May 5, 2024, 10:14 pm

Một ngôn ngữ thinh lặng

(Trích diễn từ giải Nobel Văn chương của Jon Fosse, tác giả được giải Nobel Văn chương năm 2023)

Lúc 17:00 ngày 7/12/2023 (23:00 giờ Việt Nam), tác giả, nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse đã đọc bài Diễn từ Giải Nobel Văn chương tại Học viện Thụy Điển ở Stockholm, Thụy Điển, trước thềm lễ trao giải Nobel vào ngày 10 tháng 12.

Jon Fosse sinh năm 1959 tại Haugesund, dọc bờ biển phía tây Na Uy. Ông có sự nghiệp văn chương đồ sộ với vô số tác phẩm viết bằng tiếng Nynorsk thuộc nhiều thể loại từ kịch, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận đến sách thiếu nhi và dịch phẩm. Dù là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được trình diễn rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay, những áng văn xuôi của ông cũng ngày càng được công nhận. Ông được trao giải Nobel Văn chương năm 2023 vì “những vở kịch và áng văn xuôi độc sáng đã cất tiếng cho những điều không thể nói”.

Nhà văn người Na Uy, Jon Fosse, được trao giải Nobel Văn học 2023. Nguồn: Jessica
Gow/TT News Agency/AFP/Getty Images.

Chuyện xảy ra không hề báo trước vào thời tôi còn học cấp hai. Giáo viên yêu cầu tôi đọc to. Và không biết do đâu, tôi bị nỗi sợ hãi bất ngờ xâm chiếm khuất phục. Như thể tôi đã biến mất vào nỗi sợ đó và nó là toàn bộ tôi. Tôi đứng dậy và chạy ra khỏi lớp. Tôi nhận thấy ánh mắt to tròn của các bạn học và của giáo viên theo mình ra khỏi lớp. Sau đó tôi cố gắng giải thích hành vi kỳ lạ của mình rằng tôi phải đi vệ sinh. Tôi thấy được trên khuôn mặt những người nghe rằng họ không tin tôi. Và có lẽ họ nghĩ tôi bị điên, đúng vậy, tôi đang trên hành trình trở nên điên loạn.

Nỗi sợ đọc to này đã đi theo tôi. Qua thời gian, tôi tìm được dũng khí để xin thầy cô cho phép mình không phải đọc to, vì tôi rất sợ chuyện đó, có người tin và không hỏi nữa, có người cho rằng bằng cách này hay cách khác, tôi đang trêu đùa họ.

Tôi đã học được điều quan trọng về con người từ trải nghiệm này.

Tôi còn học được nhiều điều khác. Vâng, rất có thể chính là điều giúp tôi có thể đứng đây và đọc to trước quý khán giả ngày hôm nay. Và giờ đây dường như không còn bất kỳ chút sợ hãi nào…

Theo cách nào đó, như thể nỗi sợ hãi đã lấy đi ngôn ngữ của tôi và tôi phải giành lại nó, có thể nói như vậy. Và nếu tôi làm điều đó, không phải để nương theo mong muốn của người khác, mà là của chính tôi. Thế là tôi bắt đầu viết văn, thơ ngắn, truyện ngắn của riêng mình.Và tôi phát hiện ra rằng điều này mang lại cho mình cảm giác an toàn, mang lại cái đối lập với sợ hãi. Theo cách nào đó, tôi đã tìm thấy một chốn bên trong mình là của riêng tôi, và từ chốn đó tôi có thể viết ra những gì của riêng tôi. Giờ đây, khoảng năm mươi năm sau, tôi vẫn ngồi viết - và tôi vẫn viết từ chốn bí mật ấy bên trong mình, một chốn mà thực lòng tôi không biết gì nhiều hơn ngoài sự tồn tại của nó.

Vì nỗi sợ đọc to, tôi bước vào cái cô đơn ít nhiều là cuộc sống của một người viết lách – và tôi đã ở đó bấy nay. Tôi đã viết rất nhiều cả văn xuôi lẫn kịch. Và tất nhiên, đặc điểm của kịch là lời thoại ở dạng văn bản, trong đó cuộc đối thoại, cuộc trò chuyện hoặc thường hơn là nỗ lực biểu đạt lời nói, và những gì thuộc về độc thoại, luôn là một vũ trụ tưởng tượng, là một phần của điều gì đó không mang tính thông tin, nhưng có bản thể và sự tồn tại của riêng mình…

Ngày ấy tôi viết tiểu thuyết và thơ nhưng không hề có mong muốn viết cho sân khấu, nhưng qua thời gian, tôi đã làm điều đó vì - như một phần của sáng kiến do nhà nước tài trợ khuyến khích viết thêm nhiều vở kịch Na Uy mới - tôi nhận được đề nghị mà đối với tôi, một tác giả nghèo, là số tiền kha khá để đặt bút viết cảnh mở đầu một vở kịch, và cuối cùng viết cả một vở kịch, vở kịch đầu tiên và đến nay vẫn là vở được trình diễn nhiều nhất của tôi, Ai Đó Sẽ Đến (Someone Is Going to Come). Lần đầu viết kịch hóa ra lại là bất ngờ lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của tôi. Vì trong cả văn xuôi và thơ, tôi đã cố gắng viết những điều mà thông thường - bằng ngôn ngữ nói thông thường - không thể diễn tả thành lời. Vâng, đúng vậy. Tôi đã cố gắng diễn đạt điều không thể nói, đây cũng là lý do được đưa ra khi trao giải Nobel cho tôi. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời không thể nói, mà chỉ có thể viết ra, xin phép lật lại câu nói nổi tiếng của Jacques Derrida. Vì vậy, tôi cố gắng tìm từ ngữ cho những lời thinh lặng. Và khi viết kịch, tôi có thể sử dụng lời thoại thinh lặng, những con người thinh lặng, theo cách hoàn toàn khác với văn xuôi và thơ. Tất cả những gì tôi phải làm là viết từ ngưng nghỉ, và lời thoại thinh lặng sẽ ở đó. Và trong các vở kịch của tôi, từ ngưng nghỉ chắc chắn là từ quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất - ngưng nghỉ dài, ngưng nghỉ ngắn hoặc đơn giản là ngưng nghỉ. Những khoảng ngưng nghỉ này có thể hàm chứa rất nhiều hoặc rất ít. Điều gì đó không thể nói được, điều gì đó không muốn nói ra, hoặc cách tốt nhất để nói là không nói gì cả. Tuy nhiên, tôi khá chắc chắn rằng điều nói lên nhiều nhất qua những khoảng ngưng nghỉ là sự thinh lặng…

Nhưng một diễn văn thinh lặng, hay một ngôn ngữ thinh lặng, chủ yếu cất lên từ tổng thể của một tác phẩm. Cho dù đó là một tiểu thuyết, một kịch bản hay một vở kịch sân khấu, bản thân các bộ phận không phải điều quan trọng, mà là tổng thể, điều cũng phải tồn tại trong từng chi tiết nhỏ nhất – hoặc có lẽ tôi mạn phép nhắc đến tinh thần của tổng thể, theo một cách nào đó tinh thần này lên tiếng từ cả gần lẫn xa. Và bạn sẽ nghe thấy gì nếu bạn lắng nghe chăm chú? Bạn nghe thấy sự thinh lặng. Và như người ta vẫn nói, chỉ trong thinh lặng bạn mới có thể nghe được giọng nói của Chúa. Có lẽ là vậy.

Quay lại với thực tế, tôi muốn đề cập một điểm khác mà công việc viết kịch cho nhà hát đã mang lại cho tôi. Viết lách là một nghề nghiệp cô đơn, và cô đơn là điều tốt – miễn là con đường quay trở lại với những người khác vẫn rộng mở... Và điều thu hút tôi khi lần đầu nhìn thấy tác phẩm của mình được biểu diễn trên sân khấu, vâng, hoàn toàn trái ngược với nỗi cô đơn, đó là sự đồng hành. Để sáng tạo nghệ thuật thông qua việc chia sẻ nghệ thuật - điều đó mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc và an lành tuyệt vời. Vỡ lẽ này đã theo tôi kể từ đó, và tôi tin rằng nó đã đóng một vai trò quan trọng giúp tôi không chỉ kiên trì, với một tâm hồn bình yên, mà còn cảm nhận điều gì đó hạnh phúc ngay cả từ những màn trình diễn tồi tệ các vở kịch của mình.

Sân khấu thực sự là một hoạt động lắng nghe trên diện rộng - đạo diễn phải, hoặc chí ít nên, lắng nghe văn bản, cách các diễn viên lắng nghe nó, lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe đạo diễn, cũng như cách khán giả lắng nghe toàn bộ buổi biểu diễn. Và đối với tôi, việc viết lách là lắng nghe: khi tôi viết tôi không bao giờ chuẩn bị, tôi không lập kế hoạch gì cả, tôi tiến hành bằng cách lắng nghe. Vậy nên nếu tôi sử dụng một phép ẩn dụ cho viết lách, thì đó phải là lắng nghe...

Một điều nữa, có lẽ hơi lạ, là khi tôi viết, đến một lúc nào đó tôi luôn có cảm giác rằng văn bản đó đã được viết rồi, ở đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi, và rằng tôi chỉ cần viết nó ra trước khi văn bản biến mất. Thỉnh thoảng tôi có thể làm việc ấy mà không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào, đôi khi tôi phải tìm kiếm văn bản đó bằng cách viết lại, cắt xén và chỉnh sửa, và cẩn thận cố gắng đưa ra văn bản đã được viết sẵn. Và tôi, người từng không muốn viết cho sân khấu, cuối cùng đã làm việc đó, chỉ trong khoảng mười lăm năm. Và những vở kịch tôi viết thậm chí còn được trình diễn, vâng, theo thời gian, rất nhiều vở kịch được lên sân khấu ở nhiều quốc gia…

Sau nhiều năm hầu như chỉ viết kịch, tôi đột nhiên cảm thấy như thế là đủ, vâng, quá đủ, và tôi quyết định ngừng viết kịch. Nhưng viết lách đã trở thành thói quen và tôi không thể sống thiếu nó – có thể giống như Marguerite Duras, bạn có thể gọi nó là một căn bệnh – nên tôi quyết định quay trở lại nơi mọi chuyện bắt đầu, viết văn xuôi và các thể loại văn chương khác, như cách tôi đã làm trong ít nhất một thập kỷ trước khi ra mắt với tư cách là một nhà viết kịch. Đó là điều tôi đã làm trong mười lăm năm qua. Khi bắt tay vào nghiêm túc viết văn xuôi trở lại, tôi không chắc mình còn có thể làm được hay không...

Tôi không có ý định viết một cuốn tiểu thuyết dài, nhưng cuốn tiểu thuyết ít nhiều tự nó viết ra, và nó trở thành một cuốn tiểu thuyết dài, và tôi viết nhiều phần trôi chảy đến mức mọi thứ đều lập tức đúng. Và tôi nghĩ đó là khi tôi ở gần nhất với điều bạn có thể gọi là hạnh phúc…

Những cuốn sách đầu tiên của tôi được đánh giá khá tiêu cực, nhưng tôi quyết định không nghe lời phê bình, tôi chỉ nên tin tưởng vào bản thân mình, vâng, hãy kiên trì với công việc viết lách của mình. Và nếu không làm vậy, vâng, thì tôi đã ngừng viết sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Raudt, svart (“Đỏ, đen”) ra mắt bốn mươi năm trước. Sau đó, tôi hầu hết nhận được những đánh giá tích cực và thậm chí bắt đầu nhận giải thưởng – và sau đó tôi nghĩ quan trọng là phải tiếp tục với logic tương tự, nếu tôi không lắng nghe những đánh giá không tốt, tôi cũng sẽ không để thành công tác động đến mình, tôi sẽ kiên định với văn chương của mình, kiên định với những gì tôi đã tạo ra. Và tôi nghĩ đó là điều tôi đã làm được, và tôi thực sự tin rằng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó ngay cả sau khi đã nhận giải Nobel…

Tâm Anh 

Dịch từ bản dịch tiếng Anh của May-Brit Akerholt

Nguồn Văn nghệ số 50/2023


Có thể bạn quan tâm