May 2, 2024, 1:55 pm

Mũi Độc mùa duối vàng nở sớm

Mũi Độc còn được mệnh danh là “con mắt đèo Ngang” nằm trong hệ thống Hoành Sơn, dãy núi chắn ngang miền Trung sau khi tách khỏi Trường Sơn lao thẳng ra đại dương, có hình dáng tựa phần đầu của con chim ưng khổng lồ, với chiếc mõm sắc nhọn và con mắt sáng quắc như một tiểu tinh tú sa lạc trên thềm lục địa.

Đứng trên nũi Độc bằng mắt thường không những vừa dễ dàng quan sát được tất thảy mọi biến tĩnh của cả vùng không gian mênh mông, mà ta còn có cảm giác như đang lạc vào một thế giới kì lạ cùng lúc chạm tới mây trời, sóng nước lẫn hoa cỏ. Vậy nhưng, ai hay nơi đây lại là địa danh in đậm dấu vết về một trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất bởi manh chiếu của Nguyễn Hoàng dưới triều Lê Trung Hưng, khi ông được lệnh vua vào trấn thủ Thuận Quảng vào năm 1558, với câu sấm truyền nổi tiếng của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái/ Vạn đại dung thân”.

Mũi Độc ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Trước đó, vào năm 992, Vua Lê Đại Hành từng sai Phụ quốc Ngô Tử An đem ba vạn binh phu đi mở tuyến đường bộ từ cửa biển Nam Giới (Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý của Chiêm Thành. Để tạo nên con đường thiên lý này, Ngô Tử An phải cho phá bỏ thành đá “Thạch thành Lâm Ấp trúc” (do người Chiêm xây) vượt qua đèo Ngang, nên có câu: “Thạch thành Lâm Ấp trúc - Lục lộ Ngô Tử An”. Không những vậy, mũi Độc cũng từng ôm dòng lệ buồn chứng kiến cuộc hải hành đẫm chất tráng ai, với cảnh tượng Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu lộng lẫy như tiên trần gieo mình xuống biển cả giữa lúc bão tố ầm vang, làm vật hiến tế cho “Long thần” để cứu đoàn binh thuyền của Đại Việt trên đường chinh phạt Chiêm Thành gặp nạn, vào năm Long Khánh thứ 4 (1376), dưới thời Trần Duệ Tông. Vì rằng, trước đó nhà vua không nghe lời khuyên can của bà: “Việc trị đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên lành. Trị cái rắn nên dùng cái mềm, phục rợ xa cốt lấy đức… Đó là thượng sách, xin quan gia xét đoán cho minh”. Dẫn đến kết cục đầy bi thảm với cái chết của Trần Duệ Tông và đoàn quân thất trận khi tiếp tục dong buồm vào chiến địa để lâm vào ma trận của quân Chiêm nơi hải tử! Chính mũi Độc là “nhát kiếm” kết liễu bao giấc mộng bá vương.

Có nhiều giai đoạn nơi đây từng trở thành phên giậu, xương chất thành núi, trước khi Vua Chiêm là Chế Mân dâng Châu Ô, Châu Lý (từ đèo Ngang vào đèo Hải Vân) cho Đại Việt làm vật sính lễ trong cuộc hôn phối quốc gia, đưa Công chúa Huyền Trân về Chiêm Quốc vào năm 1306 dưới triều Vua Trần Anh Tông, kết thúc một giai đoạn lịch sử giao tranh dài dặc. Sau này vào năm 1833 Vua Minh Mạng thứ 14 cho xây Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang nhằm quản lí người dân qua lại, là chứng tích hùng hồn về sự thống nhất lãnh thổ qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc… Đặc biệt, trong chiến tranh chống Mỹ, mũi Độc là một “địa chỉ đỏ” góp phần quan trọng bảo vệ vùng trời, vùng biển miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Mở đầu là ngày 29, tháng 12, năm 1962, hai thiếu niên Phạm Dụ và Trần Đình Vượng trong lúc lên đây lấy củi bỗng phát hiện một nhóm người lạ ẩn nấp dưới khe suối. Với tinh thần cảnh giác, hai em đã chạy về báo cho Đồn Công an vũ trang Đèo Ngang. Nhờ đó ta đã nhanh chóng tổ chức bắt gọn sáu tên biệt kích do Lê Khoái cầm đầu. Đó cũng là vụ biệt kích lần đầu tiên xâm nhập vào địa bàn Hà Tĩnh trong thời kì chiến tranh chống Mỹ. Qua sự việc ấy tỉnh Hà Tĩnh ra chỉ thị cho các địa phương duy trì nghiêm ngặt chế độ tuần tra, canh gác; đồng thời tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội, dân quân tự vệ về công tác chỉ huy, kĩ chiến thuật, truy lùng vây bắt biệt kích, lập nên những chiến tích lớn sau này.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ chúng ta đã thành lập Trạm ra- đa 530 (nay là Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang, vùng 3 hải quân) tại cao điểm 234 mũi Độc, biến nơi này thành “con mắt thần” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1964, các chuyên gia Liên Xô đã có mặt tại đây giúp ta lắp ráp các phương tiện, thiết bị ra-đa và xây hầm điều hành kiên cố với diện tích khoảng 60 mét vuông. Từ buổi đầu đi vào hoạt động Trạm ra-đa 530 đã phát huy được tác dụng. Cụ thể ngày 04, tháng 8, năm 1964 Trạm trở thành đơn vị đầu tiên phát hiện 02 tàu chiến USS Madocx và USS Turner Joy của Mỹ gây hấn, bằng cách ngụy tạo nên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, để lấy cớ tuyên chiến với miền Bắc. Vậy nhưng chúng không ngờ âm mưu ấy bị ta vạch mặt, giáng trả cho một đòn khiếp vía. Chiến công đó cũng chính là bức thông điệp gửi tới nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới biết về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, với tinh thần hai miền cùng đánh Mỹ, bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt.

Sau khi nếm trải đòn giáng trả đau đớn, Mỹ phát hiện thấy trên mũi Độc có “con mắt thần” của Bắc Việt. Vì thế ngày 22, tháng 3, năm 1965 chúng tổ chức hàng loạt máy bay ồ ạt ném bom đánh trúng vào hầm điều hành, khiến bốn cán bộ, chiến sĩ của ta hi sinh tại chỗ. Tuy nhiên căn hầm chỉ bật nghiêng lên và hư hại phần bê tông phía cửa, nên các hoạt động của Trạm vẫn diễn ra suôn sẻ. Tiếp theo các ngày 26, tháng 3 và 31, tháng 3 năm 1965 cùng với chiến dịch tập kích khắp địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, máy bay Mỹ thi nhau điên cuồng dội hàng ngàn tấn bom xuống mũi Độc hòng san phẳng ngọn núi. Nhưng Trạm ra-đa vẫn duy trì hoạt động đều đặn; đồng thời phối hợp với Đại đội pháo cao xạ 24 và các đơn vị phòng không khu vực Đèo Ngang giáng trả mạnh mẽ, bắn rơi 9 chiếc máy bay, lập nên chiến công hiển hách. 

Gần 60 năm trôi qua, nhưng cảnh tượng cuộc chiến tàn khốc ngày ấy vẫn dường như còn đó với những dấu đạn, bom cày xé nham nhở bên mái đồi, vách đá... Đặc biệt, căn hầm điều hành nằm nghiêng trơ ra những mảng bê tông sứt sẹo, những lõi thép sắc lạnh giữa nắng, mưa và hơi mặn nồng của gió biển... vẫn còn nguyên. Trên cao điểm này còn có một cây duối cổ thụ với độ tuổi tương đương tuổi đời của Trạm còn mang đầy vết thương trên thân thể, là biểu tượng hùng hồn cho sự sống qua chiến tranh lửa đạn và bao biến động thời gian.

Những hiện tượng kì lạ về cây duối này được hé mở sau khi được ông Dương Quang Thọ (Sinh năm 1941) nguyên thiếu tá quân đội về hưu, nay sinh sống tại xóm Châu Thành, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là anh trai của liệt sĩ Dương Quang Tường, một trong bốn liệt sĩ hi sinh tại trận chiến ngày ấy kể rằng: Hồi nhỏ Tường rất thông minh lại có năng khiếu đá bóng và là thành viên của đội tuyển bóng đá trẻ xã Kỳ Châu, từng cùng đội đoạt nhiều giải bóng đá trong huyện. Có lần Tường theo đám trẻ đá bóng xong rủ nhau xuống sông Trí gần đó tắm không may bị đuối nước, nhưng được người làng chài kịp thời phát hiện cứu sống. Sau khi sự việc xảy ra, ông Thọ lỡ tay đánh Tường rất đau. Liền sau đó ông cảm thấy ân hận nên ôm chặt em mình khóc rưng rưng…

Có một hiện tượng khó lí giải là vào năm 1966 khi còn công tác tại Trường Sĩ quan pháo binh Sơn Tây, trong một lần đang nằm ngủ trưa tại đơn vị ông Thọ bỗng thấy Tường mặc bộ quân phục Hải quân hiện về nói: Anh đứng đây xem em tắm này. Nói xong Tường nhảy ùm một cái xuống sông. Bàng hoàng tỉnh dậy chưa hiểu sao thì ngay chiều hôm đó ông Thọ nhận được tin báo tử của Dương Quang Tường. Mãi sau này khi được bổ nhiệm làm Chính trị viên Tiểu đoàn 12, Quân khu IV đóng tại Quảng Bình ông Thọ mới có dịp về quê thuật lại câu chuyện cho mẹ mình, không ngờ mẹ ông cho biết là bà cũng từng thấy Tường về báo mộng như thế! 

Một kỉ niệm khác là hồi nhỏ thấy có một đoàn người qua xã tuyển công nhân làm phu đường ở đèo Ngang. Lúc đó Tường mới 15 tuổi nhưng được sự đồng ý của ông Thọ nên cùng năm người bạn khác trong xóm vội khăn gói theo đoàn. Sau khi đi chợ về không thấy Tường đâu, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Phiếc (Mẹ VNAH) hỏi thì ông Thọ nói ông đã cho em đi theo đoàn lục lộ vào làm đường trong đèo Ngang. Lúc này bà Phiếc rất giận dữ quát: Tao nuôi thằng Tường chứ mày có nuôi nó đâu mà muốn cho nó đi đâu thì đi. Lúc đó ông Thọ chỉ biết “vác chân lên tận cổ” nhằm hướng đèo Ngang chạy một mạch vào đến khe Lau, thuộc phường Kỳ Long, Thị xã Kỳ Anh ngày nay (cách nhà khoảng hơn 10km) thì gặp đoàn người đang lôi thôi, lếch thếch, ông liền kéo Tường ra thuật lại lời mẹ, rồi hai anh em cuốc bộ về nhà. Sự trùng lặp ngẫu nhiên khi sau này Tường vào quân ngũ lại đóng quân trên đèo Ngang, nơi mà trước đó chưa đầy 5 năm ông còn rất mơ hồ về chuyến đi làm phu đường, chỉ với suy nghĩ là bớt đi miệng ăn trong nhà cho mẹ đỡ vất vả.

Trở lại với cây duối (người dân Hà Tĩnh thường gọi cây giới) trên đỉnh mũi Độc, là giống cây thường được nông dân miền xuôi trồng làm hàng rào, bởi nó có khả năng chống chọi với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là có thể ngâm trong lũ lụt nhiều ngày liền mà vẫn xanh tốt. Còn theo người dân bản địa thì trên mũi Độc xưa nay không có cây duối tự nhiên. Đặc trưng của vùng núi này là rất nhiều cây mai, mà ngày nay thì bóng dáng của hoa mai rừng ở đây cũng đã trở thành quá vãng, bởi người ta đã săn lùng đào bới sạch; về mùa mưa thì các loại cỏ cây ở mái núi phía Bắc mũi Độc đều bị tàn lụi, bởi gió mùa lạnh và mưa bụi triền miên; vào mùa khô thì mái núi phía Nam lại bị gió Lào và nắng nóng dập dồn thổi khô tất thảy như cháy rừng… Vậy thì một câu hỏi đặt ra là liệu cây duối ấy có phải do Dương Quang Tường, người lính có bản quán ở gần đèo Ngang nhất so với ba liệt sĩ quê quán ở tỉnh khác đem lên trồng cho đỡ nhớ nhà hay không? Qua ông Thọ thì ngày xưa ở quê ông có rất nhiều cây duối. Những câu chuyện từ loài cây này được thêu dệt về góc độ tâm linh cũng rất li kì! Rất có thể xuất phát từ việc bố mất sớm và có anh trai đầu là liệt sĩ Dương Văn Toàn hi sinh vào thời kì kháng chiến chống Pháp, nên chăng Tường tưởng tượng rằng linh hồn của cha, anh mình thỉnh thoảng về ngụ trên cây duối đầu thôn để che chở, độ trì mẹ con ông? Cũng rất có thể vì nhớ trái bóng thời trẻ, mà sân vận động Kỳ Châu ngày ấy hầu như ngày nào Tường cũng cùng đám trẻ ra đá bóng có rất nhiều cây duối được trồng chung quanh làm hàng rào? Hay cây duối đầu thôn là nơi hẹn hò của mối tình đầu giữa chàng học sinh giỏi Dương Quang Tường và cô bạn gái xinh đẹp nhất làng vào những năm cuối ở Trường cấp II Kỳ Châu ngày ấy?... Thực hư, xâu chuỗi lại những giả thiết trên, ta có quyền nghĩ về cây duối ấy là một tài sản cần được gìn giữ với vai trò lịch sử, và cần được nhân rộng theo đề án trồng rừng để tăng độ che phủ tại mũi Độc đầy khắc nghiệt này.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chính trị viên Trạm ra-đa 535 tự hào về những chiến công hiển hách của các thế hệ đi trước chia sẻ: Ngoài việc bảo vệ cây duối, năm 2020 tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng đã kêu gọi, quyên góp làm được bia tưởng niệm ghi công các liệt sĩ và xây bậc đá lên hầm nghiêng. Với truyền thống vẻ vang, Trạm ra-đa 535 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ đảm bảo vệ Tổ quốc, đơn vị còn tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Nay mũi Độc không còn cảnh tượng bi bái! Các công trình đường bộ và hầm đường bộ xuyên đèo Ngang được mở mang, đi lại thuận tiện. Trước khi lên Hoành Sơn Quan chúng ta sẽ được tận mục sở thị hai di tích lịch sử - văn hóa linh thiêng khác ngay chân đèo là Đền thờ Thánh Mẫu Công chúa Liễu Hạnh và Chùa Thanh Phúc. Nếu như Chùa Thanh Phúc có tên cổ là Chùa Ngưu Sơn, tọa lạc ở làng cổ Ngưu Sơn, xã Thần Đầu, tổng Hoằng Lễ, nay là thôn Tân Thành xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh. Trong chùa có quả chuông đồng, mặt ngoài khắc dòng chữ “Ngưu Sơn tự chung”. Tiếc rằng, quả chuông đã bị thất lạc. Nhưng gần đây ngôi chùa mới đã được xây dựng khang trang, có sư trụ trì và bà con phật tử khắp mọi miền tới lễ bái thường xuyên. Thì ngược lại Đền thờ Thánh Mẫu, một ngôi đền cổ nằm bên suối Lùm, xung quanh cây mành anh (tre nhỏ) mọc um tùm. Theo truyền thuyết: Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trị vì bà hóa phép thành cô gái đẹp, mở quán bán cho khách bộ hành dưới chân đèo Ngang. Nay dù ngôi đền được một người dân phát tâm trùng tu, nhưng vẫn còn rất sơ sài so với ngôi đền cùng tên ở bên kia đèo, thuộc Quảng Bình.

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Bí thư Thị ủy thị xã Kỳ Anh cho biết: Những năm qua, địa phương rất chú trọng đến công tác quản lí, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, để tôn tạo các công trình mà vẫn đảm bảo kiến trúc nguyên trạng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi can thiệp bằng công nghệ hiện đại. Kết hợp với đó, thị xã đang có kế hoạch triển khai dự án điện gió và dự án khu nghỉ dưỡng tại khu vực này theo thế vòng cung hướng ra biển, tạo thành quần thể du lịch sinh thái, tâm linh, đồng thời là vùng đệm phục vụ khu công nghiệp Vũng Áng và du khách. Trước mắt sẽ cho nạo vét cửa sông Xích Mộ, bởi nó như lá phổi của đèo Ngang và ẩn chứa vô số giai thoại lịch sử, đang đứng trước nguy cơ bồi lấp trước sự tấn công của bão cát từ ngoài khơi; thành lập phường Kỳ Nam và di dời tái định cư thôn Minh Đức lên nơi ở mới có điều kiện tốt hơn. Định hướng lâu dài sẽ đưa Kỳ Nam từ chỗ xã khó khăn nhất trở thành phường trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế xã- hội của thành phố Kỳ Anh tương lai.

Ngày cuối đông buốt giá, sương mù đặc quánh như sữa vây kín trời. Dưới những chùm duối vàng nở sớm và di tích lịch sử Hầm Nghiêng trên mũi Độc, tôi có cảm giác ngọn núi đang chong mắt dõi theo từng phút đổi thay trên quê hương, đất nước!

Bút kí của Nguyễn Ngọc Vượng

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm