May 2, 2024, 1:28 pm

Một Pha Luông bước ra từ Tây Tiến

Tây Tiến của Quang Dũng đã gắn liền với văn học thời kháng chiến chống Pháp. Bằng những chuyến đi tình cờ, tôi đã cố gắng “truy vết” những địa danh được nhắc đến trong bài thơ này. Hầu hết những địa danh Sông Mã, Mường Lát, Sài Khao, Mường Hịch… đều nằm trên đất Thanh Hóa, bên cạnh đó là Mai Châu của Hòa Bình, và một địa danh xa xôi mơ hồ trong câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi nằm trên đất Sơn La. Cho đến giữa năm 2023, trong chuyến về Sơn La tôi đã có cơ duyên được chạm vào một Pha Luông trong miền thơ Tây Tiến.

Đỉnh núi Pha Luông nhìn từ phía Sơn La

Mộc Châu nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, vùng đất này có vị trí địa quân sự đặc biệt quan trọng, gắn với kí ức chiến tranh nhân dân suốt thời kì kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, thực dân Pháp đã lập đồn Mộc Lỵ ở đây để chốt chặn quân ta, ngăn chi viện lên Tây Bắc và hướng di chuyển lên Thượng Lào. Năm 1952, quân ta đã tấn công tiêu diệt đồn Mộc Lỵ để mở đường cho Chiến dịch Tây Bắc, tạo tiền đề cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mộc Châu, Sơn La là nơi ghi dấu điểm dừng chân của nhiều đơn vị, trong đó đặc biệt là Trung đoàn 52 - Tây Tiến. Các đơn vị Tây Tiến từ các địa phương khác nhau lên tập trung tại Mộc Châu rồi mới toả ra các vùng của Sơn La, Lai Châu, sang Lào, bởi thế, đây là nơi hội quân, cũng là điểm hẹn của quân Tây Tiến. Hiện nay Khu di tích lưu niệm Trung đoàn 52 - Tây Tiến cùng với Khu di tích đồn Mộc Lỵ nằm liền kề trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Thế nên, dù cung đường gắn với đoàn quân Tây Tiến trải dài khắp mấy tỉnh, cả ở Việt Nam và Lào, nhưng nơi lưu giữ những kí ức đầy đủ nhất về nó gắn với lịch sử Trung đoàn 52 nằm ở Mộc Châu với một khu vực được quy hoạch và xây dựng đàng hoàng, trong đó có nhà trưng bày các kỉ vật do chính những cựu binh Tây Tiến gom góp, sưu tập, nằm ở tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu. Tại đây bài thơ Tây Tiến cũng được dành cho một vị trí trang trọng. Chính khu lưu niệm Tây Tiến ấy cũng được thiết kế và thi công theo cảm hứng của bài thơ mà tác giả của nó là Đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến. Ở Châu Trang, Thượng Cốc, Lạc Sơn, Hoà Bình cũng có một bia tưởng niệm Trung đoàn 52, ghi dấu những ngày trung đoàn đứng chân nơi đây, có trạm xá quân y nơi chữa trị cho các chiến sĩ Tây Tiến, nơi mà đoàn quân Tây Tiến đa số vì sốt rét và thiếu thuốc men đã mãi mãi nằm lại 200 người. Còn ở phía Thanh Hóa cũng đã có một phù điêu nhỏ được xây dựng tại bản Sài Khao ghi dấu về đoàn quân Tây Tiến, thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát do chị Bùi Thị Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng, người tiếp nối truyền thống của các cựu binh Trung đoàn 52 thuở xưa kêu gọi đóng góp xây dựng. Và Pha Luông, ngọn núi năm xưa vẫn đứng đó giữa trời mây phủ như một chứng tích thơ.

Trong đoàn nhà văn dự trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Sơn La, chúng tôi lặng lẽ thấm vào từng kỉ vật, tư liệu về đoàn quân Tây Tiến. Khi tham quan nhà trưng bày, nhà văn Trung Sỹ, thành viên trong đoàn bất chợt chỉ vào bức ảnh có cựu chiến binh Nguyễn Hiền cùng đồng đội cựu chiến sĩ Tây Tiến và kể lại câu chuyện về người cựu chiến binh này gắn với gia đình nhà văn. Ông Nguyễn Hiền sau khi tham gia Tây Tiến đã chuyển ngành, sau này về làm lãnh đạo Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội. Ông là một người bạn của ông cụ thân sinh nhà văn Trung Sỹ, hai ông thường qua lại gặp gỡ vì cùng sở thích chơi cờ tướng. Trong một buổi đến nhà bạn chơi cờ, ông Nguyễn Hiền đã bị đột quỵ và ra đi ngay tại nhà Trung Sỹ. Câu chuyện của nhà văn Trung Sỹ như kéo lịch sử lại gần hơn. Tôi cảm thấy có một sợi dây rõ rệt kết nối những gì của ngày hôm qua và ngày hôm nay.

Đã hơn 70 năm kể từ ngày Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập (1947), hình ảnh đoàn quân Tây Tiến đã trở thành biểu tượng đẹp về những người lính thời chống Pháp, đến nay, nhiều nơi đoàn quân đi qua đã có những con đường, những ngôi trường mang tên Tây Tiến. Con đường dẫn vào khu di tích trên đất Mộc Châu cũng mang cái tên này. Còn Pha Luông, địa danh trong bài thơ, ngọn núi nằm ở góc trời Sơn La, nơi tiếp giáp với Mường Lát của Thanh Hóa vẫn ở đó, uy nghi một góc trời biên ải. Ngọn núi ấy cách trung tâm thị trấn Mộc Châu chừng 40 cây số, một khoảng cách không phải quá xa nhưng cũng không gần. Và tôi đã tranh thủ hai ngày ngắn ngủi còn lại ở Sơn La tìm vào Pha Luông, ngọn núi đã lọt vào tầm mắt những người lính Tây Tiến trên đường hành quân năm nào.

Thật tình cờ khi bối cảnh Pha Luông trong Tây Tiến là “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” thì ngày tôi lên Pha Luông trời cũng mưa tầm tã. Phải rất quyết tâm tôi mới có mặt được dưới chân núi nằm sát biên giới Việt - Lào vào lúc chiều muộn sau khi đã xuyên qua một cơn mưa rào. Ở tận cùng về hướng Tây của đất nước, mặt trời dời đi cũng muộn hơn, ánh sáng ban ngày lưu lại lâu hơn, như quyến luyến. Sau mưa, mây mù từ các thung lũng đùn lên trườn khắp các sườn núi. Những khoảng không dần được lấp đầy bởi những đám hơi nước mỏng tang dạo chơi la đà. Mặt trời giấu mặt trong mây lại le lói toả ra những dải quạt màu vàng như ảo ảnh. Núi đồi trong veo thanh sạch. Mây, núi và ánh sáng quyện hoà, hoàng hôn huyễn hoặc như một nghi lễ tiễn mặt trời về bên kia biên giới, những dải mây lửa lưu luyến chia tay những đỉnh núi trong ánh chiều nhập nhoạng. Đỉnh Pha Luông ở phía sau, chếch về bên phải Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông, ẩn hiện như một nàng thơ. Từ chỗ chỉ biết đến Pha Luông qua một câu thơ, từ chỗ nhìn ngắm Pha Luông ở cự li rất xa, từ một Pha Luông trở đi trở lại khi tham quan nhà trưng bày các kỉ vật về đoàn quân Tây Tiến, từ một Pha Luông trong tâm tưởng, giờ đây, đỉnh Pha Luông đã hiện ra trước mắt tôi, thật gần, cảm giác như với tới được. Thế nhưng Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng bảo rằng, để leo lên đỉnh Pha Luông phải mất tầm 4 tiếng, còn leo xuống thì mất độ 3 tiếng.

Núi Pha Luông nằm ở bản cùng tên thuộc xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu. Không nằm trong top các đỉnh núi cao nhất của miền Tây Bắc, cũng là của Việt Nam, nhưng Pha Luông lại có một lợi thế khác khi có một sợi dây bền chặt gắn với lịch sử thơ ca chiến tranh cách mạng. Đỉnh núi này có một kết nối vững chắc với hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên những bước đường hành quân qua những cung đường từ Hoà Bình lên Mộc Châu, toả khắp vùng Tây Bắc, vượt Pha Luông sang Hủa Phăn, Sầm Nưa của Lào, về Thanh Hóa, sang lại Hòa Bình… Và đoàn quân ấy, dù có vòng vo ròng rã trên một địa bàn rộng lớn trải dài khắp vùng biên giới hai nước Việt - Lào, thì Pha Luông nằm ở vị trí ngã ba, ranh giới hai tỉnh Thanh Hoá, Sơn La tiếp giáp với biên giới Lào, với độ cao vượt trội nên dù có ở phía Sơn La, phía Thanh Hoá hay phía Hủa Phăn thì người lính Tây Tiến vẫn thấy Pha Luông đứng đó như một tiêu điểm để nhận diện. Và vốn dĩ đỉnh núi ấy cũng rất dễ nhận biết với đỉnh cao nhất mang hình một mái nhà. Có lẽ vì thế, cộng với độ cao 1.800 mét của nó mà trong phát triển du lịch, huyện Mộc Châu đã chọn slogan “Nóc nhà Mộc Châu” để gọi tên đỉnh núi này. Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh cho biết, những năm gần đây, có nhiều bạn trẻ tìm đến chinh phục Pha Luông, đoàn đông nhất đăng kí với Trạm lên đến 200 người. Một điều đơn giản giải thích cho sự quan tâm ấy là ai đã qua thời học sinh đều biết đến Pha Luông từ bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng trong sách giáo khoa. Sự lan tỏa từ thơ ca đã cho Pha Luông một sinh quyển riêng để thu hút du khách.

Tôi đã có dịp đi lại cung đường Tây Tiến trên đất Thanh Hóa, dọc cung Mường Lát, Sài Khao, ngược dòng sông Mã đoạn chảy vào Việt Nam từ thành phố Thanh Hóa lên tận cửa khẩu Tén Tằn. Hình ảnh “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” trong bài thơ Tây Tiến theo tôi là Quang Dũng lấy điểm nhìn từ đất Thanh Hóa. Tôi đã đi dọc con đường “Sài Khao sương lấp” với những con dốc khúc khuỷu thăm thẳm ấy và cảm nhận rõ những gì Quang Dũng mô tả trong Tây Tiến. Từ Sài Khao (xã Mường Lý, Mường Lát), sau những lớp núi mờ sương, Đại úy biên phòng người Mông Sùng A Ư của Đồn Biên phòng Tam Chung, Mường Lát đã chỉ cho tôi đỉnh Pha Luông lấp ló xa khơi sau những dãy núi xếp lớp. Chỉ ở một khoảng cách đủ xa mới cho cảm nhận về hình ảnh thơ như vậy. Tôi đã thử kiểm định lại nhận định này bằng cách chạy xe máy từ Sài Khao về xã Tam Chung, lên Bản Ón là bản ngã ba giao giữa Thanh Hóa, Sơn La và Lào, nghĩa là đi từ xa lại gần Pha Luông, khoảng cách ấy tầm 30 cây số. Ở đây có cột mốc 270, là cột mốc ngã ba của hai tỉnh Thanh Hóa, Sơn La và Lào. Đứng ở địa đầu Bản Ón, ở vị trí quanh cột mốc 270, tôi cảm giác như có thể “chạm vào Pha Luông”, khác hẳn khi ở Sài Khao.

Pha Luông đã gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng và thơ ca như thế. Để hôm nay, hễ ai đó nhắc đến Pha Luông thì gần như người ta đều liên tưởng đến câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi cùng những bước chân của đoàn quân Tây Tiến. Pha Luông hôm nay đang có một chuyển đổi tâm thức từ một địa danh cách mạng sang địa danh du lịch. Từ “nhịp cầu Tây Tiến”, đỉnh núi thơ ca ấy đang góp phần khiến du lịch Sơn La chuyển mình gắn với những câu chuyện của hôm qua và hôm nay.

Ghi chép của Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn Văn nghệ số 9/2024


Có thể bạn quan tâm