May 2, 2024, 3:36 am

Muôn vị phim nghệ thuật

“Xem lậu là dấu hiệu của cinephile (tín đồ điện ảnh) ở nước ta”. Câu nói nửa đùa nửa thật lại pha lẫn chút mỉa mai này có thể khiến bất kỳ ai tự ái, nhất là những người yêu thích nghệ thuật thứ 7 tại Việt Nam. Nhưng lời đùa ấy có thể không còn đúng nữa, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều phim nghệ thuật ra rạp và được công chúng đón nhận.

Muôn vị nhân gian (tên tiếng Anh: The Taste of Things) - tác phẩm điện ảnh thứ 9 trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Anh Hùng được giới phê bình quốc tế khen ngợi, về sự gợi cảm khi bàn về ẩm thực, tình yêu, đời người và đam mê cùng sự nhạy cảm đầy tinh tế trong ngôn ngữ điện ảnh. Tác phẩm cũng giúp nhà làm phim gốc Việt thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Hình ảnh trong phim Muôn vị nhân gian của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng

Những tưởng để thưởng thức Muôn vị nhân gian, khán giả Việt Nam sẽ phải “mở tiệc tại gia” bằng cách mua đĩa bluray, trả phí đăng ký trực tuyến hoặc “xem lậu”. Tuy nhiên, phim đã chính thức ra rạp vào cuối tuần qua. Dù suất chiếu không nhiều, khán giả vẫn có cơ hội thưởng thức tác phẩm trên màn ảnh rộng, với chất lượng hình ảnh và âm thanh đạt chuẩn. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời (so với xem trên màn hình tivi hay điện thoại) bởi nó mở ra những cơ hội để thâm nhập vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật thứ 7. Nhìn từ Muôn vị nhân gian và nhiều tác phẩm điện ảnh (Việt Nam và thế giới) trước đó, có vẻ như dòng phim nghệ thuật từng “đắng chát” tìm cách ra rạp nay đã có chút ngọt  “hậu vị”.

“Giải oan” những hiểu nhầm

Thực tế thì phim nghệ thuật (arthouse films) đôi khi cũng được gộp với dòng phim tác giả, đâu có oan để mà giải. Nhưng cũng có một thực tế khác, phim nghệ thuật từ lâu đã là thuật ngữ không mấy thiện cảm trong mắt khán giả. Công chúng thường kết luận ngắn gọn và đôi khi hơi vội vàng rằng thể loại này thường khó xem, khó “nuốt” và không dành cho số đông. Vì thế, dòng phim này thường không phải là lựa chọn ở các hệ thống phát hành và rạp chiếu phim tại Việt Nam, chưa kể là đôi  khi không “lọt” cửa Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Oan thì không có, nhưng hiểu nhầm về phim nghệ thuật thì không hiếm. Phim nghệ thuật khó xem. Và hiểu nhầm thứ nhất này dễ “đánh bại” người xem nhất. Có thể thấy, những phim thuộc thể loại này thường thách thức khán giả, nhưng là để họ đi tìm thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ điện ảnh. Và thời thế cũng đã thay đổi, bởi nhận định phim điện ảnh khó xem không còn đúng nữa.

Lấy ví dụ những tác phẩm điện ảnh chiến thắng hạng mục Phim xuất sắc (Best Picture) của Oscar những năm gần đây đều không hề khó xem. Tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc Parasite (đạo diễn Bong Joon-ho), bộ phim kinh phí thấp đến từ hãng A24, Everything Everywhere All At Once (bộ đôi Daniel đạo diễn) hay “bom tấn” Oppenheimer (đạo diễn Christopher Nolan) vừa được giới phê bình khen ngợi, vừa chiến thắng vẻ vang ở phòng vé. Những tác phẩm này không hề khó xem mà ngược lại, cuốn hút lạ thường.

Bên cạnh đó, các tác phẩm nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua cũng không “khó xem” đến vậy. Từ Cha cõng con đến Song lang, từ Những đứa trẻ trong sương đến Bên trong vỏ kén vàng hay Tro tàn rực rỡ đều thu hút người xem bằng chính vẻ đẹp của ngôn ngữ điện ảnh, trong cách kể chuyện và từng góc máy.

Phim nghệ thuật thì gây sốc. Để diễn giải rõ hơn, nhiều người tô đậm hiểu nhầm này bằng các yếu tố tình dục, bạo lực… xuất hiện dày đặc trong phim. Điều này là có cơ sở bởi nhiều tác phẩm thuộc dòng này thường khai thác những đề tài gai góc, mang đậm góc nhìn và cách truyền tải độc đáo của cá nhân đạo diễn. Nhưng dù có gây sốc đến đâu, dòng phim nghệ thuật vẫn gợi mở một góc tiếp cận và thưởng thức điện ảnh có chủ đích. Để từ đó, người xem nhìn thấy được vẻ đẹp của tác phẩm được truyền tải một cách sinh động, thậm chí là táo bạo nhất.

Phim nghệ thuật không dành cho số đông. Có lẽ đây là hiểu nhầm, định kiến thiếu thuyết phục nhất khi đề cập đến những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật. Bộ phim Kỳ án trên đồi tuyết (đoạt Cành cọ Vàng tại Cannes 2023 và Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 2023) cuốn hút khán giả một cách lạ thường, và thu hút không ít khán giả ra rạp đón xem. Hay tác phẩm Thiếu niên và chim diệc thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar vừa qua cũng được đông đảo khán giả Việt Nam đón nhận.

Dường như phim nghệ thuật đã có một cuộc “phản công” và giành được những chiến thắng ở phòng vé Việt Nam. Hơn nữa, “mác” phim nghệ thuật thay vì gây ác cảm nay lại nhận được sự tò mò và quan tâm của công chúng. Người xem ngày càng tin tưởng vào dòng phim này, bởi những tác phẩm này đã qua một “phễu lọc” của các giải thưởng điện ảnh, liên hoan phim uy tín.

“Thắng” khi ra rạp

Nhiều phim nghệ thuật Việt Nam từng rất khó ra rạp vì (1) không qua cửa kiểm duyệt của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim Quốc gia và (2) khó tìm được nhà phát hành phim trong nước. Tuy nhiên, Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim Quốc gia dường như đang cởi mở hơn bao giờ hết với dòng phim nghệ thuật của những đạo diễn trong nước. Và nhiều nhà phát hành phim tại Việt Nam cũng “rộng cửa” đón phim nghệ thuật ra rạp.

Một thế hệ làm phim nghệ thuật đã có những tác phẩm ít nhiều gây được tiếng vang tại phòng vé. Phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy, đoạt giải Làn sóng mới tại Liên hoan phim quốc tế Busan (2019) từng khó có khả năng ra mắt khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, khi tác phẩm này ra mắt vào tháng 9/2020 đã đón nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Bộ phim đạt doanh thu khoảng 69,4 tỷ đồng, được xem là thành công đầy bất ngờ.

Sau Ròm, nhiều tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Việt Nam tiếp tục được các liên hoan phim quốc tế vinh danh. Từ phim tài liệu dài đầu tay Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) đến Bên trong vỏ kén vàng (đạo diễn Phạm Thiên Ân) cho thấy điện ảnh Việt đang có một thế hệ đầy hứa hẹn.

Tất nhiên, những tác phẩm này còn được khán giả trong nước đón nhận khá nồng nhiệt. Những đứa trẻ trong sương thu về hơn 2,3 tỷ đồng dù đây là một bộ phim độc lập kinh phí thấp. Chưa kể, đây là bộ phim thuộc thể loại tài liệu vốn kén khán giả dù đã chiến thắng nhiều giải thưởng quốc tế uy tín. Hay đường ra rạp của Bên trong vỏ kén vàng sau khi đoạt giải Camera Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023 cũng dễ dàng ra rạp và được đón nhận.

Những bộ phim nghệ thuật như Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Song lang (Leon Lê), hay Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên)... khi ra rạp đều được công chúng đón nhận và đánh giá cao thời gian qua. Điều này cho thấy rằng, chính khán giả đang ngày càng đa dạng hơn trong thẩm mỹ thưởng thức điện ảnh, và chính họ cũng đang cởi mở hơn với sự đa dạng của nghệ thuật thứ 7.

Bên cạnh đó, cũng có một sự đồng đều nhất định với dòng phim nghệ thuật ra rạp tại Việt Nam, không phân biệt nội địa hay quốc tế. Thậm chí, nhiều bộ phim nghệ thuật do đạo diễn Việt Nam thực hiện còn có mức doanh thu nổi bật, được bàn luận nhiều hơn so với các tác phẩm quốc tế.

Phim nghệ thuật có thể ra rạp là một thành công. Phim nghệ thuật ra rạp và được công chúng đón nhận là một thành công ngoài mong đợi. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy dòng phim này đang ngày càng được đón nhận và trân trọng.

Nhã Linh

Nguồn Văn nghệ số 13/2024


Có thể bạn quan tâm