May 3, 2024, 9:25 am

Người nơi hiểm địa

Nói theo cách của Nguyễn Huy Thiệp, văn chương chữ nghĩa là mảnh đất đáng sợ. Sinh thời, nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng bộc bạch rằng, ông đã đi từ tình yêu đối với chữ, rồi đến kính chữ và sợ chữ. Vì yêu – kính – sợ chữ, mà người ta ứng xử với chữ một cách thận trọng, không thể tùy tiện được. Chữ tạo ra thế giới, tạo ra con người, hay nói khác đi, chữ chính là người vậy.

Không có gì tồn tại ngoài ngôn ngữ (hiểu rộng ra là những hệ thống ký hiệu biểu nghĩa – diễn ngôn), bởi vậy, khi bước vào thế giới của chữ, chúng ta có cơ hội được gặp con người, với tất cả sắc thái của nó, cả sự hóa trang – ngụy trang hay bản chất nguyên sơ cùng hành trình tạo dựng bản sắc chủ thể của con người ấy. Chân tướng và hình tướng của người hiện ra trong chữ. Xuất phát từ ý nghĩ ấy, tôi bước vào Hiểm địa văn chương (Nxb Hội Nhà văn, 2023) – Tập tiểu luận – phê bình vừa mới công bố của Phùng Gia Thế.

Con người khoa học - thấu đáo mà chừng mực

Phùng Gia Thế là một nhà khoa học. Đó cũng là tâm thế chủ đạo khi anh bước vào Hiểm địa văn chương. Ham muốn truy tìm chân lý, khám phá những miền đất mới, những giá trị mới, kể cả là những thách thức mới, đã đưa Phùng Gia Thế đến văn chương, mà anh xem đó là “hiểm địa”. Hiểm địa, có lẽ trong cách hình dung của Phùng Gia Thế không chỉ là văn chương nghệ thuật (rộng), mà còn là các vấn đề - tác giả - hiện tượng hiểm hóc - dị biệt (hẹp - ở đây), và cũng có thể nghĩ đến không gian của sự đọc – viết (không gian cư ngụ). Dù trong không gian nào, con người khoa học vẫn trội lên để làm chủ tư duy, cảm xúc của mình, với lối nghị luận mực thước, chặt chẽ và thuyết phục. Phẩm tính ấy bao trùm trên hành trình khám phá hiểm địa của Phùng Gia Thế, đặc biệt là ở những bài viết có tính khái quát về một số vấn đề của văn học Việt Nam đương đại (Tác giả thời hiện đạiXu hướng Các-na-van hóa trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam đương đạiThế giới dị biệt, ngoại biên trong văn xuôi Việt Nam đương đạiGiải trí, sự chơi và việc ứng xử với nghệ thuật…). Đối với khoa học, vấn đề không phải là nói to, nói nhiều hay được số đông tán thưởng. Khoa học dựa trên những luận giải – minh chứng bằng tri thức, bằng khả năng đưa vấn đề tiệm cận với chân lý hoặc mở ra những chân trời nhận thức mới. Vì thế, tiếng nói thầm, nói nhỏ, đơn độc, thậm chí nghịch luận, nghịch nhĩ có khi lại mang trong lòng nó sức mạnh của sự khai sáng. Tôi thích cách diễn giải của Phùng Gia Thế về luận đề “Cái chết của tác giả” (R. Barthes); Xu hướng Các-na-van hóa hay các hiện tượng dị biệt, ngoại biên trong văn chương. Đó là lối diễn giải sáng rõ, khúc chiết và ngắn ngọn, đủ mang đến cho người đọc những thông tin căn bản về vấn đề. Người viết tỏ ra hiểu và nỗ lực trình bày sự hiểu của mình một cách thông suốt nhất, giản dị nhất có thể. Biết và hiểu là hai cấp độ, hai cảnh giới khác nhau của tồn tại… Chẳng hạn, Phùng Gia Thế lập luận để chỉ ra rằng: Cái chết của tác giả, bản chất là việc xóa bỏ niềm tin vào sự thống trị của tác giả trong diễn giải văn chương, nới rộng các khả năng tạo nghĩa của văn bản – sự đọc. Xóa bỏ sự thống trị đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội. Tuy vậy, điều đó không mang hàm ý cực đoan đến mức phủ nhận sạch trơn vai trò của tác giả mà chỉ xem nó như một thành tố trong cấu trúc của diễn giải. Nhận thức ấy, theo tôi là căn bản và thấu đáo trước tinh thần của R. Barthes. Tuy vậy, con người khoa học vốn không dừng lại khi các hiểm địa liên tục mở ra và thách thức. Nỗi hoài nghi và cả ham muốn tường tận sự việc, đưa Phùng Gia Thế đến những đối cực khác, nảy sinh từ chính luận đề của R.Barthes (bắt nối lên trước với tinh thần của F. Nietzsche). Đó là “những cái cần chết” (chủ thể, cá nhân, văn bản, độc giả): “… việc lật đổ huyền thoại về tác giả của R. Barthes, như nhiều người đã phản biện, phải chăng lại dẫn chúng ta đến với niềm tin dị đoan không kém vào bạn đọc? Và như thế, phải chăng, người đọc với tư cách tiêu chuẩn của diễn giải có thể soán ngôi tác giả? Ý nghĩa của văn bản trước đây bị cầm tù bởi tác giả giờ đây lại bị cầm tù bởi bạn đọc, bởi nhà phê bình? Trên thực tế, ai cũng biết, bạn đọc, tự thân nó, chưa bao giờ là tất cả cho sự tồn tại và sự cắt nghĩa văn chương” (tr.16). Cứ như vậy, diễn giải văn chương là một hành trình cấp nghĩa vô tận, dựa trên các khả năng mà nó có thể được trưng dụng, thực hành. Thiên hà của ý nghĩa không ngừng được giãn nở, làm nên đời sống của văn chương nghệ thuật.

Con người khoa học, không phải là sản phẩm bẩm sinh. Đó là người được rèn giũa, được đào tạo một cách bài bản trên tinh thần hướng đến mẫu nhà phê bình hàn lâm, kinh viện. Không khó để nhận ra cốt cách trí thức sa-lon trong những diễn giải của Phùng Gia Thế khi bàn về các tri thức gợi lên từ M. Bakhtin, R. Barthes, J.Kristeva, JF.Lyotard, M. Foucault… Thế nên, trong tiểu luận của Phùng Gia Thế, chữ nghĩa có nét sang và sáng, sắc sảo mà điềm đạm, làm chủ điều mình nói – hay đúng hơn là chữ luôn trong trạng thái chủ động, tạo được cảm giác tin cậy cho người giao tiếp, đối thoại.

Trong Hiểm địa văn chương, vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm được Phùng Gia Thế khảo sát cũng hóc hiểm, đầy thách thức. Ở đó, con người khoa học đã đứng ra, lãnh nhận vai trò nhà thám hiểm, truy tìm, nhận diện và đối thoại. Ở Việt Nam, những cái tên như Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Quang Lập, Lê Anh Hoài... quả nhiên sẽ cần một tư duy đủ mạnh để có thể dấn bước vào vương quốc văn chương của họ. Đó thực sự là những văn nhân (dị nhân, quái nhân) trong hiểm địa chữ nghĩa mà nhà khoa học đã can đảm đi tìm. Không chỉ thế, với các vấn đề nghị bàn, người đọc cũng nhận ra sự hăm hở, tò mò, ưa khám phá và bản lĩnh của Phùng Gia Thế. Đó có khi là những câu chuyện về chủ nghĩa cấu trúc – giải cấu trúc, hậu hiện đại, liên văn bản – liên văn hóa; có khi là cái dị biệt, ngoại biên, siêu hình; cũng có khi lại là những đề tài - chủ đề - đối tượng cấm kị, kiêng dè trong tư duy và mĩ cảm thông thường… Một dẫn chứng tiêu biểu cho kiểu con người khoa học này chính là việc tác giả dụng công nghiên cứu “Tục thi” của Đỗ Anh Vũ. Chúng ta biết rằng, dưới con mắt của khoa học, mọi đối tượng đều bình đẳng. Hành động ấy xác lập tinh thần khoa học của Phùng Gia Thế trên hành trình tiến vào các hiểm địa.  

Con người nghệ sĩ - phiêu lưu và mơ mộng

Nếu con người khoa học hiện lên với vẻ sắc sảo mà vẫn điềm đạm chừng mực, thì con người nghệ sĩ lại là một chiều kích khác, một bản diện khác của Phùng Gia Thế. Không thể chỉ tiến vào hiểm địa với đôi chân thận trọng bước đi trên mặt đất, hay các phương tiện – thao tác kỹ thuật được. Để chạm đến những không gian ẩn mật, những vùng hiểm địa thực sự, cần phải có đôi cánh của sự tưởng tượng, mộng mơ và ít nhiều phiêu lưu nữa. Phùng Gia Thế, rất may, lại mang sẵn điều ấy trong mình như là một thứ căn cốt bẩm sinh.

Dĩ nhiên, khoa học rất cần tưởng tượng. Ở đây, tôi muốn nói đến kiểu con người nghệ sĩ với những tưởng tượng, mộng mơ có phần phiêu lưu hơn, mơ hồ hơn, nghịch dị hay kì quái, để tương thích với đối tượng mà Phùng Gia Thế khảo sát, thăm dò. Rõ ràng, xét về mặt đặc tính, thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương là một hiểm địa. Cõi giới Nguyễn Đức Sơn là một hiểm địa. Tục thi của Đỗ Anh Vũ lại là một dạng hiểm địa khác… Con người phiêu lưu, mơ mộng với không ít tò mò, hiếu kỳ, lấp lánh ánh mắt khá tinh quái, đôi quãng lại thấp thoáng nét kiêu ngầm khi soi vào các hiểm địa làm hiện hình bản dạng nghệ sĩ của Phùng Gia Thế. Có thể nói, tiểu luận Nguyễn Đức Sơn càn khôn tịch mịch phô bày một cách đầy đủ những phẩm tính vừa nêu ở trên: “Khác với Bùi Giáng, ưa xê dịch, Nguyễn Đức Sơn dành phần lớn cuộc đời mình sống trong rừng, tự trồng cây hái quả, ăn chay trường, xa cách cuộc đời bụi bặm. Bùi Giáng yêu hình bóng của mình, hình dung ra mình, chính xác hơn, ông truyền thông mình trong hình ảnh thi sĩ-kẻ điên-triết gia cực kỳ xuất sắc (và tất nhiên, ông là một kẻ điên thiên tài bay lượn giữa nhân gian), còn Nguyễn Đức Sơn vừa lăn lộn “tức thở”, “hộc máu”, vừa là kẻ “du đãng”, “lảng vảng” trên mặt đất. Ông không “chơi đời mình” như Bùi Giáng, nhưng ông lại có một cuộc chơi lớn khác, không phải chơi giỡn với ngôn từ, mà chơi giỡn với càn khôn.” (tr.101). Đặt Nguyễn Đức Sơn trong tương sánh với Bùi Giáng (Hai trong “tứ trụ” của thi ca miền Nam 1945 – 1975, thêm Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên) để nhận ra nét quỷ dị, phiêu ngạo hay kỳ độc, bất phàm, cả cái thiêng – thanh hay tục – bụi của họ quả là một góc nhìn đích đáng. Không dễ để người viết thung thăng trong hiểm địa này, nếu không có phẩm tính nghệ sĩ với chiều kích đủ rộng để dung chứa những sắc thái của đối tượng. Cảm nhận cách mà Phùng Gia Thế bình luận, trích dẫn thơ Nguyễn Đức Sơn ta thấy điều đó. Dĩ nhiên, cũng không thể không thừa nhận, từ trường Nguyễn Đức Sơn quá lớn, hút người thám hiểm vào lãnh địa của mình, và nâng đỡ, cảm hóa, khai mở thế giới tinh thần, trạng thái, ngôn ngữ của người viết. 

Tài – Tình – Tính – Du – Mĩ có thể xem căn tính của con người tài tử. Phùng Gia Thế ít nhiều đã thể hiện khía cạnh tài tử của mình trong Hiểm địa văn chương. Bổ túc cho nhân dạng này, ta sẽ thấy trong nhiều tiểu luận khác, khi anh viết về Đỗ Phấn, Nguyễn Tiến Thanh, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Nguyễn Thế Hùng, Trần Nhật Minh, Lê Anh Hoài, Nguyễn Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Bùi Việt Phương, Uông Triều, Vũ Thanh Lịch, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Lương Kim Phương… Đậm nhạt, mỗi tiểu luận là một góc nhìn, một phát hiện, một thấm thía mà Phùng Gia Thế có ý tỏ bày phẩm tính nghệ sĩ của mình khi giao thiệp cùng văn nhân và văn chương. Nếu con người khoa học duy trì ánh nhìn duy lý thì con người nghệ sĩ lại góp thêm sắc thái tinh tế, bén nhạy, mộng mơ và đồng vọng. Bởi thế, trong mịt mùng hiểm địa, Phùng Gia Thế chạm vào được những mạch vỉa có giá trị. Chẳng hạn, “Vạn sắc hư vô gợi ra vũ điệu của tang ma, không phải cuộc thế phồn sinh… Nhân vật của Ngân Vi không sống, mà trôi trong cõi sống” (tr.89); “Đỗ Phấn là người ưa đi nhịp chậm. Tha thiết, sâu thẳm, kỳ khu, ông kiên nhẫn bày cuộc chơi của riêng mình…” (tr.98); “… truyện ngắn Đỗ Tiến Thụy là sự hiện thực hóa những trải nghiệm cá nhân của một tâm hồn nức nở” (tr.183); “Với Hân (Tống Ngọc Hân – NTT), văn chương là thứ để cùng đau, cùng ngẫm, cùng phán xử, nhưng đồng thời cũng là hạt mầm gieo cái thiện cho cuộc đời vốn dĩ lắm khổ đau. Hơn tất cả, nó phải hướng về sự tử tế của con người, dẫu rằng đó chỉ là một khát vọng xa xăm, mơ hồ, nhưng rất cần, như một lời cầu kinh bên vực thẳm” (tr.233); “Văn Trần Nhật Minh đẹp, tinh tế, cổ điển, phảng phất buồn, đôi khi tựa hồ tiếng chuông trong gió thoảng” (tr.241)… Quả là, con người nghệ sĩ đã đồng hành, nâng đỡ con người khoa học trên hành trình thám mã Hiểm địa văn chương.

Lẽ ra, còn có thể phác họa gương mặt con người đời thường – ham vui và trọng nghĩa tình trong Hiểm địa văn chương. Thế nhưng, cấn cá quá, tôi đành gác lại, bởi dường như yếu tố nhân thân hay những quan hệ đời tư xã hội đã chen vào dòng tâm tư của tôi. Mà, như Phùng Gia Thế đã bàn trên tinh thần của R. Barthes, ít nhiều tôi phải cảnh giác, dè chừng với sự thao túng của uy quyền tác giả, sự lũng đoạn một cách bạo tàn của chủ thể. Con người đời thường ấy, dẫu vậy, vẫn hiện diện trong chữ nghĩa của Phùng Gia Thế. Hẳn rồi, sẽ có dịp, khi những kẻ du hành dừng bước bên rìa một càn khôn, hiểm địa nào đó, chúng ta sẽ nói về kiểu con người đời thường này, như một cách nhìn về gốc rễ của sự hiện hữu con người và văn chương.

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm