên đấu tranh trong tiểu thuyết. Thơ ca như vậy, không chỉ là câu chuyện thời sự, nhất thời, mà nó là câu chuyện phổ quát, quy luật về cuộc đời.

Phan Tuấn Anh

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm