April 28, 2024, 7:33 am

Người máy, người nhân bản và những tinh cầu kí ức của Kazuo Ishiguro

Tiểu thuyết sci-fi (science fiction - khoa học viễn tưởng) của Kazuo Ishiguro - chủ nhân giải Nobel  văn chương 2017, dường như thiếu vắng nhiều đặc trưng thể loại: những cỗ máy toàn năng, những công nghệ tân tiến bậc nhất, những nền văn minh siêu phàm, hay hành trình khám phá vũ trụ và chạm trán các chủng tộc ngoài hành tinh. Tuy vậy, chính cách tiếp cận độc đáo đã khiến những gì ông dự cảm về tương lai của nhân loại, về sự mất mát ký ức và nhân tính trở nên rúng động.

Lời tiên tri của lịch sử

Lịch sử đồ sộ và huy hoàng của sci-fi chứng kiến những cột mốc đầu tiên vào thế kỷ XIX, với những sáng tác mang tính biểu tượng và ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa đại chúng, như Frankenstein của Mary Shelley, Dr. Jekyll and Mr.Hyde của Robert Louis Stevenson, The Time Machine của H.G.Wells, hay những tiểu thuyết phiêu lưu kì vĩ của Jules Verne. 

Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Marshall B. Tymn, những hạt mầm của sci-fi thực chất đã được gieo từ hàng nghìn năm trước đây, thông qua kho tàng thần thoại và truyện dân gian của các dân tộc. Do đó, sci-fi không chỉ là một thể loại, một dòng sách hay một xu hướng văn hóa, mà đã luôn song hành với sự phát triển của nhân loại, dự báo và chứng kiến những bước tiến lớn về khoa học - công nghệ đủ sức định hình đời sống xã hội và trải nghiệm làm người của mỗi cá nhân.

Nhà văn Kazuo Ishiguro. Ảnh NPR

Kế thừa bề dày lịch sử đó, nhiều tác phẩm sci-fi đã đạt đến tầm vóc đáng nể và được ví như những biên niên sử mang tính hư cấu, như tuyển tập Dune (Xứ Cát) gồm 6 quyển của tác gia Frank Herbert hay bộ sách The Three-Body Problem (Tam thể, tên chính thức là Remembrance of Earth’s Past) của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân. Các sáng tác này đem đến những kiến giải sâu sắc về sự phát triển khoa học và công nghệ, về xã hội, chính trị, những nan đề đạo đức và sự tồn vong của nhân loại. 

Thể loại sci-fi phát triển rực rỡ không chỉ trong văn chương, mà còn mang tới cho điện ảnh không ít tác phẩm kinh điển; từ sáng tạo của những bậc thầy như Solaris (Andrei Tarkovsky, 1972), 2001: A Space Odyssey (Stanley Kubrick, 1968), đến những biểu tượng văn hóa đại chúng - Arrival (Denis Villeneuve, 2016), Blade Runner 2049 (Denis Villeneuve, 2017), The Matrix (Lana Wachowski & Lilly Wachowski, 1999), Under the Skin (Jonathan Glazer, 2013)...

Trong suốt hành trình phát triển, các tác phẩm sci-fi tầm cỡ không chỉ hình dung viễn cảnh tương lai, mà còn đặt ra những câu hỏi hóc búa về bản chất con người, ý nghĩa của việc làm người, cũng như những lựa chọn đạo đức của nhân loại trước sự ưu việt của công nghệ.

Thế nào là một con người?

Không sở hữu những bộ sách đồ sộ về dung lượng như Frank Herbert hay Lưu Từ Hân, song Kazuo Ishiguro chỉ cần tiểu thuyết Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi, 2005) và sau này là Klara and The Sun (Klara và Mặt Trời, 2021) để trở thành một tên tuổi nổi bật của dòng văn học sci-fi.

Lấy bối cảnh nước Anh những năm 1990, Mãi đừng xa tôi kể về số phận của những người nhân bản - human clones. Họ được nuôi dạy tại trường nội trú Hailsham chỉ để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất: hiến tạng cho những con người nguyên bản. Trong thế giới của họ, cái chết chỉ đơn thuần là khi công việc đã ‘xong xuôi’, cơ thể đã suy kiệt và chẳng còn lí do gì để tồn tại.

Cuốn sách là những dòng hồi ức bất tận của Kathy H. - nhân vật chính và đồng thời là người kể chuyện. Cô hồi tưởng quãng đời của mình từ thuở thiếu thời ở Hailsham đến khi trở thành người chăm sóc, rồi chứng kiến Tommy và Ruth - hai người bạn thân, lần lượt tiến hành hiến tạng và chấp nhận cái chết như một định mệnh không thể chống đỡ.

Câu chuyện u buồn mang màu sắc phản địa đàng (dystopia) của Mãi đừng xa tôi có không ít nét tương đồng với hành trình trưởng thành của một con người; từ sự trải nghiệm những sắc thái phức tạp của tình yêu, tình bạn, nỗi cô đơn, cho đến việc chấp nhận rằng mình không thể nào đối đầu với thế giới hay thay đổi cách nó vận hành. 

Một số cuốn sách của Kazuo Ishiguro xuất bản tại Việt Nam. Ảnh Phan Chung

Những tinh cầu ký ức

Mang thân phận của những con người ‘thay thế’, Kathy và tất cả bạn bè của cô chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại nỗi tuyệt vọng và mất mát: kí ức, hay khả năng ghi nhớ. 

Kí ức và những sang chấn tinh thần là đề tài đã được Kazuo Ishiguro khám phá đến những tầng sâu thẳm - và bước lên đỉnh cao nhờ nó. Trong văn chương của ông, kí ức của một cá nhân nhỏ bé có khả năng phản chiếu những biến động lịch sử và mất mát của cả một thời đại.

Nhiều khi, nhân vật của Ishiguro chỉ là vai phụ trong chính câu chuyện họ kể, như người quản gia tận tụy trong Tàn ngày để lại (1989) hay cô bé người máy Klara trong Klara và Mặt Trời (2021). Họ tồn tại là để quan sát và chiêm nghiệm mọi việc bằng sự nhẫn nại, cẩn trọng và tỉ mỉ phi thường, rồi lưu giữ ký ức về những con người khác, về một thời đại đã qua, về những mộng ước và lí tưởng đẹp đẽ đã bị thực tại nghiền nát. 

Tương tự, Kathy H. - trong vai trò người chăm sóc, đã chứng kiến vô số người hiến tạng ‘hoàn thành’ nhiệm vụ. Chỉ những kí ức trìu mến và đau buồn vẫn còn đó, thuộc về riêng cô và không ai có thể tước đoạt:

“Những kí ức mà tôi trân quý nhất, tôi không hề nghĩ chúng sẽ bao giờ phai nhạt đi. Tôi đã mất Ruth, rồi tôi mất Tommy, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh mất kí ức của tôi về họ.” 

Đó cũng chính là cách Kathy ghi nhớ về mọi thứ: Hailsham, những bức vẽ, cuốn băng có những bài hát của Judy Bridgewater, và Norfolk - nơi ta có thể tìm thấy thứ quan trọng mình đánh mất từ những năm tháng xa xôi. Hay khi Tommy nói với cô rằng, thật đáng tiếc khi họ đã không thể ở bên nhau mãi mãi, như cách hai người dưới nước cố sức ôm chặt lấy nhau mà vẫn chẳng thể chiến thắng dòng nước xiết. 

Một tình yêu chân thành và thuần khiết

Tiểu thuyết mới nhất của Kazuo Ishiguro - Klara và Mặt trời, cũng được thuật lại dưới dạng hồi tưởng. 

Không từng trải, đầy nuối tiếc và phiền muộn như Kathy trong Mãi đừng xa tôi, cô bé người máy - hay Artificial Friend (Người bạn nhân tạo) có tên Klara lại ngây thơ, hiếu kì và luôn khao khát khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia, cũng như những cảm xúc phức tạp của con người. Vốn là một robot thế hệ cũ, Klara cũng đối diện với nỗi sợ bị những robot đời mới hơn thay thế - như cách chúng ta vẫn lo lắng về sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo. 

Bởi vậy, không phải sự ưu việt hay tân tiến, mà điều khiến Klara trở nên đặc biệt lại rất gần gũi với con người: sự trong sáng và thuần khiết của trẻ thơ, nỗ lực thấu hiểu và giúp đỡ cô bé Josie ốm yếu, cũng như sự nhạy cảm, bao dung và đáng tin cậy của một người bạn chân thành, ngay cả khi đứng trước những rạn nứt, đổi thay trong cuộc sống và các mối quan hệ. 

Trên hết, Klara tin ở quyền năng của Mặt Trời, vào tình thương và sự sống thiêng liêng mà Mặt Trời ban phát cho muôn loài một cách vô điều kiện - dù con người đã đối xử tàn tệ với thiên nhiên và môi trường. 

Đó cũng là cách Kazuo Ishiguro nói với chúng ta về sự tận hiến và tình yêu thuần khiết, như ánh dương vĩnh cửu vẫn luôn tỏa rạng trên những tâm hồn không tì vết(*). Bởi với ông, niềm tin mãnh liệt rằng tình yêu có thể chiến thắng định mệnh và cái chết là một phần quan trọng trong mỗi con người, và trong chính trải nghiệm làm người. 

_________

*Lấy từ cụm Eternal Sunshine of the Spotless Mind, một câu thơ do Alexander Pope sáng tác vào thế kỉ XVIII và cũng là tựa đề một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Michel Gondry.

Triều Dương

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm