April 27, 2024, 7:09 pm

Nghĩ thêm về phim lịch sử

Đã có khá nhiều đàm luận về phim lịch sử và cách thức làm phim lịch sử. Lịch sử có nhiều thời đoạn, nhà làm phim lịch sử bằng công việc sáng tạo của mình cũng tiếp cận với các thời đoạn khác nhau của lịch sử, tùy theo vốn liếng kiến văn và cảm hứng tự thân.

Phim lịch sử xuất hiện khá sớm. Nếu lấy mốc ra đời của nghệ thuật thứ bảy là năm 1895 thì ở các thập niên đầu của thế kỉ XX, thế giới đã có những bộ phim lịch sử vóc vạc như: Sự ra đời của một quốc gia (Mỹ), Chiến tranh và hòa bình (phim đen trắng, 1 tập - Nga), Vua Lia (Anh), Napoleon Bonapate (Pháp)… Ở Việt Nam, vào năm 1923, phim Kim Vân Kiều, dựa theo tác phẩm Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du đã được Công ty chiếu bóng Đông Dương thực hiện và gây được tiếng vang lớn. Tiếp đó là phim Cánh đồng ma (hợp tác với điện ảnh Hong Kong), có văn hào Nguyễn Tuân sắm vai…

 Ngày nay, phim lịch sử, nhất là phim lịch sử cổ trang, đã trở thành một dòng phim có nhiều thành công ấn tượng vào loại bậc nhất trong các nền điện ảnh lớn như: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan…

Theo sách Lịch sử điện ảnh Việt Nam, ngoại trừ dòng phim lịch sử chiến tranh cách mạng đã được khởi nguồn từ năm 1959 với tác phẩm Chung một dòng sông, thì phim lịch sử cổ trang Việt mới được bắt đầu xuất hiện liên tục từ cuối thập niên 1980. Tính đến nay danh sách phim truyện lịch sử, dã sử cổ trang có thể đã lên tới gần ba con số. Đây là một cố gắng lớn của các nhà điện ảnh Việt Nam, khi đất nước còn nghèo, khi một nền điện ảnh bản địa chưa thể gọi là phát triển bền vững.

Tuy nhiên, mảng phim lịch sử cổ trang chưa trở thành một dòng chảy sắc độ; chưa thật nhiều tác phẩm chất lượng cao, đóng những cột mốc dấu ấn trong lịch sử phát triển điện ảnh Việt và cảm nhận của khán giả cũng như giới làm nghề.

Hạn chế này luôn là nỗi niềm của ngành điện ảnh, truyền hình và của đông đảo nhà làm phim lịch sử.

Một cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt.

Ai làm phim lịch sử cũng đều dễ thống nhất với nhau rằng, lịch sử của một dân tộc được tồn tại thành nguồn “thông sử” từ buổi khởi thủy cho đến hiện tại là dựa vào ba mạch chính: truyền thuyết, các bộ sử kí ghi chép biên niên và các bộ sách văn học sáng tác về đề tài lịch sử. Nhà làm phim lịch sử nhất thiết phải bám chặt vào ba nguồn gốc đó.

Thế nên, nhà làm phim lịch sử, bên cạnh các tố chất năng khiếu, kĩ thuật tay nghề, lòng đam mê sáng tạo như bất kì một nghệ sĩ điện ảnh nào khác, cần phải có nguồn lực kiến văn. Đó là sự uyên bác, là cách phát hiện vấn đề từ muôn ngàn sử liệu xung quanh thời đoạn lịch sử và nhân vật lịch sử.

Sự kiện Hội nghị Diên Hồng năm 1284, trong chính sử chép như sau: “Thượng hoàng cho gọi các phụ lão trong nước về họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế. Các phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một”. Chỉ với 35 từ đó, vào năm 1941, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết trên tạp chí Tri Tân một bài nghiên cứu vài ngàn từ. Về sau, ông còn viết về sự kiện này dài hơn trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng khá sinh động. Ngày nay, nếu nhà điện ảnh nào đó định làm phim về sự kiện Hội nghị Diên Hồng, có thể viết kịch bản nhiều tập hàng trăm trang cũng không thể hết chất liệu.

Khi có kiến văn sâu rộng, nhà làm phim lịch sử có thêm tự tin để thể hiện cao nhất tính chân thực của lịch sử. Nhớ lại, vào dịp năm 2010, nhân sự kiện lớn kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều bộ phim lịch sử về nhà Lý được thực hiện, trong số đó có một bộ phim do cách trailer bằng các hình ảnh tướng sĩ ra trận đều đội mũ đầu mâu, thế là dư luận ồn lên, trang phục giống phim Trung Quốc, phải sửa chữa, phải cắt gọt... Do vậy, các phim lịch sử làm sau đó, nhà làm phim liền cho tướng sĩ ra trận chỉ chít khăn đỏ hoặc khăn vàng trên đầu cho… an toàn. Nhưng trong Đại Việt sử kí toàn thư, toàn bộ sự kiện cả năm Nhâm Dần - 1002 chỉ được chép có hai việc: 1. “Mùa xuân tháng 3, định luật lệ, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban, đổi mười đạo thành lộ phủ châu”; 2. “Xuống chiếu làm mấy ngàn mũ đầu mâu, ban cho sáu quân”.

Mọi người, nếu có đọc đoạn sử ngắn, chép cũng chỉ có 35 từ này thì chắc chắn việc mấy cái mũ đầu mâu binh phục cuối Tiền Lê, đầu triều Lý đã không bị tranh luận. Và cũng có thể hiểu thêm rằng, cách để đầu chít khăn thường là “binh phục” của các tướng sĩ của cuộc khởi nghĩa nông dân, vì lúc mới dấy nghĩa, họ còn nghèo. Khi đã có chính quyền, có triều đình và quân chính quy thì binh phục ắt phải có mũ đầu mâu, áo giáp sắt thì tướng mới có khả năng tự hộ vệ mỗi khi lâm trận, đồng thời cũng thể hiện quân uy binh mã của một triều đình.

Với nhà làm phim lịch sử cổ trang, ngoài việc tiếp khận khai thác “nguyên liệu” từ lịch sử, từ truyền thuyết, còn một nguồn nữa cũng hết sức quan trọng là các tác phẩm văn học về lịch sử.

Với dạng loại thứ hai này, đặc biệt là với các tác phẩm văn học nổi tiếng, một bộ phim “chuyển thể” hoặc “dựa theo” nào đó không mấy thành công đều mắc phải các hạn chế như: làm sai lệch thời gian lịch sử; không giữ được hình tượng, diện mạo các nhân vật chính đã được độc giả mặc định lòng yêu và ghét, sự trọng vọng và khinh miệt; thay đổi quá nhiều nội dung cốt truyện cũng như ý tưởng mà độc giả đã nằm lòng trong sự đọc.

Về bối cảnh và quy mô của phim lịch sử, có thể không nhất thiết phải hoành tráng nhưng cũng không thể bài trí đơn giản, sơ lược. Nhớ lại, hồi phim lịch sử mới bắt đầu vào cuộc, vì thiếu kinh phí và phương tiện nên nhà làm phim phải dùng xe lội nước “làm cốt” rồi trang trí cảnh “thuyền rồng” có vua chúa ngự tọa bên trên. Mỗi khi thuyền bơi, khói từ xe lội nước phun ra, họa sĩ phải làm cảnh Hồ Tây “mịt mờ khói tỏa” nhưng vẫn không thể che được toàn bộ sự giả; rồi cảnh một vị mệnh quan hộ thành đi tuần đêm cũng chỉ có một mình một ngựa với dăm tên lính vác giáo nháo nhác chạy bộ theo sau. Ngày nay, kinh phí làm phim rất lớn, một số phim cơ bản thỏa mãn nhu cầu tài chính theo yêu cầu của nhà làm phim lịch sử nhưng “thói quen” của một thời kham khổ dường như vẫn chưa dứt bám đeo.

Đây là những dấu trừ trên con đường xây dựng một nền điện ảnh phát triển và chuyên nghiệp.

Cũng còn thêm khá nhiều yêu cầu nữa, song có một yêu cầu rất cốt tử, đảm bảo sự được/ mất của một bộ phim lịch sử. Đó là diễn viên vào vai nhân vật lịch sử. Diễn viên đó nhất thiết phải có diện mạo và sự nhập vai thỏa mãn sự chờ đợi của khán giả. Nhà điện ảnh Nga trứ danh, đạo diễn phim lịch sử Chiến tranh và hòa bình (4 tập - Giải Oscar, 1968), X. Bondartruk đã nói: “Chọn diễn viên đúng, hóa trang giống nhân vật là đảm bảo thành công cho bộ phim tương lai đến 51%”.

Nói thường dễ hơn làm, nhưng trong trường hợp bàn về phim lịch sử, đặc biệt là phim lịch sử cổ trang, cũng không hề dễ, vì rằng đây là về một thời quá vãng xa xăm. Có nhà thông thái đã nói: “Chúa không thay đổi được quá khứ nhưng sử gia thì có thể”. Dù là khó, nhưng chắc chắn rằng, các đồng nghiệp điện ảnh, các thức giả, các khán giả có tình yêu tha thiết với phim lịch sử sẽ tiếp tục làm phim lịch sử, bàn luận về phim lịch sử, với mong muốn, dòng phim lịch sử Việt sẽ trở nên mùa màng bội thu và chuyên nghiệp.

Lê Ngọc Minh

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm