April 27, 2024, 3:23 pm

Một vài suy nghĩ về giải thưởng văn học ở nước ta hiện nay

1. Nhận diện hệ thống giải thưởng văn học ở nước ta hiện nay

Là quốc gia yêu văn chương, Việt Nam có nhiều giải thưởng văn học. Hệ thống giải thưởng văn học ở nước ta vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm giải thưởng của các cơ quan, đoàn thể, bộ, ban, ngành Nhà nước và giải thưởng do các tổ chức, cá nhân không thuộc chính quyền trao tặng. Giải thưởng văn học có thể là một giải chuyên biệt hoặc cùng nằm trong một giải chung, được trao cùng các loại hình nghệ thuật khác.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, giải thưởng của các cơ quan báo chí chuyên về văn học nghệ thuật có một vị trí quan trọng. Trong đó, giải thưởng có bề dày lịch sử, uy tín nhất là giải thưởng của Báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) và của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngoài hai cơ quan trên, một số báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật cũng tổ chức cuộc thi và trao thưởng như Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Non nước, Tạp chí Sông Hương, Báo Văn nghệ Công an… Mặt khác, một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản không chuyên về văn học cũng đứng ra tổ chức một số cuộc thi và trao giải như giải thưởng “Dế Mèn” của Báo Thể thao và Văn hóa (ra đời năm 2020), giải thưởng “Văn học tuổi 20” của Nhà xuất bản Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh...

Hình ảnh tại lễ trai Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII

 

Tồn tại song song với các giải thưởng của báo, tạp chí, nhà xuất bản là hệ thống giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật. Có thể kể đến giải thưởng thường niên cho tất cả các lĩnh vực văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh giải thường niên, Hội Nhà văn Việt Nam còn có giải cho cuộc thi tiểu thuyết được phát động trong vòng 3 đến 5 năm, giải thưởng “cống hiến” nhằm tôn vinh các nhà văn có những đóng góp nổi bật cho nền văn học Việt Nam,  giải thưởng “Tác giả trẻ” dành riêng cho các tác giả dưới 35 tuổi.

Ở các hội văn nghệ địa phương, đáng chú ý có hệ thống giải của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh - hai trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước. Với các hội văn nghệ địa phương khác, việc tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng khá linh hoạt. Có hội địa phương tổ chức trao hằng năm, có hội địa phương tổ chức trao 5 năm một lần hoặc trao chung với các loại hình nghệ thuật khác trong giải của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có trao giải thưởng văn học thường niên cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc trong năm. Mảng lí luận phê bình cũng có giải thưởng riêng do Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao tặng hằng năm.

Một hệ thống giải thưởng văn học cũng ghi dấu ấn đáng kể trong dòng chảy văn học Việt Nam là giải thưởng của các cơ quan, bộ, ban, ngành như giải thưởng “Văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” của Bộ Quốc phòng được trao 5 năm một lần, giải “Cây bút vàng” của Bộ Công an. Ở tầm quốc gia, Chính phủ tổ chức xét duyệt trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Cả hai giải thưởng đều được trao 5 năm một lần.

Các giải thưởng văn học tư nhân cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong tiến trình văn học sử Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, các giải thưởng văn học tư nhân rất phát triển ở Nam bộ. Năm 1906, Báo Nông cổ mín đàm tổ chức cuộc thi tiểu thuyết. Cũng có thể kể đến các giải thưởng văn học trao cho cuộc thi viết tiểu thuyết, thi viết cho thiếu nhi, thi viết cho phụ nữ của Đông Pháp thời báo; giải thưởng văn học cho cuộc thi viết tiểu thuyết của Báo Đuốc Nhà Nam (1943). Ngoài giải thưởng của các cơ quan báo chí, văn học Nam bộ giai đoạn đầu thế kỉ XX còn ghi nhận các giải thưởng của các hội và cá nhân như giải “Thủ khoa Nghĩa” của Hội Khuyến học Cần Thơ, “Ngô Tâm Thông” của Ngô Tâm Thông, “Khuyến học Nam Kỳ” của Hội Khuyến học Nam Kỳ, “Nam Xuyên” của Lê Tràng Kiều, “Đồ Chiểu” của dược sư Trần Kim Quan… 

Trong giai đoạn 1932 - 1945, giải thưởng nổi tiếng và uy tín nhất của văn học Việt Nam là giải thưởng của nhóm Tự lực văn đoàn. Sang thế kỉ XXI, văn học Việt Nam bắt đầu xuất hiện trở lại những giải thưởng văn học do tư nhân khởi xướng như giải “Lá trầu” (2007) của quỹ Eva, giải “Bách Việt” (2008) của Công ti sách Bách Việt, giải thưởng “Trần Nhương” (2011) của nhà thơ Trần Nhương…  

2. Một vài nhận xét

Mặc dầu còn tạo ra những thắc mắc, băn khoăn, “xì xầm bàn tán” ngoài hậu trường sau mỗi lần trao giải, dẫu biết giải thưởng chỉ là nhất thời, sự sàng lọc của thời gian và bạn đọc mới là quan trọng nhất, nhưng nhìn chung hệ thống giải thưởng từ lâu nay đã thực hiện tốt hai sứ mệnh là “bệ phóng”, “bà đỡ” mát tay cho các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ và tôn vinh những tác giả - tác phẩm văn học có giá trị.

Nhìn vào bức tranh giải thưởng quá khứ và hiện tại, chúng ta nhận thấy các giải thưởng văn học tư nhân không có sức sống lâu bền bằng các giải thưởng của các cơ quan Nhà nước và trực thuộc Nhà nước. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các giải thưởng tư nhân thường chỉ được trao đôi ba lần rồi dừng, không có tính liên tục, kế thừa. Nhiều giải thưởng quy mô cũng ngày một thu hẹp. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do vấn đề kinh phí và sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Đây là điều khá đáng tiếc. Trong tương lai, rất hi vọng có một giải thưởng văn học tư nhân “tầm cỡ”, uy tín, tồn tại lâu dài - một Tự lực văn đoàn phiên bản thời 4.0 - để nền văn học Việt Nam thêm phong phú, đa dạng, các tác giả văn học có thêm sự lựa chọn để gửi gắm tác phẩm và độc giả cũng có thêm một kênh tham khảo trước khi quyết định “xuống tiền” mua sách.

Hình thức tổ chức xét giải, trao giải hiện nay không có nhiều sự đổi mới. Trải qua hơn thế kỉ, cho đến nay các giải thưởng đều được xét theo một quy trình: tác giả gửi tác phẩm - hội đồng chấm giải đọc, họp, bỏ phiếu - tiến hành công bố, trao giải. Đây là một quy trình khép kín, không có sự tham gia của công chúng phổ thông. Bạn đọc - một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên nền văn học - đã “đứng ngoài” giải thưởng từ rất lâu rồi. Điều này dường như không phù hợp lắm đối với sự phát triển của nghệ thuật trong kỉ nguyên internet như hiện nay, khi mà sự tương tác của công chúng phổ thông là một trong những nhân tố tạo nên sức hấp dẫn cho các cuộc thi. Cá nhân tôi mong muốn chứng kiến một cuộc thi, xét giải thưởng văn học có sự tham gia đánh giá bình chọn của đông đảo bạn đọc phổ thông và những chuyên gia trong hội đồng chấm giải theo một tỉ lệ nhất định (điều mà các cuộc thi âm nhạc vốn rất thịnh hành trong thời đại hiện nay làm rất thường xuyên). Các tác phẩm đoạt giải thưởng sẽ là sự “tổng hòa” cân nhắc giữa số phiếu bình chọn của bạn đọc phổ thông và các chuyên gia trong hội đồng xét giải. Mặc dù sẽ có những “độ chênh” nhất định giữa chuyên gia và bạn đọc phổ thông nhưng sự kết hợp này một mặt sẽ tạo nên sự khách quan hơn trong đánh giá, tạo ra một “sân chơi văn chương” đông đảo hơn, hào hứng hơn, sôi nổi hơn trong hoàn cảnh văn học đang bị các loại hình nghệ thuật nghe nhìn lấn át như hiện nay; mặt khác đây cũng là một kênh giúp nhà văn hiểu rõ hơn nhu cầu của bạn đọc và thời đại, từ đó có những định hướng sáng tác cho riêng mình.

Tâm Anh

Nguồn Văn nghệ số 10/2024


Có thể bạn quan tâm