May 3, 2024, 12:16 am

Nghệ thuật hay cuộc sống, điều gì đáng giá hơn?

Từ câu chuyện bức tranh Sunflowers trị giá khoảng 84,2 triệu đô la Mỹ của Vincent van Gogh bị tạt súp cà chua hồi đầu tháng 10/2022, và “nạn nhân” mới nhất là bức tranh Les Meules (Đống rơm) trị giá 110,7 triệu USD của danh họa Pháp Claude Monet ở nhà bảo tàng Barberini ở Potsdam (Đức) hôm 23/10/2022, người ta đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa những chủ nghĩa bảo vệ môi trường và nghệ thuật: Nghệ thuật có thể thay đổi thực tế về môi trường hay không? Nghệ thuật có nên là đối tượng để người ta nhắm đến vì mục đích bảo vệ môi trường hay không? Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?

 

Cuộc biểu tình của Just Stop Oil và bức tranh “Sunflowers” tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London.

 

Vụ việc xảy ra khi nhóm biểu tình Just Stop Oil cùng các liên minh (nhóm Letzte Generation - Thế hệ cuối cùng - và nhiều nhóm hoạt động vì môi trường tương tự) đã gây ra các cuộc tấn công nhắm vào các kiệt tác nghệ thuật trên khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu trong thời gian gần đây, nhằm ngăn chính phủ cam kết cấp các giấy phép mới liên quan đến việc thăm dò, phát triển và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các nhóm này nhắm mục tiêu vào các tổ chức văn hóa và nghệ thuật vì họ tin rằng chính trị tuân theo văn hóa và văn hóa sẽ giúp gây áp lực lên chính phủ. Tất nhiên, họ đảm bảo rằng trong các cuộc tấn công, các tác phẩm nghệ thuật sẽ không bị hư hại, vì họ cẩn thận sử dụng các loại sơn phù hợp và thân thiện với môi trường (như súp cà chua, khoai tây nghiền chẳng hạn).

Các chuyên gia khí hậu nói rằng các chính phủ ngày nay đang ký lệnh khai tử cho các thế hệ tương lai.

Về khía cạnh hoài nghi, Just Stop Oil cho biết, việc đổ súp lên các kiệt tác nghệ thuật khiến mọi người đặt câu hỏi tại sao một cuộc tấn công vào một bức tranh lại gây khó chịu hơn là thất bại trong hành động chống lại biến đổi khí hậu.

 “Nhiều người chỉ trích hành động của chúng tôi bởi vì “chúng ta nên để các viện bảo tàng trong hòa bình”. Có thể họ không hiểu rằng sự bất tiện mà chúng tôi tạo ra chẳng là gì so với 1 tỷ người di cư vì khí hậu và nhiều cái chết mà cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra”.

Nhưng, tại sao lại là Sunflowers của Van Gogh?

Về việc tấn công bức tranh Sunflowers của Van Gogh, Just Stop Oil nói: “Bức tranh này được bảo vệ, còn chúng tôi thì không. Và điều gì đáng giá hơn - bức tranh này, hay tương lai của nhân loại?” Sau đó, những kẻ tấn công nghệ thuật đã có một bài phát biểu, trong đó họ hỏi du khách rằng liệu họ “quan tâm hơn đến việc bảo vệ một bức tranh, hay việc bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?”

Trong một tuyên bố với New York Times, đại diện Just Stop Oil nói rằng Sunflowers không liên quan gì đến biến đổi khí hậu. Nó đã được họ nhắm tới đơn giản vì nó là “một bức tranh mang tính biểu tượng, của một họa sĩ biểu tượng” và bằng cách tấn công nó, họ sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn. Tính cụ thể của bức tranh có ý nghĩa biểu tượng hơn nữa, theo Just Stop Oil, súp, một loại thực phẩm rẻ tiền được chọn để nhấn mạnh việc biến đổi khí hậu tác động không cân đối đến những người nghèo như thế nào.

“Vincent Van Gogh là một nghệ sĩ nghèo khổ, người phải vật lộn để kiếm sống. Cũng giống như nhiều gia đình đang làm hiện nay do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nguyên nhân là do nhiên liệu hóa thạch.” Có phải việc xúc phạm một bức tranh còn tồi tệ hơn việc cố ý hủy diệt hành tinh?

Nói tóm lại, đây chỉ là một cách lợi dụng các kiệt tác để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, khi các video clip về vụ việc đăng tải trên mạng xã hội và những người tấn công bức tranh đã bị bắt, nhưng một làn sóng giận dữ của công chúng vẫn dấy lên, các nhóm còn lại được gọi là “những nhà hoạt động vì môi trường” khác đã phải đối mặt với những lời chỉ trích. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Việc tấn công một tác phẩm nghệ thuật là chính đáng về mặt đạo đức? Và đây có thực sự là kiểu hoạt động mà chúng ta cần để tạo ra sự thay đổi?

 

Bức tranh Les Meules (Đống rơm) trị giá 110,7 triệu USD của danh họa Pháp Claude Monet bị tạt súp khoai tây hôm 23/10/2022. Ảnh: SOTHEBY’S

 

Trong khi các nhà phê bình đã đặt câu hỏi tại sao Van Gogh và kiệt tác của ông bị đối xử như vậy, thì “các nhà hoạt động” nói rằng đó không phải là vấn đề thiếu tôn trọng, mà là làm nổi bật những gì xã hội của chúng ta coi trọng - cả theo cách nghiêm túc và hoài nghi. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Just Stop Oil nói rằng họ tin rằng tác phẩm nghệ thuật trong Phòng trưng bày Quốc gia đại diện cho “sự sáng tạo và rực rỡ của nhân loại”, điều mà họ nói “cần được nâng niu và bảo vệ”. Nhưng “điều đó sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta cho phép hành tinh của mình bị phá hủy bởi biến đổi khí hậu. Chúng ta đã chứng kiến thời tiết khắc nghiệt gia tăng, do biến đổi khí hậu thúc đẩy, dẫn đến việc phá hủy các địa danh tự nhiên và đe dọa các trung tâm văn hóa như phòng trưng bày nghệ thuật trong thập kỷ qua”.

Đây không phải là lần đầu tiên một tổ chức khí hậu như Just Stop Oil nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng để thu hút sự chú ý về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong nhiều tháng, các tổ chức khí hậu trên khắp châu Âu đã tấn công vào những bức tranh nổi tiếng. Tại Anh, Đức, đến Ý… các nhà hoạt động đã tác động tới các tác phẩm nghệ thuật, từ tranh của John Constable đến các kiệt tác của Rubens. Hồi tháng 5, một “nhà hoạt động” thậm chí đã ném bánh lên kính của bức tranh Mona Lisa trong một hành động “chống lại những người đang phá hủy hành tinh.”

Tháng 7 vừa qua là một tháng đặc biệt phổ biến đối với kiểu phản đối này: Just Stop Oil tấn công vào phiên bản Bữa tối cuối cùng của Leonardo da Vinci, và tổ chức hành động vì khí hậu của Ý, Ultima Generazione, đã “tấn công” Primavera (Mùa xuân vĩnh cửu) của Botticelli ở Florence và một tác phẩm điêu khắc Boccioni ở Milan.

Vậy, lý do mà “các nhà hoạt động” tấn công các kiệt tác nghệ thuật là sự kết hợp của giá trị gây sốc, thể hiện các ưu tiên của con người và tạo ra các kết nối.

Trong khi các nhà hoạt động coi nghệ thuật là một chỗ dựa hữu ích và một khi tin tức về một kiệt tác được sử dụng trong một cuộc biểu tình, họ chọn một kiệt tác khác để thu hút sự chú ý.

Không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề biến đổi khí hậu hoặc các phương pháp phản đối tốt nhất. Nên việc tốt nhất hiện nay là các viện bảo tàng phải chi một núi tiền ra để bảo vệ các kiệt tác nghệ thuật nhân loại chặt chẽ hơn.

Yên Châu

Nguồn Văn nghệ số 46/2022


Có thể bạn quan tâm