April 27, 2024, 12:35 pm

Một mình giữa bãi hoang

Tháng 9-2022. Một đêm thu bên sông Lam gió ào ạt thổi, ánh đèn từ những nhà dân phía bên kia sông, thuộc địa phận phía huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh hắt qua chập chờn. Vũ Trọng Tiệp, chàng trai trẻ 27 tuổi quê Hải Phòng vào đất này lập trại nuôi rươi, trồng rau mấy năm rồi, đã bị một tốp người đuổi đánh. Sự việc bắt đầu từ việc Tiệp phát hiện có người trộm rươi trong đầm của mình, anh nghi ngờ, dò hỏi đám người đang uống rượu ở trang trại bên cạnh, và: “Khoảng 10 phút sau, anh Sơn cùng ba thanh niên đi xe máy đến trang trại khi tôi đang ăn cơm, họ chửi bới; sau đó anh Sơn cùng một thanh niên lao vào, dùng gậy đánh đập tôi. Quá hoảng sợ, tôi chạy về hướng xóm Mỹ Thanh, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên”.

Nhưng Tiệp một thân một mình, thân cô thế cô, không thể chạy thoát: “Họ truy đuổi dùng gậy đánh tới tấp. Tôi chạy về hướng có ánh đèn của dân làng, người thanh niên đuổi tôi bị ngã. Anh Sơn phóng xe máy tăng tốc đuổi theo, tôi vừa chạy vừa rút điện thoại gọi cho anh Ngọc Dũng nhà báo, công tác tại đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An để cầu cứu: “Anh ơi! Cứu em với”, thì anh Sơn đuổi kịp dùng gậy đập nát điện thoại của tôi, ném xuống đầm. Anh Sơn đánh cho đến khi tôi gục xuống”.

Đó không phải lần đầu tiên Tiệp bị đánh ngay trên trang trại bãi bồi sông Lam này. Anh ngậm ngùi: “Đất đai ở đây tốt lắm, trồng rau nuôi rươi rất có hiệu quả, dòng sông Lam thì quá đẹp, mà sao lại có những người như thế?...”.

Anh Vũ Trọng Tiệp - nhân vật trong bài viết.

Từ bao đời vùng đất bãi bồi ngoài đê này rộng hàng trăm ha nhưng người dân xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên chẳng thể canh tác gì, ngoại trừ việc nuôi thả trâu bò trong mấy tháng mùa xuân. Mùa nắng, nơi đây biến thành hoang mạc khô cằn; mùa mưa, nó là nơi hứng trọn nguồn nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Vậy nên, khi có một thanh niên xa lạ, từ miền Bắc về đây thuê đất canh tác, làm ăn, người dân nơi đây đã kháo nhau: “Ngoài bãi xuất hiện một thằng khùng”.

Tiệp chia sẻ: Nhà tôi rất nghèo, chỉ có mẹ già và chị gái, không có đất, tôi học đại học ngành hóa dầu đến năm thứ ba thấy không thể theo được vì hoàn cảnh khó khăn quá, nên xin nhà trường bảo lưu kết quả, đi làm. Tôi rửa bát ở quán ăn, được chủ nuôi ăn còn tiền công ba tháng thì mua một chiếc điện thoại và trả học phí tiếng Anh. Khi rảnh tôi ra hồ Gươm bắt quen và trò chuyện với khách du lịch nước ngoài để luyện tiếng. Cứ thế trình độ tiếng Anh tốt dần lên và tôi được một trung tâm dạy tiếng Anh ở Hà Nội tuyển làm trợ giảng. Chiếc điện thoại di động chỉ cài phần mềm từ điển và học tiếng Anh, đêm ngủ mơ cũng nói tiếng Anh. Tôi dành dụm tiền mua chiếc xe đạp, khi rảnh lại đạp xe khắp Hà Nội, gặp khách du lịch là đến trò chuyện, hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đường cho họ để học tiếng. Rồi cơ duyên đến, tôi thành hướng dẫn viên du lịch lúc nào không hay. Tiếng Anh đã ổn, tôi lại bắt đầu tự học tiếng Trung. Một lần đi tour dẫn khách lên Sa Pa, tôi thấy nhiều trẻ em người Mông, người Dao bán hàng lưu niệm nói tiếng Anh chưa chuẩn, vậy là tôi thuê nhà trọ ở lại vừa làm hướng dẫn viên du lịch vừa mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em. Lớp đông lắm, có đến mấy trăm em học rất hào hứng.

Tiệp không chỉ dạy mà còn truyền cảm hứng cho các em bằng cách lồng những câu chuyện về mơ ước, tương lai vào bài học. Lớp học ngoài trời, ở trước sân nhà thờ đá cổ Sa Pa được 6 tháng thì anh công an khu vực nói với Tiệp: “Việc em làm rất tốt nhưng tổ chức lớp học ở nơi công cộng này thì không tiện lắm, em nên tìm nơi có phòng ốc đàng hoàng”. Thù lao hướng dẫn viên chỉ đủ sống, anh làm sao có tiền để thuê phòng học bây giờ? Vậy là Tiệp đành tạm biệt các em nhỏ người Mông, Dao, trở về xuôi. Thầy trò chia tay, các em nhỏ khóc nhiều lắm, cứ níu áo Tiệp: “Khi nào thầy trở lại? Thầy có nhớ chúng em không?”. “Dear teacher, I will inform you when my dream comes true!” (Thầy ơi, khi nào em đạt được ước mơ thì em sẽ báo tin cho thầy nhé!).

Tiệp về Hà Nội, xin đi dạy tiếng Anh ở trung tâm một thời gian để trải nghiệm, tích lũy được một số vốn, rồi anh về quê. “Ở quê tôi huyện Tiên Lãng, Hải Phòng nhiều nhà khá giả đều nhờ nuôi rươi. Tôi tìm đọc tài liệu khoa học về rươi rất nhiều, và khi đó ở Việt Nam chưa có ai nhân giống được loài này. Muốn nuôi rươi chỉ có thể dựa hoàn toàn vào nguồn giống có sẵn trong tự nhiên”.

Chưa có ai làm thì Tiệp làm, anh mày mò thí nghiệm, thất bại hết lần này đến lần khác. Ấu trùng rươi sau khi nhân giống được một thời gian thì chết. Nhìn qua kính hiển vi, lớp lớp xác ấu trùng rươi nằm bất động xoáy vào tâm trí Tiệp. Và rồi trong óc anh chợt lóa lên: “Phải chăng ấu trùng chết vì thức ăn không phù hợp?”. Anh tiến hành đo miệng ấu trùng chỉ được khoảng 0,6 mi-cờ-rô mét. Cần phải tìm loại thức ăn cho ấu trùng có kích thước nhỏ hơn con số đó. Và anh tìm đến bà Đào Thị Hồng, giáo sư đầu ngành về tảo tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để xin giống loài tảo Chaetoceros về nhân lên làm thức ăn cho ấu trùng rươi. Giáo sư Đào Thị Hồng nói: “Đáng nhẽ tôi không cho đâu vì cậu là người “ngoại đạo”, nhưng dự án nhân giống rươi của cậu rất hữu ích và thú vị. Tôi chúc cậu thành công!”.

 Công đoạn nhân giống tảo cũng rất gian nan. 3 lọ thủy tinh giống tảo giáo sư Hồng cho, thì đã làm hỏng mất 2. Chỉ còn một lọ cuối cùng, Tiệp ngồi trắng đêm bên chậu nước lớn canh giống tảo. Cho đến khi mệt quá thiếp đi một lúc, mở mắt ra thấy tảo đã nhân rộng phủ kín một màu xanh nhạt đều khắp mặt chậu, Tiệp liền chuyển sang chậu chứa ấu trùng rươi. Qua kính hiển vi, khi nhìn thấy rõ từng con ấu trùng rươi nuốt từng hạt tảo li ti, Tiệp mừng quá một mình hét lên: “Được rồi, mẹ ơi, con làm được rồi”.

Có giống rươi rồi, nhưng bây giờ nuôi ở đâu? Đất đai quê nhà Tiên Lãng ở đâu cũng đã có chủ. Tiệp lên mạng tìm hiểu, dùng công cụ Google Maps dò tìm những bãi bồi trên các con sông miền Bắc, miền Trung. “Tôi đọc báo thì biết được vùng đất ven sông Lam phù hợp có thể ươm nuôi rươi”.

Tiệp bắt xe vào Nghệ An, lội bộ dọc hai bờ sông Lam và chọn được mảnh đất hoang này, anh đến UBND xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh thuê diện tích khoảng vài chục ha trong thời hạn 5 năm. Từ đó người dân sở tại thấy một anh chàng đẹp trai, thư sinh nói giọng Bắc ngày ngày lầm lũi một mình trên bãi bồi lập trại, be bờ, ngăn đập nước. Người dân xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên nói: “Thằng Tiệp mua cọc tre trong xóm để dựng hàng rào trồng cây giữa bãi. Đất ni hạn cháy, rồi nó cũng phải bỏ của chạy lấy người mà thôi. Không biết nó cầm mấy bằng đại học, chứ mà nằm giữa trời thế này thì nguy hiểm chết người đó”.

Vũ Trọng Tiệp chưa có mảnh bằng đại học nào, anh chỉ có khát vọng, nhiệt huyết và mơ ước của tuổi trẻ. Ngày 20-2-2019, anh đăng lên trang facebook cá nhân: “Vùng đầm lầy rộng lớn ngập nước, vùng cát trắng trải dài ngút tầm mắt đến tận phía chân trời xa xa, đó là những hình ảnh đầu tiên đập vào tôi khi bước chân tới vùng đất này. Trong suy nghĩ của tôi, vốn tài sản quý nhất không phải là tiền mà chính là kinh nghiệm có được từ niềm đam mê chinh phục dám đương đầu với thử thách”.

Sau nửa năm đánh vật với cỏ dại, đầm lầy, Vũ Trọng Tiệp đã hình thành được một vùng trang trại ngoài đê. Anh đặt cho nó cái tên “Sola farm”. Mục tiêu đầu tiên của Tiệp là ươm giống, nuôi cấy ấu trùng rươi trên 3 ha diện tích đất ngập nước. Và những ấu trùng rươi đầu tiên đã sinh trưởng tốt tại vùng đầm lầy này. Anh nói: “Khi thấy đất đai bỏ hoang tôi xót lắm. Và trong thâm tâm tôi nghĩ mình hoàn toàn có giải pháp để làm được, để đem lại cho mình một nguồn lợi nhuận, tuy không nhiều nhưng giúp mình có thể trang trải hàng ngày và tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ làm một cái đầm diện tích lớn nuôi rươi”.

Toàn bộ diện tích đất khô gần 20 ha, Tiệp quyết tâm cải tạo để gieo trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Người dân xã Hưng Lam bắt đầu thấy anh chàng người Hải Phòng ấy hùng hục cả ngày lẫn đêm, không lúc nào ngơi tay. Làm bạn với Tiệp là chiếc máy cày từ sáng đến tối, cùng “những cơn gió sông phóng khoáng” và “những ánh sao đêm bên giấc mơ về nông nghiệp” mà anh chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Khi màu xanh của Sola farm bắt đầu phủ lên vùng đất hoang bạc màu, tháng 7-2019, một trận lũ lớn bất ngờ băng băng tràn về, cướp đi toàn bộ mồ hôi lao động của chàng thanh niên. Nước lũ rút dần lộ ra cát nâu vàng lấp phủ toàn bộ diện tích trang trại, lòng Tiệp tái tê. Ở lại tiếp tục hay bỏ cuộc? Anh cúi xuống bãi bồi vốc lên một nắm cát, từng hạt cát nhỏ phản chiếu ánh hoàng hôn, lấp lánh như những ánh sao, như thách thức, mời gọi anh.

Tiệp làm lại từ con số 0, thậm chí là con số âm. Khi gần như toàn bộ tài sản đã bị nhấn chìm, anh cần có vốn để cứu lấy trang trại, trước nữa là để nuôi sống bản thân. Và Tiệp đã lựa chọn cách dạy tiếng Anh online vào buổi tối: “Tôi dạy tiếng Anh online, để vốn tiếng Anh của mình không mất đi và đó là một nguồn thu nhập rất đáng kể, để có thể tiếp tục bám trụ, tiếp tục những dự định tiếp theo của mình ở vùng đất này”.

Vụ mùa năm thứ 2, ngoài việc đắp đập, be bờ, cải tạo đầm rươi, Tiệp tính toán để trồng những giống cây ngắn ngày có thể tránh lũ. Ra tay cày xới tất cả vùng bãi bồi để trồng đậu, lạc, bí, anh đã đem một luồng sinh khí mới về nơi mảnh đất cằn.

Rồi Vũ Trọng Tiệp bắt đầu có những đối tác làm ăn đầu tiên, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng LoliFood nhận bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của Sola farm. Anh Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty cho biết: “Tiệp trồng đậu không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu, hiện năng suất Tiệp làm chưa đủ cung cấp cho tôi. Nhưng tôi tin với sự quyết tâm của Tiệp, với ý chí, năng lực và trí thông minh của bạn được đào tạo ở trường đời thì tôi tin là sớm muộn gì bạn ấy cũng có thể thành công”.

Thành công ban đầu của Tiệp khiến không ít nông dân trong vùng bấy giờ mới nhận ra: Đây là vùng đất có cơ hội để làm giàu. Và anh không hề lường trước được ngoài chống chọi với thiên tai, bản thân còn phải đối mặt với nhân tai. Cây chuối giống anh mua về tập kết trên đường làng bị người dân trộm, cướp. Người dân nói rằng Tiệp lập trang trại, họ không còn chỗ thả trâu bò. Để ngăn chặn trâu bò nuôi thả trên cánh đồng phá hoại hoa màu, một mình Vũ Trọng Tiệp đã dựng lên hàng rào thép gai dài hơn 3000m. Nhiều buổi sáng thức dậy, Tiệp nhận thấy hàng rào bị phá, cắt vài đoạn. Mỗi ngày vài đoạn Tiệp vá lại không xuể. Và anh cứ lầm lũi như vậy. Nông trại của anh đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Đó lại chính là cơ hội cho những hoạt động săn bắt diễn ra liên tục nơi đây. Tiệp tìm mọi cách để ngăn chặn. Từ chỗ đúng, nhưng yếu thế, mâu thuẫn của Tiệp với người dân lớn dần thêm. Tiệp bị người ta đánh nhiều lần vì thế. Tiệp nói: “Lúc đầu tôi rất giận. Nhưng về sau thì tôi cảm giác thương nhiều hơn là giận. Nếu họ có mức sống cao, đời sống cao, có nhiều tiền thì liệu họ có làm điều đó không?”.

Vụ rươi năm 2021, sản lượng không đạt được như tính toán. Tiếp tục mày mò, tìm hiểu, Tiệp phát hiện ra một vấn đề khác. Đây là một trong những tác nhân đã gây nhiễm độc cho giống thủy sinh này. Người dân xung quanh dùng hóa chất rất nhiều khiến cho tất cả sinh vật sống ở sông, bao gồm tôm cá, bao gồm cả rươi gần như bị tuyệt diệt”.

Từ mô hình Sola farm của Tiệp, người dân nghèo ở đây đã nhìn thấy một con đường sáng, đó là từ nỗ lực của một người lao động chân chính trên cánh đồng bãi hoang, vẫn có thể làm giàu. Họ nói với nhau: “Mấy ông xem thằng Tiệp hắn làm kìa, cái thứ đất ta chó nằm bỏng đuôi mà nó làm ra tiền luôn đó. Bí đỏ, bí xanh, dưa hấu. Đất của ta vứt rứa chơ để cho hắn làm là nên sự nghiệp đó”. Nhưng cũng chính vì thế, vụ Đông Xuân năm 2021, đường vào Sola farm đã phải khép lại, theo đúng nghĩa đen. Những người nông dân trong vùng đã cày xới, canh tác trên chính con đường vào - ra trang trại của Tiệp. “Thằng Tiệp mần chi có đất ở đây mà mở đường. Hắn làm được thì bầy tui cũng làm được chớ!”.

Không còn lối đi, sức lực và vốn liếng cạn kiệt, tháng 11-2021, sau 3 năm lập nghiệp tại vùng bãi bồi sông Lam, Vũ Trọng Tiệp buộc phải tạm chia tay mảnh đất xứ Nghệ, với một lời hẹn: “Thực sự là mình đã trót yêu vùng đất này, giống như tình yêu với một ai đấy. Khi mà mình đi rồi thì mình vẫn rất là nhớ nó. Chắc là chả bao giờ mình quên được. Nếu mà có cơ hội quay lại, tất nhiên là với những điều kiện mà mình tính toán trong phạm vi mà mình có thể làm thành công được, nhất định là mình sẽ quay lại”.

Tháng 11-2022, Tiệp dẫn chúng tôi trở lại nơi từng là Sola farm. Ở đây ngoài phần diện tích đất anh hợp tác đầu tư cùng một nông dân ở huyện Quỳnh Lưu đang trồng bí, cát lũ lấp vùi và cỏ lại mọc trên bãi bồi từng là cánh đồng xanh mướt của Tiệp. “Chỗ này tôi định trồng đậu, nhưng đã bị người ta phá hủy giao ước, giành mất rồi. Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng đã mời tôi lên làm việc, hòa giải với anh Sơn và mấy người đánh tôi hôm trước. Họ tự nguyện bồi thường tiền viện phí, nhà họ cũng nghèo, quẫn lắm. Tôi đã rút đơn đề nghị khởi tố vụ án”.

Chúng tôi nhìn ra xung quanh, thấp thoáng trên bãi bồi người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đang canh tác trong những cánh đồng đã được rào giậu kín kẽ. Họ đang làm theo cách của Tiệp từng làm. Bãi hoang đã có nhiều người đến gieo trồng. Tiệp nói: “Tôi thấy vui vì điều đó cũng là một phần trong kế hoạch của mình. Ít nhất mình đã biến được vùng đất khô cằn, sỏi cát đó thành một trang trại màu mỡ, hoa trái”. Chúng tôi nghĩ rằng dù rồi đây mảnh đất hoang bên bờ sông Lam này có thuộc về ai đi nữa, thì cũng đã thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu của một chàng trai trẻ có tri thức, tấm lòng và tình yêu, nghị lực sống thật đáng trân trọng.

Chúng tôi muốn nói với Vũ Trọng Tiệp, anh không một mình giữa bãi hoang, và hơn thế, giữa đời này!

Bút ký của Trần Hoài

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm