May 1, 2024, 3:32 pm

Một người thơ giản dị, mộc mạc nhưng đầy xúc cảm

Nhà thơ Bùi Hữu Thiềm

Đó chính là những điều mà thỉnh thoảng tôi vẫn thường hay ngồi trầm tư và tự chiêm nghiệm. Tôi nghiệm ra rằng, mỗi người đều có một cuộc đời để sống và trong suốt cả quãng đời ấy là vô số những cơ duyên.

Cơ duyên là thứ để người ta lý giải tại sao trong cuộc đời hiện hữu, mình gặp người này mà không phải là vô số những người khác đang sống trên trái đất này. Tại sao mình lại làm bạn với người này, kết hôn với người này mà không phải là người khác, tại sao mình lại gặp tình huống này, lựa chọn nghề nghiệp này... Cơ duyên khiến cho người ta có những ngã rẽ trong cuộc đời, làm nên những điều khác biệt là có thật. Lúc này ngồi đây, tôi lại đang tự hỏi, việc nhà thơ Bùi Hữu Thiềm đến với thơ phải chăng là một cơ duyên, và việc tôi gặp được ông hẳn cũng là một cơ duyên tốt đẹp mà tôi có.

Tôi đến với thị xã biên giới Móng Cái sau một quyết định vội vàng, khi đang mắc kẹt trong một hoàn cảnh khá phức tạp. Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, vừa chớm tuổi 25. Công việc đầu tiên của tôi ở Móng Cái vẫn là một cô giáo dạy tiểu học, như tôi từng làm trước đó ở Hải Phòng. Ngôi trường đầu tiên tôi đến là Trường Tiểu học Hải Hòa, nằm cách sông Bắc Luân (đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc) chưa đầy 1 km. Ngày ấy Móng Cái đã là một thị xã khá sôi động, tấp nập. Việc bán buôn diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp ngày đêm. Tuy nhiên, với người đến từ một thành phố lớn như tôi thì đó là một nơi hoàn toàn xa lạ và buồn. Tôi không có người thân, không có bạn bè ngoài những bạn đồng nghiệp ở trường mà tôi mới quen. Chính vì thế những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ bè bạn và người thân hay gặp những chuyện buồn vui, tâm tư trong cuộc sống, tôi thường trải lòng mình qua những trang viết. Tôi viết nhật ký, viết thơ, viết truyện. Nhưng viết chỉ để đọc một mình, viết như một sự giải tỏa tâm lý, nhằm cân bằng cảm xúc trong hoàn cảnh lúc bấy giờ mà thôi.

Hồi mới ra Móng Cái, tôi chỉ có hai gia đình người quen. Một là, gia đình anh trai của thím tôi. Hai là gia đình bác Nguyễn Duy Từ, nguyên Giám đốc Trường Đảng. Việc tôi thân quen với gia đình bác Từ cũng bắt nguồn từ một cơ duyên mà tôi sẽ kể vào dịp khác vì đó là một câu chuyện ân tình khá dài. Còn nhớ hồi đó, vì không có nhiều người thân bạn bè ở Móng Cái nên những khi rảnh rỗi, nếu không sang nhà chú chơi thì tôi lại sang nhà bác Từ. Bác là người đọc nhiều, biết nhiều, nhớ nhiều nên kiến thức rất uyên thâm. Tôi ngưỡng mộ và thích nói chuyện với bác. Hai bác cháu có thể ngồi với nhau rất lâu bên ấm trà, với những câu chuyện về văn chương, thời sự.

Có một hôm, bác Từ đưa tôi xem mấy bài thơ, bảo đấy là thơ do bác ấy sáng tác, thử đọc xem thế nào. Tôi đọc, nhận xét, thậm chí đề nghị sửa một số từ, một số câu. Bác vui hể hả. Rồi bác kể với tôi về câu lạc bộ thơ Ka Long, nơi bác đang là một thành viên trong Ban chủ nhiệm. Thú quá, tôi cũng bộc bạch sở thích của mình, rụt rè đề nghị được tham dự các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Bác vui vẻ đồng ý kèm theo điều kiện: tôi phải làm vài bài thơ đưa bác ấy xem. Tôi vui quá, gì chứ thơ thì tôi tập tọe làm từ hồi học lớp 9, đến lúc ấy đã có sẵn vài chục bài  rồi. Ai ngờ đọc xong mấy bài tôi đưa, bác rất thích, nói là sẽ chuyển Ban chủ nhiệm đọc và đề nghị cho tôi trở thành hội viên.

Vài hôm sau gặp lại, bác Từ ngập ngừng bảo tôi: Thuý này, cái bài thơ “Quê nội” của cháu ấy, bác đưa cho chú Thiềm đọc, chú ấy bảo nghe quen quen, hình như đã đọc ở đâu rồi.

Nghe đến đấy, mặt tôi nóng bừng. Nghĩa là có một chú Thiềm nào đó cho là tôi “đạo thơ”? Bài thơ này tôi viết khi về quê nội tôi năm ngoái, chưa cho ai đọc bao giờ, sao lại bảo như là đã đọc ở đâu nhỉ?. “Thế thì nhất định bác phải cho cháu gặp chú Thiềm để cháu hỏi lại xem”. Lúc ấy, tôi nào đã kịp biết chú Thiềm là ai. Nghe bác Từ nói thế thấy tự ái quá nên chỉ muốn gặp chú Thiềm cho mau để hỏi cho ra nhẽ.

Thế rồi, một buổi chiều, sau đó vài hôm, nhà tôi có khách. Đó là một người đàn ông trung niên, bước xuống từ chiếc xe ô tô biển xanh đỗ xịch trước cửa. Lúc đầu tôi tưởng ai đó vào nhầm nhà. Chưa kịp hỏi thì người ấy đã lên tiếng trước:

- Có phải đây là nhà cô Thúy, Đặng Thị Thúy, giáo viên trường Hải Hòa không?

- Dạ đúng, là cháu đây ạ!

- A, cháu là Đặng Thị Thúy hả! Trẻ quá! Hay quá! Tốt quá!

Vị khách vừa nói vừa vui vẻ vỗ vai tôi, rồi đi thẳng vào nhà. Ơ, sao lại hồ hởi thế, sao lại cười rổn rảng thế, mình đã gặp người này bao giờ đâu. Rồi thì tôi cũng vỡ ra mọi chuyện sau mấy phút. Vị khách chưa kịp mời đã đến này chính là Bùi Hữu Thiềm, người mà tôi đang mong gặp. Nhưng điều bất ngờ đối với tôi chính là việc, ông không chỉ là một nhà thơ như tôi nghĩ, mà ông còn đang đương chức Phó Chủ tịch thị xã này.

Chú Thiềm hỏi han tôi đủ chuyện, nhưng mãi không đả động gì đến bài thơ “Quê nội” đang bị nghi vấn kia, tôi sốt ruột quá, hỏi luôn:

- Chú ơi, bài thơ “Quê nội” của cháu ấy, chú bảo là đã đọc ở đâu rồi à?

Chú Thiềm ngẩn người một lúc rồi mới sực nhớ:

- A, bài ấy chú nghĩ rồi! Hoá ra chỉ có nhịp thơ giống một bài thơ của Tố Hữu, nhưng câu chữ và ý tứ thì khác cả.

- Thế mà chú làm cháu cứ áy náy suốt mấy hôm liền.

- Ơ, thế thì chú mới tìm đến nhà cháu ngay đấy!

Hai chú cháu cùng cười. Cái duyên tao ngộ giữa tôi và nhà thơ Bùi Hữu Thiềm là như thế.

Tôi bước chân vào làng văn bắt đầu từ cuộc gặp ấy, nhờ sự dẫn dắt, động viên, khích lệ của chú Thiềm và những người bạn văn đáng kính của Móng Cái, của Miền Đông và của Hội VHNT Quảng Ninh. Những bài thơ, những trang văn viết ra, tôi không còn giữ cho riêng mình đọc như trước nữa. Tôi chia sẻ với bạn thơ trên các diễn đàn, gửi đăng các báo, in sách. Tôi được kết nối, tiếp xúc với nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, được sống trong những môi trường văn chương ngày càng chuyên nghiệp hơn. Mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại trong tôi một ấn tượng và kỉ niệm đẹp khó quên, mỗi nhân vật, mỗi tác giả mà tôi được tiếp cận, làm quen đều có một cách sống, cách viết riêng cùng với một bề dày trong sáng tác khiến cho tôi cảm thấy vô cùng khâm phục. Nhưng tôi nhận thấy một điểm chung nhất là: Dưới mái nhà này, mọi người đều rất dễ hoà đồng, luôn thấu hiểu, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau hết lòng. Đặc biệt là những người mới như tôi được các tiền bậc tiền bối quan tâm giúp đỡ nhiều hơn cả. Hơn nữa, mọi người đều có thể tự do bày tỏ quan điểm, tình cảm, sáng tác của mình mà không cần phải giấu diếm, e dè. Tất cả những điều đó giúp tôi hiểu rằng: Cuộc sống này quả thật vô giá, có nhiều thứ còn quan trọng hơn cả những gì mà trước đây tôi coi là quan trọng. Cái đó không gì khác chính là sự cảm thông sâu sắc giữa những con người, là tình yêu cuộc sống, sự mở lòng để giao hòa với thiên nhiên, cuộc sống, với con người và những số phận. Tất cả những điều đó đều do văn chương mang đến. Tất cả những điều đó, xét cho cùng vẫn từ hai chữ “cơ duyên”.

Tôi là một trong số ít người may mắn được đọc tất cả những bài thơ mà nhà thơ Bùi Hữu Thiềm sáng tác, rất nhiều bài khi gửi cho tôi đọc, ông còn chưa kịp đặt tên. Bởi vì ông hay viết bằng tin nhắn, viết bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Chỉ cần nảy ra tứ thơ, chạm vào cảm xúc là ông viết. Tôi dám chắc rằng, không ít bài ông viết và gửi cho tôi xong có khi còn không nhớ là mình đã viết, chỉ có tôi là lưu giữ khá đầy đủ, vì tôi thích lối viết của ông. Lời thơ luôn chân thành, như chính bản chất của người thơ hồn hậu ấy, nên dù rất giản dị mộc mạc nhưng vẫn đầy chất thơ, đầy xúc cảm.

Ví như, một hôm đi đâu đó qua sông, một mình một đò, ông bấm tin nhắn gửi: “Một mình một khách một đò/ Một trời một nước, trời cho còn gì/ Giận mình chuyến ấy không đi/ Bây giời nghĩ lại nhiều khi tiếc đời”. Chỉ là đi đò thôi, thế mà ông lại liên tưởng và nhớ ngay đến cái chuyến đò cuộc đời, chuyến đò duyên phận ngày xưa mà ông đã trót lỡ, để bây giờ chợt thấy giận mìnhtiếc đời.  

Hay một hôm khác, sau cuộc bàn luận về thơ của câu lạc bộ, về đến nhà, đã thấy tin nhắn của ông: “Thơ mình, mình để mình chơi/ Dăm ba chữ nghĩa khoe đời dám đâu/ Dòng đời bồi lở nông sâu/ Dò chưa chạm đáy đã đầu bạc phơ”. Bùi Hữu Thiềm chả nói thì ai ai cũng biết ông làm thơ chỉ để “mình chơi” là chuẩn rồi, cái thú chơi tưng tửng với thơ của ông khiến khối người khâm phục, vỗ đùi đen đét và cười khoái chí khi ngồi nghe ông tung hứng với thơ. Và cũng chính vì thế mà khối kẻ chột dạ, thẹn lòng khi lỡ “khoe mình” bằng “dăm ba chữ nghĩa” ở trước ông hay đâu đó.

Lại có hôm ông một mình đi đâu đó bằng con Dream quen thuộc, tiện đường rẽ vào nhà tôi chơi. Vừa dựng xe, ông nói luôn: “Chú vừa đi đến đầu đường, thấy có người vẫy gọi rối rít, tưởng ai hóa ra cô Bình”. Thế là người thơ thuận mồm đọc luôn: “Bước qua ngưỡng sáu chục rồi/ Ra đường vẫn có em vời – khổ chưa/ Cái thời lẫn lộn nắng mưa/ Yên thân chỉ có vào chùa đi tu”. Hỏi kỹ, chị kia nói chuyện gì với chú mà vời rối rít, hóa ra là chị nói chuyện gia đình. Kể đến đấy, người thơ bỗng trầm tư, thở dài một cái rồi thốt lên: “Bị can không, vẫn xử tòa/ Tưởng chừng phi lý vậy mà trớ trêu/ Tòa tuyên nhà cửa nồi niêu/ Đã li hôn, bữa cơm chiều cũng chia”. Người ta vẫn bảo Bùi Hữu Thiềm xuất khẩu thành thơ quả là không ngoa tẹo nào.

Có những lúc tôi gặp chuyện không vui trong công việc, mang chia sẻ với chú Thiềm. Lúc nào ông cũng chăm chú lắng nghe, rồi phân tích, chỉ bảo tôi cặn kẽ. Sau đấy, tôi luôn thấy tất cả mọi chuyện đều có cách giải quyết thật giản đơn và nhẹ nhàng. Tôi tin vào cơ duyên, vào số mệnh, tin vào nhân quả và cũng tin vào những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc đời này. Niềm tin ấy của tôi được ông củng cố thêm bằng 4 câu thơ: “Ta muốn rộng sao lòng người lại hẹp/ Cuộc sống này sao cứ phải bon chen/ Đã của giời, cho ai người nấy được/ Giành giật nhau có thắng cũng thấp hèn”. Ông bảo, đấy là những câu thơ gan ruột ông đúc rút từ cuộc đời và trải nghiệm của mình, rồi sau này, ông sẽ viết một bài thơ dài với cái mạch triết lý nhân sinh như thế. Có thể vì vậy mà thi thoảng tôi lại nhận được vài câu thơ tự do chứ không phải thơ lục bát quen thuộc của ông, chắc nó nằm trong mạch viết của bài này. Những ngày còn ở Móng Cái, thi thoảng tôi lại được nghe ông bảo: “Con rất giống chị Ngọc, nói ít hiểu nhiều, bao giờ cũng đặt cái tình lên trên hết”. Chị Ngọc là con gái cả của ông, tôi không biết tôi có giống chị điểm đó thật không, nhưng khi được ông so sánh như thế, tôi cảm động và thấy ấm áp vô cùng.

Trong rất nhiều những sáng tác mà chú Thiềm gửi cho tôi, tôi rất thích và thường nhớ những bài thơ ông viết cho người thân, cho gia đình. Một hôm, vào chiều mưa, tôi nhận tin nhắn: “Chú đang ở dưới quê, nhà vắng vẻ quá!”. Đến xâm xẩm, nhận luôn tin nhắn nữa: “Mình con với một ngôi nhà/ Cha xa mẹ vắng - cả ba gian buồn/ Lạnh chiều ngăn ngắt mưa tuôn/ Bao nhiêu thương nhớ cứ dồn nén đau…/ Nghẹn lòng gọi chẳng thành câu/ Tìm hơi ấm mẹ cha đâu bây giờ?”. Lúc ấy, cụ bà thân sinh ra ông mới mất chưa đầy trăm ngày, ông thường xuyên đi về chăm lo hương khói. Những câu thơ giản dị thế thôi mà chất chứa bao nỗi niềm, nó khiến người nhận tin lặng đi, và cay xè đôi mắt. Chắc hẳn giây phút ấy, ông đang ngồi một mình bên bậu cửa, nhẩm đọc lại những câu thơ mình từng viết mừng cha mẹ tuổi 80:

    Gửi cùng lặng lẽ dòng trôi

Thương bên lở, nhớ bên bồi cạn nông

 

     Cái ngày cây lúa non bông

Mẹ tôi bấm đốt tay mong từng giờ

    Mưa lo úng, hạn lo khô

Đêm nằm lòng dạ gác bờ thức trông.

 

     Cái ngày cây lúa non bông

Thổi cơm Mẹ chẳng nỡ đong ống đầy

    Sàng thưa lọt khói bếp cay

Bồ nghiêng lép kẹp - vụ này chắc không

 

     Cái ngày cây lúa non bông

Tôi đây đã hiểu "nghẹn đòng" là chi

    Trách thời con trẻ ham bi

Nấp trong rơm rạ trốn khi Mẹ tìm

 

     Cái ngày cứ chảy vào tim

Đầy vơi bao những nổi chìm lắng theo.

(Gửi cùng)

 

Đấy, Bùi Hữu Thiềm là thế. Đã nhớ đã thương thì ông cứ để mặc cho những câu thơ tuôn chảy tự nhiên theo mạch cảm xúc, chảy qua mọi không gian và thời gian, để ông và người đọc được chạm đến tận cùng sự sâu sắc của mạch cảm xúc ấy. 

Tôi lại nhớ, có khi Bùi Hữu Thiềm ốm, phải nằm bẹp trên giường, ông nhắn: “Bệnh tình buộc phải nằm suông/ Đêm nghe mọt gặm chân giường buồn sao/ Đời ai biết trước thế nào/ Đến Vua cũng phải “bàn giao” ngai vàng”. Ông vốn là người ít chịu ngồi yên một chỗ, đã ốm đến phải “nằm suông” trên giường rồi mà vẫn còn thẩn với thơ thì chính xác phải gọi là nghiện thơ. Mà quả đúng là ông nghiện thật, cái này không phải người khác thấy mà tự ông cũng thấy rồi: “Thật lòng đã nghiện khó cai/ Nhớ thơ đêm thức dậy hai ba lần/ Hôm nay nhân tháng giêng rằm*/ Xin giời xá tội cho thằng... yêu thơ!”.

Đấy, vì thơ mà đêm thức dậy hai ba lần thì làm gì chả mất ngủ. Mà mất ngủ vì thơ hay vì chuyện gì khác thì có giời mới biết được. Nhưng đêm mất ngủ, ông lại đổ diệt là do lạ giường, rồi ông nhắn: “Cả đêm giấc ngủ chập chờn/ Chiêm bao chẳng phải, giận hờn cũng không/ Người thì bảo tại nhớ mong/ Kẻ rằng cái giống đàn ông lạ giường”. Những lúc như thế, tôi thường trêu: “Chú lại vơ vẩn nhớ cô nào đây!”. Chả biết có đúng không mà tôi bị ông “chửi”: “Bố mày!”. Những lúc bị tôi “bắt thóp”, ông hay mắng tôi thân mật như thế.

Chúng tôi vẫn gọi Bùi Hữu Thiềm là Nhà thơ của miền biên viễn, không chỉ bởi vì ông nhớ và thân thiết với tất cả những người làm công tác văn hóa văn nghệ khắp 8 huyện Miền Đông, mà còn vì bất cứ ai ra đến dải đất Miền Đông này, nếu là người sáng tác văn chương, hoặc giả cũng chỉ là người yêu và thấy có cái thú dù nhỏ với văn chương, thì nhất định không thể không nghe, không biết, không từng gặp ông. Người ta trọng cái tài của ông, trọng cái tâm của ông với văn hóa, văn nghệ và họ trọng cái tình của ông đối đãi với bè bạn, văn nhân. Chúng tôi dù đi đến đâu, thì sau câu hỏi: “Bạn ở đâu?” sẽ là câu hỏi “Ô, nếu ở đấy thì có biết Bùi Hữu Thiềm không?”. Một cách rất tự nhiên, ông đã định danh, gắn “logo” thương hiệu của mình khắp vùng biên viễn này như thế.

Bùi Hữu Thiềm là người gốc Vạn Ninh, nơi được coi là một vùng đất cổ của Móng Cái với nhiều trầm tích thời gian, nhiều nét văn hóa còn đậm nguyên bản sắc dân tộc Việt, tiêu biểu là Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Vùng đất cổ ấy đã sinh ra ông, nuôi dưỡng ông, thấm đẫm trong ông cái hồn hậu, mộc mạc, chân thành của chính chiều sâu văn hóa ấy, để những núi Hổ, sông Mang, Đồng Chùa, Thoi Giếng... cứ thế đi vào thơ ông, trở thành địa danh thân thuộc, mang dấu ấn đặc biệt với mọi người:

Làng tôi xưa gọi Đồng Chùa

Mái xơ xác rạ, đất chua chát phèn

Bao đời từ đấy lớn lên

Có tôi và có cả em bây giờ!

 

Tôi như thể bước theo mơ

Để đi tìm lại áng thơ một thời

Gái thôn Thặt hát lả lơi

Làm trai xóm Dóc đứng ngồi chẳng yên.

 

Đã yêu - dù nát mạn thuyền

Neo mòn gốc gạo, cạn duyên vẫn chờ.

... Thưa giùm muôn cõi xa xôi

Đồng Chùa vẫn mãi trong tôi: Đồng Chùa!

(Đồng Chùa - làng tôi)

Hay:

Xưa làng có một dòng sông

Nghe ông bà kể: Nước nông choèn choèn

Dần dà đất lấp vùi lên

Sóng chìm từ đấy, sóng yên lặng dần.

 

Xưa làng mỗi độ vào xuân

Hoa xoan tím ngõ, dấu chân hẹn hò

"Đấy mà đã có lòng chờ

Đây có lòng đợi bao giờ thì bao"…

 

Xưa làng có chiếc cầu ao

Ai ngồi giặt áo yếm đào bỏ quên?

Trăng chênh chếch rọi bên thềm

Ai ngồi nhớ bạn - Buồn riêng một mình?

 

Làng xưa kia có hội Đình

Mấy "ông" cai đám, vợ xinh nhất vùng

Có đi hát ví von cùng

Áo the giữ vạt xin đừng vội trao.

 

Ngỡ ngàng thật ngỡ ngàng sao

Tôi về tìm lại lạc vào làng xưa.

(Làng xưa)

Thơ Bùi Hữu Thiềm nhẹ nhàng nhưng nhiều cảm xúc, cũng lại nhiều tầng bậc của suy lý. Bởi thế, nó luôn mang đến cho người đọc những rung cảm đáng yêu hoặc sự thú vị, bất ngờ của nhiều lớp nghĩa, nhiều chiều liên tưởng. Nó khiến người ta cởi mở, gần gũi, thân tình, yêu quý nhau hơn, thấy lạc quan, trân trọng và yêu hơn những nét đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người.

Tôi muốn viết về Bùi Hữu Thiềm và thơ ông nhiều hơn nữa, viết cả về cơ duyên và những ân tình sâu nặng mà tôi may mắn có được đối với người thơ mà tôi kính trọng như cha. Nhưng một năm mới lại đang về rạo rực ngoài kia, tập thơ riêng thứ 6 mang tên “Góc phố hồn quê” mới toanh của Bùi Hữu Thiềm cũng vừa kịp xuất bản chào xuân mới, vẫn còn nóng hổi và thơm mùi mực nằm đây. Tôi lại muốn để người đọc tự cảm nhận, tự chiêm nghiệm theo cách riêng và bằng xúc cảm riêng của mỗi người. Và tôi chỉ xin mượn những câu thơ như một bức tự họa của ông để thay cho lời kết:

Khép lại câu thơ vừa khô mặt giấy

Ngọn đèn chong lặng lẽ với riêng lòng

Chẳng ai giục mà sông vẫn chảy

Một dòng đầy bên đục với bên trong...

                                                              (Khúc tự tình)

                                                             

Đặng Thị Thúy (Hội VHNT Hải Phòng)

Hải Phòng, 2023


Có thể bạn quan tâm