May 2, 2024, 10:37 pm

Một triển lãm đặc biệt, của một tình yêu đặc biệt

 

Chiều ngày 17/4/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đã diễn ra phiên khai mạc của một triển lãm rất đặc biệt (chủ đề của triển lãm “Finding Parkinsons của David Thomas và tranh đồ họa của nhóm nghệ sỹ Boston”).

Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng tặng hoa các Nghệ sỹ đến từ Boston, Mỹ. Ảnh: T.Ngọc

 Từ một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam

Triển lãm “Finding Parkinsons của David Thomas và Tranh đồ họa của nhóm nghệ sĩ Boston” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Họa sỹ David Thomas và nhóm Nghệ sĩ Đồ họa Boston (Mỹ) đồng thực hiện và tổ chức. Nếu không chịu ảnh hưởng của COVID-19, triển lãm này đã diễn ra vào đầu năm 2022.

Trước hết, đó là những tác phẩm lần đầu tiên được triển lãm tại Việt Nam. Còn tác giả của (gần một nửa tác phẩm của triển lãm) là một Cựu chiến binh Mỹ, họa sỹ David Thomas, từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng cũng là Người nước ngoài đầu tiên, được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa của Việt Nam (2010). Bị nhiễm chất độc màu da cam (trong chiến tranh tại Việt Nam), người nghệ sỹ được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson… Và ông đã chống chọi lại bệnh tật này qua: lao động sáng tạo, tạo nên những hình ảnh trực quan về cuộc chiến cam go với căn bệnh não của chính mình, qua triển lãm “Finding Parkinsons – Phát hiện Parkinsons”. Một triển lãm thiên về ngôn ngữ tự sự.

Điều đặc biệt nữa ...  Các nghệ sĩ thành viên của The Boston Printmakers (Hội Đồ họa Boston, Mỹ) đã tập hợp 38 tác phẩm của mình, thành một sưu tập, và đặt tựa đề là “Peace, Love, and Understanding” (Hòa bình, Tình yêu và Sự hiểu biết), tổ chức  triển lãm tại Đà Nẵng, đồng thời quyết định hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sau khi triển lãm kết thúc". Đây là cách bày tỏ lòng tri ân về sự hiếu khách mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã dành cho các nghệ sỹ quốc tế, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi cũng xin tri ân họa sỹ David Thomas, người đã làm nên kịch bản về sự hiểu biết lẫn nhau qua giao thoa văn hóa Việt Nam – Mỹ , Boston – Đà Nẵng”, đại diện  Hội Đồ họa Boston, Mỹ, bày tỏ.

Người cựu binh quân đội Mỹ năm nào, tác giả của những tác phẩm “Finding Parkinsons”, cũng vừa là thành viên hội đồng quản trị lâu năm, đồng thời là cựu Chủ tịch của The Boston Printmakers.

Cắt băng khai mạc triển lãm

Tôi vẫn nhớ một ngày đầu tháng 5/2018, tôi nhận được một email từ Họa sỹ David Thomas. Ông biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông qua Giáo sư Margo Lemieux - một thành viên của Boston Prinmakers (Hội Đồ họa Boston), người hằng năm đưa sinh viên nghệ thuật của thành phố Boston đến Đà Nẵng để học tập, nghiên cứu. Vì có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, ông luôn mong muốn có những hoạt động giao lưu, triển lãm nghệ thuật giữa các họa sĩ Mỹ và Việt Nam và Đà Nẵng - thành phố trung tâm của miền Trung là nơi ông hướng đến. Kết quả của sự kết nối đó đã mang đến cho chúng tôi một triển lãm đầy ấn tượng diễn ra vào tháng 3/2019, đó là triển lãm mỹ thuật đương đại "Bridge/ Chiếc cầu" với sự phối hợp giữa hai họa sĩ Mark Cooper và Vũ Trọng Thuấn. Sau triển lãm đó, Mark Cooper đã sáng tác cụm tác phẩm "Unbounded - Vô biên" bằng đá cẩm thạch nặng 8 tấn để hiến tặng cho Đà Nẵng và đã được lãnh đạo hai trường đại học nơi ông giảng dạy là Trường Đại học Boston, Trường Bảo tàng Nghệ thuật thuộc Đại học Tufts và Tổ chức IAP tán thành và họ đồng ý tài trợ kinh phí để ông thực hiện. Những hoạt động trên đã được tổ chức thành công với sự đón nhận của những người yêu nghệ thuật, công chúng và đặc biệt là giới trẻ. Đó cũng là nhịp cầu kết đưa triển lãm "Finding Parkinsons" của David Thomas và 38 họa sỹ đồ họa của Boston đưa tác phẩm đến trưng bày và hiến tặng cho Đà Nẵng”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhớ lại.

Qua triển lãm lần này, có một thông điệp bật lên, hiện rõ hình hài của một nỗi đau dai dẳng, dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, và dân tộc Việt Nam chuẩn bị tổ chức kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (với cột mốc lịch sử 30 tháng Tư năm 1975): đó là, hậu quả rất nặng nề của chất độc màu da cam (Agent Orange) đã gây ra cho con người – một Nỗi đau da cam (Agent Orange Pain).

“Khi được chẩn đoán đã mắc bệnh Parkinsons, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về hậu quả của chất độc da cam và hậu quả mà những người dân Việt Nam phải gánh chịu. Tôi dần nhận ra rằng,  ung thư và Parkinsons là hai căn bệnh có liên quan đến chất độc màu da cam” - họa sỹ David Thomas bộc bạch.

Ngoài họa sỹ David Thomas, đại diện của The Boston Prinmakers tham dự sự kiện khai mạc triển lãm (tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), còn có các nghệ sỹ: Susan Denniston, Margo Lemieux, Colleen MacDonald, Marilyn Mase, Carolyn Musket, … và người thân của họ. Vượt nửa vòng trái đất, họ mang theo thông điệp “Hòa bình, Tình yêu và Sự hiểu biết” từ Boston đến Đà Nẵng. Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng 71 tác phẩm, với hai không gian riêng.

Finding Parkinsons” – của Họa sỹ David Thomas: Cuộc chiến chống lại bộ não của chính tôi

Họa sỹ David Thomas là cái tên không xa lạ với người trong giới mỹ thuật – văn nghệ, cũng như công chúng Việt Nam. Sinh năm 1946 (tại Portland, Maine, Hoa Kỳ), ông là cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam (những năm 1969 – 1970). Lúc đó ông đóng quân ở Pleiku, là công binh, đảm nhận thiết kế lắp ráp cầu phà, nhà xưởng, và khi cần hỗ trợ kỹ thuật chiến đấu, bao gồm cả những công việc phải tiếp xúc với chất độc màu da cam.

Trở lại Hoa Kỳ vào năm 1970, và “nhận thấy rất ít người (Mỹ) có hiểu biết thực sự về cuộc chiến tranh tại Việt Nam:, ông quyết định dành nhiều thời gian, trong cảm hứng sáng tạo của một nghệ sỹ hội họa, sáng tác về con người Việt Nam. Nơi ông đã có 2 năm sống và làm nghĩa vụ quân nhân. ”Tôi đã trải qua những năm tháng khắc nghiệt nhất trong cuộc đời tại Việt Nam. Và ngay trong thời điểm khó khăn nhất, tôi đã nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn người Việt”, ông chia sẻ.

Năm 1987, ông trở lại Việt Nam và chuyến đi trở thành chất xúc tác kỳ diệu, thôi thúc ông sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật  Đông Dương (Indochina Arts Partnership; sau đó là Quỹ Nghệ thuật  Đông Dương), một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm phát triển hoạt động giới thiệu, giao lưu văn hóa Mỹ - Việt Nam trong suốt thời gian hơn 30 năm. Năm 1999, ông trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa của Việt Nam. Năm 2010, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Vào năm 2000, Họa sỹ David Thomas đã ra mắt sách ảnh “Hồ Chí Minh: Chân dung một Con Người” do chính ông thực hiện. Ông quyết định dùng chất liệu giấy dó để in các trang sách bên trong, và tự tay mình thiết kế bao bì (cho ấn phẩm) là Quốc kỳ Việt Nam. Tập sách được đặt trang trọng trong một hộp sơn mài. Dù toàn bộ ý tưởng thiết kế là đương đại nhưng hình ảnh về Hồ Chủ Tịch giữ được “chất liệu đã qua năm tháng”, chữ và tông màu trên mỗi trang, ông chú ý đến tính trang nhã của phong cách Á Đông. “Tôi làm vì lòng ngưỡng mộ Người. Theo tôi Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại, Người làm thay đổi cục diện thế giới”, ông giải thích.

Họa sỹ David Thomas với sinh viên Đại học Văn Lang. Ảnh Website Đại học Văn Lang.

Cách đây tròn 10 năm, tháng 1/2003, Khi ông cùng HS. Lê Huy Tiếp (nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật – Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã đến giảng dạy (Mỹ thuật công nghiệp) tại Đại học Văn Lang. Thầy cô giáo và sinh của Trường, qua những tiết học, cảm nhận được nhiều điều về hiểu biết và tình yêu con người, yêu những giá trị Việt Nam sâu nặng như thế nào trong ông. Bộ sách công phu đến như thế “về Con Người Việt Nam vĩ đại nhưng do một người Mỹ thực hiện” đã nói lên tất cả. Về nghề nghiệp,  Họa sỹ David Thomas lưu ý rằng, “phải biết quý trọng và vận dụng những giá trị tinh hoa của dân tộc các bạn vào công việc thiết kế. Kỹ thuật in phương Tây có thể được sử dụng trong kết hợp với cách nhìn, cách xử lý chất liệu rất Việt Nam, tạo ra chất Việt cho sản phẩm”.  Năm 2015, ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, căn bệnh được xác định có liên quan đến việc (ông từng) tiếp xúc với chất độc màu da cam.

Gần 3 năm trước đây, ngày 14/12/2020, lần đầu tiên ông nhìn thấy bộ não của mình sau khi chụp MRI não. Những bản chụp này đã thôi thúc ông. Đó cũng chính là những tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm “Finding Parkinsons” với 33 bức tranh in, sử dụng kỹ thuật đa dạng như cắt dán (kết hợp hình ảnh khuôn mặt tự chụp và ảnh chụp MRI não của tác giả); nhóm tác phẩm được in kỹ thuật số, kể cả, tác phẩm được in thạch bản (trên cơ sở hoàn thành các bức in thạch bản mà ông làm dang dở trong thời gian vào khoảng năm 1986).

Finding Parkinsons là câu chuyện kể về về cuộc chiến chống lại căn bệnh thoái hóa thần kinh của chính tôi. Tôi được chẩn đoán bị mắc căn bệnh này vào năm 2015, hậu quả của việc phơi nhiễm chất độc màu da cam khi đóng quân tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1969 - 1970. Thông qua nghệ thuật của mình, tôi muốn mang đến cho bạn một góc nhìn vào thế giới riêng cũng như cuộc chiến chống lại bộ não của chính tôi (Tự sự của Họa sỹ David Thomas).

Họa sỹ David Thomas trở thành 1 trong số (ít nhất có) 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam (theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam, giai đoạn 1968 - 1970). Và không chỉ quân nhân Mỹ, quân nhân Hàn Quốc, Australia, New Zealand…từng tham chiến ở Việt Nam, cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc này. da cam. Đã có khoảng 100.000/300.000 lượt binh sĩ Hàn Quốc (tham chiến ở Việt Nam) cũng là nạn nhân, và hơn 20.000 người đã chết (theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc).

Công chúng yêu nghệ thuật trước tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Nhưng điều còn lại mãi mãi là “Hòa bình, Tình yêu và Sự hiểu biết”

Không gian trưng bày còn lại dành cho 38 tác phẩm của 37 nghệ sỹ là thành viên của The Boston Printmakers (Hội Đồ họa Boston, Mỹ)

The Boston Printmakers được thành lập vào năm 1947, có trụ sở tại Boston, Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy kiến ​​thức, sự hiểu biết của công chúng và hỗ trợ cho sự phát triển tranh đồ họa.

Và Họa sỹ David Thomas cũng vừa là một thành viên hội đồng quản trị lâu năm, đồng thời là cựu chủ tịch của tổ chức trên. Với 38 tác phẩm tham gia triển lãm cùng họa sĩ David Thomas lần này, theo các nghệ sỹ, là nhằm tôn vinh những đóng góp và kỷ niệm gần 30 năm hoạt động của ông trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ.

38 tác phẩm trên tập hợp thành một sưu tập, mang thông điệp của tinh thần giao thoa văn hóa Việt – Mỹ trong “Hòa bình, Tình yêu và Sự hiểu - Peace, Love, and Understanding”.

“Finding Parkinsons của David Thomas và tranh đồ họa của nhóm nghệ sỹ Boston” đã có 3 phiên triển lãm tại Mỹ (trong năm 2022). Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên khi triển lãm “bay sang” Việt Nam, sau đó, triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm