May 11, 2024, 1:25 pm

Một “nút thắt” cần làm ngay!

Từ khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường (năm 1986) để hội nhập với xu hướng chung của khu vực và thế giới, vấn đề quy hoạch tổng thể đặt ra trên phạm vi cả nước nói chung và ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cấp thiết hơn. Quy hoạch tổng thể ở đây theo thiển nghĩ của chúng tôi là quy hoạch về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, về đất đai, dân cư, về phát triển kinh tế - xã hội… Đối với phần lớn các địa phương, quá trình phát triển đô thị diễn ra ở mức độ trên dưới trung bình, thì vấn đề quy hoạch đặt ra không đến nỗi quá cấp thiết như ở các đô thị lớn, trong vòng khoảng hơn 20 năm trở lại đây. 

Minh chứng là gần đây nhất, dư luận bức xúc và xôn xao bàn tán khi Bộ Xây dựng công bố Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr, ngày 17/5/2022, sau khi thanh tra việc xây dựng hai bên các tuyến đường: Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm của thủ đô Hà Nội. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng sau khi điều chỉnh quy hoạch các trục đường không cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến thiếu đất xây dựng trường học, nhà trẻ, cây xanh, sân tập luyện, chợ là không phù hợp với quy định Luật Quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành. Điều đáng nói là Quy hoạch đã được điều chỉnh nhiều lần về mật độ xây dựng với trên dưới 40 khu nhà cao tầng trong quãng chiều dài chưa đến 2 km. Chiều cao công trình cũng được điều chỉnh tăng lên gấp nhiều lần so với Quy hoạch ban đầu từ 5 tầng lên 32, 40 tầng, khiến tuyến đường này biến thành “Con đường đau khổ” của thủ đô Hà Nội. Trong những ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, vào giờ đi làm và giờ tan tầm đi qua đoạn đường này không bị tắc đường mới là chuyện lạ. Nhiều hôm mất hàng tiếng đồng hồ tôi không đi qua được đoạn đường chỉ dài trên dưới 2 km. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân ở hai bên tuyến đường này, mà còn ảnh hưởng cả đến những người sống ở các khu lân cận nhưng bắt buộc phải đi làm hay có việc qua đây. Với một mật độ dân cư dày đặc như thế, chắc chắn không thể đảm bảo về vệ sinh môi trường, chất lượng không khí, tiếng ồn, ngập úng mỗi khi trời đổ mưa vừa đến mưa to kéo dài...  

Ngay sau kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cùng với Sở Xây dựng rà soát lại nghiêm túc những nội dung mà bản Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đề cập đến, trong vòng thời gian 60 ngày phải có văn bản báo cáo chính thức lên UBND thành phố và Thanh tra Bộ Xây dựng. Hai Sở của Hà Nội đã có văn bản báo cáo rà soát Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng và có nhiều điểm chưa đồng thuận với Kết luận nói trên. Họ viện dẫn ra những cơ sở pháp lý và khoa học để chứng minh rằng hiện trạng xây dựng hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là hoàn toàn nằm trong khuôn khổ được pháp luật cho phép. Cụ thể ở đây là Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có ý kiến còn cho rằng nhà cao tầng không có tội và rất thích hợp với quan điểm “đô thị nén” với nhiều cái lợi như phát triển đô thị theo phương thẳng đứng, khai thác tối đa công năng trên một diện tích đất có hạn, tạo thuận lợi để tổ chức giao thông công cộng… Và cuối cùng ý kiến này đi đến kết luận: Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là việc hạ tầng giao thông không đáp ứng được quy mô đô thị, chứ không hẳn cái tội là ở nhà cao tầng. Lại có người cho rằng, hạ tầng kỹ thuật giao thông ở tuyến đường này đã có trước, còn xây dựng các khu đô thị là có sau. Vậy thì xây dựng phải căn cứ vào khả năng chịu đựng của hạ tầng giao thông mà quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp chứ? Nếu chỗ nào cũng nhồi nhét thật nhiều cao ốc vào, khi bị ùn tắc giao thông lại đổ tại vì đường hẹp thì không thể nào chấp nhận được!

Mặc dù đã qua thời hạn 60 ngày, nhưng đến nay phía Thanh tra Bộ Xây dựng nói là chưa nhận được văn bản báo cáo của phía Hà Nội. Có người cho rằng vấn đề này có mùi “lợi ích nhóm” và “thuyết âm mưu” can thiệp vào. Những người dân đen như chúng tôi chỉ biết có tắc đường, ô nhiễm môi trường, con trẻ không có trường học, khu vui chơi giải trí, người già không có nơi tập thể dục... Và đặc biệt cả hai bên trục đường này không có bất kỳ một công viên cây xanh nào để hít thở trong những ngày hè nắng nóng lên tới trên dưới 40 độ C. 

Theo Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng có rất nhiều các dự án nằm trên trục đường nói trên đã được điều chỉnh quy hoạch từ đơn chức năng thành đa chức năng, nâng vượt tầng lên gấp nhiều lần, tăng mật độ dự án trong một không gian hẹp, tạo áp lực quả tải lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và được tiến hành xây dựng vào giai đoạn từ 2007-2015, có nhiều điểm trái với quy định pháp luật. Cũng cần nhớ lại rằng, trong quãng 15 năm qua, Hà Nội có 3 vị Chủ tịch UBND thành phố. Đến nay ông Nguyễn Đức Chung đang chấp hành án tù trong trại giam. Ông Chu Ngọc Anh cũng đã bị bãi nhiệm và bắt giam chờ xét xử. Còn ông Nguyễn Thế Thảo hiện đã nghỉ hưu, nhưng từ thời đương nhiệm của ông dư luận đã có rất nhiều bức xúc liên quan đến qui hoạch, xây dựng và môi trường; mà vụ đốn hạ cây xanh cổ thụ, thay bằng cây mỡ nhưng lại gọi là vàng tâm… đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Dư luận vẫn đang nóng chuyện điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh. Đây là một siêu dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc huyện Thủ Đức cũ, nay là thành phố Thủ Đức với diện tích rộng khoàng 730 ha. Nhưng, Dự án mà UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt vào năm 2005 đã có sự điều chỉnh nhiều so với bản quy hoạch trước đây do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tại Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996. Đến tận cuối năm 2005, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua mới ký QĐ số 6565 thay thế QĐ số 367 của Thủ tướng. Tại QĐ số 6565 đã được điều chỉnh và thay đổi khá nhiều so với Quy hoạch ban đầu của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Đấy là lý do chính yếu dẫn đến các vụ khiếu kiện kéo dài hàng chục năm. Hàng trăm hộ dân đã phải sống vất vưởng mấy chục năm liền vẫn chưa nhận được nhà tái định cư, thậm chí có người đã ra đi vĩnh viễn mà vẫn chưa thấy nhà tái định cư của mình ở đâu. Bài học quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh còn sờ sờ ngay trước mặt.

Về khía cạnh pháp lý, chúng ta đã có đầy đủ các bộ luật như: Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Môi trường, Luật Giao thông… Tóm lại là chúng ta có tương đối đầy đủ bộ công cụ pháp lý để điều chỉnh những hoạt động liên quan đến xây dựng và phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn, thời kỳ phát triển khác nhau của đất nước cũng như trong việc đảm bảo đời sống an sinh cho người dân.  Luật và Quy hoạch là thế, nhưng xem ra mọi lùm xùm, rắc rối lại nằm ở khâu điều chỉnh Luật và điều chỉnh Quy hoạch, thường thuộc về các cấp, ngành phải có trách nhiệm thực thi nghiêm túc nhất những điều khoản đã được luật định. Mọi công dân của đất nước đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật pháp về quy hoạch, nếu vi phạm sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” dù người đó là ai, đương chức đương quyền hay đã nghỉ hưu cũng sẽ không có chuyện “hạ cánh an toàn” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Hà Nội vừa có tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã từng kinh qua nhiều môi trường công tác khác nhau, được dư luận đánh giá là chuyên gia “gỡ nút thắt”. Cử tri cả nước cũng như người dân thủ đô hy vọng rằng, tân Chủ tịch sẽ xắn tay áo lên gỡ những “nút thắt” về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cũng như việc điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án để Hà Nội xứng đáng là thủ đô vì hòa bình và là thành phố đáng sống nhất cả nước.

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm