April 28, 2024, 1:16 pm

Nghề “Osin” cũng cần được chính danh

Người giúp việc trong các gia đình, kể từ sau khi bộ phim truyền hình Nhật Bản có tên là Osin được phát trên TV, thì dân gian gọi người giúp việc gia đình là “Osin” cho có vẻ là lạ, cho có vẻ “thời thượng” và cho mọi người gạt bớt đi sự xem thường về công việc của những người phải xa quê, xa chồng con lên thành phố giúp việc cho nhà người ta. Thực ra công việc này không có gì là mới mẻ cả, nếu không muốn nói là nó xuất hiện từ vô cùng lâu rồi. Tuy nhiên lần xuất hiện này dù không được công nhận là một “nghề” nhưng cách ứng xử của gia chủ đối với những người giúp việc cũng được thay đổi tích cực hơn. Nghĩa là có thỏa thuận, thậm chí có hợp đồng hẳn hoi, nhưng quan trọng là đã có một “mức lương” cụ thể chứ không như hồi trước cách mạng, những người làm công việc này thường không có tiền công, có người còn bị gia chủ bắt làm để trừ nợ, có người còn bị xem như “nô lệ”, bị đánh chửi, bị phạt bỏ đói, bị trừ tiền công vô lý...

Nghề giúp việc gia đình hiện nay khá phổ biến, nhất là đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, hoặc gia đình “neo người”, hoặc gia chủ vì “bận” quá nhiều việc đâm ra “sinh lười” làm việc nhà. Cũng có gia đình “học làm sang” thì thuê Osin cho nó “bằng chị bằng em” mặc dù điều kiện gia đình không đến nỗi phải cần người giúp việc. Gần đây lại có kiểu người giúp việc không làm việc nhà mà chỉ chăm sóc người già tại gia, chăm sóc người bệnh nằm viện. Xu hướng này “nổi trội” nên ở ngay các bệnh viện đã hình thành “trung tâm chăm sóc người bệnh”. Cái hay của trung tâm này là người giúp việc có ràng buộc với bệnh viện, có ràng buộc với trung tâm và phải đóng một phần thu nhập cho trung tâm, coi như là một cách có trách nhiệm khi trung tâm “giao việc” cho. Thêm nữa những người của “trung tâm” đều đã được huấn luyện công tác điều dưỡng, như: Cách đo huyết áp, đo nhịp tim, cho ăn qua đường xông, cách lau chùi... nên cũng khá yên tâm cho gia chủ.

Người giúp việc gia đình, hay gọi là Osin như thông thường hiện nay, được hưởng nhiều “ưu đãi”. Thứ nhất là họ không phải lo chuyện ăn chuyện ngủ vì những thứ đó gia chủ đã “bao” rồi. Người giúp việc bây giờ hưởng lương cũng khá cao. Cao đến nỗi nhiều người khi tính cho con cái đi làm ở cơ quan hay công ty nào đấy thì cha mẹ hay anh em đều hỏi han kỹ lưỡng về thu nhập. Và câu mà cha mẹ anh em hay bĩu môi nói là: “Thu nhập không bằng Osin thì làm làm gì”. Được biết mức lương của một người giúp việc hiện nay đối với làm việc nhà, trong chăm trẻ con, quét dọn nhà cửa, nấu nướng hàng ngày thường thì ít là 7 triệu đồng, còn phổ biến là 10 triệu đồng. Nếu như chăm sóc người già yếu hay chăm sóc người bệnh trong bệnh viện thì ít cũng là 12 triệu đồng một tháng. Trong khi đó lương của công chức mới tốt nghiệp đại học là chừng trên 5 triệu, đấy là chưa kể đến có khi còn bị phạt lương vì đi làm muộn giờ, hay làm việc không tích cực. Còn lương của công nhân trong các công ty cũng chẳng hơn gì, trung bình 6 triệu đồng một tháng. Câu nói “lương không bằng Osin” xem ra cũng đáng phải suy nghĩ và các cơ quan chức năng về tiền lương cũng nên để tâm đến chuyện làm thế nào để giữ chân người lao động trong các cơ quan, công ty hiện nay.

Xem ra làm Osin thời nay thật là “sướng”. Cũng bởi thế mới có chuyện cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết là nỗi lo thường trực trong các gia đình quen có Osin là: Người giúp việc về quê ăn tết không quay lại hoặc bỏ việc nhà này sang giúp việc nhà kia. Đành rằng khi vào làm giữa gia chủ và người giúp việc đã có giao kèo hẳn hoi nhưng cái văn bản không trong luật ấy chả là gì nhé! Chưa kể còn có những người giúp việc động tý là “dỗi”, gia chủ có làm mếch lòng là họ kéo va li ra cửa rút điện thoại gọi Grap chuyển chỗ làm hay về quê luôn. Đâm ra thay vì nhắc nhở Osin thì gia chủ đôi lúc cũng phải lựa lời, phải “nịnh” để họ làm cho tốt, nhất là đối với công việc chăm sóc người già người ốm nằm viện. Lơ mơ là Osin làm nặng tay, lơ mơ là Osin cho ăn uống qua quýt...

Có cầu thì có cung. Công việc giúp việc gia đình hiện nay đang khá phổ biến. Không chỉ có ở thành phố mà ngay ở các vùng nông thôn cũng có vì nhu cầu về người giúp đỡ việc gia đình thì ở đâu cũng cần. Nghề giúp việc gia đình là một công việc chính đáng. Việc chính đáng thì những yêu cầu về quản lý nhân khẩu, yêu cầu về trật tự trị an, yêu cầu về sức khỏe và yêu cầu về “tay nghề” cũng cần được lưu ý. Người giúp việc gia đình bây giờ không thuần túy là trông trẻ con hay chăm người già mà có thể còn “xa” hơn, đó là những việc liên quan đến kinh doanh, sản xuất và hỗ trợ tinh thần, hỗ trợ sức khỏe… Do đó việc trước tiên là chúng ta không chỉ chấp nhận mà phải coi giúp việc gia đình là một thứ lao động đặc thù, lao động trong gia đình. Cần có những quy định đảm bảo, chẳng hạn như khám sức khỏe, sàng lọc bệnh truyền nhiễm từ xa, độ tuổi (vì có những giúp việc gia đình ở độ tuổi chưa đến tuổi lao động) cho phù hợp với Luật lao động. Quan trọng nhất là về nhân thân, vấn đề này không nên xem nhẹ, bởi nhân thân của người giúp việc rất quan trọng, nó cho gia chủ có niềm tin cậy và nếu có vấn đề nảy sinh thì có cơ sở để ràng buộc hoặc quy trách nhiệm. Do vậy cần có một tổ chức nào đấy đứng ra làm trung gian giới thiệu người giúp việc gia đình. Tổ chức trung gian ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuyển dụng lao động và phân công lao động cho phù hợp với nhu cầu của một gia đình cụ thể, tránh việc người giúp việc đến làm việc mà lại nói biết cái này không biết cái kia. Dĩ nhiên tổ chức đó phải thu quản lý phí đối với người đăng ký làm giúp việc gia định. Tổ chức đó còn phải là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của người giúp việc khi gặp vấn đề trục trặc nào đó. Cùng đó là khâu quản lý, theo đó người giúp việc đến giúp một gia đình nào đó thì gia đình đó và người giúp việc phải đăng ký tạm trú, tạm vắng. Phải chấp hành những quy định của địa phương sở tại, nhất là đối với khu tập thể hoặc chung cư. Vì một khi đã sống trong môi trường công cộng đều phải tuân thủ nội quy công cộng. Người làm công việc giúp việc gia đình không thể tùy tiện muốn ở thì ở, muốn đi thì đi.

Đồng thời, người giúp việc gia đinh cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân như mọi người lao động khác. Hãy xác định “giúp việc gia đình” cũng là một dạng của lao động. Người lao động phải chấp hành những quy định đối với người lao động, được hưởng chế độ lương thưởng, được khen ngợi động viên kịp thời và phải chịu phần đóng góp với xã hội, phải chấp hành những “xử phạt” nếu bỏ việc, chạy việc hoặc làm việc không đạt yêu cầu. Nghĩa là cũng nên “luật hóa” người lao đông giúp việc gia đình cho công bằng với mọi loại hình lao động khác. Ngày nay, người giúp việc gia đình cũng cần được “chính danh” trong danh mục lao động của nhà nước.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm