May 2, 2024, 9:13 pm

Nghệ thuật sắp đặt - câu chuyện từ một phòng tranh mới

Một trong những thể loại được coi là mới lạ của nghệ thuật đương đại, cái tên Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art) luôn gây tò mò cùng với Video Art, Nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art), Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art), Nghệ thuật Đa phương tiện (Multimedia Art)…

Các thể loại này không chỉ khiến nhiều nghệ sĩ hào hứng thực nghiệm, mà còn không ngừng gây “sốc”, gây chú ý và cả những phản ứng gay gắt từ phía công chúng tiếp nhận. Trải qua một chặng dài, với rất nhiều nghệ sĩ tiên phong đã và đang tiếp tục thực hành sứ mệnh nghệ thuật… khó tính (có thể ví như vậy) này, nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam nói riêng hiện được đón nhận ra sao, các nghệ sĩ có còn tràn đầy năng lượng sáng tạo, và những trở ngại họ gặp phải như thế nào, đó là câu chuyện của cá nhân một hai nghệ sĩ, hay là câu chuyện chung của rất nhiều nghệ sĩ hoạt động ở những lĩnh vực này?

Các nghệ sĩ và giảng viên, sinh viên Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội tại Beaux-Arts de HIGGS

“Beaux-Arts de HIGGS” là một Studio “trẻ” do ba họa sĩ: Dương Qúy Dương, Lê Bảo Ngân và Lê Minh Châu tổ chức. Họ vừa thực hiện triển lãm nghệ thuật đầu tiên vào tháng 9/2022, thì vào tháng 11/2022, một triển lãm mới diễn ra, và ngay sau đó một triển lãm nữa có thể sẽ tiếp nối, tạo thành một chuỗi các hoạt động góp phần khởi động lại dòng chảy của nghệ thuật đương đại nước nhà sau một thời gian dài ngưng đọng, đình trệ vì đại dịch.

Với 12 nghệ sĩ đương đại trong và ngoài nước như Lê Anh Hoài, Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Quang Hải, Hồng Phạm, Hoàng Ngọc Dũng, Nachita Tara, Daniel Kerkhoff, Dan Henneberry… cùng những tác phẩm có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại (chất liệu và phong cách), thì, như nhận xét của nhà văn, nghệ sĩ Lê Anh Hoài: Đây là một nơi có không khí nghệ thuật khá mới. Mới ngay từ tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ tham gia triển lãm. Theo họa sĩ Dương Quý Dương: Tiêu chí của studio là chọn những gương mặt nghệ sĩ thật thà với bản thân, có tình yêu, sự cống hiến hết lòng cho nghệ thuật, và từ chối thẳng thừng những tác phẩm thị trường được tạo bởi những nghệ sĩ chiều lòng thị hiếu số đông.

 Tại “Beaux-Arts de HIGGS”, câu chuyện về nghệ thuật sắp đặt gây chú ý đặc biệt, mặc dù các tác phẩm thuộc loại hình này không nhiều. Nổi bật là tác phẩm Mầm sống của nữ nghệ sĩ Hồng Phạm và loạt tác phẩm của nghệ sĩ người Mỹ Daniel Kerkhoff. Mầm sống là một tác phẩm sắp đặt có yếu tố điêu khắc, bằng những chất liệu rất thân thiện với môi trường như bông, vải, kể câu chuyện của vòng đời, sự sinh tồn, tính hai mặt xấu - tốt, đúng - sai. Loạt tác phẩm của Daniel Kerkhoff là câu chuyện về sự phối ghép: “Tôi dùng chính những hoạt động của tôi và rác do tôi thải ra, để suy nghĩ về sự mất mát và chuyển hóa. Đống rác chất chồng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Tôi tái chế và tái sử dụng. Những thứ được cho là vô dụng và đáng bỏ đi được thổi vào một ý nghĩa và giá trị mới. Chúng trở thành ký ức, gợi lên hành trình và lịch sử của tôi cũng như phản ánh lại hành trình và lịch sử chung của chúng ta. Lối mòn mà chúng ta đang đi theo có thể hướng xuống hoặc hướng lên. Mặt trời xuất hiện mỗi ngày, mọc và rồi lặn trên Trái đất nhưng chỉ có chúng ta đang tự xoay tròn, xoay tròn mãi”

Theo nghệ sĩ Lê Anh Hoài, những nghệ sĩ lựa chọn thực hành nghệ thuật sắp đặt thường là rất… dũng cảm, và không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Bởi việc tiếp cận thị trường của loại hình nghệ thuật này còn khó hơn các loại hình khác. Trong khi ở ta, người sưu tập đã rất hiếm hoi, bảo tàng nghệ thuật đương đại chưa có, tác phẩm lại chiếm nhiều không gian và việc bảo quản, lưu trữ rất khó khăn.

Với những tác phẩm sắp đặt, cái khó là cần một không gian để trưng bày. Lẽ dĩ nhiên, có những tác phẩm sắp đặt dài hạn, có khi là vĩnh cửu trong một không gian nhất định nào đó, nhưng thường thì sau các triển lãm và các cuộc trưng bày, tác phẩm ấy trở lại với xưởng của nghệ sĩ, một số tái xuất trong các chương trình nghệ thuật hay trở thành một phần của hình thức nghệ thuật khác như điện ảnh, nhiếp ảnh...

Nói đến việc lưu trữ những tác phẩm sắp đặt, nghệ sĩ Hồng Phạm chia sẻ: Theo tôi được biết, ở những nước tiên tiến và có nền tảng nghệ thuật lâu đời, họ có những bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật sắp đặt. Những nhà sưu tập cũng sẵn sàng mua và lưu trữ những tác phẩm sắp đặt nếu chúng có giá trị lớn về văn hóa và tư tưởng. Nhưng ở ta, phần lớn nghệ sĩ sắp đặt vẫn phải loay hoay với việc tự lưu trữ, bảo quản tác phẩm, nhưng thường thì do gặp khó khăn về không gian trưng bày, lưu trữ, nên nhiều nghệ sĩ, trong đó có tôi đã phải hủy tác phẩm của mình, và tác phẩm ấy chỉ còn tồn tại trong ảnh hoặc phim tư liệu.

Tác phẩm sắp đặt thường khó bán, nên nghệ sĩ sẽ khó thu lợi nhuận từ tác phẩm, do đó, họ chỉ sáng tạo và nuôi dưỡng sáng tạo bằng sự đam mê. Theo nghệ sĩ Hồng Phạm, nhiều khi tác phẩm hỏi được mua, nhưng nghệ sĩ lại không thể bán, vì một tác phẩm sắp đặt không phải được hoàn thành trong thời gian ngắn. Và khi nghệ sĩ cần một cuộc trưng bày có hệ thống, thì khó làm lại một phiên bản khác thay thế phiên bản đã được mua. Nữ nghệ sĩ cũng chia sẻ: Nếu một nghệ sĩ bị chi phối bởi vấn đề bán tác phẩm để mưu sinh, thì điều đó lại thành một hạn chế, người nghệ sĩ sẽ không còn tự do sáng tác và theo đuổi những mục tiêu và ý tưởng riêng biệt. Nếu nghệ sĩ có một nguồn sống khác, thì anh ta sẽ không còn phải quan tâm đến việc tác phẩm làm ra có bán được hay không. Anh ta sẽ thỏa mãn được đam mê của chính mình. Nên, với nghệ sĩ thực hành nghệ thuật sắp đặt, tác phẩm được đưa ra tiếp cận với công chúng, được công chúng tiếp nhận, thì điều này còn ý nghĩa hơn việc bán tác phẩm rất nhiều.

Khó khăn là thế, nhưng sự đón nhận của công chúng và đặc biệt là các nhà quản lý nghệ thuật đối với nghệ thuật sắp đặt vẫn còn rất hạn chế. Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ: Việc đổ lỗi cho công chúng khó tiếp nhận những cái mới trong nghệ thuật, đặc biệt là những ngành nghệ thuật mới như trình diễn, sắp đặt chẳng hạn, cũng chỉ là một phần do sự hạn chế trong tư tưởng thẩm mỹ của họ, nhưng một phần, có lẽ lớn hơn, chính là do những nhà quản lý. Họ hạn chế về tư tưởng và trình độ thẩm mỹ, nên không đứng về phía cái mới. Nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại hay đương đại đi chăng nữa thì cũng phải nói lên tiếng nói riêng của mình. Nghệ thuật ở ta nhìn chung lâu nay bị theo lối mòn, cũ, muốn hay ho thì phải có những tầm nhìn mới những tư tưởng mới thì mới theo kịp thế giới.

Cuối cùng, theo nghệ sĩ Lê Anh Hoài: Công chúng cần nhìn nhận nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo là cái đẹp của xã hội, chứ không phải nghệ sĩ đang làm cái gì đó khác thường, rất kỳ quái. Nghệ sĩ chỉ đang làm ra cái đẹp, và vì cái đẹp mà thôi.

Ngân Giang

Nguồn Văn nghệ số 50/2022

 

Có thể bạn quan tâm