April 27, 2024, 2:54 pm

Ngày trọng đại. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Gã túm tóc giật mạnh. Á à. Mấy sợi tóc rối mù bật gốc khoe nhúm chân lấm tấm trắng hếu. Đau lộng óc. Như vậy đích thị không là mơ. Vậy thì hiển nhiên rồi, điều kỳ diệu kia là thực. Gã chớp mắt, khuôn mặt võ vàng trong gương thêm giãn ra. Buổi sáng trong lành đang đến bình yên ngoài kia. Tiếng chim chích chuyền cành nghe lao xao rộn ràng. Từng tia nắng xuyên kẽ lá rọi xuống vỉa hè vàng ươm như rót mật. Sự nghi ngờ chỉ làm điều gã đón nhận thêm tuyệt vời làm sao. Tự nhiên, câu danh ngôn ở một văn bản mà gã từng xử lý lóe lên trong bộ não chỉ bao gồm những nếp gấp đơn giản. Rằng Thượng Đế không lãng quên ai trên đời. 

Miệng huýt sáo khe khẽ, gã gõ cửa phòng ông bảo vệ già với một sự rạo rực hiếm thấy. “Chú Điều, cháu mượn chiếc cà vạt”.

Người đàn ông đầu ngật ngưỡng, từ cái mồm khục khặc, khói trắng tuôn mịt mù. Cây “bazôka” đổ kềnh. Nước điếu chảy lênh láng. Mùi khai khai ngàn ngạt quyện vẩn. 

“Cái gì. Hử?”.

Khuôn mặt chằng chịt nếp gấp của ông Điều vẫn thản nhiên. Nó chẳng khác mọi ngày nhưng sao hôm nay gã thấy thật khó chịu. “Chú tỉnh đi nào. Cà vạt. Cháu nhắc lại là mượn chú chiếc cà vạt”. Gã cao giọng. Một ngày hệ trọng như thế với gã mà lão già lại thờ ơ và vô tâm nhường kia. Thôi đúng rồi, lão ta đang ngầm “ga-tô” và khó dễ với gã. Rõ ràng và chắc chắn thế. Như gã từng ngầm “ga-tô” với lão cái quyền tra xét, hạch hỏi như quát những vị khách ngáo ngơ bước chân vào cơ quan này. Cứ ở đó mà đố kỵ và mơ hão đi ông. Còn việc của tôi, nhanh lên cho tôi nhờ. Gã lẩm rẩm, chỉ chút xíu nữa đã chẳng thể kiềm chế mà kẻ cả hét lớn.

Minh họa: Tô Chiêm

Lảo đảo đứng dậy, ông bảo vệ già quờ tay vào chiếc tủ vải hỏng khóa, rút nhanh chiếc cà vạt màu xanh trên bộ quân phục cũ. “Thằng hâm”. Ông thầm thào.

Nhưng gã đã quay ngoắt và chẳng thèm để tâm. Từ đâu đó vẳng lại giai từ của những ca khúc nổi tiếng. “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Ai mà tâm lý thế nhỉ. Phải rồi, thiên hạ dường như cũng đang thấu tỏ lòng gã mà rộn ràng chia vui. Trịnh trọng đứng trước gương, gã lẩm bẩm theo nhạc. Chiếc cà vạt cứ trật trầy, lủng liểng. Gã loay hoay xoay lên xiết xuống ngượng ngùng. Thì với gã đây là lần đầu tiên.

*

Ở đời, điều kỳ diệu hay đến vào lúc ít ngờ nhất. Như buổi sáng hôm kia, vừa trệu trạo nhai xong bát cơm nguội với miếng cá khô cứng đanh, định chui vào góc riêng xử lý hết đống tài liệu như mọi ngày thì sếp Cử gọi giật. “Lên ngay phòng thủ trưởng. Có việc gấp”. Mắt gã trợn tròn. “Phòng ai cơ ạ”. “Thủ trưởng Hạo”. Gã rùng mình, sống lưng lạnh toát, mồ hôi vã ra. Không rõ mình mắc lỗi tày giời gì để đến mức người đứng đầu cái cơ quan lẫy lừng này phải đích thân xướng danh. “Dạ, có đúng là cháu?”. Giọng gã lạc đi. Mặt trưởng phòng tối sầm. “Còn ai vào đây”. Nhưng rồi chợt hiểu, khóe miệng ông Cử trễ xuống, hào phóng tặng gã một điệu cười bí ẩn. “Tin mừng cho cậu đấy”.

Sếp gọi. Tin mừng. Đúng là không thể hiểu nổi. 

Ở vị trí tối khiêm nhường, chỉ ngang hàng ông bảo vệ già trong cái cơ quan vô số tầng nấc trên dưới, lớp lớp thứ bậc cao thấp, thủ trưởng Hạo với gã là một thế giới cao ngất. Đương nhiên. Chỉ cần chứng kiến giáo sư Bành, đầu hoa râm bồng bềnh, kính trắng lấp lánh sáng, tháng đôi ba lần “chém gió” trên truyền hình đều như vắt chanh, vậy mà lần nào lên gặp thủ trưởng cũng luống cuống, lập cập thì đủ hiểu. Trước mỗi lịch hẹn, giáo sư thường ghé qua chỗ gã từ sớm. Nâng tờ văn bản in thử, giáo sư cẩn trọng cúi thấp căng mắt soi từng chữ trên màn hình:  “Chỉnh giúp chú một chút thụt đầu dòng. Thế”. “Cho tên thủ trưởng to thêm nửa cỡ chữ. Thế”. Giáo sư hàn lâm đăm chiêu. “Xem nào. Năm phút nữa, cháu mới in bản chính nhé. Giờ hoàng đạo”. Giáo sư chốt hạ, chất triết học phương đông huyền bí phảng phất. 

Sẽ là bất kính với giáo sư khi thú nhận vào giây phút đó trong lòng gã nhen lên niềm vinh dự thầm kín. Tự hào lắm chứ đùa. Cái con người phát ngôn triệu người nghe như nuốt kia lại đang kề bên gã, gần gũi và dịu dàng. Sẽ có ngày gã khoe chuyện này với lũ bạn xóm núi. Chúng sẽ xuýt xoa, trầm trồ. Bịa. Thể nào cũng có đứa bảo vậy rồi kết luận gã mắc chứng khoác lác, hoang tưởng. 

*

Cánh cửa lớn rộng mở rồi nhanh chóng khép lại. Cái gì kia? Gã run rẩy, mắt hoa lên. Cây tháp ba tầng bằng đá quý hồng rực ngự ở trung tâm căn phòng. Trên đỉnh ngọn tháp là quả cầu ngọc bích được dòng nước đẩy quay đều nhịp nhàng. Gã nhớ rồi, đây đích thị là bộ tháp đá phong thủy nức tiếng ai đó đã nhiều lần trầm trồ. Bên phải chiếc bàn lớn, tượng Quan Công hộ pháp bằng đồng mạ vàng, mặt đỏ rực, râu đen rậm, mắt xếch ngược, đại đao cắp nách oai phong. Phía bên kia, vị quan văn thâm trầm, quạt che trước ngực, cặp mắt khẽ nhíu tung ánh nhìn như xoáy sâu lục phủ ngũ tạng kẻ đối diện. Ai nhỉ. Tượng Khổng Minh mưu lược cái thế. Là gã từng vài lần nghe lỏm mọi người xì xầm buôn chuyện lúc chờ diện kiến sếp.

“Bố mẹ cháu khỏe cả chứ?”. Người đàn ông trung niên bóng nhẫy như một con công đực ân cần đẩy đến trước gã chén trà nóng. Gã tỉnh rụi, trở về với thực tại. “Dạ, dạ…”. Miệng gã lúng búng. Tim gã nảy tưng tưng.

*

Sếp quan tâm sâu sát đến tận bố mẹ gã. Xúc động quá đỗi. Thực ra, rất ít người ở cái cơ quan này biết gã mồ côi từ nhỏ.

Lên mười tuổi, cậu bé tên Tiến đã phải ở với gia đình ông bác, sáng đi học, chiều thả trâu ven đồi. Năm giữa cấp hai, một lần hai con trâu húc nhau xua đám trẻ tán loạn, Tiến chậm chân, bị hất ngã lộn nhào xuống khe núi. Đầu sưng vù như trái xoài, ba tuần liền Tiến nằm bẹp, miệng lảm nhảm mê sảng. Tuần thứ tư, cậu dứt sốt ngồi dậy, ai hỏi gì cũng im bặt, việc đầu tiên là bổ đi tìm trâu. Từ đó, cái tên Tiến biến mất, cả xóm núi gọi cậu là Đơ. Thằng Đơ. 

 Thiên hạ ác ý, cú ngã chỉ làm trí tuệ cậu giảm sút chứ đơ thì còn lâu. Minh chứng là các trò săn chim, bẫy chuột, đào trộm củ, cậu chẳng chịu kém cạnh chúng bạn. 

Ngày đó, lần đầu tiên quê Đơ có đường nhựa mở đến. Con đường mang tới một thế giới văn minh, thấp thoáng bóng phố thị. Sự heo hút vợi bớt. Cứ cuối chiều, bọn Đơ thường lùa trâu ra ven lộ, đôi khi nghịch dại, hò nhau nhặt đất đá ném theo những chiếc xe khách lèn người và hàng lặc lè. Lũ trâu hình như cũng thích sự mới mẻ. Đơ ghét nhất là con trâu đực đầu đàn thi thoảng lại cong đuôi, rẽ đất phi lên mặt đường. Nó ngơ ngác đứng giữa lộ, dỏng tai nghe ngóng, đủng đỉnh “hạ” một bãi vung vãi, thây kệ hồi còi toe toe xua đuổi của những cỗ xe đang lao tới vùn vụt. Chỉ đến khi bị cái nèo tre của cậu chủ trẻ quất tới tấp, nó mới bỏ chạy, đầu vẫn nghên nghển ngoái lại vẻ tiếc nuối. 

“Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi chăn bò còn khổ hơn trâu”.

 Bữa đó, câu thơ của thi sĩ Giang Nam bị đám mục đồng cải biên nhả nhớt chòng ghẹo nhóm phụ nữ đi nương đang khiến đám trẻ sặc sụa cười thì con trâu đực lại giở thói tật cũ. Nó rẽ lối, lồng ra phía mặt lộ, bốn chân dện phầm phập. Nó đang hứng, bất chấp trước mặt là một chiếc xe con màu trắng lao tới. Họ. Họ. Đơ hét. Kệ. Con trâu vẫn tung chân như phát rồ. Người lái xe hình như không quan sát thấy nó. Con trâu thoáng chậm lại lấy đà rồi liều lĩnh cắt mặt lộ. Tiếng phanh nghiến rin rít. Chùm lông đuôi rậm như đã chạm nhẹ vào đầu xe. Khối sắt trắng kẻ vẽ ngoằn ngoèo một vệt rồi lộn nhào, bốn bánh chổng lên giời quay ro ro. 

Đơ nín thở sợ hãi. Con trâu thoát bị xe đâm. May ghê. Nó lủi qua vệ đường, phờ phỉnh nhai nhai rứt rứt đám cỏ úa. Phút bàng hoàng qua đi, Đơ dần trấn tĩnh lại. Nhìn trước ngó sau vắng lặng, cậu thập thễnh chạy về phía chiếc xe đổ. Lồng khúc gậy tre vào khe cửa sắt bẹp dúm, cậu dồn lực cong người. Cửa bật tung khiến Đơ mất đà, ngã bổ chửng, đau tái tê. Vài phút trôi qua, cậu định thần, nhỏm dậy chui vào xe, xốc nách rồi hì hục lôi ra ngoài hai thân người bệ vệ, máu me be bét. Khi một chiếc xe cùng chiều chạy tới, cậu cuống quýt vẫy, giao lại hai thân thể thoi thóp rồi bươn bả gom đàn trâu trở về.

Khoảng ba tháng sau, có một nhóm người ăn mặc quần áo lịch sự lần vào tận xóm núi. Người nhà gọi Đơ ở ngoài đồi về. Khách từ đâu. Dưới xuôi. Việc gì. Nào ai biết, chỉ thấy bảo liên quan đến chiếc xe đổ. Chết cha mình rồi. Nhẽ nào người ta kéo lên đây bắt đền. Nếu vậy Đơ sẽ đổ tội cho ai. Phải rồi, không phải cháu mà là con trâu đực. Các bác ra ngoài đồi mà bắt đền nó.

Đang định sẽ chối bay chối biến như thế thì một bà mặt bự phấn, xống áo sặc sỡ, vòng xuyến đầy người lao tới ôm lấy Đơ. “Hức hức, cháu là ân nhân của gia đình cô!”. Bà ta xụt xịt, nước mắt giàn giụa. Cậu sững người, dần dà rồi cũng hiểu. Thì ra trong hai người đàn ông được Đơ xốc nách lôi ra hôm đó có ông cốp chồng bà. Nhờ sơ cứu kịp thời mà ông đã thoát chết.

“Cháu học hết lớp mấy?” “Lớp bảy”. “Sau cú ngã còn đọc thông viết thạo không?”. “Dạ còn”. “Cháu sẽ đi học lớp đánh máy ba tháng. Sau đó cô sẽ xin việc cho dưới thành phố”. 

Cái tên Tiến trở lại, đời cậu sang trang từ đây.

*

“Chú nói với Tiến, có một cơ hội đưa cháu tham gia sâu vào mảng chuyên môn của cơ quan ta...”.

Tiến, ôi cái tên đích thân sếp xướng lên nghe mới hay và thân thương làm sao. Tự nhiên gã thấy yêu cái tên mình vô chừng. Cái tên tưởng đã vĩnh viễn biến mất.

Lời sếp khiến gã sung sướng đến đờ đẫn. Không hề nghe nhầm. Chuyên môn, chỉ nội hàm hai từ đó với gã đã đẳng cấp và quyến rũ tột bậc. 

Sang lĩnh vực chuyên môn. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, gã chưa tưởng tượng hết mình sẽ được hưởng những gì. Nhiều. Nhiều lắm. Phải rồi, hiển nhiên trước mắt gã sẽ tránh được việc bị sai bảo vô lối.

Đột nhiên cảm giác của thân phận “đầu chày đít thớt” ùa đến khiến gã ngầm uất ức và vô cùng tủi thân. Đơn cử như ngày nối ngày, những người làm chuyên môn cơ quan cứ thản nhiên khoe nhau muôn vàn khoản thu nhập tăng thêm trước gã và ông Điều già, xem hai người như thể vật vô tri. Tiền đề tài, dự án, tiền thưởng tháng, thưởng quý. Hai thân phận hạ đẳng hiển nhiên không có phần. Nhưng uất nhất với gã là sự nhờ vả chẳng khác mấy giao việc. Như cách đây ba hôm, gã vừa xong chồng văn bản cao ngất của cơ quan thì bóng một phụ nữ đài các xuất hiện. Tiểu thư Mỹ Hạnh, mỹ nhân công sở lừng lẫy. Người phụ nữ ngoài ba mươi quyến rũ và sang chảnh, hễ có mặt ở đâu là đám đàn ông bu lại, nhỏ nước miếng chòng ghẹo. Riêng với gã, bóng hồng đó luôn tạo cảm giác lẫn lộn: ngưỡng vọng, thèm muốn xen lẫn sự khiếp hãi.

“Anh Cử ơi, cho em tranh thủ thằng Tiến một tẹo”. Bước vào phòng sếp Cử, giọng tiểu thư dịu dàng. 

Xòe tờ nhật báo có những ô bài vuông chằn chặn, bàn tay sếp Cử tung một đường lượn chạm qua lườn mỹ nhân: “Chịp. Tứa cả nước miếng”. Khuôn mặt kẻ vẽ nghiêm lại. “Chả phải lúc”. Một xấp giấy cũ quăn queo ném trước mặt gã. “Sếp đã đồng ý, cậu giúp chị chút nhé”. Mùi phấn son và hương vị đàn bà ngầy ngậy. Gã thoáng nuốt nước bọt. “Mày là chị rất quý đấy. Ngoan nhất cơ quan này”. Giọng tiểu thư trơn tuột.

Gã cúi mặt nhìn bộ hồ sơ nhà đất vàng ệch, cục tức nghèn nghẹn trôi xuống, đoạn thong thả gõ máy. 

Thực ra, sự nhờ vả mà tựa như sai bảo kiểu của tiểu thư Mỹ Hạnh với gã không hiếm. Sự ấm ức trong gã bởi vậy cũng không hiếm. Di chúc. Thừa kế. Đơn xin học cho con. Bản khai gia đình văn hóa. Cả thơ tình của mấy lão tuổi xậm xịch lục tuần, đêm bên vợ già, mơ bồ trẻ, tức cảnh sinh tình lẩy ra vần vèo cũng được chuyển đến gã. Gõ giúp chú một đoạn. Gẩy giúp bác đôi trang. Những dòng văn vần ngô nghê, không thiếu câu tục tĩu lẳng lơ, qua chỗ gã cốt để khoe tài lẻ với đồng nghiệp và không giấu mộng thi nhân sau khi hồi hưu. Vậy là gã lại nghiến răng lách cách trong ấm ách bực dọc. Làm việc chuyên môn, chắc chắn sẽ giúp gã thoát nợ…

“Chú suy nghĩ mãi mới quyết giao cho cháu thử thách này. Cháu sẽ là nhân vật chính của cuộc họp kiểm điểm...”.

“Họp”, “kiểm điểm”. Lời sếp Hạo rất nhẹ. Nhưng gã thì giật thột. Tự nhiên, gã đâm hoảng. Gã nhớ đến tai nạn nghề nghiệp của ông bảo vệ già.

Bữa đó, chiếc cổng cơ quan run lên bởi tiếng xe máy gầm rú. Thằng chíp hôi tóc xanh cưỡi con mô tô tựa cỗ xe về trời của mấy Táo Quân chương trình gặp nhau cuối năm. Con xe phi vèo qua cổng cơ quan vào sân, đỗ xịch trước bậc tam cấp. Ông Điều xô ra, một rổ ngôn ngữ cật vấn, mắng mỏ tuôn chảy. Thằng chíp hôi vênh mặt trơ tráo. “Nhìn thằng này đi. Ông rồi sẽ phải ân hận”. Con bọ khủng đủng đỉnh khởi động rồi tăng ga vù đi. Thôi chết. To chuyện rồi đây. Y như rằng, chỉ nửa giờ sau, chánh văn phòng Cử mặt hầm hầm thông báo họp gấp. Sếp Hạo yêu cầu phòng hành chính kiểm điểm nghiêm khắc. Chân bảo vệ quèn mà dám cửa quyền, hách dịch. Đành rằng thằng chọi kia sai, nhưng nó là cậu ấm nhà cốp bự. Chuyện không còn ở thể nội bộ nữa rồi. Văn hóa công sở. Tác phong giao tiếp. Tất cả có trong bảng quy chế làm việc niêm yết lừng lững. Còn đâu tinh thần của thời phục vụ, kiến tạo. Chốt lại, ở đời “nó lú nhưng thằng chú nó khôn”. Thiếu sáng suốt là dính đòn tắp lự. Những tiếng rì rầm râm ran khắp nơi. Phen này hồ sơ cái dự án đang nằm chình ình trên bàn của ông bô nó mà bị phế vì lý do này thì phanh thây lão bảo vệ già cũng chẳng thể hả giận. Hàng chục ánh mắt nhìn ông Điều căm hờn. Gã ngồi im như thóc, sợ mất mật. Mặt ông đồng nghiệp già thũng ra như bát bánh đúc vữa.

“Tiến yên tâm. Cuộc họp này là thuần túy chuyên môn. Nó rất khác với việc họp kiểm điểm ông Điều đợt trước”.

Trưởng phòng Cử đã ngồi cạnh gã tự lúc nào. 

Thuần túy chuyên môn. Quan trọng và rất đỗi trừu tượng.

 “Nó là cơ hội lớn để tới đây cơ quan cử cháu đi học rồi chú cho chuyển phòng”. Thủ trưởng Hạo chốt lại.

Đi học, chuyển phòng. Ngoài việc tránh bị sai vặt, chẳng phải gã từng ước mong một lần được làm cái việc mang danh hai từ chuyên môn cao siêu kia hay sao. Chỉ cần mỗi lần có việc đi qua các phòng, liếc nhanh khe cửa hé mở, thấy những khuôn mặt khả kính khi chăm chú, lúc rổn rảng cười nói, tranh luận, gã đã thấy thèm thuồng vô cùng. Những con người vẫn lạnh lùng lướt qua gã hằng ngày, trừ lúc nhờ vả sao mà tài và sướng thế chứ lỵ. Họ đeo kính, chong đèn đọc các tập tài liệu dày cộp. Họ nhận giấy mời đi dự hội nghị, tọa đàm, nay Phú Quốc, Nha Trang, mai Vũng Tàu, Sa Pa. Đi Nha Trang dĩ nhiên sẽ có cảnh “seo-phì” tắm bùn, ngồi cáp treo ra Vinpearl. Đi Phú Quốc, mặc định sẽ có hàng lô cảnh “tự sướng” sang chảnh ở khu nghỉ dưỡng Safari. SaPa thì chợ tình, chụp hình với thổ cẩm, sơn nữ. Ngoài thưởng thức danh thắng, chén đặc sản, uống rượu ngoại, họ khoe mông, khoe ngực, ôm vai, bá cổ nhau, trang phục toàn hàng hiệu mỗi địa điểm mỗi mốt. Họ đăng “phây”, rào rào “lai”, sôi động “còm”. Toàn những lời “đẹp thía”, “ngon thía”, “xõa đi”, nhộn nhịp các hình tung hoa, thả tim. Chẳng bù cho gã với ông Điều già, bữa nào cải thiện hai chú cháu mới dám khoe đĩa lòng xào, cút cuốc lủi, đăng “phây” ba ngày nhõn sáu “lai”, đó là mỗi chú cháu đã tặng nhau một “lai”.

Làm chuyên môn, một năm đôi ba lần địa phương ào về lễ lạt, quà cáp. Toàn người đã khéo lại tế nhị, cứ khép nép đi nhẹ, nói khẽ. Các bác ấy lên hay “cắp nách” thêm vài người đẹp công sở. Các chị ấy đẹp thì thôi rồi, thơm cũng thôi rồi, nghe nói tửu lượng cũng thôi rồi. Những ngày đó, cữ cuối chiều, thùng rác ngoài hành lang lại đầy ứ đống phong bì đã bị rút lõi, xé vỏ. 

Bởi vậy, từ lâu gã thầm ao ước. Thì ai đánh thuế ước mơ.

*

Và ngày trọng đại nhất đời gã đã đến như thế.

Đúng giờ đã định, gã ngập ngừng xuất hiện ở cửa phòng họp, áo xơ vin, cà vạt xanh. Người ta bố trí cho gã ngồi ở vị trí chỉ cách sếp Hạo chủ tọa vài mét. Kỳ lạ, phòng máy lạnh mát lịm mà sao hôm nay mồ hôi sếp cứ vã ra đầm đìa. Mắt sếp thâm quầng, mặt tai tái thấy rõ. Bên dưới các hàng ghế là ba bề bốn bên những ban bệ, thành phần. Trang trọng và nghiêm ngắn. Hình như ai cũng tò mò ngước lên chờ đợi một sự kiện đặc biệt. Thây kệ. Hãy chú tâm vào việc riêng của mình. Chẳng phải sếp Cử đã nhắc kỹ trước với gã thế. Gã tập trung vào bản kiểm điểm được soạn sẵn, cái văn bản trưởng phòng Cử ân cần đưa đến tận tay gã tối trước. Thực ra, cái văn bản đêm qua gã đã lẩm nhẩm thuộc không sót một chữ. Dù vậy, gã vẫn run. Thì là thử thách mà lị. Nhưng nó có thấm tháp gì so với cơ hội đổi đời rộng mở trước mắt.

“Ai bày cho cậu trò ngu ngốc này?”. Trở về phòng, đang loay hoay tháo chiếc cà vạt khỏi cổ thì tiếng quát khiến gã giật nảy. Ông Khích sếp phó của cơ quan lừng lững trước gã, mặt đỏ văng, hầm hầm. 

“Cháu, dạ cháu...”. Gã bối rối. “Ngu lắm. Cậu sẽ đi tù thay cho lão Hạo, hiểu chưa?”. Ông Khích tru lên. Ông Khích xỉa xói. Ông Khích nhảy chồm chồm. Giờ thì gã đã hiểu. Nhận lỗi sai sót chỉ một cái văn bản, ngờ đâu, gã vừa giúp sếp Hạo chạy tội một vụ việc nghiêm trọng.

Gã sẽ bị xử lý vì làm sai quy trình. “Lỗi tại thằng đánh máy”. Chẳng phải chuyện thường vẫn diễn ra nơi này nơi kia đó ư. Nhưng oan quá bởi gã nhớ như in cái văn bản kia, từng chữ, từng dòng được gã làm chuẩn chỉ đến cả dấu chấm, dấu phẩy. Mà lâu nay, trong công việc, gã vẫn được tiếng về sự cẩn thận, trách nhiệm. Nhưng giờ thì ai còn tin gã nào. Giữa thanh thiên bạch nhật, trăm cặp mắt, trăm đôi tai, gã công khai nhận lỗi. Biên bản được lập, ký cót đủ cả. 

“Tiến ơi, mày giết tao. Mày có đi tù mười lần tao cũng chẳng thương. Đồ khốn. Tiên sư mày, tiên sư thằng Hạo”. Ông Khích lảm nhảm lê gót, tay quờ quạng vịn tường leo ngược thang bộ lên phòng. Còn lại một mình, gã thấy xung quanh tối sầm như địa ngục. Gã dựa lưng vào tường trân trối. Những bóng người vào ra lượn qua gã dật dờ như bóng ma.

Những ngày sau đó với gã thật nặng nề, âm u. Dạo này, thi thoảng cơ quan lại có một đoàn khách đến làm việc, mặt ai cũng lạnh băng, lầm lì. Ngày qua ngày, gã mòn mỏi chờ đợi điều tồi tệ ập đến. Mớ sợi thần kinh căng phồng như sắp đứt. Cứ mỗi lần nghe tiếng chân ai đến gần, gã đều run lẩy bẩy như sắp bị điệu ra pháp trường. 

Sự chờ đợi khiến thân thể gã như bị rút hết sinh lực. Tất cả đã ở quá ngưỡng chịu đựng. Cơn sốt ập đến, miệng gã lảm nhảm mê sảng. Trong cơn mê, gã ú ớ hoảng hốt khi thấy có bóng người lại gần, tiếng va chạm lách cách và vật gì đó như thể chiếc còng số tám trước mặt. Choàng tỉnh, gã nhận ra bên mình là ánh mắt hiền từ của nữ bác sĩ, khay thuốc, chiếc ống nghe và mớ dây nhợ truyền dẫn. Đỡ gã ngồi dậy là ông bảo vệ già, mặt hốc hác, râu tóc mọc dài, kiên nhẫn dấp chiếc khăn mặt ướt lên trán gã, đoạn ký vào tờ phiếu phần người nhà bệnh nhân.

Dứt sốt ra viện, trở về căn xép nhỏ, ngày hai lần ông Điều già cần mẫn ninh xương rồi nấu cho gã tô cháo nóng. Gã hồi phục dần.

Một buổi trưa, còi ủ xe cứu thương nhấc gã nhổm dậy. Một chiếc cáng phủ trắng đưa từ phòng sếp Hạo ra. Đột quỵ. Làm việc quá sức. Ai đó sơ bộ thông báo. Sếp Khích cẩn thận, trách nhiệm tiễn chiếc cáng ra tận cửa xe rồi khoát tay lên mấy dãy hành lang, nơi những cái đầu đang chụm nhau bàn luận rồi tò mò ngoái nhìn. “Mọi người ai về phòng nấy, không có gì đáng ồn ĩ”. Trên tầng bảy, cửa phòng tiểu thư Mỹ Hạnh bật mở. Tiểu thư đầu tóc xổ tung, cầm tập hồ sơ gã gõ giúp hôm trước xé vụn rồi nghiến răng tru tréo: “Khốn nạn, đã lường trước, giục lão ấy sang tên sổ đỏ mà không kịp. Giời ơi là giời…”. Những mẩu vụn giấy từ trên cao thả xuống bay lả tả khắp sân. Ở hành lang tầng ba và tầng năm, thêm hai chị đẹp lao sầm sầm như bay, tiếng khóc rưng rức đau đớn. Mấy chị già cười khẩy, bĩu môi. Sướng chưa mấy con đĩ non. Lão Hạo đáng đời. Chẳng ngờ có ngày cà vạt lại thêm cả chức năng ấy.

*

 Một tuần sau, cơ quan có sếp mới. Mọi việc trôi đi rất nhanh. Duy chỉ sếp Khích buồn rũ. Mấy cộng sự thân thiết gặp ở sân cất tiếng chào mà sếp chẳng cả nhếch mép. Trưởng phòng Cử đã xăm xắn bám sát nhóm thợ sửa phòng làm việc của sếp mới theo đúng kích cỡ phong thủy. Tiếng trưởng phòng khi riết róng, lúc tếu táo vui nhộn pha trò cười rung nóc trần.

Bữa ấy cuối tháng, ông Điều già mời gã đi làm đĩa lòng xào dưa mừng sự bình phục và ăn theo một “trên” đang hot trên mạng. Hai người vừa về đến cơ quan thì ông Cử đã đứng đợi. Chẳng rào trước đón sau, ông Cử thẳng đuột: “Thủ trưởng mới bảo tôi làm thủ tục cho cậu nghỉ việc. Chân đánh máy, cơ quan không còn cần”.

Trên những phòng ban chuyên môn, nhịp công việc dần trở lại sôi động. Các cuộc tọa đàm, hội thảo, tiếp đối tác đã vào cữ kín lịch. Vừa đúng dịp lễ, khách tỉnh và doanh nghiệp lại nườm nượp thăm viếng. Cuối mỗi ngày, bà tạp vụ lặng lẽ trút ra đến nửa thùng những phong bì đã bị xé vỏ, rút lõi.

Gã gói ghém đồ đạc. Trận ốm đã đốt sạch chút tiền ít ỏi tích cóp bấy lâu. Ngày mai, gã sẽ trở về xóm núi. Gã bần thần tự hỏi mình sẽ kể chuyện gì với đám bạn về thành phố sang trọng, nhộn nhịp và đầy phồn hoa đây? Bất giác, gã thấy mình giống như con trâu đực ngơ ngẩn đứng giữa mặt đường nhựa. Dạo này đầu óc gã trống rỗng, thi thoảng lại quên quên, nhớ nhớ. Hay gã đơ thật rồi?

Ông bảo vệ già tiễn chân gã ra tận bến xe. Trước khi xe chạy, ông dúi vào tay gã một chiếc phong bì. Tháng trước, bà quét rác ốm, tao nhận làm thay mấy ngày. Lúc giũ thùng rác, tao run bắn khi thấy cái này, còn nguyên lõi lẫn trong đống vỏ rỗng ruột. Hồi hộp nửa mừng, nửa lo, tao cứ giữ nguyên, cất kỹ, thỉnh thoảng lén mang ra ngắm và sợ chả dám bóc. Nay mày về, tao tặng lại nó cho mày. Nhớ kín miệng tuyệt đối đấy. 

Từ hôm nghe tin mày nghỉ, đêm tao mất ngủ suốt. Mày về rồi, còn ai bầu bạn sớm hôm bên tao nữa đây. Buồn quá!

Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm