April 28, 2024, 11:30 am

Nguồn vốn vay tài chính vi mô Thanh Hóa góp phần giúp người phụ nữ vượt khó, nuôi con biệt tật thành cô giáo

Trên hành trình xây dựng và phát triển, với phương thức cho vay đơn giản, hiệu quả, thân thiện, nguồn vốn vay của Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã trở thành điểm tựa, gieo niềm tin, hy vọng cho biết bao phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, từng bước ổn định cuộc sống, vươn tới tương lai.

Đó cũng chính là câu chuyện cảm động về nỗ lực, cố gắng, ý chí, quyết tâm của chị Nguyễn Thị Tình thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chị là mẹ của em Lê Thị Thắm, em sinh ra không có tay bẩm sinh, nhưng hôm nay em Thắm đã là cô giáo. Trong những yếu tố làm nên điều kỳ diệu đó, như tình yêu thương gia đình, cộng đồng và sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa thì nguồn vốn vay Tài chính Vi mô Thanh Hóa đã giúp gia đình có thêm điều kiện kinh tế để em Thắm hoàn thành chương trình đại học, biến ước mơ thành hiện thực.

Chị Nguyễn Thị Tình vượt khó nuôi con biệt tật trưởng thành

Lê Thị Thắm sinh năm 1998, lớn lên trong một gia đình thuần nông lại không được may mắn, như bạn bè cùng trang lứa. Khi mới chào đời, em chỉ nặng hơn 1kg, không có hai tay và phải chịu sự giày vò của nhiều căn bệnh khác. Từ những ngày sưng rộp ngón chân, vụng về tập viết những chữ cái đầu tiên, đến vượt qua các cấp học phổ thông, có lần em ngất đi tỉnh lại vì sức khỏe yếu, Thắm đã thi đỗ vào khoa Sư phạm tiếng anh, trường Đại học Hồng Đức. Sau khi ra trường, Thắm mở lớp dạy tiếng anh miễn phí cho trẻ em trong làng được nhiều học trò và phụ huynh quý mến.

Vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo tuyển dụng đặc cách cho em Thắm. Trong niềm hạnh phúc của cả gia đình, hồi tưởng lại hành trình đã đi qua, từ những ngày còn thiếu khó trăm bề, chị Tình, mẹ của Thắm chia sẻ: Gia đình có hai đứa con, Thắm là con gái đầu, thiệt thòi đủ điều. Thời điểm sinh Thắm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp, dột nát. Lúc bấy giờ, tôi chưa có việc làm, chủ yếu ở nhà chăm con nhỏ, quanh quẩn với đồng ruộng, chăn nuôi thêm. Gánh nặng kinh tế đổ dồn lên đôi vai chồng làm cửu vạn khó nhọc, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập bấp bênh. Thắm kém may mắn sinh ra đã không tay, lại đau ốm liên miên, đi viện nhiều hơn ở nhà nên khó khăn càng chồng chất thêm. Rất may, thông qua Tổ chức phụ nữ thôn, xã, chị Tình đã biết đến Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Sau khi tìm hiểu, chị Tình thấy các vấn đề về thủ tục vay vốn khá đơn giản, thuận tiện, phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên quyết định tham gia vay vốn để tăng gia sản xuất. Từ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, chị Tình mua thêm con giống, mở rộng nên việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Đến nay, chị Tình đã là khách hàng thân thiết suốt hơn 10 năm của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Chị Tình cho biết thêm: Nhờ vay vốn TCVM để phát triển sản xuất mà chị Tình đã có điều kiện, trang trải việc học hành, đầu tư các thiết bị, đồ dùng học tập và dạy học cho em Thắm gồm máy tính xách tay, máy chiếu, máy in…

Tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa hơn 10 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Tình đã từng bước vượt qua khó khăn, cuộc sống nhiều đổi thay. Từ căn nhà cấp 4 dột nát năm nao, nay gia đình chị Tình đã có mái ấm khang trang, tiện nghi hơn. Chị Tình bộc bạch: Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của gia đình là có thể đi qua những gian khó, nuôi dạy các con trưởng thành. Hôm nay cháu Thắm đã là cô giáo. Chúng tôi có được niềm hạnh phúc ấy cũng một phần là nhờ nguồn vốn vay TCVM Thanh Hóa.

Câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Tình cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Từ đây, TCVM Thanh Hóa càng ý thức được trách nhiệm cộng đồng của mình trên hành trình xây dựng và phát triển.

Bài và ảnh: Lê Nga

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm