May 6, 2024, 5:23 am

Một sự nghiệp xứng danh*

Sinh năm 1921, cùng năm sinh với Tế Hanh, Kim Lân; cùng thế hệ với bộ ba Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên - sinh năm 1920, có thể xếp Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) vào đội ngũ những tên tuổi kết thúc mùa gặt ngoạn mục 1930-1945 trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, dẫu tác giả trẻ này mới chỉ kịp trình làng một số truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ Bảy của ông chủ Tân Dân Vũ Đình Long. Vào kháng chiến chống Pháp, ngoài Tố Hữu, số lớn những tên tuổi thuộc thế hệ được gọi là “tiền chiến” này đều có những khó khăn trong “lột vỏ” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), “nhận đường” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi). Trong tình thế chiến tranh “cài răng lược” ở Liên khu V, Nguyễn Văn Xuân ở lại Đà Nẵng, nơi được xem là hậu địch, hình như cũng ít viết, tuy có tham gia một số sinh hoạt văn nghệ kháng chiến, và nhận một vài chức trách như Ủy viên kịch nghệ Hội văn nghệ Quảng Nam và Ủy viên kịch nghệ Hội văn nghệ Liên khu V. Năm 1955, sau ngày Hòa bình lập lại, ông có bị chính quyền miền Nam bắt giam một thời gian ở Huế do tình nghi có liên quan một vài hoạt động chính trị. Phải sau khi được trả tự do, về lại Đà Nẵng, Nguyễn Văn Xuân mới thực sự bắt đầu một thời kỳ sáng tác và trước tác trên các lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết và khảo cứu, trở thành một gương mặt tiêu biểu trong đời sống văn chương - học thuật của miền Nam 1954-1975.

 

Trong cách nhìn chật hẹp của giới nghiên cứu một thời, việc đánh giá thành tựu của văn học trên cả hai miền Bắc - Nam thời 1954-1975 không đủ chiều rộng của nhận thức và sự bao dung về tinh thần nên rất nhiều giá trị của văn học miền Nam bị xem nhẹ hoặc bỏ quên, trong đó có Nguyễn Văn Xuân. Trong nghiên cứu của anh Lại Nguyên Ân đặt ở đầu Tập Một bộ sách này cho biết phải đến đầu thập niên 1980, một số truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân viết trước 1945 mới được đưa vào bộ Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 30B. Còn với tư cách là một tác gia sau 1945, và sau 1954, thì chưa có công trình hoặc bài viết nào nhắc đến. Riêng với Viện Văn học, năm 1983, trong cuốn sách Về một vùng văn học, nó là công trình hợp tác giữa Ban văn học hiện đại của Viện với Hội văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng (gọi tắt là Quảng Đà), không có bài về Nguyễn Văn Xuân, hoặc của Nguyễn Văn Xuân. Cái tên ấy, tôi - trong vai trò đồng Chủ biên cùng với anh Hồ Hoàng Thanh chưa từng được nghe; mà chính các anh lãnh đạo Hội như Lưu Trùng Dương, Đoàn Xoa, Hồ Hoàng Thanh…, và các anh ở vị trí cao trong lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung…, những người có tham gia vào việc viết và tổ chức sách này, cũng không thấy ai nhắc đến.

Lịch sử đã phải trải những gấp khúc trong những tình thế không bình thường như thế, mới đến được hôm nay với tên Nguyễn Văn Xuân trong Toàn tập - 7 Tập, một khối lượng trang viết thật đồ sộ, ít ai trong giới sáng tác - nghiên cứu đạt được trong âm thầm, nhẫn nại của nghề nghiệp: nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu; sau khi ông qua đời năm 2007, ở tuổi 86.

*

Qua Toàn tập, và qua bài giới thiệu của Lại Nguyên Ân, tôi mới được biết và bất ngờ trước sức lao động của một trí thức như Nguyễn Văn Xuân trên cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu; cả hai đều có thành tựu cao. Có vốn Hán Nôm học và Tây học, những công trình nghiên cứu của ông như Khi những lưu dân trở lại (1967), và Phong trào Duy tân (1971) được bảo đảm ở giá trị khoa học và thực tiễn. Có mẫn cảm trong sáng tác, ngoài kho truyện ngắn, trong hai tập Dịch cát (1966) và Hương máu (1969), ông có những tiểu thuyết rất đáng đọc như Bão rừng (1957), Kỳ nữ họ Tống (2002). Kết hợp và dung hòa được hai loại tư duy mà không làm khô đi, hoặc nhão ướt một phía nào, chỉ riêng điều đó, Nguyễn Văn Xuân xứng đáng là một tên tuổi đáng vị nể trong giới nghề nghiệp chúng ta.

Nhưng, đối với tôi, tên tuổi Nguyễn Văn Xuân còn gợi nghĩ một điều gì lớn hơn thế. Đó là tình yêu quê hương; sự gắn bó sâu nặng với quê hương; sự chung thủy suốt đời với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình; niềm khao khát khai thác tận cùng những giá trị tinh thần của một vùng đất, một miền quê có tên Xứ Quảng. “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”. Xứ Quảng, cũng như xứ Huế, xứ Nghệ, xứ Thanh…, và rộng ra là Đàng Ngoài và Đàng Trong, mỗi tên đất như thế chứa đựng biết bao là nguồn mạch, là dưỡng chất làm nên khí cốt cho Con người; và từ những Con người ấy mà làm nên hình hài, bản sắc, bản lĩnh cho một cái tên chung: Việt Nam.

Trước khi đến với cái tên chung Việt Nam, cần phải thấu hiểu thật sâu những cái tên riêng như Xứ Quảng, Xứ Huế, Xứ Thanh, Xứ Nghệ…

Mà muốn thế cần biết bao những tên người như Nguyễn Văn Xuân.

Xưa, là thế. Và nay càng như thế. Xưa - để sau 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Sau 80 năm Pháp thuộc, mất tên gọi trên bản đồ, cái tên Việt Nam lại trở về thật là rạng rỡ từ Cách mạng tháng Tám 1945.

Nay, càng Toàn cầu hóa, để mở ra cho thật rộng các biên độ, càng cần sự thu lại cho thật nhỏ những gì làm nên sự chưng cất, sự kết tinh những giá trị, những phẩm chất, những bản sắc Việt ẩn sâu qua các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Nghĩ như vậy, càng thấy quý, quý vô cùng những gương sáng trong âm thầm và nhẫn nại như Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam; như Ninh Viết Giao với Nghệ An và Thái Kim Đỉnh với Hà Tĩnh – hai người bạn vong niên thân quý của tôi.

Ở phương diện nào trong sáng tác và trước tác của Nguyễn Văn Xuân cũng đều có nhiều điều rất đáng nói, và như đã được nói trong bài viết công phu của anh Lại Nguyên Ân. Tôi nghĩ đến tiểu thuyết Bão rừng (1957), viết về công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đầu thế kỷ XX, và Kỳ nữ họ Tống (2002), câu chuyện trong thâm cung các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đầu thế kỷ XVII; ở cả hai cho thấy mối quan tâm và cảm hứng của tác giả là dành cho lịch sử và phong tục Việt. Cùng với hai tiểu thuyết là nhiều chục truyện ngắn trong hai tập Dịch cát (1966) và Hương máu (1969). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ định hình một gương mặt Nguyễn Văn Xuân thời hiện đại. Thế nhưng bên sáng tác còn trước tác, với công trình Khi những lưu dân trở lại, nói về công cuộc mở cõi của dân tộc nhiều thế kỷ trước, và công trình Phong trào Duy tân, với bao chân dung sáng giá của trí thức Việt đầu thế kỷ XX. Không kể, sự quan tâm của Nguyễn Văn Xuân về bản dịch Chinh phụ ngâm theo ông là của Phan Huy Ích, chứ không phải Đoàn Thị Điểm… Cùng nhiều trăm bài có giá trị khảo cứu về văn hóa Việt nói chung, xứ Quảng nói riêng trên các báo chí Bắc và Nam…

Phải nói là giá trị những trước tác khoa học của Nguyễn Văn Xuân không chỉ thu hẹp trong phạm vi văn chương, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như sử học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa học. Và - địa phương học… Một thâm hậu về tri thức và một bền bỉ trong nghề nghiệp - đó là phẩm chất có trong không nhiều, nếu không nói là còn ít trong giới học thuật ở xứ ta.

Trở lại với tình yêu và những đóng góp đặc sắc của Nguyễn Văn Xuân cho quê hương xứ Quảng, của Nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân, tôi muốn lưu ý thêm về một cuộc sống không phải lúc nào cũng êm thuận, hanh thông trên cả hai phía đời công và đời tư; với những bù đắp khó có thể đủ đầy cho những thiếu hụt mà giới trí thức trung thực, chân chính thường phải chấp nhận hoặc cam chịu. Với Toàn tập này, tôi nghĩ sẽ là một bù đắp phần nào cho những thiếu hụt đó, một bù đắp không để quá chậm, vì sự cần thiết của nó cho nhận thức của con người về chính gốc rễ, nguồn cội của mình; cho chính nơi chôn rau cắt rốn của mình - là một làng quê, huyện quê, tỉnh quê, hoặc một miền quê cụ thể nào đó, trước khi đến với tên chung Việt Nam, một biểu tượng thiêng liêng gắn với hai chữ đồng bào (cùng một bọc), gắn với huyền tích Lạc Long Quân với Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, có từ trong xa xăm của lịch sử.

Không có tình yêu và những đóng góp cụ thể cho những gì gọi bằng quê hương, thì cũng khó nói đến cái gọi là tình yêu nước, nó là sự chưng cất của tất cả mọi tinh hoa của những vùng miền trên giải đất hình chữ S có lịch sử nhiều nghìn năm tồn tại.

Ngót 70 năm gắn bó với quê hương xứ Quảng, và miệt mài trên những trang văn về xứ Quảng, tôi nghĩ Nguyễn Văn Xuân là một tấm gương yêu nước lớn, trong những đóng góp thầm lặng của nghề nghiệp ở một trí thức chân chính thế kỷ XX. Trước 1975 ông đã là thế. Và sau 1975 ông cũng như thế.

Trong bối cảnh Toàn cầu hóa hôm nay, cần biết bao, nếu có thể được, mỗi vùng miền có được một Nguyễn Văn Xuân của mình để cho tình yêu nước có được gốc rễ bám sâu vào đất, khiến cho hội nhập mà không lo hòa tan. Nếu chưa có, cần tạo điều kiện cho có. Nếu đã có, cần trân trọng phát huy để trở thành của cải chung của dân tộc. Tôi biết quê tôi Xứ Nghệ: Nghệ An đối với Ninh Viết Giao (1931-2014) đã làm được như thế; và Hà Tĩnh đối với Thái Kim Đỉnh (1926-2015) cũng như thế.

Xin cảm ơn Nhà tài trợ, cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cụ thể là Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn Miền Trung và Tây nguyên, cùng gia quyến nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân đã không để quá chậm cho sự ra đời Toàn tập này.

________

* Nhân Toàn tập Nguyễn Văn Xuân (7 Tập); Nxb Hội Nhà văn ấn hành ra mắt ở Đà Nẵng ngày 22 - 12 - 2020.

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm