May 2, 2024, 12:27 pm

Mùa thu thơ

Ai cũng biết mùa thu là một mùa đặc biệt. Song mùa thu ở xứ sở trời Âu lại càng làm cho người ta thêm say đắm. Trời trong veo, nắng vàng ươm, gió nhè nhẹ vuốt ve lao xao bao vòm lá. Những cánh rừng nhuộm đủ sắc màu rực rỡ trông như một bức tranh sơn dầu khổ lớn tựa vào vòm trời xanh rười rượi. Cái se lạnh chỉ đủ để chạm nhẹ vào làn da và nhắc người ra đường chớ quên khoác thêm một chiếc áo choàng mỏng mảnh. Mùa của những xốn xang, những lãng đãng, bồng bềnh, khiến ta bỗng thấy như đang phiêu du trong nửa mơ nửa thực. Có lẽ vì thế mà nhiều người gọi nó là mùa của tình yêu hoặc sự biệt ly, mùa của thơ ca và thi sỹ.

Là một đất nước nổi danh về nhạc và thơ cùng với những cảnh đẹp nao lòng, vì vậy mà từ lâu người Ba Lan đã chọn mùa thu hàng năm để tổ chức “Mùa thu thơ”. Vào dịp này, diễn ra rất nhiều hoạt động trên cả nước, tại các thành phố lớn, các trường học, câu lạc bộ và cả ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Gặp gỡ với các nhà thơ, giới thiệu các tập thơ mới xuất bản, trình diễn thơ theo nhiều cách khác nhau luôn được người Ba lan hào hứng tham gia. Trân quý những giá trị nghệ thuật đích thực có lẽ đã trở thành truyền thống và ngấm vào huyết thống của người Ba Lan. Không phải ngẫu nhiên mà mộ của nhiều danh nhân nổi tiếng lại được đặt ở tầng hầm của các nhà thờ đặc biệt cùng với mộ của các nhà vua. Lướt qua các quảng trường lừng danh ở cố đô Kra-cốp hay thủ đô Vác-sa-va, người ta nhận ra ngay bên cạnh tượng đài của các nhà vua, các anh hùng dân tộc Ba Lan là những tượng đài của đại thi hào A. Mic-kie-vích, nhạc sỹ thiên tài Sô-panh hoành tráng và tuyệt đẹp. Trong sáu năm học đại học tại Ba Lan, trải qua những mùa đông lạnh giá, tuyết phủ ngập đường, song mỗi ngày đi qua các tượng đài này tôi đều ngạc nhiên và vô cùng thán phục là bao giờ cũng có rất nhiều những đóa hoa tươi đặt bên các tượng đài đó. Tôi đã từng chứng kiến người đặt hoa có khi là một cụ già, đôi khi lại là một học sinh trung học. Vì thế nên tôi cũng không mấy ngạc nhiên và bất ngờ khi năm 2014 quay lại Ba Lan, đến viếng mộ của nữ sỹ W.Szymborska, chủ nhân của giải Nô-ben văn học mà tôi đã dịch ra tiếng việt, thì trên mộ bà cũng đầy hoa. Có những bông hoa đã héo, có những mẩu giấy mà người tới đây đã viết để lại để tưởng nhớ bà, nhưng không bao giờ vắng những bông hoa tươi thắm. Thật xúc động khi nhìn thấy những bông hoa ấy - những bông hoa không do một cơ quan, tổ chức nào đặt hàng, không theo một mệnh lệnh hay một chỉ thị nào, không nhân một dịp kỷ niệm nào, mà chỉ giản đơn là từ tình yêu và sự trân trọng của những trái tim.

Trở lại với “Mùa thu thơ”, tôi nhớ mãi mùa thu năm 1999, khi tôi đang làm Đại sứ Việt nam tại Ba Lan. Người bảo trợ cho buổi khai mạc và cả “Mùa thu thơ” năm ấy chính là đệ nhất phu nhân của Tổng thống Ba Lan Jolanta Kwiasniewska. Đầu năm 1999, tôi có dịp được về nước tháp tùng Tổng thống Ba Lan khi ông sang thăm chính thức Việt Nam. Qua chuyến thăm, vợ chồng ông hiểu thêm rất nhiều về đất nước và con người Việt Nam, trong đó có cả chuyện người Việt Nam rất yêu thơ. Biết tôi là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, và cũng là một người làm thơ, nên Ban Tổ chức đã mời tôi tới dự buổi khai mạc “Mùa thu thơ” năm ấy. Buổi khai mạc được tổ chức tại một phòng lớn vô cùng sang trọng và lộng lẫy ngay trong Cung vua tại thành cổ Vác-sa-va làm tôi thật sự bất ngờ. Tôi còn được xếp ngồi ngay cạnh phu nhân Tổng thống. Sau bài phát biểu ngắn gọn của bà Jolanta và của đại diện Hội nhà văn Ba Lan, tôi cũng được mời giới thiệu một chút về tình yêu thơ ca của người Việt Nam và cách ngâm thơ của người Việt. Tiếp đó là phần trình diễn thơ. Các nghệ sỹ nổi tiếng Ba lan đã đọc thơ của A.Mic-kie-vich và nhiều nhà thơ tên tuổi khác trên nền nhạc đệm của đàn pia-nô. Cả thính phòng chìm đắm trong giai điệu của thơ và nhạc rồi thỉnh thoảng lại bừng tỉnh bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Thời gian trôi qua rất nhanh và buổi khai mạc đã diễn ra thật sang trọng và ắp đầy cảm xúc. Cũng nhờ có hoạt động này và việc chắp nối lại quan hệ giữa Hội Nhà văn hai nước mà một số nhà thơ Việt Nam đã có dịp được mời sang Ba lan dự các “Mùa thu thơ” vào những năm sau đó.

Nhiều năm đã lặng lẽ qua đi, nhưng ngay từ hôm đó và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn vương vấn và bị ám ảnh mãi bởi một suy nghĩ sao người Ba Lan lại trân trọng và yêu quý thơ ca đến vậy. Song cứ nhìn vào cái cách mà họ ứng xử với thi ca và các nhà thơ, tôi càng ngày càng thấu hiểu vì sao mà Ba lan một đất nước cũng khiêm nhường về cả diện tích và dân số lại có nhiều nhà thơ, nhà văn đoạt giải Nô-ben văn học đến vậy.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 


Có thể bạn quan tâm