May 2, 2024, 11:23 pm

Nảy lửa và bồ đề*

Lê Kim Phượng đã có “thâm niên” làm thơ hơn 30 năm. Thơ chị từng được in chung trong các tập Vừng ơi mở cửa (NXB Văn học, 1991), Miền lục bát tìm nhau (NXB Hội Nhà văn, 2017). Nay, chị “sinh” hẳn một tập thơ riêng Hiển thị ngày Xanh, gồm 99 bài thơ, bài đầu tiên là Sói và Thỏ sáng tác năm 18 tuổi, bài thơ từng được đọc trong các đêm thơ sinh viên những năm 1990 và giúp cho tác giả của nó có thêm biệt danh là Sói Phượng. “Chất” của bài thơ và biệt danh Sói Phượng thể hiện cá tính con người và thi ca của chị. Thơ Lê Kim Phượng không phải thơ của một cô gái dịu hiền, nhu mì và yếu đuối; ngược lại, nảy lửa, quyết liệt và dữ dội như rựa chém đá, thẳng băng trong mọi vấn đề của cuộc sống cũng như tình yêu:

Em cũng là chú Sói. Anh là Thỏ

Em muốn: Duy - nhất - anh, là bởi

Con tim luôn thôi thúc độc quyền

Khi yêu thương - Sở hữu thật hiển nhiên

(Sói và Thỏ)

Xác định, thủy chung trong tình yêu như “bản năng” của trái tim mình, nhân vật nữ trong thơ Sói Phượng luôn nồng thắm, tha thiết:

 Làm sao về được hôm qua

Để còn Yêu Như Là Chết?             (Phỏng đoán)

Em sẽ đến bên anh... nồng nàn thêm mùa hạ

Bỏ lại con đường lá rụng

Nỗi buồn xưa            (Con đường mùa lá rụng)

Tình yêu của người gái ấy cũng không có trạng thái man mát, hơi hơi, dìu dịu. Ngược lại, yêu là cháy bỏng, đến mức... “Yêu Như Là Chết”! Những chữ này, tác giả viết hoa, tô đậm. Yêu mà như quên cả bản thân. Yêu mà như không còn biết cả trời đất gì nữa! Đó là kiểu yêu của... Sói Phượng!

Sự quyết liệt của nhân vật trữ tình trong thơ Sói Phượng còn được thể hiện qua cách người đàn bà trong thơ chị đối mặt với những vấn đề của cuộc đời. Trong thơ, Sói Phượng sống và yêu không phẳng lặng, êm đềm. Bắt đầu tình yêu đã trong bão giông, bắt đầu tuổi thanh xuân đã gian khó và tiếp nối là “cuộc chiến tranh sở hữu”:

Em bắt đầu thanh xuân

Ngậm ngải vào rừng rậm

(...)

Ta thực sự có nhau

Giữa vòng tâm mắt bão

(...)

Ai buộc anh phải đi

Cuộc chiến tranh sở hữu                      (Bắt đầu)

 Vậy nên, nỗi buồn ở thơ chị cũng không lửng lơ, man mát mà là những nỗi đau khôn tả. Đó là nỗi đau vì sự đổ vỡ đến tan nát. Nỗi đau của người hình dung tương lai tốt đẹp từ gan ruột, để rồi tan giấc mộng:

Trời bức bối rặng tre đành khan giọng

Vườn điếc câm nom ẩn họa rập rình

Chắt chiu nuôi những đủ đầy ảo vọng

Có em không- ơi ấp bóng- tội tình...???

(Ấp bóng)

Lấy ý từ gà Mái Mơ mất trứng, ấp bóng trứng trong tưởng tượng mà nghĩ đến tương lai gần hạnh phúc - đàn con ngộ nghĩnh, lon ton theo mẹ, Sói Phượng diễn tả quặn xót sự mất mát. Đó là nỗi đau đoạn trường- mẫu tử! Biết là đã mất mà không thể nào chấp nhận. Con tim đau khiến trí óc trở nên ngây dại, thậm chí điên dại- cứ đi “ấp bóng” cái ảo ảnh hạnh phúc! Đây là tứ thơ hay, có sức ám ảnh lớn trong Hiển thị ngày Xanh.

Tuy nhiên, người đàn bà không xuôi chèo mát mái với cuộc sống trong thơ Sói Phượng đã không quỵ ngã. Người đàn bà trong thơ chị đã không chịu để cuộc sống phũ phàng vùi dập mình. Ngược lại, cô ấy cứng cỏi đương đầu với thử thách, cháy hết mình với tình yêu cuộc sống và những đam mê riêng:

 Mình tự chết đi mấy lần sống lại

 Mình tự tiễn đưa lụi cụi trở về

 Mình chắt hương hoa kiệt cùng hoang dại

 Mình vỗ sóng ngầm trồi lên sông mê

      (Cứ lướt qua nhau)

Tinh thần can đảm sống và yêu của người đàn bà trong Hiển thị ngày Xanh được tuyên ngôn hẳn bằng một bài thơ Hãy cứ nhặt lên (tr.108):

Những lặng lẽ buồn, hãy cứ nhặt lên

Tác giả lí giải:

Bởi tri kỉ hồng nhan không trọn lẽ

Đau đáu đêm Sói vẫn hú trăng đầy

(Buông tha dĩ vãng)

Cuộc sống với Sói Phượng vẫn là sự tiếp nối. Vẫn không hết đam mê. “Sói vẫn hú trăng đầy” - nghĩa là chị vẫn sống với tất cả bản năng và đặc tính của mình. Không thay đổi con người, không lệch lạc bản chất! Tâm thế dám dấn thân đã khiến người đàn bà trong thơ Sói dám chấp nhận thua thiệt, sứt mẻ để được yêu, được sống như là “Cầu vồng mê dại khát khao/ Tan tành muôn mảnh thác vào mùa thu” (Cầu Vồng). Thơ Sói Phượng thực đã tạc chân dung một nữ nhi không thường tình. Người đàn bà trong thơ chị mang dáng dấp “quân tử cố cùng”, kiêu hãnh và vượt lên mọi gian khổ, tréo ngoe của cuộc đời để yêu ra yêu và sống ra sống!

Từ sự quyết liệt trong tư tưởng, trong lối sống, thơ Sói Phượng quyết liệt, cá tính ở cả hình thức thơ. Nổi lên trong thơ chị là cách dùng những động từ, tính từ mạnh và những hình tượng thơ dữ dội. Đó là sự “tai ngược” trong hành động thức tỉnh và chủ động:

Đem về cho em đi

Một tựa vai in dấu chân tình

Một ghì ôm hồi quang thổn thức dám quên

Để bất ngờ...

                  ... em có thể lục tung anh lên...

(Đem về đi...)

Là sự tưởng tượng gai góc có thể làm người đọc yếu tim phát sợ:

Thì kí ức mới biến thành viên đạn

Nã vào lãng quên những rỗng tuếch muôn màu

(Bởi)

Nụ cười mùa đông sao buốt giá

Cái lạnh như tìm trốn vào trong

Lững thững xát lên từng viên đá

Xám lại trơ buồn dưới đáy sông           (Với đông)

Là sự rắn rỏi của câu thơ được thể hiện ở giọng điệu mạnh mẽ, với những từ khẩu ngữ, “thơ nói”:

Này,

Tóc em ủ hương gì vậy?

(...)

Biết không!

Biết!

(Muốn gọi tên...)

Ơ này

Gồng gánh những đâu

Mà sao dại nghếch một xâu cúi luồn

(...)

Thì thôi

những

 khổ nạn

nào      

Hãy xin thác trận mưa rào

rồi khô                           (Niệm khúc gánh gồng)

Rồi dấu chấm giữa câu (hoặc dấu hai chấm) tạo ra sự ngắt nhịp đột ngột, làm tăng giọng điệu thơ:

Này,

Nếu phải gọi tên cơn dấm dứt

Thì nụ tím nhớ anh. Anh ạ  (Muốn gọi tên...)

Vắc xin nào điều trị được ứng xử tệ bạc. Hỡi cái tôi?

Nếu mỗi chúng ta không là Thứ Tha: Kẻ nội công thâm hậu

(Ta có nhiều cơ hội để chùn tay)

Và cả sự điệp trùng liên tiếp những chất vấn:

Có chắc như này sẽ không dằn vặt?

Có chắc như này sẽ không bão giông?

Có chắc là chôn sống được nhau không?

(Áp lực)

Những kiểu thơ ấy khiến thơ Sói Phượng có chất giọng cứng cỏi, kiên quyết, thậm chí... ngoa ngoắt! Thêm nữa, chị còn ưa thơ dài, như để giãi bày cho hết những tâm can của mình, chỉ có một số bài thơ kiểu 1-2-3 là ít câu (Lịm vào hoàng hôn Lũng Xuân, Ừ đâu đó giữa mơ hồ đơn chiếc, Chỉ đêm sâu biết rõ ta sống hai cuộc đời, Ta có nhiều cơ hội để chùn tay, Tha thiết mang tâm trí neo đậu bến lành, Cho những khởi đầu...). Tuy nhiên, lượng chữ trong mỗi câu ở những bài ít câu lại khá nhiều. Tất cả như cũng là để có bao nhiêu thì xối xả trút gửi cho bằng hết bấy nhiêu!

 Dù vậy, thơ Sói Phượng lại không chủ ở sự ghê gớm, cay nghiệt... Bất cứ hoàn cảnh nào, người đàn bà trong thơ Sói Phượng cũng kết lại ở sự vị tha, đằm thắm với tâm bồ đề:

Em sẽ đi... Dẫu lặn lội một mình

Tránh cho anh hai tiếng đời bạc ác

Nếu một ngày kia có người con gái khác

Đã khiến anh ngã lòng... rồi phụ rẫy tình em

(Bài thơ chưa đặt tên)

Những gì là của riêng

Xin lặng thầm để nhớ

Những búp tình chưa nở

Xin gửi vào ban mai                             (Bắt đầu)

Những câu thơ này khiên tôi nhớ đến nhân vật Grusche trong vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” nổi tiếng của kịch gia người Đức- Bertolt Brecht. Trong cuộc tranh giành đứa trẻ giữa hai người mẹ, cô ấy đã hai lần buông tay, không thể cố kéo đứa trẻ về phía mình chỉ vì cô ấy sợ cậu bé bị đau! Đó mới là tình yêu đích thực! Tình yêu vượt lên trên sự ích kỉ. Người đàn bà trong thơ Sói Phượng “yêu như chết”, yêu như Sói cần thức ăn để sinh tồn - “thỏa mãn dạ dày”, nhưng không vì thế mà “không ăn được thì đạp đổ”! Ngược lại, chị chấp nhận ở mình sự thua thiệt để mong nửa kia của mình được hạnh phúc! Và điều đáng nói là dù thất bại, cay đắng bao lần đi chăng nữa, người đàn bà ấy cũng vẫn không thôi khát tìm hạnh phúc. Chị tuyên ngôn:

Nếu phải chọn đạp xe tìm hạnh phúc

Ai cấm mình lúng liếng những vòng quay  (Đã...)

Thế là, gian truân, khổ ải, đắng cay... cũng lại thành một phần để chị thấy đâu là hạnh phúc! Nếu phải tiếp tục đi, tiếp tục tìm thì những vòng bánh xe cũng trở nên lúng liếng, duyên dáng và... đa tình. Ý thơ thật hay.

Đến đây, người đọc dường như đã hiểu vì sao Sói Phượng chọn nhan đề tập thơ của mình là Hiển thị ngày Xanh (đây cũng là tên một bài thơ trong tập thơ). Đó là sự trải lòng, “hiển thị” rành mạch những tâm tư và tháng năm cuộc đời. Đó còn là “ngày xanh” – chưa bao giờ thôi khát khao sống trẻ và sống đẹp!

Vậy nên, cùng với những vần thơ gắt gao, Sói Phượng cũng còn có không ít những câu thơ rất đỗi ngọt ngào:

Gió thầm thì rắc lộc biếc lên cây

Sương đính ngọc trong cỏ mềm rạo rực

(Tiếng đêm)

Đem về cho em đi

Ngọn gió thơm lành thổi hoang mùa cũ

Trải gió lên cánh tay làm gối mềm em ngủ

Đưa cánh phượng hoàng nương gió chạm chín tầng mây                                                  (Đem về đi...)

Những vần thơ ngọt ngào ấy cũng là hiện diện cho tâm bồ đề của chị.

99 bài thơ trong Hiển thị ngày Xanh đã làm nên một phong cách thơ Lê Kim Phượng: nảy lửa nhưng kết lại ở sự đằm thắm yêu thương và tràn đầy năng lượng sống, là thơ của một người đàn bà đằm thắm yêu thương và trên hết, đó người đàn bà biết sống và nâng niu hạnh phúc cho mình.

Xin mượn câu thơ của chị để kết lại bài viết này:

Chối gạt mùa xuân, níu lòng băng giá

Là ác và sai với cả chính mình...

(Xin lỗi hoa đào)

________

* Tập thơ Hiển thị ngày xanh của Lê Kim Phượng.

Nguyễn Thị Tính

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm