May 2, 2024, 9:49 am

Nghệ thuật của tín ngưỡng dân gian

Một trong những thành tố của Di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là hát Chầu văn. Hát Chầu văn còn được gọi là hát hát hầu đồng, hát bóng. Đây là một loại hình nghệ thuật ca hát nghi lễ cổ truyền của Việt Nam, có tiết tấu cao, là hình thức diễn xướng kết hợp dân ca, dân vũ, dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh.

Không chỉ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Chầu văn còn phố biến trong các tín ngưỡng dân gian khác, được thực hành tại các đền, đình, miếu, phủ, trong các lễ hội làng và trên sân khấu nghệ thuật.

Một tiết mục diễn xướng Chầu văn và nghi lễ hầu đồng do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội tổ chức tại đền thờ Hai Bà Trưng, Hà Nội tháng 4/2023. Ảnh: Quang Thanh

Quê hương của Chầu văn được cho là các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và sau này là nhiều nơi khác trên đất nước. Điều này giải thích vì sao trang phục của người trình diễn trong nghi lễ hát Chầu văn rất phong phú, đa dạng, thể hiện bản sắc của từng vùng, miền, giúp người xem hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc.

Nhìn về góc độ văn hóa, Chầu văn là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam, trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch, mỹ thuật… Các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, guitar phím lõm, trống ban (trống con), trống đế, phách, cảnh, thanh la, sinh tiền, chén gõ (Chầu văn Huế) và ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu… Có ý kiến cho rằng “Nhạc Chầu văn tuy là thể loại gắn liền và có mối quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng vẫn không bị gò bó, phụ thuộc vào nghi lễ mà chứa đựng tính hồn nhiên, linh hoạt của âm nhạc dân gian. Đó là phong cách riêng không lẫn với bất cứ thể loại nào khác”.

Đặc biệt, Chầu văn kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu như mượn làn điệu của Chèo, Ca Trù, Ví Dặm, Quan Họ, Ca Huế, các điệu hát của các dân tộc thiểu số. Phần lời trong hát Chầu văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, song thất lục bát, hát nói… Các làn điệu của Chầu văn cơ bản gồm: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú rầu (phú dầu), Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn Xá, Kiều Dương, Hãm, Dồn, điệu kiều thỉnh, Hát Sai (Hành Sai), ngâm thơ.

Khi bước vào một không gian của Chầu văn, người ta rất dễ bị cuốn hút bởi hình thức sống động qua màu sắc của trang phục, sự đa dạng của điệu hát, lời hát, âm nhạc… Do các đặc trưng riêng, Chầu văn thường được hiểu là một loại hình nghệ thuật phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Ngày nay, Chầu văn không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghi lễ mà cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng. Ngoài các nội dung bài hát ca ngợi quê hương, cảnh đẹp đất nước, ca ngợi công đức, kể sự tích các thánh, khen vẻ đẹp ngoại hình và thú phong lưu của các vị ấy, đồng thời tả cảnh và xin được ban ơn phù hộ, thì hát Chầu văn còn có phần lời ca ngợi cha mẹ sinh thành, tình yêu đôi lứa, và nói chung là ngợi ca cuộc sống.

Nói đến Chầu văn, không thể không kể đến Chầu văn Huế.  Hát Chầu văn cửa đình được xem là thịnh hành nhất nơi xứ Huế, các cung văn hát những bài thơ ca ngợi thành hoàng làng và cầu phúc cho dân chúng. Chầu văn Huế có đặc trưng riêng, trên cơ sở hệ thống thang âm cổ truyền (thang năm âm – ngũ cung) của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó mang tính không ổn định và thường chuyển biến trong thang âm vì lệ thuộc vào giọng hát, thủ thuật nhấn, rung của cung văn.

Ca sĩ dòng nhạc Dân gian Tân Nhàn trong MV “Cô Đôi Thượng ngàn”

Ở Chầu văn, âm nhạc, điệu múa, lời ca mang đặc trưng của nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng, nên thường được hiểu là một loại hình nghệ thuật chỉ phù hợp với những nơi thờ tự như đình, đền, miếu, hội. Song, Chầu văn nhiều khi đã tách khỏi không gian đó để bước lên sân khấu nghệ thuật như một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Nhiều nghệ sĩ đã gắn bó nhiều năm với Chầu văn như Thanh Ngoan, Xuân Hinh, Văn Chương, Tuyết Tuyết... Chầu văn được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng thành tiết mục biểu diễn. Một trong những bài Chầu văn nổi tiếng nhất là “Cô đôi Thượng Ngàn” được nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thể hiện như MV “Cô Đôi Thượng Ngàn” của ca sĩ dòng nhạc Dân gian Tân Nhàn, hay Sao Mai Hương Ly... Các tiết mục này đều được số đông công chúng đón nhận tích cực. Năm 2020, Hoài Thanh, một nghệ sĩ trẻ đã tổ chức một liveshow hát Chầu văn, với mục đích để Chầu văn được tôn vinh đúng với giá trị mà không phải là “ăn theo” hầu đồng như những nhận định trước đây, từ đó tạo đà để Chầu văn được bước ra sân khấu nhiều hơn và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Rồi liên tiếp nhiều địa phương, tổ chức các Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn, nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc.

 “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Điều này đã khích lệ chính quyền và nhân dân các địa phương phát huy và bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có Chầu văn. Đặc biệt, tỉnh Nam Định, nơi được cho là người dân địa phương và khách thập phương thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ diễn ra tập trung nhất, thì các câu lạc bộ hát văn, hát Chầu văn cũng rất phát triển. Tuy nhiên, có một tình trạng chung mà bao lâu nay báo chí phản ánh, người dân phàn nàn, nghệ sĩ bức xúc chính là đã xuất hiện hiện tượng trục lợi từ di sản, Chầu văn, theo đó đã bị biến tướng, từ ca từ, âm nhạc (đưa ca khúc nước ngoài vào hát Chầu văn) đến trang phục của người biểu diễn. Nghệ sĩ Chầu văn Tuyết Tuyết đã chia sẻ trên báo Người đại biểu Nhân dân: “nghệ thuật chầu văn ngày nay đã bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường. Nhiều cô đồng thích đưa vô số nhạc cụ vào các buổi lễ, thậm chí có cả dàn nhạc hiện đại như trống điện tử, guitar, đàn organ,… và cung văn phải hát trên nền này. Chầu văn từ đó dần mai một đi bản gốc chân chất vốn có, ít thấy những điệu hát mộc như xưa.”

Chầu văn là di sản văn hóa nghệ thuật quý giá của người Việt, và hiện tượng biến tướng của Chầu văn không chỉ diễn ra ở quê hương Chầu văn, mà còn nhiều nơi khác nữa, khiến cho việc bảo tồn, phát huy Chầu văn nói chung hiện nay đã trở nên là một vấn đề, và là một... thách thức văn hóa.

Thành Duy

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm